8 giờ giải cứu công nhân thủy điện bằng ròng rọc
Khi các tuyến đường, cầu bị núi sạt lở chia cắt hoàn toàn, lực lượng cứu hộ đã dùng ròng rọc đưa hơn 80 công nhân ra ngoài.
Hội trường UBND huyện Phước Sơn 7h sáng 30/10 hối hả với nhiều lực lượng họp bàn thành lập Sở chỉ huy tiền phương cứu hộ 2 điểm sạt lở, lũ quét tại xã Phước Lộc và hơn 200 công nhân thuỷ điện Đăk Mi 2 bị cô lập hai ngày nay.
Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó tham mưu trưởng Quân khu 5 cho biết, lực lượng trinh sát băng đường rừng báo về, hơn 50 km từ trung tâm huyện vào xã Phước Lộc có hàng chục điểm sạt lở, đặc biệt nhiều đoạn đường bị đứt gãy, muốn qua phải trườn theo sườn núi cheo leo, rất nguy hiểm.
Đường bộ lúc này tiếp cận vào xã vùng cao Phước Lộc lúc này là không thể nên việc huy động lực lượng tại chỗ tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở xã này được tính tới, trong đó có thể đưa người từ xã Phước Thành qua hỗ trợ, nhưng đoạn đường hai xã cũng bị chia cắt. Ngoài việc tìm kiếm 8 người còn mất tích, việc đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ và đưa lương thực, nước sạch vào với người dân các xã bị cô lập được ưu tiên tính toán.
“Hai mũi cứu hộ được triển khai song song, đoạn nào thông thì ta đi ôtô, khó khăn thì dùng xe máy tăng bo, cuối cùng thì lội bộ băng rừng để tiếp cận sớm nhất khu vực bị nạn. Tôi cũng đã đề xuất Kom Tum mở tuyến đường về Phước Lộc khi hai tuyến đường DH1 và DH2 chưa thể thông”, đại tá Nhạn nói.
9h, việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ gặp cản trở đầu tiên với đập tràn và các điểm sạt lở trên đường vào xã Phước Công. Đây là điểm xã gần với Phước Lộc nhất khi chỉ còn 15 km, tuy nhiên đoạn đường này bị sạt lở nghiêm trọng.
Lực lượng quân đội cuốc bộ, băng rừng vào thị sát thủy điện Đăk Mi 2 sáng 30/10. Ảnh: Võ Thạnh
Để vào được nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 2, sau cuộc họp nhanh, lực lượng cứu hộ do ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Quảng Nam dẫn đầu cùng gần 20 người với các dụng cụ liên lạc chuyên dụng đã cắt rừng bằng đường bộ vào sâu bên trong xã Phước Lộc.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, hàng chục điểm sạt lở khiến tuyến đường tiếp cận nhà máy càng trở nên khó khăn. Hàng nghìn khối đất đá tràn xuống đường, lực lượng chức năng phải lội bùn, đu dây và trườn qua các khe đá để tiếp cận. Sau chừng 3 km, khu lán trại dựng bằng gỗ, lợp tôn bên sông Đăk Mi của các công nhân nhà máy hiện ra với bùn đất dính đặc quánh. Xe cẩu, ôtô bị đất đá vùn lấp. Một số nhóm công nhân từ khu vực nhà máy cùng nhau khiêng một số máy móc qua các điểm sạt lở ra ngoài, họ cho biết phải di dời nhanh trước khi cơn bão số 10 đến.
Công nhân đu ròng rọc qua sông. Video: Tuấn Quỳnh – Việt Thạnh – Thanh Nhàn
Anh Phúc (35 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân nhà máy vừa chỉnh lại dây cáp treo chờ nhóm hơn 20 người cô lập để đưa qua sông. Anh nói dây cáp được dựng lên để tiếp tế lương thực cho anh em bên kia nhà máy, sáng nay thời tiết thuận lợi, nước xuống thấp, nên ban lãnh đạo công ty quyết định đưa tất cả mọi người ra ngoài.
