7 tiếng trên chuyến tàu hỏa vắng khách nhất cả nước
Không hiếm những ngày chuyến tàu đi, về giữa ga Yên Viên (Hà Nội) và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh mà không có nổi một hành khách ngoài 5 nhân viên của tổ phụ trách tàu.
Nhiều người chưa biết đến chuyến tàu hỏa lưu thông từ ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) đến ga Hạ Long (Quảng Ninh) và ngược lại. Trên trục đường đó, tàu dừng lại ở 15 ga khác thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và vài xã của Quảng Ninh.
Lịch sử của tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long cũng có bề dày lâu năm. Từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, người dân ở các tỉnh trên thường bám vào xe lửa để mưu sinh. Hiện nay, dù có rất nhiều lựa chọn tốt hơn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, bà con vẫn yêu cầu giữ chuyến tàu quen thuộc này bởi nó giống như sợi dây nối liền việc buôn bán từ vùng này sang vùng khác và là nét văn hóa sinh hoạt lâu đời.
Đoàn tàu có một không hai
4h55 sáng, Zing.vn có mặt trên chuyến tàu duy nhất tại ga Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội), tàu vẫn xuất phát đúng giờ như mọi ngày, dù có khách hay không. Hôm nay, đoàn tàu chỉ có 2 toa hàng hỗn hợp, một toa hành khách mới được tháo ngày hôm trước vì đến hạn sửa chữa. Cho dù thiếu một toa cũng không ảnh hưởng gì nhiều bởi đây là chuyến tàu “chợ” khá vắng khách.
Hàng ngày, tàu tuyến Yên Viên – Hạ Long chủ yếu phục vụ thương lái chở nông sản đi buôn tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh. Người lái tàu cho biết không hiếm ngày tàu xuất phát từ Yên Viên mà không có lấy một hành khách ngoài 5 nhân viên của tổ phụ trách.
Tàu “dân sinh”, tàu “hỗn hợp” hay tàu “chợ” đều là những tên gọi của đoàn tàu chạy tuyến này. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một trong những chuyến xe lửa đặc biệt nhất trong hệ thống đường sắt Việt Nam.
Theo ông Trung, nhân viên kiểm tu, những toa tàu này được Trung Quốc hỗ trợ cho Việt Nam từ những năm 1960, sử dụng đường ray cỡ 1.435 mm – khổ chuẩn quốc tế. Trong khi hiện nay ở nước ta, khổ đường ray 1.000 mm chiếm chủ yếu với 83% tổng chiều dài đường sắt cả nước và khổ đường 1.435 mm chỉ chiếm 6,8%. Điều này làm hạn chế tốc độ và hiệu quả khai thác vận chuyển của tuyến tàu.
Những năm đầu hoạt động, tàu tuyến Yên Viên – Hạ Long gồm 2 toa hành khách, 4 toa hàng. Gần đây, nó đã giảm xuống chỉ còn một toa hành khách và 2 toa hàng. Toa khách “thỉnh thoảng” lại được tháo ra để tu sửa, do đó, có những ngày đoàn tàu chỉ vẻn vẹn 2 toa hàng hóa nối nhau.
Những ngày thiếu toa, hành khách lại được nhân viên kê ghế hoặc quét dọn sạch sẽ rồi trải chiếu xuống sàn ngồi cho mát. Chỗ nghỉ của nhân viên cũng trở thành hàng ghế để ưu tiên cho những gia đình có con nhỏ.
Ông Nguyễn Bá Vịnh, đội trưởng đội tàu, cho biết đã có khoảng thời gian 4 tháng được giảm tần suất từ 1 chuyến/ngày xuống 1 chuyến/tuần năm 2018.
“Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân các tỉnh nằm trên tuyến đường sắt, bà con đi chợ sinh sống bằng tàu mấy chục năm, bỏ tàu thì không biết sinh sống bằng gì. Với lại, nông sản từ Bắc Giang, Bắc Ninh chở về Hạ Long làm nguồn cung cấp lớn cho thành phố. Vì vậy, tháng 9/2018 tàu đã quay trở lại với lịch trình cũ là ngày nào cũng có”, ông nói.
