8 bước kiểm tra laptop trước khi mua
Việc kiểm tra độ ổn định của laptop trước khi mua là rất cần thiết, giúp bạn tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Hiện nay các nhà sản xuất laptop đều có một quy trình quản lí chất lượng sản phẩm khá nghiêm ngặt, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chiếc laptop trên thị trường đều hoàn hảo. Vẫn có trường hợp máy bị hỏng hóc và khiến cho người dùng gặp rắc rối không đáng có. Để tránh mua phải những sản phẩm lỗi, việc kiểm tra chất lượng máy trước khi mua là điều rất cần thiết. Những hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn kiểm tra kĩ càng máy trước khi mua để có thể sở hữu cho mình một chiếclaptop ứng ý nhất.
Bước 1: Kiểm tra hộp đựng
Đây là bước đầu tiên cần thực hiện khi mua laptop. Bạn cần kiểm tra hộp đựng xem trên hộp có vết lõm, vết rách nào không. Trong trường hợp có vết lõm, rách, hay bất kì dấu hiệu nào cho thấy hộp máy đã bị “bóc tem”, hãy cẩn thận. Đồng thời bạn kiểm tra xem hộp máy có còn nguyên seal nguyên kiện hay không, tránh trường hợp máy đã bị bóc hộp rồi dán lại.
Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy nhớ chụp lại hiện trạng của hộp trước khi tiến hành các bước tiếp theo.
Bước 2: Kiểm tra bên trong
Thông thường hộp sản phẩm sẽ chứa cả máy, pin, dây nguồn, trừ các model dùng pin tích hợp. Nếu máy dùng pin rời thì bạn sẽ phải lắp pin thủ công vào.
Bước 3: Kiểm tra máy
Bây giờ đến phần kiểm tra máy. Bạn loại bỏ các lớp nhựa, hay bất kì loại vỏ bảo vệ nào ở xung quanh máy. Hãy kiểm tra và đảm bảo rằng các góc máy, cũng như vỏ trên, mặt dưới của máy không có các vết nứt, hay bất kì dấu hiệu bị hư hại nào. Bạn cũng cần thử đóng mở nắp máy nhiều lần để chắc chắn máy hoạt động trơn tru và không có tiếng động lạ nào phát ra.
Bàn phím của máy cũng là thành phần cần được kiểm tra. Hãy dùng thử bàn phím xem các phím bấm có bị hiện tượng lún khi bạn gõ vào một phím bên cạnh nó hay không. Hành trình phím nông hay sâu cũng rất quan trọng và có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm gõ phím của bạn sau này.
Nếu mọi thứ đã ổn, bước tiếp theo bạn hãy lắp pin vào máy và bật lên để tiến hành các bài test khác.
Bước 4: Kiểm tra cấu hình máy
Bạn cần kiểm tra xem chiếc laptop của mình có đúng như cấu hình mà nhà sản xuất quảng cáo hay không. Các thành phần cần kiểm tra gồm model chip, VGA, RAM, dung lượng ổ cứng…
Để kiểm tra, bạn mở cửa sổ System Properties trên máy bằng cách sau:
- Windows 7: Click chuột phải vào biểu tượng Mi Computer trên desktop rồi chọn Properties. Nếu trên màn hình desktop chưa hiện biểu tượng này, bạn click chuột phải vào màn hình desktop chọn Personalize –> change desktop icons và tích vào ô Computer ở phía trên cùng, trong mục Desktop icons.
- Windows 8: bạn mở Windows Explorer, click chuột phải vào “This PC” phía bên trái, chọn Properties
Hãy kiểm tra các thông tin hiện ra với thông tin mà nhà sản xuất quảng cáo, gồm phiên bản Windows (nếu máy được cài sẵn Windows), chip (Processor), RAM (Installed Memory).
Video đang HOT
Tiếp theo, bạn kiểm tra dung lượng ổ cứng bằng cách mở menu Run (phím Windows R). Tại cửa sổ này bạn nhập diskmgmt.msc rồi ấn phím Enter hoặc click OK.