Vào rừng làm việc gần năm nay, lần đầu tiên anh Phúc chứng kiến cảnh tượng sạt lở kinh khủng như vậy. “Chiều 28/10, thời điểm bão số 9 đi vào gió ít nhưng mưa rất lớn, công nhân đều ngồi trong lán, nghe tiếng nổ ầm ầm, lúc này cũng không biết chạy đi đâu, may mà đất đá tràn xuống khu vực lán ít, không ảnh hưởng đến tính mạng”, anh Phúc nói.
Cáp treo dựng khá đơn sơ dưới lòng sông với 3 cây gỗ tụm lại làm điểm tựa. Để đưa đồng nghiệp qua bên này, hơn 10 người được chia ra hai nhóm đôi bờ kéo thủ công. Anh Toàn, một công nhân bị mắc kẹt bên nhà máy điều hành cười lạc quan khi được đưa ra ngoài. “Tôi làm thuỷ điện này được hơn 2 năm nên cũng quen việc đi cáp treo, tuy nhiên lần này cũng hơi sợ vì ảnh hưởng của bão”, anh Toàn nói và cho biết thêm để đến khu vực cứu hộ cứu nạn, nhóm của anh phải đi bộ đường rừng chừng 3 km.
Công nhân nhà máy thủy điện được đưa ra ngoài bằng cáp treo chiều 30/10. Ảnh: Phước Tuấn
Đến chiều 30/10, Phước Sơn có mưa lớn, hầu hết số công nhân qua sông bằng cáp treo, lội bộ ra trung tâm xã Phước Công an toàn. Theo báo cáo của lãnh đạo thủy điện Đăk Mi 2, nhà máy đã liên lạc được tất cả các công nhân. Khu vực đập chính còn 80 công nhân, sẽ cơ động ra 10 người. 70 công nhân vẫn ở lại để vận hành nhà máy. Lương thực cũng được tiếp tế để đảm bảo đủ một tuần cho công nhân.
Mũi cứu hộ 8 người dân mất tích tại xã Phước Lộc, lực lượng tại chỗ đã tìm thấy và chôn cất 5 thi thể. Theo lãnh đạo xã này, số lượng đất đá vùi lấp rất lớn, việc tìm kiếm thủ công bằng cuốc xẻng không hiệu quả, cần đưa phương tiện, máy múc vào hiện trường.
“Nhưng để vào được đến Phước Lộc phải mất một tuần nếu trời không mưa, nếu trời mưa thì còn kéo dài hơn, nguy cơ sạt lở cao”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính tỉnh Quảng Nam nói. Về phương án đảm bảo lương thực cho người dân xã Phước Lộc đang bị chia cắt, ông Hà cho hay trong dân còn 4 tấn gạo. Huyện Phước Sơn đang lên phương án vận chuyển lương thực vào tiếp tế. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã yêu cầu Bộ quốc phòng bay trực thăng vào những khu vực cô lập, thả hàng tiếp tế cho người dân.
Đường vào xã Phước Lộc bị chia cắt hàng chục điểm, không thể khắc phục trong thời gian ngắn. Đoạn đường qua khu vực xã Phước Công bị đứt gãy. Ảnh: Phước Tuấn
Hai ngày trước, một vụ sạt lở đất đã vùi lấp 11 người ở thôn 6, xã Phước Lộc. Đến nay 5 thi thể đã được lực lượng cứu hộ tại chỗ tìm thấy. Tại xã Phước Thành, cùng huyện Phước Sơn, một vụ sạt lở đất đá khác khiến hai cán bộ xã mất tích trên đường giúp dân sơ tán, tránh lũ. Cơn bão số 9 cũng khiến đường vùng cao 5 xã thuộc huyện Phước Sơn bị chia cắt, khiến hơn 200 công nhân nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập.
'Hoạt động dân sinh có thể là nguyên nhân kích hoạt thiên tai ở miền Trung'
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành cho rằng hoạt động dân sinh như mở đường, san ủi làm nhà, xây dựng thủy điện... có thể là nguyên nhân kích hoạt thiên tai.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 30/10, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã nêu quan điểm trên.