Phóng viên gặp ông bà Bàng và 2 cháu nhỏ đang tay xách nách mang lò dò tìm chỗ ngồi trên chuyến tàu. Ông bà cho biết đưa 2 cháu tới nhà người thân ở thành phố Hạ Long. Xưa nay ông bà rất hay đi tàu bởi sự an toàn và không khí cũng thoải mái hơn khi ngồi ôtô. Bà thích cảm giác được ngồi duỗi chân trên băng ghế.
Giống như ông bà Bàng, trên chuyến tàu này còn có một gia đình với 2 con nhỏ đi du lịch Hạ Long bằng tàu hỏa. Trước anh chị cho hai đứa trẻ du lịch Sa Pa, đi ôtô thì chị say xe, 2 đứa nhỏ lại hay quấy khóc.
“Lần này đi tàu thấy chúng nó ngủ ngoan và có vẻ thích thú hơn. Những hành khách đi tàu chủ yếu là các cụ già, gia đình có con nhỏ không đi được ôtô hay những người ở gần ga”, chị nói.
Ga cuối Hạ Long cũng là một trong những ga đặc biệt nhất. Ngay tại sân ga, hành khách và người dân có thể hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa. Nơi đây được đánh giá là một trong những ga có cơ sở vật chất hàng đầu của miền Bắc. Ga nằm cạnh quốc lộ 18, thuộc phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh, được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2014.
Tàu “chợ”
Năm 1985, bà Phạm Thị Hiên theo những người cùng quê đi tàu từ Uông Bí đến Hạ Long để bán rau. Sáng nào cũng vậy, cứ 10h30 bà có mặt ở ga, khi tàu đến thì bê rau lên đi bán, chiều gần 16h lại về tới nhà. Năm nay bà 66 tuổi, đã có thâm niên hơn 30 năm theo đoàn tàu đi kiếm sống. Chưa khi nào bà nghĩ sẽ bỏ tàu để đi ôtô.
“Giá vé ôtô với tàu hỏa bằng nhau, đi ôtô nhanh hơn nhưng không thoải mái bằng đi tàu. Tàu thoáng, lại để được nhiều hàng hóa, đi tàu cũng vui hơn nhiều. Bà cứ đi tàu chợ như này thôi, đến bao giờ tàu nghỉ thì các bà cũng nghỉ”, bà Hiên tâm sự.
Video đang HOT
Những toa hàng lúc nào cũng đầy ắp, chủ yếu là rau củ, gà, hoa quả theo mùa… Thế nhưng các thương lái vẫn cười và khẳng định: “Chưa đầy lắm đâu. Chưa vào vụ nên như thế này vẫn là thoáng đấy. Đợi khi nào mùa dứa, mùa bòng, mùa vải thì ở đây sẽ ngập hết cả lối đi, nhìn như cái vườn di động luôn”.
Hoa quả sẵn đó, thỉnh thoảng các bà lại lôi một ít ra cùng ăn rồi ngồi kể cho nhau nghe những câu chuyện về công việc của mình, nào là chuyện lấy hàng, chuyện hàng họ tăng giá, đôi lúc là cả chuyện chồng con, gia đình…
Ngày nào những phụ nữ này cũng theo tàu đi bán hàng từ sáng sớm đến tối muộn, thời gian trên tàu còn nhiều hơn ở nhà, vì thế họ thân quen và coi nhau như chị em.
Ga Lan Mẫu là nơi có nhiều bà con lên tàu đi chợ nhất, tập trung nhiều thương lái tiểu thương. Đây là ga thuộc huyện Lục Nam, nơi có nguồn nông sản phong phú, dồi dào của Bắc Giang.
Tháng 7 đang được vụ dưa chuột, rau củ, hàng chục bao tải củ quả được mọi người nhanh chóng chuyển lên tàu qua các ô cửa sổ.