Tại đây bạn có thể kiểm tra xem dung lượng ổ cứng thực trên máy có đúng với dung lượng mà nhà sản xuất quảng cáo hay không. Lưu ý rằng dung lượng mà HĐH nhận được chỉ khoảng 92% dung lượng mà nhà sản xuất laptop quảng cáo, do cách tính dung lượng khác nhau giữa nhà sản xuất phần cứng và Windows. Nói vậy để bạn biết rằng mức chênh lệch đó là hoàn toàn bình thường và không có gì phải “lăn tăn”.
Cuối cùng chúng ta cần kiểm tra thành phần card đồ họa. Bạn cũng mở menu Run như trên nhưng nhập lệnh devmgmt.msc rồi Enter hoặc click OK.
Bạn mở rộng mục “Display Adapters” trong cửa sổ hiện ra (ấn vào mũi tên bên cạnh). Đây là thành phần card đồ họa mà Windows nhận diện được và bạn có thể kiểm tra xem nó có đúng với model card của nhà sản xuất laptop đã quảng cáo hay không.
Bước 5: Chạy Memtest86
Memtest86 là tiện ích giúp bạn kiểm tra chất lượng của bộ nhớ RAM. Chúng ta có 2 cách để dùng Memtest86 là burn ra đĩa CD/DVD hoặc USB flash. Sau khi ghi ứng dụng ra đĩa bạn tiến hành khởi động lại máy và ưu tiên hệ thống khởi động với memtest86 . Quá trình thử nghiệm RAM sẽ được thực hiện ngay lập tức. Hãy để phần mềm chạy trong 1 ngày để tiến hành kiểm tra toàn bộ RAM. Nếu quá trình thử nghiệm phát hiện ra lỗi, bạn cần liên hệ nơi bán hoặc nhà sản xuất để khiếu nại.
Bước 6: Kiểm tra “điểm ảnh chết”
Notebook Reviews – Laptop Reviews and Netbook News Picture
Không phải tất cả các mẫu màn hình đều được sản xuất có chất lượng như nhau. Có những trường hợp trong quá trình sản xuất màn hình sẽ bị lỗi một vài điểm ảnh mà chúng ta hay gọi là dead pixel (điểm ảnh chết). Để kiểm tra xem màn hình có bị lỗi này hay không, ta cho màn hỉnh hiển thị một bức hình toàn màu đen sau đó kiểm tra kĩ điểm chết (nếu có).
Trên Windows 7/8: bạn click chuột phải vào desktop –> chọn “Personalize” –> click “Desktop Background” –> chọn “Solid Colors” từ menu xổ xuống –> click vào biểu tượng màu đen –> click nút Save Changes.
Sau đó, bạn kiểm tra kĩ trên màn hình xem có bất kì điểm ảnh màu xanh hay bất kì điểm ảnh nào bị đổi màu không. Nếu có, hãy liên lạc với nhà sản xuất để được bảo hành hoặc đổi mới. Tuy nhiên, lưu ý rằng có nhà sản xuất chỉ cho phép đổi máy nếu màn hình có từ 5 điểm ảnh chết trở lên, bởi vậy bạn cần kiểm tra các điều khoản bảo hành, đổi mới trước khi mua.
Bước 7: Kiểm tra dây nguồn, thời lượng pin
Bước kiểm tra pin khá dễ dàng. Bạn sạc pin tới 95% hoặc lớn hơn sau đó rút sạc và sử dụng cho tới khi hết pin. Bạn check lại xem pin máy dùng được trong bao lâu và có đúng như những gì được quảng cáo hay không. Tất nhiên thời lượng pin mà nhà sản xuất quảng cáo thường là trong điều kiện sử dụng ở mức độ thấp, có thể khác với thực tế sử dụng của bạn.
Bạn kiểm tra dây nguồn bằng cách để ý xem thời gian cần để sạc đầy pin là trong bao lâu, có quá lâu hay không. Nếu không thì không có vấn đề gì.
Bước 8: Kiểm tra chất lượng cổng kết nối
Các cổng kết nối cũng cần phải được đảm bảo hoạt động bình thường trước khi mua máy. Bạn sử dụng các thiết bị gắn ngoài cắm vào từng cổng trên máy, như cổng USB, HDMI… Nếu cổng hoạt động bình thường, mọi kết nối đều diễn ra không có trục trặc gì. Cuối cùng kiểm tra chất lượng âm thanh qua loa lẫn jack cắm headphone trên máy.
