8 khuyến nghị với doanh nghiệp BĐS trước lộ trình siết tín dụng
Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh ( HoREA) đưa ra 8 khuyến nghị cho các DN kinh doanh bất động sản (BĐS), nhằm ứng phó với lộ trình hạn chế tín dụng vào BĐS.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA – cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay tín dụng cho kinh doanh BĐS đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, quy mô tín dụng lĩnh vực này đã giảm dần. Trong đó, năm 2018, tốc độ tăng tín dụng 12%, nhưng tín dụng BĐS chỉ hơn 5%. Đặc biệt, từ đầu năm 2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%. Hệ số rủi ro với hoạt động cho vay kinh doanh BĐS cũng nâng từ 150% lên 200%.
HoREA đưa ra 8 khuyến nghị để các doanh nghiệp ứng phó với lộ trình siết tín dụng bất động sản
Chính sách thắt chặt tín dụng vào BĐS đang được áp dụng theo lộ trình đã và đang ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của các doanh nghiệp (DN). Để thích nghi với lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS, HoREA đã đưa ra 8 khuyến nghị với DN để ứng phó.
Cụ thể: các DN cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị DN… để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Các DN cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế do ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Thứ hai, các DN luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, xây dựng căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường. Đồng thời, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh BĐS (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà, được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).
Ba là, các DN luôn luôn phấn đấu để trở thành là nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp và có năng lực trong phân khúc thị trường và sản phẩm mà mình đã chọn, để trở thành DN có trách nhiệm xã hội.
Khuyến nghị thứ 4, các DN cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 01 tỷ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững; tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng và đề án xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông TP. Hồ Chí Minh…
Video đang HOT
Khuyến nghị thứ 5, các DN cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của DN; và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn BĐS mạnh. Các DN cần xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện huy động vốn xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và nỗ lực phấn đấu để niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài. Thị trường chứng khoán là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng hàng đầu cho các DN BĐS. Đây là xu thế phát triển tất yếu của các DN BĐS.
Thứ sáu là, các DN lựa chọn đối tác là các DN, quỹ đầu tư nước ngoài (FDI) có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của DN. Hiện nay, nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là Hàn quốc, Nhật Bản, Singapore…
Bảy là, các DN quan tâm xây dựng chiến lược gia tăng bền vững giá trị BĐS, trong đó vị trí là nhân tố hàng đầu quyết định giá trị BĐS… DN cần quan tâm các mô hình kinh doanh mới như đầu tư hệ sinh thái khởi nghiệp, văn phòng chia sẻ (Co-Working Space), chia sẻ phòng thuê (Airbnb)… làm gia tăng giá trị BĐS…
Khuyến nghị cuối cùng, là các DN quan tâm 3 tiêu chí an toàn quan trọng hàng đầu về xây dựng và quản trị DN. Cụ thể, an toàn về pháp lý với tinh thần thượng tôn pháp luật. An toàn về tài chính và tín dụng DN, coi trọng quản lý đòn bẩy tài chính, đặc biệt là quản lý rủi ro các khoản vay trung dài hạn có lãi suất thả nổi hoặc vay bằng ngoại tệ…
Các chuyên gia kinh tế và BĐS cũng nhìn nhận, việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực BĐS, buộc các chủ đầu tư dự án BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng, nhằm phát triển thị trường BĐS bền vững.
Ông Lê Hoàng Châu: HoREA vừa có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước NHNN về Dự thảo Thông tư thay thế TT 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. HoREA kiến nghị tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiếp tục giữ trần 40% từ nay đến hết năm 2020.
Minh Khuê
Theo congthuong.vn
Hạn chế nguồn vốn vay trung dài hạn, ai sẽ bị ảnh hưởng?
Chỉ còn 2 tháng nữa là quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% về còn 40% chính thức có hiệu lực. Liệu diễn biến này sẽ có những tác động nào đến nền kinh tế nói chung cũng như ngành ngân hàng nói riêng?
Không chỉ ảnh hưởng đến các ngân hàng
Nếu như trước đây các ngân hàng được phép sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, thì theo quy định an toàn mới tỷ lệ này đã chính thức giảm về chỉ còn 50% kể từ đầu năm 2017, kế tiếp là 45% từ đầu năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm về 40% từ đầu năm 2019 tới.
Những ảnh hưởng của quy định an toàn mới này lên ngành ngân hàng sẽ ở cả 2 chiều tích cực lẫn tiêu cực. Ở mặt tích cực, việc hạn chế vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ giúp các ngân hàng nâng cao các chuẩn mực an toàn, hạn chế rủi ro kỳ hạn khi nguồn vốn hiện nay vẫn phụ thuộc vào tiền gửi ngắn hạn trong khi cho vay trung dài hạn lại chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ.