Mỗi tiểu thương giữ cho mình một khoảng cố định trên toa để chất hàng hóa. Phía trên là chiếc võng đã cũ, lúc nào cũng mắc sẵn để nằm nghỉ. Đi chợ nhiều năm, đôi lúc tính cách họ có chút nóng nảy, có khi chỉ là mấy thùng nước vướng chỗ để hàng là cũng sẽ quạu lên vài câu. Nhưng lúc nào họ cũng thật thà, “ruột để ngoài da”, cứ mắng câu trước câu sau lại cười xòa rồi quên luôn.
Khoảng 10h, tàu về đến ga Mạo Khê (Quảng Ninh). Tại đây, các tiểu thương bắt đầu dùng bữa trưa. Bữa trưa của họ lúc nào cũng sớm một chút để đến ga Hạ Long là cứ thế đem hàng xuống bán. Ga Mạo Khê chỉ có duy nhất một hàng cơm, đó là tiệm của bà Thắm.
Từ năm 1986, việc đi lại bằng ôtô chưa thịnh hành, tàu hỏa là phương tiện di chuyển của rất nhiều tiểu thương và hành khách. Đó cũng là khoảng thời gian bà Thắm bắt đầu bán cơm.
“Ngày trước đông lắm, bán cho mấy người đi chợ và khách du lịch mà có những ngày một mình làm không kịp, phải gọi thêm người nhà ra bán phụ. Bây giờ người ta đi tàu này ít hơn, mỗi buổi bán được 15 suất là nhiều”, bà Thắm vừa xúc cơm vừa nói.
Cũng chính vì có quán của bà Thắm mà đoàn tàu lúc nào cũng dừng lại ở ga này lâu hơn một chút, đủ thời gian để các tiểu thương xuống mua cơm hoặc lấy thêm hàng hóa. Mấy nhân viên cũng tranh thủ bê hàng giúp hoặc ngồi nghỉ uống chén nước chè.
11h45, tàu đến điểm cuối là ga Hạ Long (Quảng Ninh). Do đổ buôn là chính, chợ được mở ngay gần đường ray. Sân ga vì thế mà trở nên nhộn nhịp, người ra người vào. Tiếng gà vịt kêu xen lẫn tiếng mặc cả của các cô. Những toa tàu trở thành kho chứa tiện lợi. Họ cứ vậy mà đem hàng xuống bày bán sao cho kịp vì 14h tàu quay đầu để về Hà Nội.
Tàu về là khoảng thời gian nghỉ ngơi của những tiểu thương, vẫn là những câu chuyện về bán buôn hàng họ nhưng ngày nào cũng mới mẻ và đầy niềm vui. Anh nhân viên vừa thu tiền vé, vừa tán gẫu với các cô vài câu, dặn các cô hôm nào có gà bán ế thì nhớ để phần với giá ưu đãi.
Những toa hàng đã trống được các chị thu dọn và làm vệ sinh gọn gàng trước khi xuống tàu. Người đi tàu chợ lâu nhất cũng khoảng 30-40 năm, ít cũng 15-20 năm. Ngày nào công việc của họ cũng đều đặn như vậy đã thành quen. Càng về tối, các bà các chị xuống dần, tàu càng lúc càng trống và yên ắng hơn, từ từ tiến về Hà Nội.
Những nhân viên trên chuyến tàu đặc biệt
Đội tàu phụ trách tuyến Yên Viên – Hạ Long được chia ra làm 3 tổ, làm việc xen kẽ nhau, cứ một ngày làm, hai ngày nghỉ.
Hôm nay là ca của Tàu trưởng Đào Xuân Luyện cùng các thành viên. Để kịp giờ tàu chạy, đều đặn 4h sáng, nhân viên phụ trách chuyến có mặt đầy đủ. Công việc mỗi ngày của họ bắt đầu từ việc lau chùi, quét dọn.
Hôm nay toa khách nghỉ để bảo dưỡng, tàu chạy với 2 toa hàng hóa, ông Luyện lại cùng anh em trong tổ kê thêm ghế để lấy chỗ ngồi cho khách. Trời chưa hửng sáng, tàu xuất phát từ ga Yên Viên (Hà Nội) mà không có một khách nào.