Tạm kết
Việc kiểm tra chất lượng, độ ổn định của máy trước khi mua là rất quan trọng. Nó giúp bạn tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng, đồng thời một chiếc máy trơn tru ngay từ đầu có nhiều khả năng sẽ chạy “nuột” cả về sau này. Tất nhiên, vẫn có những máy sẽ phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng. Lúc này bạn cần liên hệ nơi sản xuất để được hướng dẫn bảo hành hoặc sửa chữa.
Theo Genk/Notebookreview
Mua laptop sao cho tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích
Có một thực tế rằng so với mua máy để bàn, chọn mua laptop khó hơn nhiều. Đối với máy bàn, người dùng chăm xem tin công nghệ có thể thừa sức build dàn máy phù hợp nhu cầu, túi tiền trong vòng vài phút. Song sang đến laptop các hiểu biết này không thể áp dụng được nữa. Ngoài vấn đề cấu hình laptop còn rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt các thành phần như thiết kế, kết cấu, nhiệt độ, bàn phím, touchpad, loa... tóm lại là những thứ yêu cầu trải nghiệm để đưa ra đánh giá thì không ai tư vấn được (nếu có thì độ tin cậy cũng chỉ 50% là nhiều). Vì vậy về cơ bản người dùng nên tự trang bị thông tin, tự mình tìm hiểu và đưa ra quyết định. Dưới đây là một vài tiêu chí cần cân nhắc, yếu tố nên chọn và yếu tố nên tránh. Đây không phải một bài viết chung chung, tin rằng sẽ giúp ích rất nhiều cho độc giả ít kinh nghiệm.
Xác định mình cần gì, có bao nhiêu tiền
Lưu ý đầu tiên này sơ đẳng, cơ bản đến mức bạn đọc có thể phì cười. Thế mà không ít bạn khi mua máy lại quên mất nó! Đa số trường hợp đề nghị tôi tư vấn chọn laptop (cả bạn đọc lẫn bạn bè ngoài đời) đều đưa ra câu hỏi "Mình có chừng này tiền, bạn cho hỏi mua laptop nào hợp lý nhất?". Hầu như không ai cung cấp cho tôi biết các thông tin cần thiết như mua máy để làm việc gì, có yêu cầu gì đặc biệt hay không...
Không có một công thức chung nào cho việc chọn mua máy tính xách tay nói riêng và đồ điện tử nói chung. Không có một sản phẩm nào tốt nhất, phù hợp nhất cho mọi người dùng trong phân khúc của nó:
- Bạn mua máy để giải trí, duyệt web, soạn thảo,tìm kiếm tài liệu, coding? Cấu hình Core i3, đồ họa onboard là đủ. Hãy hướng đến các tiêu chí khác nữa như thiết kế đẹp, vỏ nhôm, loa tốt, mát, nhẹ...
- Bạn mua máy để học đồ họa, render, encode? Cố gắng chọn CPU càng mạnh càng tốt, phải tính đến việc chấp nhận hi sinh hình thức, vỏ nhựa, nhiệt độ nóng... (người nào đủ tiền mua laptop vừa đẹp, vừa mạnh vừa tốt thì tôi không bàn đến).
- Nếu mua máy để chơi game? Tiêu chí lại khác: phải cân đối giữa CPU và VGA, loa, nhiệt độ (máy chơi game thường rất nóng, ra mồ hôi tay)...
Còn một điều nữa cũng rất quan trọng: đừng trả tiền cho những thứ bạn không dùng đến. Có 15 triệu trong tay không có nghĩa bạn phải dùng hết số tiền đó, cố chọn laptop càng gần 15 triệu càng tốt. Card đồ họa rời làm máy nặng hơn, nóng hơn, tốn pin hơn trong khi có thể bạn không cần dùng đến nó. Chip Core i5, Core i7 mạnh hơn Core i3 nhưng liệu tác vụ hàng ngày có yêu cầu đến thế không? Thay vào đó bạn có thể đầu tư cho một chiếc SSD và caddy bay (gắn ổ cứng vào khay DVD), người viết tin rằng đối với nhiều bạn giải pháp đó hiệu quả hơn nhiều so với Core i5, Core i7, card đồ họa rời.
