7 cái tên tiêu biểu gia nhập thị trường mạng xã hội Việt 2011
2011 là một năm thực sự khởi sắc đối với mạng xã hội Việt Nam. Hàng loạt sản phẩm mạng xã hội mới đua nhau ra mắt, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho cộng đồng mạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng với “khẩu vị” khác nhau. Bài viết kì này sẽ cùng bạn điểm lại những mạng xã hội “của người Việt, vì người Việt” ra mắt trong 12 tháng sôi động vừa qua.
Yoo! – Mạng xã hội định vị
Mạng xã hội Yoo! chuyên biệt về công nghệ định vị vị trí thực tại Việt Nam chính thức ra mắt vào tháng 1 năm nay. Yoo! là sản phẩm thuộc công ty NES, sử dụng công nghệ định vị của Google với hi vọng giúp người sử dụng dễ dàng kết nối với bạn bè/sự kiện/địa điểm xung quanh vị trí của mình.
Với định hướng khác hẳn những mạng xã hội Việt bấy giờ như Zing Me, Go, Yume,…,Yoo! được cộng đồng trong nước kì vọng sẽ mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ. Thực vậy, sau một thời gian ngắn ra mắt, Yoo! đã xây dựng một cộng đồng tương đối lớn và ổn định, gặt hái những thành công nhất định.
Tuy nhiên, mạng định vị Yoo! đã buộc phải đóng cửa vì nhiều lí do sau gần nửa năm hoạt động. Lí giải về sự ra đi của Yoo!, đại diện NES cho biết Yoo! ra đời hơi vội vàng, hơn nữa chưa nhận được nhiều đầu tư từ NES.
Nhacso phiên bản 2 – Mạng xã hội cho người yêu âm nhạc
Video đang HOT
Ngày 1/4/2011 đánh dấu sự thay đổi lớn cho tín đồ mạng xã hội yêu nhạc khi Nhacso.net ra mắt phiên bản 2. Với định hướng “Mạng Xã Hội Âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam”, Nhacso đã mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho cộng đồng thành viên của website gạo cội này.
Nhacso phiên bản 2 được đánh giá là cải tổ “từ trong ra ngoài”. Thiết kế mới hoàn toàn, chuyên nghiệp và bắt mắt hơn hẳn phiên bản cũ với tông màu trắng – xanh – đen. Đặc biệt, nhiều tính năng định hướng mạng xã hội đã xuất hiện: bình luận, chia sẻ, cập nhật tin bạn bè.
Được đánh giá là “cái bắt tay” giữa dịch vụ nghe nhạc trực tuyến và mạng xã hội, Nhacso dường như chưa gây được tiếng vang lớn. Trong bối cảnh các mạng xã hội đang đua nhau tích hợp dịch vụ âm nhạc một cách sâu sắc, Nhacso cần nhiều đầu tư hơn nữa để xứng đáng với tiêu chí “Mạng Xã Hội Âm nhạc”.
Reader – Mạng xã hội sách
Đi vào hoạt động từ ngày 17/4/2011, Reader hướng tới đối tượng người dùng yêu thích đọc sách. Reader có thiết kế chuyên biệt phục vụ cho người ham mê sách: phần lớn diện tích dùng để hiển thị các tựa sách, các danh mục tìm kiếm chuyên biệt theo chủ đề sách, tính năng Bình luận sách, Sách nổi bật, Trích dẫn sách và nhiều danh mục khác.
Là ngôi nhà chung của cộng đồng ham mê sách, Reader hỗ trợ rất tốt tính năng trao đổi sách giữa các thành viên thông qua mục Hiệu sách. Thành viên có thể đăng tin rao bán cuốn sách mình có, kèm theo giá và thông tin liên lạc. Bên mua sau đó có thể tham khảo và thỏa thuận với người bán.