Theo ông, đợt thiên tai vừa rồi ở miền Trung khốc liệt hơn kỷ lục lịch sử năm 1999, với 4 đợt bão liên tiếp từ số 6 đến 9. Bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua, kèm theo mưa lớn kéo dài khiến nhiều điểm có lượng mưa lớn hơn cả năm 1999. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, thiệt hại chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999. Trong đó có việc các tỉnh đã vận hành quy trình liên hồ chứa nên cắt được lũ, khiến diện ngập và độ ngập thấp hơn đáng kể.
"Các chuyên gia về địa chất đánh giá nguyên nhân chính gây ra sạt lở núi, đồi, đất ở miền Trung thời gian qua là bởi địa hình đồi núi cao, phân cắt mạnh. Địa chất có nhiều loại đất đá cổ bị đập vỡ nứt nẻ, tạo ra lớp vỏ phong hóa dày, nhiều lớp đất sét, là điều kiện bất lợi để khi mưa lâu ngày thì nước chứa trong lớp phong hóa này nhão, gây ra lực trượt kéo xuống dưới", ông Thành nói.
"Chúng ta nói nhiều đến chuyện mất rừng có phải nguyên nhân gây lũ lụt, sạt lở đất hay không? Điều này cần đánh giá từng trường hợp cụ thể", ông Thành phân tích.
Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Viết Tuân
Với sự cố sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), ông Thành nói đây là công trình đang xây dựng, đang cắt xẻ vào sườn núi thì xảy ra sự cố.
Về đánh giá tác động môi trường của các thủy điện nhỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay khi xây dựng dự án, các chuyên gia luôn tính toán tác động đến rừng, thảm phủ thực vật, đa dạng sinh học, dòng chảy tối thiểu mà thủy điện phải trả lại cho hạ du... "Luật Lâm nghiệp quy định rất chặt chẽ về việc chuyển đổi đất rừng cho tất cả các loại dự án, không riêng về thủy điện. Trong thời gian qua, hơn 470 quy hoạch thủy điện nhỏ đã bị loại bỏ; hơn 210 điểm tiềm năng có thể xây dựng thủy điện cũng được xem xét chặt chẽ, kỹ lưỡng để đảm bảo phát triển bền vững, nhất là miền núi, tránh được thiên tai như thời gian vừa qua", ông Thành khẳng định.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, cho hay đợt thiên tai xảy ra tại miền Trung vừa qua "rất bất thường và dị thường". Chưa bao giờ trong 20 ngày, miền Trung chịu tới 4 cơn bão, lũ chồng lũ, bão chồng bão.
"Chúng ta có biết chuyện này và đã cảnh báo rất sớm. Ngay đầu năm 2020, tại hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, chúng tôi cùng với Bộ Tài nguyên Môi trường đã cảnh báo năm nay sẽ có khoảng 5-6 cơn bão ở miền Trung, trong đó có cơn bão rất lớn. Chúng tôi cũng đã cảnh báo trước 15 ngày về trận lụt lịch sử tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế", ông Hiệp nói.
Giải thích tại sao cảnh báo sớm nhưng vẫn có người dân không kịp chạy lũ, vẫn ở trên nóc nhà, ông Hiệp nói "có rất nhiều nguyên nhân". Theo ông, nhờ cảnh báo sớm, người dân cơ bản đã biết tin. Hơn 56,1 triệu lượt tin nhắn gửi đến người dân miền Trung, chưa nói tới hệ thống chính trị đã vào cuộc rất sớm. Tuy nhiên, có những nơi bị ngập lụt nặng, đến mức dân ở nhà hai tầng vẫn không có chỗ tránh.
"Để khách quan, chúng tôi sẽ cho kiểm tra có hay không việc nghẽn thông tin? Nếu có là ở khâu nào?", Thứ trưởng cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Nguyễn Tuệ
Về ứng phó, ông Hiệp nhấn mạnh các lực lượng đã rất chủ động; công an và quân đội đã có nhiều người hy sinh, bị thương, nhiều ngày không ngủ. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, để ứng phó với thiên tai mang tính cực đoan như vừa qua, Việt Nam cần lực lượng mang tính chuyên nghiệp cao, trang thiết bị đồng bộ hơn. Đặc biệt, lực lượng này phải có trang thiết bị phù hợp với mọi địa hình và thời tiết. Như vậy mới bảo đảm cứu hộ nhanh, đồng thời bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ.