Chọn CPU Ivy Bridge
Về hiệu năng, các CPU Ivy Bridge chẳng hơn mấy so với Sandy Bridge nhưng chúng tốn ít điện hơn và đồ họa tích hợp HD 4000 mạnh hơn Sandy Bridge nhiều. Hiện nay có nhiều cửa hàng máy tính khuyến mại laptop chip Sandy Bridge card đồ họa rời 1 hay 2 GB, giá chỉ ngang chip Ivy Bridge đồ họa tích hợp. Điều này khiến nhiều người mua xiêu lòng mà không hề biết rằng card rời đó có thể còn yếu hơn cả HD 4000, và chiếc máy của họ ngoài nặng hơn, nóng hơn, tốn pin hơn thì chẳng có gì hơn máy Ivy Bridge đồ họa onboard! Đại lý bán hàng thừa biết điều này, và họ cố đẩy các model cũ đi càng nhanh càng tốt. Vì vậy lời khuyên của tôi là hãy quên các model Sandy Bridge đời cũ đi dù chúng có đang khuyến mại.
Về so sánh hiệu năng và xếp hạng card đồ họa dành cho laptop các bạn có thể tham khảo ở notebookcheck.net - trang web đánh giá laptop nổi tiếng.
Cân nhắc & thận trọng với card đồ họa rời
Nội dung mục này tôi đều đã trình bày hết ý ở phía trên nên chỉ nhắc lại:
- Đừng mua laptop có card đồ họa rời nếu bạn không cần dùng đến nó. Các nội dung như giải trí, duyệt web, soạn thảo,tìm kiếm tài liệu, coding... đồ họa tích hợp thừa sức gánh vác. Đối với các nhu cầu trên đồ họa rời chỉ gây nặng máy, nóng, tốn pin chứ chẳng có tác dụng gì. Không những thế nó còn tác động đến các vấn đề khác như vỏ nhựa, loa & bàn phím kém hơn, build quality kém hơn (so sánh 2 máy cùng giá).
- Tìm hiểu kĩ về hiệu năng card rời trước khi mua, có thể nó chẳng hơn đồ họa tích hợp là bao nhưng nhà sản xuất vẫn cho thêm vào để kích thích người dùng mua máy. Chi tiết tham khảo notebookcheck.net.
Bộ nhớ RAM? Phải ít nhất 4 GB!
Với kinh nghiệm sử dụng và tổng hợp ý kiến của tôi, 2 GB RAM là quá ít cho các hệ thống chạy windows 7, đặc biệt là laptop phải chạy nhiều ứng dụng nền của hãng. Hơn thế nữa hầu như tất cả các mẫu laptop ở Việt Nam nếu được trang bị sẵn hệ điều hành bản quyền thì đều là windows 7 64 bit. Những ai từng dùng hệ điều hành 64 bit với 2 GB RAM hẳn thấm thía cảm giác "chỉ muốn đập máy".
Vì thế vào thời điểm này, 4 GB RAM là tối thiểu cho chiếc laptop của bạn. Bạn có thể bắt gặp nhiều sản phẩm trang bị Core i5, Core i7 nhưng chỉ 2 GB RAM, hãy loại chúng từ vòng gửi xe!
Cố gắng tránh xa ổ cứng 5400 vòng/phút nếu có thể
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao laptop cấu hình cao, chip Core i nhiều khi chạy còn chậm hơn cả máy bàn Core 2 Duo? Thủ phạm chính là chiếc ổ cứng! Các ổ cứng cơ học 2,5 inch trên laptop mắc phải bài toán điện năng, nhiệt lượng và độ ồn nên hoạt động rất chậm chạp. Cùng tốc độ 7200 vòng/phút HDD laptop vẫn còn thua máy bàn nhiều chứ đừng nói đến 5400 vòng/phút. Tôi đang sở hữu một laptop ổ cứng 5400 vòng/phút. Đối với tôi việc khởi động máy, mở ứng dụng, lưu công việc, bật một file tài liệu lớn, copy dữ liệu... thực sự là một cực hình, và tôi khuyên bạn tránh xa chúng.