Reader còn nổi trội với tính năng mua e-book trực tuyến tiện lợi. Thư viện e-book đồ sộ kết hợp với phương thức thanh toán tiện lợi (cổng thanh toán NganLuong, chuyển khoản ATM hoặc PayPal, nhập mã số nạp Xu – đơn vị tiền của Reader).
Banbe – Mạng xã hội của “ông lớn” FPT
Mạng xã hội Banbe của tập đoàn FPT đã đến tay cộng đồng trong nước ngày 6/6/2011 sau một thời gian khá dài chạy thử nghiệm. Banbe mang đầy đủ tính năng của một mạng xã hội thế hệ thứ ba: lập hội nhóm, chia sẻ hình ảnh/ video, viết blog, chơi game, cùng nhiều hoạt động tương tác khác.
Những tính năng mạng xã hội của Banbe được đầu tư phát triển tương đối tốt, mang đến trải nghiệm hoàn chỉnh cho thành viên: giao diện thân thiện, tính năng chia sẻ mạnh mẽ, ứng dụng đa dạng, kho dữ liệu đáng nể. Trong thời gian tới, Banbe hứa hẹn sẽ được kết nối rộng rãi tới các dịch vụ trực tuyến lớn của FPT, đồng thời hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng qua hệ thống API.
TIM Shot – Mạng xã hội chia sẻ ảnh trên di động
TIM Shot là sản phẩm thuộc công ty CNC, ra mắt cộng đồng mạng dưới hình thức ứng dụng chạy trên nền tảng iOS từ tháng 8 năm nay. TIM Shot hướng tới ba giá trị: hình ảnh, smartphone và tính cộng đồng. Người dùng TIM Shot có thể xem ảnh, bình luận, qua đó theo dõi xu hướng chụp ảnh của cộng đồng.
TIM Shot còn hỗ trợ tính năng chỉnh sửa ảnh thông qua các công cụ mà ứng dụng này cung cấp như làm nhòe, tạo hiệu ứng. Tính năng chia sẻ ảnh lên Facebook, Twitter cũng đã xuất hiện sớm từ phiên bản thử nghiệm.
Pega – ẩn số đến từ VC Corp
Ra mắt ngày 28/9/2011, Pega là mạng xã hội thuộc VC Corp (chủ quản một loại website lớn của Việt Nam như: Én Bạc, Rồng Bay, Mua rẻ, Mua chung, Link Hay, Kênh 14, Cafe F, Auto Pro…) hướng tới thảo luận trong nhóm bạn bè, đồng nghiệp, gia đình (discussion-based social network). Pega cho phép thành viên theo dõi và trao đổi thông tin với đầy đủ chức năng căn bản, không quá khó tiếp cận, mọi người đều dùng được.
Chia sẻ với cộng đồng, Pega cho biết, triết lí của mạng là phần lớn thông tin có thể trôi đi nhưng những cái quan trọng nhất, liên quan tới bạn nhất cuối cùng sẽ tìm thấy bạn. Đây là giải pháp của Pega trước bài toán cân bài giữa việc mất thông tin và quá tải thông tin.
Bang – Mạng xã hội Việt cuối cùng trong năm
Bang (thuộc công ty P.A Việt Nam) là mạng xã hội mới ra mắt đầu tháng 11 vừa qua với nhiều tính năng nổi bật thiên về hoạt động rao vặt và mua bán. Thành viên được cung cấp các tính năng tương tác cộng đồng cơ bản (chia sẻ ảnh/video, viết blog, cập nhật tin tức), đồng thời thu thập điểm Bang từ các tương tác đó, phục vụ cho các tính năng giao thương.
Bang cũng giới thiệu hệ thống điểm vàng (mua bằng tiền mặt hoặc đổi từ điểm Bang) dành cho hoạt động mua banner, đăng tin rao vặt, tuyển dụng, quảng cáo sản phẩm. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động , mạng xã hội Bang được đánh giá cao về hoạt động giao thương hơn là các tương tác chia sẻ thường thấy ở các mạng xã hội Việt khác.
Theo ICTnew