7 chiến lược phát triển giao thông TP.HCM
Năm 2021 là năm bản lề để TP.HCM thực hiện bảy chiến lược nhằm thay đổi cục diện giao thông TP trong năm năm tới.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết ngay từ đầu năm 2021, ban đã xác định bảy chiến lược phát triển giao thông TP trong năm năm tới. Theo đó, sẽ có bảy nhóm dự án tương ứng với bảy chiến lược quan trọng này.
Năm 2021-2025, ngành giao thông TP.HCM sẽ tập trung vào giải pháp giảm kẹt xe khu vực cảng Cát Lái (quận 2). Trong ảnh: Kẹt xe trên đường Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: ĐT
Kỳ vọng thay đổi cục diện giao thông TP
Ông Lương Minh Phúc cho biết các dự án trọng điểm trong năm 2021 và năm năm tới sẽ được Ban giao thông phối hợp với Sở GTVT để thực hiện. Theo đó, bảy chiến lược phát triển giao thông TP sẽ được phân chia theo nhóm cụ thể như sau:
Thứ nhất là nhóm dự án trọng điểm. Đây là nhóm bao gồm các dự án cao tốc, vành đai, cửa ngõ có vai trò quan trọng đối với mạng lưới giao thông TP. Trong năm nay, Ban giao thông trình HĐND TP về chủ trương đầu tư cho tám dự án thuộc nhóm này. Tiêu biểu là các dự án khép kín vành đai 2, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, mở rộng các tuyến đường cửa ngõ TP như quốc lộ (QL) 50, QL52, QL1A…
Thứ hai là nhóm dự án tập trung vào các điểm nóng về giao thông của TP.HCM. Điển hình ở đây là hai điểm nóng khu vực Tân Sơn Nhất và Cát Lái. Đối với điểm nóng Tân Sơn Nhất, điển hình có dự án kết nối đường Trần Quốc Hoàn với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ GTVT sẽ xây dựng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án tại khu vực sân bay sẽ được khởi công đồng bộ trong thời gian tới như đường Tân Kỳ Tân Quý, Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa…
Đối với điểm nóng Cát Lái, TP sẽ khởi công đồng loạt ở đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, đường liên cảng mới đi dọc bờ sông…, từ đó từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực này.
Thứ ba là các dự án hoàn thiện trục Bắc – Nam để nối kết khu Nam với trung tâm TP. Trong đó, Ban giao thông đang chuẩn bị đầu tư cho dự án cầu đường Nguyễn Khoái đi từ quận 7 qua quận 4 và tới quận 1. Trong định hướng tương lai sẽ có dự án cầu đường Bình Tiên, cầu Phú Định; hoàn thiện đường trục Nguyễn Hữu Thọ đi xuống cảng Hiệp Phước (Nhà Bè); hoàn thiện trục đường 15B song song với đường Huỳnh Tấn Phát… Tất cả dự án này là chiến lược giảm tải áp lực giao thông cho phía nam TP.
Nhóm thứ tư là hoàn thiện mạng lưới giao thông cho đô thị sáng tạo phía đông. Đây là chiến lược đầu tư các dự án giao thông cho khu vực TP Thủ Đức. Trong đó, khu vực nút giao An Phú, đường D7, trục đường nối kết với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây… sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới.
Thứ năm, phát triển xe buýt nhanh (BRT) kết nối với tuyến metro số 1. Tuyến giao thông này sẽ cùng với metro trở thành bộ khung chủ lực để phục vụ khu đô thị TP Thủ Đức trong tương lai với vai trò vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Từ đó, hạn chế xe cá nhân và phát triển giao thông công cộng.
Video đang HOT
Thứ sáu, tập trung vào giao thông thủy. Sẽ có 10 dự án nạo vét, chỉnh trang tuyến sông trên địa bàn TP. Các dự án sẽ tạo điều kiện cho tàu trên 5.000 tấn được vào các cảng, phục vụ chiến lược phát triển giao thông thủy của TP.
Thứ bảy là tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cao năng lực giao thông ở các tuyến giao thông nội đô như nút giao, cầu vượt và hoàn thiện các hệ thống đường đô thị ở các quận, huyện.
Ông Phúc cho biết: Năm 2021 là năm bản lề để khởi công hàng loạt dự án trong bảy nhóm chiến lược nói trên. “Giao thông sẽ thay đổi và hoàn thiện hơn một bước sau khi đưa các dự án trên vào hoạt động.
Cần thay đổi bốn vấn đề để phát triển
Tuy nhiên, theo ông Phúc, phải cần tới năm năm (2021-2025) để thực hiện bảy chiến lược phát triển giao thông nói trên.