Nói không với màn hình gương
So sánh với màn hình nhám, không thể phủ nhận màn hình gương cho hình ảnh đẹp hơn, sắc nét hơn, tương phản tốt hơn nhưng những phiền toái mang lại cũng không ít.
- Đầu tiên phải kể đến khả năng lấy dấu vân tay siêu đẳng của chúng: chỉ cần chạm nhẹ cũng in dấu, trong khi sử dụng laptop thì mồ hôi tay là không thể tránh khỏi. Không chỉ vân tay mà bụi bám trên màn hình dù rất ít cũng hiện rõ mồn một.
- Kế đến, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu khi có nguồn sáng đối diện màn hình bởi tính phản chiếu của nó. Không gian sau lưng bạn sẽ hiện rõ mồn một, còn những gì trên màn hình thì không! Sử dụng ngoài trời ư? Đây là ý tưởng tồi tệ nhất đối với các laptop này. Bạn có thể khắc phục bằng cách tránh dùng laptop ở ngoài trời ư? Ý tưởng này còn tồi tệ hơn...
Có thể tôi quá khắt khe, nhưng laptop là thiết bị di động nên phải thích nghi được mọi điều kiện môi trường. Vi thế theo tôi bạn hãy tránh những mẫu màn hình này ra, hoặc chí ít cũng dùng thử thật kĩ để biết mình có chịu đựng được hay không.
Màn hình nhám cho hình ảnh không đẹp bằng.
Nhưng màn hình gương phản chiếu rất mạnh.
Bàn phím, touchpad và loa: dùng thử trước khi ra quyết định
Bàn phím và touchpad là 2 yếu tố đầu tiên quyết định độ hài lòng của chủ nhân với chiếc máy, nhiều khi còn được đặt trên cấu hình và nhiều yếu tố khác nữa. Nếu không kiểm tra kĩ và chọn phải bàn phím và touchpad tồi, laptop của bạn dù mạnh đến mấy, đẹp đến mấy dùng cũng rất khó chịu. Bạn cho rằng ngồi gõ thử từng máy để cảm nhận so sánh quá là phiền phức nhiêu khê? Tốt thôi! Có thể bạn vừa ném 1 nửa giá trị chiếc máy hơn chục triệu qua cửa sổ.
Song song với bàn phím và touchpad, bạn cũng nên nghe thử vài bài hát rồi mới đưa ra quyết định (tốt nhất nên có ít nhất 1 bài nặng treble và 1 bài nặng bass để đánh giá toàn diện và chính xác). Tôi chưa thấy ai dùng laptop lại không nghe nhạc cả, và tôi cũng ít gặp ai nghe nhạc lại không yêu cầu nghe hay.
8/ Đánh giá đúng tầm quan trọng của thiết kế máy, chất liệu vỏ, kích thước khối lượng
Khi đánh giá 2 laptop cùng giá, mọi người thường có xu hướng so sánh cấu hình rồi đưa ra nhận xét: "máy này đắt, máy kia rẻ". Giá trị của sản phẩm không chỉ nằm ở đó mà còn nhiều yếu tố khác như thiết kế đẹp hay không, kết cấu vững chãi hay không, vỏ nhựa hay vỏ nhôm, nặng hay nhẹ... Như tôi đã nhắc đến ở đầu bài viết, trừ khi bạn cần cấu hình mạnh mà không có nhiều tiền, hãy đặt cao các yếu tố này, thậm chí có thể cao hơn tiêu chí cấu hình nữa vì chip Core i3 và HD 4000 quá đủ đáp ứng mọi tác vụ trừ game nặng, render, encode, dựng đồ họa.
Theo Genk
Kết nối máy tính với HDTV Với vài bước đơn giản sau đây, bạn có thể dễ dàng biến chiếc máy tính để bàn hay laptop của mình cùng màn hình HDTV thành một trung tâm giải trí đa phương tiện cho gia đình. Mặc dù HDTV hiện nay có nhiều model thông minh trang bị ngõ kết nối mạng Internet hay đi kèm thiết bị set-top box để...