Tổ nhân viên của ông Đào Xuân Luyện gồm 5 người: trưởng tàu, phó tàu, bảo vệ, nhân viên và kiểm tu. Họ là những nhân viên có thâm niên trong nghề, người ít nhất cũng đã chục năm gắn bó với chuyến tàu này. Khác với những chuyến tàu khách, tàu chợ không có phòng riêng dành cho nhân viên. Những lúc rảnh, họ thường ngồi quanh chiếc bàn gỗ với ấm trà, phích nước. Đó vừa là bàn ăn, bàn uống nước chỗ làm việc.
Tàu không có bếp nấu ăn, êkíp phụ trách tàu đặt đồ ăn tại ga, đến bữa là mở ra dùng. Chị Dung (38 tuổi), nhân viên nữ duy nhất trên tàu đảm nhiệm luôn công việc phục vụ anh em. Ngày nào cũng đều đặn: ăn sáng ở ga Kép (Bắc Giang), ăn trưa ở Hạ Long và ăn tối khi đoàn tàu về đến ga Kép.
Các nhân viên trên tàu và tiểu thương ngày nào cũng gặp mặt, vì thế mà thành quen. Ga Lan Mẫu (Bắc Giang) là nơi đông người chạy chợ nhất. Tàu dừng, các nhân viên trong tổ tất bật chạy xuống bê hàng giúp để cho kịp giờ.
Vừa đặt chân xuống sân ga, ông Luyện liền đỡ hàng giúp mọi người, không quên cười và hỏi: “Thế hôm nay bán mấy tạ cà đây, nhiều hàng thế thì mấy mà giàu nhỉ”. Đáp lại là những tiếng cười giòn giã của các chị em tiểu thương: “Lúc nào giàu rồi em trả bác tiền công bốc hàng nhé”.
Mỗi người một vị trí riêng. Vì tàu nhỏ nên ngoài những lúc làm nhiệm vụ của mình, họ lại cùng nhau sinh hoạt trên tàu, dọn dẹp hoặc ngồi trò chuyện cùng hành khách và tiểu thương.
Đội tàu chia làm 3 tổ thay nhau làm việc nên một tháng tính ra các anh chị chỉ đi làm 10 ngày công. Phần thời gian còn lại, họ lại tranh thủ làm thêm việc bên ngoài. Chị Dung và chồng cùng làm trong ngành đường sắt. Hai vợ chồng luôn sắp xếp lịch làm không trùng nhau để có người ở nhà trông 2 con nhỏ. Ngoài những ngày đi theo tàu, chị và chồng lại đăng ký làm thêm tại một xưởng sản xuất nhỏ, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Du lịch giữa tâm dịch: Tàu hỏa lên ngôi?
Một số nước đã thực hiện chiến dịch so sánh cảnh đẹp trong nước với quốc tế, vé tàu hỏa nội địa với vé máy bay quốc tế để đạt được cùng trải nghiệm về cảnh sắc tương đương. Nhiều nước đang khôi phục các chuyến tàu đêm.
Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh nằm dọc đường sắt Bắc-Nam. Nguồn: vietnamtourism.gov.vn.
Các chuyến bay thương mại có lợi thế về thời gian di chuyển và phù hợp với khách công vụ do đáp ứng nhu cầu thay đổi vị trí địa lý liên tục theo lịch trình công tác dày đặc, hữu hạn. Tuy nhiên, nếu không bị hạn chế về thời gian, bạn có nghĩ mình sẽ đi tàu thay thế?
Không cần bay xa, vòng quanh thế giới ngay tại nước nhà
Tháng 6/2019, hãng hàng không Hà Lan KLM thay vì bảo vệ đặc quyền của ngành mình và theo đuổi việc tối ưu hóa lợi nhuận đã tung ra chiến dịch "Bay có trách nhiệm" (Fly responsibly) với thông điệp khuyến khích hành khách giảm tần suất bay, bằng việc đặt các câu hỏi "Bạn có luôn phải gặp mặt trực tiếp?", "Bạn có thể đi tàu thay thế không?" (một số chuyến bay gây tốn thời gian hơn cả việc đi tàu, như di chuyển từ Amsterdam đến Brussels).
Với câu hỏi "Bạn có thể đi tàu thay thế không?", đặt trong bối cảnh người Việt Nam không thể bay quốc tế, và du lịch nội địa còn rất nhiều tiềm năng, trải nghiệm du lịch đường sắt (thay vì hàng không) sẽ khiến chuyến hành trình thêm thú vị và du khách được đặt chân đến nhiều vùng cảnh sắc hoang sơ mà máy bay không thể đưa bạn đến.
Năm 2019, Công ty Đường sắt quốc gia Đức (Deutsche Bahn) tung ra chiến dịch kích cầu du lịch nội địa bằng tàu hỏa mang tên "Không cần bay xa - Vòng quanh thế giới ngay trong nước Đức" (No Need to Fly - Around the World in Germany) khi 72% người tham gia khảo sát của Deutsche Bahn bày tỏ mong muốn đi du lịch nước ngoài. Thay vì quảng bá vé tàu du lịch Đức thông thường, chiến dịch đã so sánh cảnh đẹp trong nước và quốc tế, trong mối tương quan giữa chi phí di chuyển bằng tàu hỏa nội địa với hàng không quốc tế để đạt được cùng trải nghiệm về cảnh sắc tương đương.
Ảnh: Nhật Nga.
Ngắm cao bồi miền Tây hoang dã qua khung cửa sổ tàu hỏa (chỉ ít phút nữa thôi, chính anh cao bồi đẹp trai này sẽ "trấn lột" người đang chụp ảnh và các vị hành khách khác). Địa danh: Arizona, Mỹ.
Về mặt kỹ thuật, đây là chiến dịch tiếp thị số thông qua công nghệ gắn thẻ địa lý và công cụ tìm kiếm Google Search. Chiến dịch đã sử dụng một thuật toán để phát hiện những từ khóa địa danh quốc tế mà cư dân mạng đang tìm kiếm, và tìm trong kho ảnh Getty Images một bức ảnh giống 99% với hình ảnh các danh thắng kia, nhưng trong lòng nước Đức.
Chiến dịch tận dụng tối đa dữ liệu khách hàng để xác định chính xác nơi họ đang ở, từ đó tính ra giá tiền di chuyển thực tế từ vị trí sân bay gần nhất với họ đến sân bay gần nhất tại các địa danh quốc tế. Một quảng cáo hiển thị được cá nhân hóa, và định hướng đến những người đã tìm kiếm trực tuyến về các điểm đến quốc tế.
Khán giả được phân phối quảng cáo hiển thị là các video ghép hình danh thắng quốc tế, như Paris hoặc Maldives bên cạnh địa điểm trông giống như ảnh nhưng trong nước Đức. Điều duy nhất khác biệt chính là chi phí di chuyển, với giá vé tàu rẻ hơn rất nhiều so với máy bay. Video cập nhật giá theo thời gian thực, so sánh hai địa điểm tuyệt đẹp (một ở nước ngoài và một ở Đức), và chi phí giữa vé máy bay thấp nhất có giá hàng nghìn euro để đặt chân đến các địa điểm quốc tế so với vé tàu 19 euro (21 USD) để đến thăm một địa điểm giống hệt trong nước Đức.
Trong 13 ngày đầu tiên của chiến dịch hoàn toàn tự động, 750 quảng cáo cá biệt hóa đã được tạo ra. Kết quả chiến dịch là gần 10.000 hình ảnh cá nhân hóa độc đáo, dẫn đến việc bán ra hai triệu vé đường sắt, tăng 24% doanh thu cũng như tạo nên tỷ suất hoàn vốn tốt nhất so với bất kỳ chiến dịch mùa hè nào trong lịch sử của Deutsche Bahn.
Ảnh: PV.