Đồng thời, để bảy chiến lược giao thông được thực hiện một cách thuận lợi, ông Phúc cho rằng có bốn vấn đề cần phải thay đổi. Cụ thể là thay đổi về vốn, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và năng lực của các đơn vị thi công.
“Bên cạnh vốn ngân sách thì chúng ta cần có cơ chế về nguồn vốn mới, bao gồm từ nguồn xã hội hóa. Hy vọng trong năm 2021 sẽ mở ra một hướng mới với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được ban hành. Điều này sẽ tạo ra nguồn lực đầu tư tốt hơn cho ngành giao thông” – ông Phúc nói.
Đối với quy chế phối hợp giữa các đơn vị, Ban giao thông cũng sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị từ lập, trình duyệt dự án đến thiết kế, thi công dự án. “Ban giao thông mong muốn phối hợp thuận lợi với các đơn vị chức năng. Từ đó rút ngắn được thời gian thực hiện các dự án, sớm đưa các dự án vào hoạt động” – ông Phúc kỳ vọng.
Cũng theo ông Phúc, công tác giải phóng mặt bằng là một nút thắt lớn mà nếu năm năm tới chúng ta không có cách làm khác thì rất khó để có thể hoàn thành các chiến lược đã đề ra.
“Trong nhóm các dự án vành đai, cửa ngõ, cao tốc thì chi phí bồi thường đã khoảng 20.000 tỉ đồng. Cùng với sự biến động về quy hoạch đất đai thì công tác bồi thường cần huy động sự tham gia của nhiều ngành chức năng cũng như các địa phương mới có thể đưa các dự án lớn sớm hoàn thành” – ông Phúc nhận định.
Ngoài ra, năng lực chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát… cũng cần được quan tâm nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành giao thông.
Hoàn thành cầu Mỹ Thủy 3 trong năm 2020
Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM phải cam kết đến tháng 12-2020, cầu Mỹ Thủy 3 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tại buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn đã cùng các thành viên thị sát dự án nút giao thông Mỹ Thủy.
Tại đây, bà Lệ chia sẻ với những khó khăn của dự án, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cam kết cầu Mỹ Thủy 3 phải được hoàn thiện trong tháng 12-2020.
Nhiều hạng mục đã hoàn thành
Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban QLDA) cho biết nút giao thông Mỹ Thủy nằm ở giữa trục vành đai 2, đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống.
Sau khi hoàn thiện, nút giao Mỹ Thủy sẽ có bốn tầng: Tầng 1 là hầm chui rẽ trái từ vành đai 2 đi Cát Lái; tầng 2 là mặt vòng xoay; tầng 3 là cầu vượt trên vành đai 2 với tám làn xe và tầng 4 là cầu vượt Cát Lái rẽ trái về cầu Phú Mỹ (quận 7). Nút giao này được đầu tư từ năm 2016 với tổng mức kinh phí là 1.998 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2016-2021. Dự án này sau khi hoàn chỉnh sẽ tách tất cả xe gắn máy không di chuyển vào nút giao nên giảm thiểu được tai nạn giao thông.
Hiện nay Ban QLDA đã xây dựng được các gói thầu như gói cầu Kỳ Hà 3 nhánh trái từ năm 2017; cầu vượt trên vành đai 2 hoàn thành được một nửa, khai thác từ năm 2018; hầm chui từ vành đai 2 rẽ trái về cảng Cát Lái cũng đã hoàn thành năm 2018.
Ba hạng mục thi công đang triển khai gồm các nhánh đường rẽ phải xung quanh rạch Mỹ Thủy (chủ yếu thi công các hầm chui do vướng mặt bằng); các nhánh đường bờ hữu rạch Mỹ Thủy. Riêng cầu Mỹ Thủy 3 đã thi công từ tháng 3-2020 và sẽ hoàn thành trong năm nay.
Các hạng mục khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch thi công. Hiện còn hai hạng mục chưa được quyết định đầu tư là cầu Kỳ Hà 3 nhánh phải và cầu vượt trên vành đai 2 rẽ phải. Trong tổng số 10 hạng mục đến nay đã hoàn thành được ba hạng mục.
Dự án có tổng diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) là 16,6 ha. Trong đó diện tích bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 5,7 ha. Riêng dự án bồi thường do Ban QLDA quận 2 làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư là 504 tỉ đồng với gần 200 trường hợp bị ảnh hưởng.
Hiện quận 2 đã dự thảo phương án bồi thường, thu thập ý kiến người dân nhưng do biến động về giá bồi thường nên quận đã trình điều chỉnh chủ trương đầu tư công từ 504 tỉ lên 1.029 tỉ đồng. Sau khi điều chỉnh được, quận 2 sẽ thực hiện tiếp các công việc như thẩm định giá t2, trình duyệt phương án bồi thường và chi trả bồi thường. Thời gian thực hiện và hoàn thành trong năm 2021.
