7x đời đầu kể về đám cưới cách đây 20 năm: đạp xích lô đi ăn hỏi, tự chọn 1 ngày bất kỳ để làm ngày cưới
Dân mạng bồi hồi khi được nhìn lại những hình ảnh về 1 đám cưới Hà Nội xưa.
Đám rước dâu của Hà Nội xưa trên những chiếc xích lô, cô dâu mặc áo dài đỏ truyền thống được xem là một nét văn hóa của đất Thăng Long bấy giờ.
Mới đây, một tài khoản Facebook đã chia sẻ lại khoảnh khắc lễ cưới của mình cách đây 20 năm. Thế hệ 9x, 10x được một phen trầm trồ khi được chứng kiến thành quả của tình yêu từ thời ‘ông bà anh’.
Hình ảnh mà 7x đời đầu chia sẻ về khoảnh khắc đám cưới cách đây 20 năm của mình
Đó là câu chuyện của chú Phạm Anh Tuấn (SN 1970) và vợ là Trần Thị Thùy Dung (SN 1977). Hiện nay, cô chú đang sinh sống tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Chú Tuấn kể lại: ‘Ngày đó chú tổ chức kiểu cổ truyền vì nhà chú và nhà vợ cách nhau có 4km. Ăn hỏi thì đi xích lô, rồi trầu cau, bánh cốm mua ở 11 Hàng Than, hồi đấy chỉ có giá 2.500 đồng một cái. Hôm trước, chú lên mua lại giá đã tăng lên 5.000 đồng. Chú còn trêu cô bán hàng là 20 năm mà lên giá có 2.500 đồng thôi à’.
Lễ ăn hỏi xưa bằng xích lô, cô dâu mặc chiếc áo dài truyền thống gợi nhớ nét đẹp trong văn hóa cưới hỏi giản dị, mộc mạc
‘Trước lễ ăn hỏi mấy hôm mưa tầm tã, trong ảnh chú còn đứng trên bùn nhưng may đến trưa lại tạnh và có nắng đẹp. Hôm cưới cũng vậy, tối hôm trước mắc rạp làm cỗ ở nhà, còn phải đi mượn thêm bạt ở nhà hàng xóm. Ai ngờ mưa to, bạt cũng đứt, thế mà sáng hôm sau 9h thì tạnh, khách cơ quan đến đông vui lắm’.
Chú Tuấn còn kể thêm rằng trước khi cưới, hai cô chú dở quyển lịch vạn sự ra chọn lấy 1 ngày để tổ chức chứ không đi xem ngày, xem tuổi như đám cưới bây giờ.
Cô dâu, chú rể mời trà quan khách
Cô dâu mắt ngấn lệ khi phải rời xa bố mẹ đẻ về nhà chồng
Video đang HOT
Chú rể vui mừng đón khách trong ngày trọng đại
Trầu cau, bánh cốm ngập tràn trong lễ ăn hỏi
‘Hồi đó, cô làm thợ may cho một công ty. Hôm mùng 6 tết, chú đang rửa xe máy thì cô hàng xóm đi chúc tết về kéo theo một đoàn độ 6 người đi qua. Tối về chú mới hỏi cô hàng xóm là trong tổ của cô ấy có ai chưa có người yêu thì giới thiệu cho chú. 3 hôm sau, cô hàng xóm dẫn cô Dung (vợ chú bây giờ) xuống chơi.
Chú nhớ hôm đấy là thứ 4, đến tối thứ 7 chú đã tự qua nhà cô Dung và cô ấy tiếp chú bằng nước trà đặc. Chú cứ uống ngụm vơi, vợ lại cứ rót thêm hậu quả là đêm về mất ngủ mà mất ngủ thì lại nhớ cô nhiều hơn’, chú Tuấn hài hước chia sẻ.
Lần đầu tiên đi chơi xa hồi mới yêu nhau của chú Tuấn, cô Dung
Buổi sinh nhật đầu tiên mà chú Tuấn tổ chức cho cô Dung là đi ăn bánh tôm ở Hồ Tây
Ngày 11/3 vừa rồi cũng là kỷ niệm 20 năm ngày cưới, tuy nhiên vì dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp nên cô chú tổ chức gọn nhẹ ở nhà cùng cậu con trai.
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày cưới đơn giản trong thời buổi dịch bệnh hoành hành
Tình yêu sau 20 năm của cặp vợ chồng 7x vẫn mặn nồng như thuở ban đầu. Chú Tuấn cho biết hai vợ chồng vẫn thường xuyên rủ nhau đi cafe, đi ăn uống và du lịch để hâm nóng tình cảm.
Chú Tuấn cũng hy vọng rằng những hình ảnh mà mình chia sẻ sẽ giúp cho thế hệ trẻ gợi nhớ về một thời đã qua, cũng là để tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của truyền thống, tự hào về mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Sau 20 năm gắn bó, tình yêu của chú Tuấn và cô Dung vẫn mặn nồng như thuở ban đầu
Linh Chi (baodatviet)
Đằng sau câu chuyện người đàn ông nghèo bật khóc khi bị CSGT tịch thu xích lô: Mấy chú góp tiền để tui mua chiếc xe máy, tui biết ơn dữ lắm!
Dù không thể trả lại chiếc xích lô đã tịch thu nhưng thấy hoàn cảnh người đàn ông đáng thương, CSGT quận 1, TP.HCM đã quyên góp 4 triệu đồng để giúp người này mua lại một chiếc xe máy cũ.
Món quà bất ngờ từ CSGT
Câu chuyện về một người đàn ông lớn tuổi, chạy xích lô khóc mếu máo khi bị CSGT tịch thu phương tiện vì chạy vào đường cấm, sau đó bất ngờ được tặng lại 4 triệu đồng để mua xe máy cũ khiến cộng đồng mạng vô cùng cảm động.
Chú Bình mếu khóc khi bị CSGT tịch thu chiếc xích lô vì đậu xe ở khu vực cấm.
Theo đó, vì hoàn cảnh khó khăn, không có nhà cửa nên chú Nguyễn Văn Bình (47 tuổi, quê Tiền Giang) chạy xích lô để kiếm sống qua ngày nhưng bị CSGT tịch thu vì chạy vào đường cấm. Trong quá trình làm việc, chú Bình mong muốn xin lại chiếc xích lô để mưu sinh nhưng căn cứ vào các lỗi vi phạm, CSGT không thể nào giải quyết theo nguyện vọng của chú Bình.
Thay vào đó, một hành động đẹp được CSGT thực hiện khi vận động cán bộ, chiến sĩ trong đội góp tiền để giúp chú Bình mua một chiếc xe máy cũ để làm kế sinh nhai.
Dù không xin lại được chiếc xích lô nhưng CSGT đã góp tiền tặng một món quà đầy ý nghĩa cho chú Bình.
Chiếc xe gắn máy cũ được mua lại với giá 4 triệu đồng đã trở thành người bạn đồng hành mới của chú.
Khác hẳn với hình ảnh khóc mếu trong lúc làm việc với CSGT vì bị tịch thu chiếc xích lô, chiều 5/3, chúng tôi gặp lại chú Bình ở góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) với nụ cười rạng rỡ trên mặt.
Ngồi trên chiếc xe máy được CSGT mua tặng, chú Bình cho biết một tuần qua, cuộc sống của chú đã thay đổi rất nhiều. "Nó giống như việc tui vừa chết đi sống lại vậy, mừng lắm" - chú Bình hồ hởi.
Dù đã trải qua 2 lần đò nhưng không trọn vẹn hạnh phúc, chú Bình lên Sài Gòn mưu sinh từ những năm 1980. Sau khi làm ăn thất bại, chia tay vợ con, một mình chú Bình bươn chải kiếm sống qua ngày bằng công việc chạy xích lô. Vì không có nhà cửa, chú coi chiếc xích lô như "con vợ - bạn đời" của mình, mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, kiếm tiền đều phụ thuộc vào chiếc xích lô.
"Lúc bị CSGT tịch thu chiếc xe, tui hoang mang, sợ lắm. Tui van nài mấy chú cảnh sát cho tui xin lại chiếc xe nhưng không được. Nó là người bạn đời gắn bó với tui mấy chục năm rồi, giờ mất nó, tui không biết sống sao nữa", chú Bình nói tiếp.
"Anh em (CSGT) nói tui vi phạm vậy không trả xe lại được, tui đành chấp nhận. Sau đó, họ thấy tui nói chuyện dễ thương, thật thà nên mọi người quyên góp giúp tui 4 triệu để mua chiếc xe máy, tui xúc động, biết ơn dữ lắm".
Nụ cười phúc hậu của chú Bình khi kể lại sự việc...
"Mấy ổng thấy tui mua xe máy, khoái quá trời!"
Sau khi nhận được số tiền hỗ trợ từ phía CSGT, chú Bình đã tìm mua một chiếc xe máy cũ để tiếp tục làm phương tiện mưu sinh.
"Lúc mua xe xong, tui gặp mấy ổng khoe đã mua xe máy rồi chạy lại cho mấy ổng xem, chứ không phải nhận tiền xong lấy tiền ăn chơi đâu. Thấy tui có chiếc xe máy để chạy xe ôm, mấy ổng khoái khiến tui cũng khoái quá trời. Tui xin cảm ơn hết các anh trong đội đã giúp đỡ cho tui, chứ nếu không có chiếc xe máy này, tui không biết sống sao nữa", chú Bình tâm sự.
Chạy xe ôm đã được hơn 1 tuần, chú Bình cho biết rất cảm ơn CSGT khi tạo cho chú một công việc mới để kiếm sống
Kể từ ngày có chiếc xe máy cũ để chạy xe ôm, chú Bình cho biết ban ngày chú ở khu quận 1 để kiếm khách chở, tối đến lại tìm vỉa hè để làm chỗ nghỉ ngơi. Tuy việc ngủ trên xe máy không được thoải mái giống "xích lô" nhưng nó đã mang lại cho chú nhiều điều thú vị khác.
"Một số người thấy ảnh tui khóc được đăng lên mạng, họ cũng đến hỏi thăm, có bao giờ mình được quan tâm như vậy đâu, vui lắm. Tui cũng gần 50 tuổi rồi, giờ con cái, gia đình không còn liên lạc nữa, cứ vui vẻ kiếm sống qua ngày là được. Mỗi ngày tui chạy xe ôm, cũng kiếm được 70.000 đồng đến 150.000 đồng, vậy là đủ rồi", chú Bình chia sẻ.
Xúc động trước tình cảm của CSGT dành cho mình, chú Bình hứa sẽ cố gắng làm ăn, sống tốt để không phụ lòng mọi người.
"Nhiều khi lên xe tui kể chuyện, khách thấy sao tui hài hước vậy, lại thương, có người mến lại cho thêm tiền. Nói chứ giờ lớn tuổi rồi, có cơm ăn, lâu lâu có cà phê uống là được rồi, tui đâu có đòi hỏi gì nhiều", nói đoạn chú Bình nhìn chiếc xe máy, cười khoái chí.
"Coi bộ cái xe này thành con vợ mới của tui rồi, lúc chia tay con vợ cũ (xích lô), tui buồn lắm, giờ thì cũng nguôi ngoai, mình đâu thể nào sống với cái cũ hoài được. Tui phải cố gắng làm ăn, sống tốt để cảm ơn những người đã giúp đỡ mình".
Chia tay chiếc xích lô đã gắn bó với mình hàng chục năm, chú Bình bắt đầu một cuộc sống mới bên cạnh chiếc xe máy cũ nhờ tình thương của các anh em trong đội CSGT.
Nắng Sài Gòn bắt đầu dịu dần, chú Bình lại tiếp tục công việc của mình trên chiếc xe máy cũ. Mà có lẽ đến thời điểm hiện tại, chú vẫn không ngờ mình lại được đội CSGT yêu thương, trao tặng cho món quà quý giá đến vậy. Dù hiện tại, cuộc sống của chú Bình vẫn còn đó những bộn bề khó khăn nhưng tin rằng, sự thật thà, chất phác sẽ giúp chú tìm được những điều tốt đẹp nhất.
Hi vọng mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chú Bình!
Theo Trí Thức Trẻ
Chuyên gia gợi ý lễ vật, mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời đầy đủ nhất Mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời cần chuẩn bị trang trọng và thành kính. Theo tục lệ của người Việt từ xa xưa, cúng giao thừa là việc không thể thiếu khi thời điểm năm cũ kết thúc, mở đầu một năm mới. Việc cúng giao thừa là để đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Cứ hết...