Ở chiều tiêu cực, ảnh hưởng lên lợi nhuận là thấy rõ nhất. Do từ trước đến nay các ngân hàng vẫn chủ yếu sử dụng vốn ngắn hạn huy động với lãi suất thấp và cho vay ra với kỳ hạn dài hơn tương ứng với lãi suất cao hơn, tức mở rộng được biên độ lãi suất nhờ tận dụng chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay, thì nay khi tỷ lệ này giảm xuống sẽ khiến các ngân hàng phải có 2 lựa chọn và đều tác động tiêu cực lên lợi nhuận.
Ở lựa chọn thứ nhất, các ngân hàng buộc phải tăng cường nguồn vốn huy động trung dài hạn với lãi suất cao hơn, khi đó chi phí vốn cũng lên cao hơn. Và nếu muốn đảm bảo duy trì được biên độ lãi suất như cũ, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay tương ứng, tuy nhiên điều này đi ngược lại với định hướng của nhà điều hành là luôn muốn giữ ổn định lãi suất cho vay, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang chứa đựng nhiều bất ổn và doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong tình hình hiện nay.
Ở lựa chọn thứ hai, các ngân hàng buộc phải giảm dư nợ cho vay trung dài hạn xuống để đảm bảo tỷ lệ này, thay vào đó tăng cường cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, các khoản vay ngắn hạn lại có lãi suất thấp hơn cho vay trung dài hạn, nên biên độ lãi suất cũng có khả năng co lại là điều tất yếu.
Cũng cần biết rằng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được tính theo kỳ hạn còn lại, nghĩa là một khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trên hợp đồng nhưng sang tháng sau, kỳ hạn còn lại chỉ là 11 tháng và do đó biến thành tiền gửi ngắn hạn. Vì vậy, các ngân hàng buộc phải huy động tiền gửi trung dài hạn một cách xuyên suốt, liên tục và ổn định, khi lượng tiền gửi trung dài hạn của các ngân hàng hiện nay cũng chủ yếu ở kỳ hạn chỉ từ 12 - 13 tháng.
Trong khi đó, các khoản vay trung dài hạn tại các ngân hàng hiện nay chủ yếu là cho vay tiêu dùng, cho vay đầu tư tài sản cố định, cho vay kinh doanh bất động sản, mua nhà với thời hạn từ 5 năm, 10 năm thậm chí đến 15 năm. Do đó, dù tính theo kỳ hạn còn lại nhưng chỉ sau vài tháng thì các khoản cho vay này cũng vẫn là trung dài hạn, trong khi tiền gửi trung dài hạn đã trở thành ngắn hạn như đã nói.
Không chỉ ngân hàng, mà cả doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi siết vốn cho vay trung dài hạn
Mà cả doanh nghiệp và nền kinh tế
Việc giảm tỷ lệ trên cũng sẽ có những tác động nhất định lên nền kinh tế. Vì để đảm bảo tỷ lệ này theo đúng quy định, các ngân hàng có thể phải tăng cường huy động vốn, cả trung dài hạn hoặc ngắn hạn, do đó lãi suất huy động cũng có xu hướng tăng lên là tất yếu. Thực tế cho thấy 2 tháng trở lại đây, mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng cũng đã có sự gia tăng đáng kể.
Thống kê cho thấy tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cập nhật gần nhất đến cuối tháng 5 của toàn hệ thống là 27,67%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là 30,23% và nhóm NHTM cổ phần là 31,6%. Mặc dù các con số trên khá thấp so với quy định hiện nay, nhưng không ít ngân hàng trong số này vẫn đang có tỷ lệ cận kề mức quy định hoặc thậm chí chưa đảm bảo theo quy định mới. Trong khi đó, với việc huy động vốn những tháng gần đây tăng trưởng chậm lại so với dư nợ thì khả năng tỷ lệ này có thể đã suy giảm hơn.
Đứng về phía doanh nghiệp, chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên hoặc nguồn vốn trung dài hạn cho vay ra bị thắt lại đều không có lợi, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp bất động sản thường phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay trung dài hạn phục vụ cho các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang suy giảm mạnh trở lại, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán sẽ càng khó khăn hơn thì các doanh nghiệp lại càng phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Chính vì vậy mà hồi cuối tháng 9 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019. Trước đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã từng một lần hoãn việc áp dụng tỷ lệ này theo lộ trình đặt ra trước đây, tuy nhiên lần này thì NHNN vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hay gợi ý nào cho thấy có thể lại hoãn quy định này.
MẪN NHI
Theo thegioitiepthi.vn
HoREA phản hồi gì về thông tin tồn kho bất động sản? Chiều ngày 10/6, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, Bộ Xây dựng chưa thật thỏa đáng, chưa đánh giá hết vấn đề khi đưa ra giá trị hàng tồn kho bất động sản (BĐS) tính đến 20/12/2018 đạt 22.825 tỷ đồng, giảm 82% so với lúc đỉnh điểm quý 1/2013. HoREA cho rằng, số liệu từ Bộ...