Chủ tịch HĐND TP - bà Nguyễn Thị Lệ (đội nón) cùng đoàn giám sát thị sát dự án nút giao thông Mỹ Thủy. Ảnh: ĐÀO TRANG
Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng
Ban QLDA cho rằng khó khăn hiện nay vẫn là công tác GPMB, vấn đề giải ngân và một số hạng mục khác. Ban QLDA kiến nghị Sở KH&ĐT xem xét, báo cáo UBND trình HĐND TP sớm thông qua chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư công từ 504 tỉ lên 1.029 tỉ đồng để quận 2 có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban QLDA, không phải dự án bị đội vốn mà TP có chủ trương đầu tư thêm với nhiều hạng mục nên phải thay đổi tổng mức đầu tư.
Đại diện UBND quận 2 cho biết tiến độ thực hiện GPMB trên địa bàn quận có tổng 199 hồ sơ, tổng diện tích thu hồi 16,6 ha. Hiện quận đã ban hành thông báo thu hồi đất 195 hồ sơ, còn bốn hồ sơ chưa ban hành thông báo. Quận đã có văn bản kiến nghị TP chỉ đạo Sở KH&ĐT sớm hướng dẫn chủ đầu tư quy trình, thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, đồng thời phối hợp với Sở Tài chính cân đối, chuẩn bị nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, GPMB.
Nút giao Mỹ Thủy là một trong tám điểm đen về tai nạn giao thông còn lại của năm 2019. Một trong những giải pháp để xóa điểm đen này là phải nhanh chóng hoàn chỉnh nút giao thông. Thế nhưng đến nay dự án chưa được thông qua tổng mức đầu tư điều chỉnh nên chưa thể hoàn tất trình duyệt dự án bồi thường và đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dù đã được triển khai từ năm 2017.
Phó Bí thư Thành ủy bày tỏ lo ngại đơn giá đất đã trình từ năm 2018 mà đến nay chưa xong. Nếu kéo dài đến năm 2021 thì đơn giá có thể lại phải thay đổi cho phù hợp.
Đến nay kinh phí cho dự án biến động khá nhiều. Riêng phần xây lắp đã tăng từ hơn 800 tỉ lên gần 2.000 tỉ đồng; chi phí GPMB cũng tăng gấp đôi. Dự án còn nhiều vướng mắc nên Sở KH&ĐT đã có văn bản trình Bộ KH&ĐT và đang chờ được hướng dẫn.
Bà Lệ đánh giá nút giao Mỹ Thủy có vị trí rất quan trọng. Bà đề nghị UBND quận 2, Sở KH&ĐT, chủ đầu tư tính toán lại, thẩm định chặt chẽ hồ sơ về việc tăng tổng mức đầu tư của bồi thường và xây lắp. "Đã điều chỉnh vốn thì phải điều chỉnh dự án, trong khi các đơn vị mới xin chủ trương" - bà Lệ nói.
Đối với các hạng mục không bị vướng mặt bằng như cầu Mỹ Thủy 3, bà Lệ yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải thực hiện đúng kế hoạch. "Ban QLDA phải cam kết hoàn thành cầu Mỹ Thủy 3 trong tháng 12-2020" - bà Lệ nhấn mạnh.
Công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt
Đại diện Sở TN&MT cho rằng đơn giá bồi thường năm 2018 thống nhất điều chỉnh từ 504 tỉ lên 1.029 tỉ đồng. Nguyên nhân là đơn giá đất tăng và ranh gpmb tăng nên đề xuất này là có cơ sở. Đại diện Sở TN&MT đánh giá công tác chuẩn bị đầu tư của các đơn vị chưa được tốt, chưa được đồng bộ từ khâu chuẩn bị đất, thu hồi đất, nguồn vốn... Nếu HĐND TP thông qua vốn đầu tư công mới, sau đó quay về trình giá đất t2 thì có thể giá đất lại tăng lên. Vì vậy, các đơn vị phải có sự chuẩn bị tốt hơn trong các dự án khác.
HĐND thành phố Hà Tĩnh miễn nhiệm, bầu một số chức danh Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố Hà Tĩnh đã hoàn thành việc miễn nhiệm, bầu bổ sung một số chức danh thuộc các ban HĐND và UBND; biểu quyết thông qua các nghị quyết với tỷ lệ 100%. Chiều 4/12, HĐND thành phố Hà Tĩnh khóa XX nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã...