75 năm phát triển kinh tế: Việt Nam sẽ hội nhập sâu kinh tế toàn cầu
Với 16 Hiệp định thương mại tự do ( FTA) đang thực thi và đàm phán, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Suốt chặng đường 75 năm xây dựng đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế.
Không dừng lại ở đó, hội nhập kinh tế quốc tế còn được ví như sức mạnh tổng hợp của quốc gia giúp nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Khẳng định vị thế
Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 năm 1945 đến nay, hội nhập quốc tế đã trở thành xu thế chung. Chính vì vậy, ngay sau khi giành được độc lập thống nhất đất nước, Việt Nam đã tập trung mở rộng quan hệ hội nhập quốc tế, nhất là từ sau giai đoạn đổi mới 1986 đến nay.
Nếu như giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, đến năm 2019 con số này đã đạt 7,02%, quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đã lên gần 2.800 USD.
Đáng lưu ý, danh sách do Forbes Asia 2019 công bố, trong 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có tới 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018.
Đặc biệt, hội nhập kinh tế cũng đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy tính đến năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Theo các chuyên gia thương mại, điểm sáng của thành tựu hội nhập kinh tế quốc tế là thúc đẩy ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 thúc đẩy triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác.
Video đang HOT
Cùng với đó, Việt Nam chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), hợp tác tiểu vùng Mekong…
Với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi và đàm phán, Việt Nam trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm 59% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.
Chia sẻ về một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Hoàn thiện thể chế thị trường qua việc chủ động hội nhập kinh tế và thể chế hóa cam kết hội nhập nhằm phục vụ môi trường đầu tư kinh doanh để giải phóng các nguồn lực, đóng góp vào tăng trưởng chung của kinh tế- xã hội.
Nổi bật nhất là việc chủ động đàm phán các FTA đa và song phương, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, đa dạng hóa nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất trong nước, xây dựng và bảo vệ thương hiệu quốc gia, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu bước chính thức mở cửa hội nhập và bắt đầu tham gia các FTA một cách bị động nhưng sau đó Việt Nam đã bắt đầu chủ động hơn trong việc lựa chọn đối tác tham gia và vươn ra các thị trường xa hơn.
Đáng lưu ý, Hiệp định CPTPP và EVFTA được ký kết gần đây là hai dấu ấn quan trọng để Việt Nam hoàn thiện thể chế và mở rộng thị trường xuất khẩu
Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chuyển sang thời kỳ kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Công Thương xác định chủ động nhận diện các động thái, xu hướng phát triển lớn của thế giới nhằm tận dụng triệt để những cơ hội mới.
Đồng thời, việc tham gia thiết lập một nền kinh tế thị trường đầy đủ, minh bạch và hiện đại, đáp ứng yêu cầu của hội nhập; xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tận dụng thời cơ
Chia sẻ về tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế thuộc Bộ Công Thương, nhấn mạnh kể từ khi Việt Nam tham gia WTO đến nay, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%, độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, năm ngoái tăng trên 200%.
Do đó, hội nhập kinh tế quốc tế thực chất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình quốc tế, phù hợp với các định chế kinh tế thương mại song phương và đa phương; cùng nhau tuân thủ các cam kết để giải quyết vấn đề thị trường, hàng hóa và dịch vụ, làm cho các thị trường hoạt động có trật tự, giúp giảm thiểu các hành động “bóp méo” thương mại, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định và bền vững.
Ngoài ra, các FTA thế hệ mới giúp cho Việt Nam hội nhập sâu hơn, giảm thuế nhanh hơn; góp phần xoay trục thị trường, giúp chuyển hướng, đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Đại diện Vụ Chính sách Thương mại Đa biên thuộc Bộ Công Thương cho rằng thời gian tới, khi các cam kết FTA bước vào giai đoạn cắt giảm thuế sâu, đặc biệt các FTA với Hoa Kỳ, EU có hiệu lực sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn, đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam.
Đồng thời, giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường nguyên liệu truyền thống.
Công nhân Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Hoàng Nguyê/TTXVN)
Hiện nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện. Vì vậy, trong từ 3-5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính.
Hơn nữa, hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa xuất khẩu phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, theo đó tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ cũng như giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, với 96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Bởi, dù hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, song việc có tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường hay không lại phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu khác về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ…
Do đó, với năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa lại đang đặt ra thách thức và mối lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Không những thế, việc tự do hóa thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam do giá thành rẻ, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn sẽ tác động đến lĩnh vực sản xuất trong nước.
Ngoài ra, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước.
Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, trong khi đó hàng hóa nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.
Để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương sẽ đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA, Hiệp định của ASEAN với các đối tác.
Mặt khác, Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại; chủ động xây dựng các phương án phù hợp thúc đẩy các FTA đang đàm phán, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường.
Ngược lại, phía doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư và đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu; đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo sự liên kết để xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu./.
TP Hồ Chí Minh với dấu ấn tiên phong phát triển kinh tế - Bài 2: Nhiều mô hình phát triển mới
Bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, TP Hồ Chí Minh không chỉ dựa vào những lợi thế sẵn có để phát triển mà còn chủ động nghiên cứu, tìm tòi, triển khai các mô hình phát triển mới theo xu hướng chung của thế giới, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao.
Những mô hình đầu tiên của cả nước này được triển khai 20 năm qua, đến nay đã bước đầu cho trái ngọt; trong đó, điển hình là Khu công nghệ cao thành phố, Công viên phần mềm Quang Trung. Đây cũng là những "hạt nhân" trong xây dựng đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh của thành phố hiện nay và trong tương lai.
Khu công nghệ cao tỷ đô
Một góc khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Được thành lập đầu những năm 2000, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh (SHTP) đã thật sự tạo được dấu ấn riêng trong sự phát triển của các khu công nghiệp - khu chế xuất của thành phố, với những dự án "triệu đô". Đây được xem là chính sách phát triển đột phá của Đảng và Nhà nước.
Nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Lê Hoài Quốc cho biết, sự phát triển của SHTP có thể chia làm hai giai đoạn chính là từ năm 2002 đến 2011 và từ năm 2011 đến nay. Nếu như điểm nhấn của giai đoạn đầu là Nidec và Intel thì giai đoạn hai, dấu ấn là Samsung với việc Tp. Hồ Chí Minh trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Samsung CE Complex có tổng vốn 1,4 tỷ USD.
Trong giai đoạn đầu, dự án Intel Product Vietnam (IPV) với tổng giá trị đầu tư của giai đoạn 1 hơn 1 tỷ USD vào năm 2006 là một dấu mốc quan trọng cho lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam. Hiện nay IPV đang có kế hoạch mở rộng với số vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2 khoảng 1 tỷ USD.
Ông Lê Hoài Quốc nhớ lại: "Thời điểm đó, IPV là dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao đầu tiên có giá trị đầu tư lớn nhất và có tác động lan tỏa rất lớn cho việc thu hút đầu tư các dự án sau đó tại SHTP nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Nối tiếp IPV, nhiều dự án công nghệ lớn cũng đầu tư vào khu... Dự án của Intel đã để lại dấu ấn đậm nét không chỉ về doanh thu, về năng suất lao động trên đầu người luôn dẫn đầu trong các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, mà đặc biệt là góp phần đào tạo nhân lực cho Việt Nam".
Cũng từ dấu ấn này, IPV đã góp phần cùng Ban Quản lý Khu đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế và chính sách trong quản lý các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng cho các doanh nghiệp công nghệ cao. Sau 14 năm kể từ ngày Tập đoàn Intel chính thức đầu tư dự án IPV, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành với hạ tầng kỹ thuật được hoàn thiện, hơn 95% đất đã được giao cho nhà đầu tư và giá trị sản xuất cũng như xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tính đến tháng 8/2020, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh có 158 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với 108 dự án trong nước (tổng vốn 44.497 tỷ đồng) và 50 dự án nước ngoài (5.679 triệu USD). Trong 8 tháng năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 12,687 tỷ USD, tăng 15,85% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 77,64 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 73,425 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 66,842 tỷ USD.
Năng suất lao động bình quân của SHTP giai đoạn 2015 - 2019 ước đạt 295.000 USD/lao động, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Theo bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, năng suất lao động theo giá trị gia tăng của lao động trong khu luôn cao hơn gấp 20 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước.
Những năm gần đây, doanh nghiệp tại SHTP đã tăng dần các hoạt động R&D (nghiên cứu triển khai) và tăng chi phí đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện đa số nhân sự bộ phận R&D đều là người Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang hình thành các trung tâm nghiên cứu tại SHTP với mục tiêu đầu tư phát triển hoạt động R&D của tập đoàn tại Việt Nam.
Không chỉ thu hút đầu tư và nghiên cứu khoa học, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đang hướng tới đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. Chỉ trong năm 2020, SHTP đã thương mại hóa thành công 2 sản phẩm gồm dung dịch rửa tay diệt khuẩn dựa trên nền tảng công nghệ Nano bạc, nước súc miệng và gel rửa tay khô DR-OH đáp ứng nhu cầu thị trường tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi cho biết, từ khi thành lập đến nay, Khu Công nghệ cao chủ yếu tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Từ năm 2020, Khu sẽ chú trọng thêm nhiệm vụ phát triển các sản phẩm công nghệ cao cùng các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, thực hiện mô hình đi từ nghiên cứu trong phòng thí nhiệm (Labs), xác lập sở hữu trí tuệ, sản xuất công nghiệp và thương mại hóa; trong đó hướng tới xuất khẩu.
Khu công viên "1 vốn... 30 lời"
Nếu SHTP là điểm nhấn về phát triển công nghệ cao, thì Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) được thành lập năm 2001 là điểm sáng về "đón đầu" làn sóng phát triển công nghệ thông tin. Vốn là một khu Hội chợ Quang Trung nằm ở vùng ven thành phố, QTSC được quy hoạch phát triển thành khu công viên phần mềm tập trung đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, với tổng diện tích 43 ha.