Ga Flagstag nằm trên trục đường sắt liên bang xuyên lục địa. Năm 1866, hãng đường sắt Atlantic và Pacific liên hiệp để khởi công xây dựng tuyến đường sắt dài 3.219km từ Springfield, Missouri đến bờ Tây nước Mỹ, giáp với Thái Bình Dương. Tháng 10/1882, thành phố Flagstaff được thành lập, nhờ việc có con đường sắt đi qua. Địa danh: Arizona, Mỹ.
Tàu hỏa và COVID-19
Ngày 29/7/2020, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc và Anh công bố một phân tích về nguy cơ lây truyền COVID-19 cho hành khách đi tàu. Nghiên cứu mô hình và dịch tễ học này sử dụng dữ liệu từ 2.334 bệnh nhân và 72.093 người tiếp xúc gần có thời gian đi chung chuyến tàu cao tốc liên tỉnh từ 0-8 giờ từ ngày 19/12/019 đến ngày 6/3/2020 tại Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích sự phân bố theo không gian và thời gian của việc lây truyền coronavirus giữa các hành khách đi tàu để làm sáng tỏ mối liên quan giữa sự lây nhiễm, khoảng cách không gian và thời gian đồng hành. Nhóm nghiên cứu kết luận, COVID-19 có nguy cơ lây truyền cao giữa các hành khách đi tàu, nhưng nguy cơ này khác biệt đáng kể dựa trên vị trí chỗ ngồi và thời gian di chuyển của một người liên quan người lây nhiễm.
Tuy nhiên, tàu hỏa đã có lợi thế hơn hầu hết các máy bay thương mại. Theo nghiên cứu "Rủi ro COVID-19 đối với hành khách hàng không: Ghế giữa có nên để trống?" đăng ngày 8/7/2020 của TS Arnold Barnett, giảng viên thống kê tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), trên chuyến bay nội địa Mỹ kéo dài hai giờ, nguy cơ nhiễm coronavirus từ một hành khách gần đó là khoảng 1 trên 4.300; trên các máy bay có ghế giữa bỏ trống, nguy cơ đó rơi vào khoảng 1 trên 7.700.
Trên thực tế, rủi ro tử vong do coronavirus đối với du khách hàng không hiện nay cao hơn đáng kể so với nguy cơ tai nạn hàng không (1 trên 34 triệu), theo nghiên cứu của Barnett. Đây là một kết luận đáng kinh ngạc khi xem xét tính an toàn thống kê thông thường của chuyến bay thương mại.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ phân tích, "việc di chuyển bằng đường hàng không đòi hỏi hành khách phải dành thời gian xếp hàng kiểm tra an ninh và ngồi phòng chờ sân bay", điều này "có thể khiến bạn tiếp xúc gần với những người khác và chạm tay vào các bề mặt công cộng".
Nội thất ấm áp và cổ kính của ga Union, Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Nhật Nga.
Tùy thuộc chính sách của hãng hàng không (ví dụ, Delta, jetBlue, Southwest bỏ hàng ghế giữa, American, Spirit và United khai thác trọn vẹn khoang hành khách), trên các chuyến bay đông người, bạn có thể phải ngồi trong cự ly chưa đến 1,83m với hành khách khác trong nhiều giờ, nguy cơ lây nhiễm của bạn có thể tăng lên.
Trong khi đó, sân ga đặt ngoài trời, ít tắc nghẽn hơn khi làm thủ tục và không kiểm tra an ninh. Mặc dù vậy, CDC Mỹ vẫn cảnh báo rằng "việc đi lại trên xe buýt và xe lửa trong bất kỳ khoảng thời gian nào đều cần ngồi hoặc đứng giãn cách những người khác trong vòng 6 feet (1,83m)".
Một sáng kiến mới trên các chuyến tàu đặt trước của Amtrak (Mỹ) là không có ghế giữa trên các đoàn tàu của hãng; số lượng đặt chỗ có giới hạn, vì vậy hành khách đi một mình sẽ có một ghế trống liền kề.