Bên cạnh đó, sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng có hạn. Đê biển trong thiết kế chỉ chịu đựng được sóng gió cấp 10, đến 11 (tới cấp 12, giật cấp 15 thì cần kinh phí tăng gấp đôi), chỗ neo đậu tàu thuyền chỉ mới bảo đảm 46%; một số ngư dân chấp hành chưa tốt cảnh báo... 12h ngày 26/10, khi bão đổ bộ vào biển Đông, cơ quan chức năng vẫn liên lạc được với hai tàu đề nghị chạy ngược lại hướng đi của bão để thoát ra nhưng sau đó họ tắt máy, đến nay vẫn không liên lạc được.
"Hiện nay chúng ta thiệt hại về người chủ yếu do sạt lở đất. Việc sạt lở đất diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở trạm kiểm lâm 67, đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở Nam Trà My, đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong bản đồ cảnh báo", ông Hiệp nói và nhấn mạnh, cần ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn trong cảnh báo.
Hiện hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao đã có bản đồ về sạt lở, tuy nhiên, tỷ lệ đang là 1/50.000, trong khi để triển khai được trên thực tế thì cần tối thiểu là 1/10.000 hoăcj 1/5.000; để xây dựng các điểm cụ thể thì cần 1/500. Với bản đồ 1/50.000, ngay lập tức di chuyển nhiều xã thì không thể làm được.
"Về vấn đề con người có tác động vào thiên tai hay không? Tôi khẳng định là có. Mọi hoạt động của con người đều có tác động hoặc xấu, hoặc tốt đến mọi vấn đề, trong đó có thiên tai", ông Hiệp nói và cho biết, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phải "thuận thiên", thích nghi có kiểm soát, tức là phải có giải pháp công trình để "thuận thiên".
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Xây dựng cho biết, vừa qua miền Trung có ba hình thái thiên tai là gió bão; lũ lụt; lũ ống, lũ quyét sạt lở đất.
Gió bão thường từ biển vào với cự ly 30km trong đất liền. Nếu nhà đảm bảo "ba cứng" là sàn cứng, tường cứng, mái cứng có thể chống chịu được.
Cách đây 7 năm, Chính phủ có quyết định số 48 về hỗ trợ người dân xây nhà vượt lũ ở miền Trung và đã xây được hơn 30.000 nhà có cốt sàn trên mức đỉnh lũ lịch sử. "Những nhà này đã phát huy tác dụng rất tốt, với khoảng 10-15 m2 trên đỉnh lũ lịch sử thì gia đình có thể rút lên đó, cầm cự được khoảng 10-15 ngày. Bộ Xây dựng và các đơn vị sẽ nghiên cứu để nhân rộng mô hình này", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ông Hùng khẳng định không có giải pháp công trình nào có thể chịu được. Vì vậy, giải pháp để phòng chống là phải lựa chọn địa điểm tránh được các loại thiên tai này. Hiện đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhưng tỉ lệ cao và cần đưa về tỉ lệ 1/500.
Với công trình đã xây dựng rồi, nhà chức trách sẽ hướng dẫn lựa chọn địa điểm di dời và các chỉ dẫn về địa chất, lượng mưa có thể gây lũ quét, sạt lở... trong bán kính 500 m để người dân có biện pháp phòng tránh.
217 công nhân thủy điện tại Quảng Nam bị cô lập Chính quyền huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vừa cho biết bão số 9 đã làm sạt lở núi và đánh sập cầu bê tông bắc qua thủy Điện Đăk Mi 2 khiến khoảng 217 công nhân bị cô lập hoàn toàn. Thủy điện Đăk Mi 2, Phước Sơn. - Ảnh: Báo Quân khu 5 Các công nhân bị mắc kẹt theo từng...