Công viên phần mềm Quang Trung
Sau 20 năm, QTSC đã có sự phát triển vượt bậc và thể hiện sự thành công lớn trong chính sách đầu tư. Nếu như năm 2001, QTSC có 21 doanh nghiệp và 250 nhân viên, thì nay đã có 165 doanh nghiệp và 21.831 người; hình thành hệ sinh thái công nghệ và môi trường sáng tạo. Trong số 165 doanh nghiệp phần mềm, có 4 doanh nghiệp hàng đầu thế giới là KDDI (Nhật Bản), Hitachi Vantara, Concentrix (Hoa Kỳ) và Hexagone (Anh); 6 doanh nghiệp có chứng chỉ CMMI (quản lý chất lượng sản xuất phần mềm tiên tiến thế giới).
Mô hình hợp tác công tư PPP đã phát huy hiệu quả tại Công viên Phần mềm Quang Trung, đó là việc nhà nước chỉ đầu tư khoảng 230 tỷ đồng vào hạ tầng nhưng đã thu hút được các thành phần kinh tế khác với vốn thực hiện 5.600/6.606 tỷ đồng đăng ký.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, hiện công viên đã đạt tỉ lệ lấp đầy 87,61% diện tích, dự kiến giai đoạn 2021 - 2022 sẽ không còn quỹ đất. Tổng ngân sách đầu tư đến tháng 6/2020 là 230 tỷ đồng và đã thu hút 6.606 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư. Tính ra, 1 đồng vốn ngân sách đầu tư đã thu hút tới gần 30 đồng vốn doanh nghiệp.
Sự phát triển của QTSC cũng góp phần thực hiện chiến lược công nghệ thông tin và chính phủ điện tử. QTSC cung cấp dịch vụ NOC với 805 điểm kết nối cho sở ngành, 1 kết nối vào mạng số liệu chuyên dùng cho Văn phòng Chính phủ để sử dụng phần mềm liên thông văn bản 4 cấp; các dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây; dịch vụ an ninh thông tin và hộp thư điện tử cho các cán bộ và các đơn vị thành phố.
Hiện nhiều hoạt động cũng được triển khai hiệu quả tại QTSC, như ươm tạo nhiều doanh nghiệp phần mềm với khoảng 40 doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; đưa vào vận hành Khu thực nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp (đang nâng cấp mô hình "làng thông minh" trong năm 2020). Năm 2018, QTSC đưa vào vận hành Khu nghiên cứu công nghệ mới (R&D Labs) ưu tiên dành cho doanh nghiệp Việt Nam.
Từ mô hình khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước, hiện QTSC đang được phát triển thành chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung, với các thành viên là Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia; Trung tâm HueCIT; công viên phần mềm Mekong; Bến Tre Innotech... nhằm phát huy thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, đối tác... Đây là điều chưa có tiền lệ, hướng tới QTSC phát triển thành công viên phần mềm trọng điểm quốc gia, hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, mục tiêu phát triển của QTSC là xây dựng thành công mô hình công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam trong số 8 công viên phần mềm của cả nước, tạo thành điểm thu hút đầu tư quan trọng cho ngành phần mềm thành phố và cả nước. Điều này giúp QTSC luôn phát triển ổn định, bền vững, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Nắm bắt xu thế hội nhập quốc tế, hiện QTSC đã, đang triển khai và ứng dụng những giải pháp công nghệ, với hơn 20 hệ thống cho hoạt động quản trị Công viên phần mềm Quang Trung. Những hoạt động này góp phần nâng tầm QTSC lên một nước ngoặt mới, trở thành một khu đô thị phần mềm ngày một thông minh hơn, tiến đến trở thành mộ mô hình mẫu về đô thị thông minh đầu tiên của cả nước.
Thương hiệu QTSC được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp thông tin và phần mềm Việt Nam. Theo QTSC, thời gian qua, có 1.107/1.499 đoàn khách nước ngoài đến khu tìm hiểu ngành công nghệ thông tin, phần mềm Việt Nam.
Theo đánh giá của hãng KPMG năm 2017, trong các khu công nghệ tại châu Á, QTSC thuộc Top 3 về thế mạnh về chính sách ưu đãi đầu tư cao và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng; Top 4 khu công nghệ có thế mạnh về mức độ tập trung, đồng nhất ngành nghề của doanh nghiệp hoạt động trong khu.
Nhờ hai chủ trương chính xác và kịp thời là đầu tư khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung của Việt Nam, đến nay Tp. Hồ Chí Minh đã trở thành đầu tàu, trung tâm khoa học công nghệ của cả nước. Đây cũng là nền tảng để Tp. Hồ Chí Minh là điểm đến, "địa chỉ đỏ" cho làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thương mại toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn rất nhiều so với thời khủng hoảng 2008 Điều đó phát tín hiệu về khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi hình chữ V. Ảnh: Bangkok Post Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, thương mại toàn cầu thời kỳ đại dịch Covid-19 phục hồi nhanh hơn cả thời kỳ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Theo chủ tịch viện Kiel, ông Gabriel Felbermayr, dù...