Ngoài ra, giống như nhiều hãng hàng không, Amtrak tuyên bố thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tăng cường vệ sinh, khẩu trang bắt buộc cho hành khách và đoàn phục vụ, thay đổi không khí trong khoang 12-15 lần mỗi giờ và cung cấp 6,8 lít không khí trong lành mỗi phút cho mỗi hành khách.
Tháp đồng hồ tại mặt chính diện nhà ga Leningrad, thủ đô Mátxcơva, LB Nga. Ảnh: Nhật Nga.
Bảo vệ môi trường
Trong quảng cáo "Bay có trách nhiệm" nêu ở phần đầu, hãng KLM đã tiên phong trong việc tạo ra một tương lai bền vững hơn cho ngành hàng không với sự hợp tác của doanh nghiệp và khách hàng. Thay vì gia tăng lợi nhuận từ việc bán vé máy bay hay việc thu phí hành lý từ hành lý quá cước, KLM khuyên các khách hàng cân nhắc giảm việc đi lại bằng đường hàng không bằng cách xem xét các lựa chọn thay thế như tàu hỏa, và thúc đẩy thói quen di chuyển không hành lý (hoặc hành lý vừa phải).
Ngày 3/8/2020, Japan Times đăng bài viết về một thời tàn lụi của các chuyến tàu đêm giờ sẽ được phục hồi trong đại dịch COVID-19, đặc biệt khi mạng lưới đường bay suy giảm. Pháp, Áo, Anh và Thụy Điển là các quốc gia hối thúc sự trở lại của tàu đêm. Một trong những động lực thúc đẩy việc tái khôi phục ngành đường sắt này chính là vì nhận thức về lượng khí thải carbon từ ngành hàng không.
Theo Statista, năm 2019, ngành hàng không thương mại tiêu thụ 363,4 tỷ lít dầu và từ năm 2015 đã được Ủy ban Môi trường, Sức khỏe và An toàn thực phẩm của Nghị viện châu Âu dự đoán sẽ tạo ra khoảng 22% lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm 2050.
Ga Kazan, thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan (LB Nga), đẹp như một trang sách cổ trong truyện cổ xứ sở bạch dương. Ảnh: PV.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron những năm qua đã loại bỏ hầu hết dịch vụ đường sắt nội địa qua đêm, chỉ còn giữ một số tuyến. Nhưng vào tháng 7 năm nay, ông tuyên bố chính phủ sẽ tái phát triển các chuyến tàu đêm như một phần của chiến dịch giảm khí thải.
Đường sắt Liên bang Áo sterreichische Bundesbahnen (BB) đã mua lại mảng vận hành tàu đêm của nhà khai thác Đức Deutsche Bahn (sau khi hãng Đức dừng dịch vụ ban đêm vào 2017) và có kế hoạch mua 20 đoàn tàu mới với giá 500 triệu euro. Chặng Vienna - Brussels đã được khôi phục lại từ tháng 1/2020, sau 16 năm ngừng chạy.
Tại Anh, đường sắt Great Western Railway có kế hoạch tái khởi động tàu đêm đến Cornwall. Chuyến tàu đêm The Caledonian Sleeper nối London, Edinburgh, Glasgow và Aberdeen đã được tân trang với tổng mức đầu tư 150 triệu bảng Anh vào những toa tàu mới.
Thụy Điển là quê hương của khái niệm flygskam (flight shame - sự xấu hổ khi đi máy bay), do nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg đưa ra. Thiếu nữ Thunberg không đi máy bay và từng đến nhiều hội nghị bằng tàu đêm. Chính phủ Thụy Điển đang có kế hoạch đầu tư 400 triệu krona (46 triệu USD) để khởi động lại các kết nối hằng ngày giữa Stockholm - Hamburg và Malm - Brussels vào mùa hè năm 2022.
Ga xép trên đường tàu từ thủ đô Yangon đến cố đô Bagan, Myanmar. Ảnh: Nhật Nga.
Việt Nam thì sao?
Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh nằm dọc theo mạng lưới đường sắt quốc gia. Nếu khai thác tốt hành trình đường sắt thì mỗi người Việt Nam có thể tìm đến một địa danh đẹp không thua Maldives, để "check-in" trong lòng Việt Nam, vừa gia tăng niềm tự hào về các danh thắng quốc gia, vừa trải nghiệm phương thức du lịch mới lạ, vừa đảm bảo an toàn khi di chuyển trong mùa dịch, và đóng góp trách nhiệm với môi trường và tầng khí quyển.
Là một tín đồ xê dịch, mình đã ngồi, nằm nhiều khoang tàu từ xấu đến xịn trong nước và quốc tế. Tầm tuổi mình, bạn bè đã từng lên Sa Pa như sau: đi từ tối hôm trước bằng tàu đêm SP, cập ga Lào Cai, rồi bắt xe lúc rạng sáng hôm sau lên núi. Khi thông đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, có lẽ tàu là lựa chọn ít thực tiễn hơn, cả về kinh tế và thời lượng.
Ngoài ra, mình cũng xuôi Cam Ranh trên tàu SE (tàu nhanh tuyến thống nhất Bắc-Nam), ngắm trọn vẻ đẹp của cung đường biển hình chữ S, trên hành trình công tác Đà Lạt (mặc dù lựa chọn bay Nội Bài - Liên Khương có lẽ là giải pháp nhanh gọn và kinh tế hơn).
Từ ngày 23/4, ngành Đường sắt chính thức chạy thêm một đôi tàu khách Thống nhất SE1/SE2 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM. Nguồn: vietnamtourism.gov.vn.
Khi có dịp đi nước ngoài, mình lại tranh thủ thử cảm giác đi tàu. Chuyến tàu liên vận xuyên lòng châu Âu xuất phát từ St. Petersburg (LB Nga), tàu cao tốc TGV (Pháp), tàu cao tốc Amtrak (Mỹ), hay tàu giả cổ Xanterra tái hiện miền Tây nước Mỹ xuyên rừng Arizona thả du khách trong lòng Đại vực (Grand Canyon)... là những cơ hội mà mình may mắn được tận hưởng.
Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ là chuyến tàu có lý trình 580km từ Yangon đến Bagan (Mynamar) dự kiến đến nơi sau 13 tiếng. Kết quả thực tế là mình và lũ bạn dành hơn 30 tiếng nhấp nhổm đi qua các vùng thời tiết mưa rào, nắng gắt, trong bầu không khí vô định đặc quánh.
Dù ọp ẹp hay thơm lừng, ê mông hay mát rượi, tàu hỏa là đặc sản mà khi đi đến một quốc gia mới nào mình cũng khoái chí muốn trải nghiệm.
Nhưng nếu tàu hỏa không thể giải quyết được nhu cầu công việc do thiếu sự sẵn sàng trong lựa chọn về tiện ích, lý trình, thời lượng, không gian... thì bạn có thể cân nhắc khái niệm "Bay có trách nhiệm", nghĩa là di chuyển gọn nhẹ và bù thêm phí vào Chương trình Trung hòa khí carbon chuyến bay tự nguyện của các hãng hàng không.
Và hãy thử suy nghĩ "Bạn có luôn phải gặp mặt trực tiếp?" khi công nghệ đã gia tăng tiện ích cuộc sống và thúc đẩy giao tiếp liền mạch, trung thực và sống động theo thời gian thực, không chịu ảnh hưởng bởi không gian, thời gian và điều kiện vật lý (môi trường, thời tiết...).
Khung cảnh sinh động khi tàu dừng tại ga xép trên đường từ thủ đô Yangon đến cố đô Bagan, Myanmar. Ảnh: Nhật Nga.
Vòng quanh thế giới trên 10 chuyến tàu giá rẻ Tàu hỏa có thể không phải là phương tiện di chuyển nhanh nhất, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn chiêm ngưỡng những phong cảnh tuyệt đẹp nhất. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những chuyến tàu giá rẻ đưa bạn đi xuyên quốc gia. 1. Belgrade, Serbia đến Bar, Montenegro Hành trình từ thủ đô Belgrade, Serbia đến thị trấn ven biển...