64.000 TS, PGS, ThS nhưng bài đăng tạp chí quốc tế thấp
“Nền Khoa học công nghệ ( KHCN) chưa được coi trọng, kinh phí giao cho hoạt động KHCN chiếm 2% trong tổng chi ngân sách nhà nước nhưng chưa được sử dụng đúng mức, hiệu quả kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho KHCN còn khiêm tốn”.
Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân trong buổi đối thoại với các tài năng trẻ Việt Nam chiều 23/12 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ Nguyễn Quân đối thoại với các tài năng trẻ.
Kinh phí eo hẹp
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến KHCN, cơ quan nhà nước gần như chưa làm tròn trách nhiệm với KHCN, việc sử dụng kinh phí trong hoạt động KHCN chưa hiệu quả và không đúng mục đích.
Nhiều địa phương không có kinh phí phải sử dụng tiền của KHCN để làm vành đai, khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt…
Trên thực tế, cán bộ khoa học Việt Nam là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong giới làm công ăn lương của nhà nước, ngoài lương cơ bản không có thêm bất kì phụ cấp nào dẫn đến còn nhiều khó khăn.
Video đang HOT
“Làm khoa học ở đất nước ta còn nhiều khó khăn lắm, ai cũng nói quan trọng phải trọng dụng, ưu đãi nhưng hầu như không có ai làm gì. Chính chúng ta phải tạo niềm tin và bằng thành tựu chúng ta sẽ làm cho Nhà nước tin vào khả năng của chúng ta” – Bộ trưởng Quân nói.
Dẫn chứng về những tồn tại trong KHCN, bộ trưởng thống kê Việt Nam có 18.000 tiến sĩ, 10.000 phó giáo sư, hơn 36.000 thạc sĩ nhưng số lượng bài báo đăng trên tạp chí quốc tế về nghiên cứu khoa học của ta chưa cao, còn thua nhiều nước.
Nguyên nhân chính là do kinh phí để thực hiện quá cao, không phải nhà khoa học nào cũng có đủ nguồn lực để đăng kí sáng chế. Như ở Hoa Kì muốn đăng kí sáng chế phải tốn kém đến 3000 USD từ thuê công ty tư vấn đến giúp làm hồ sơ…
Nguyên nhân nữa dẫn đến khó khăn trong hoạt động KHCN chính là đầu tư xã hội cho KHCN còn thấp. So với các nước trong khu vực ASEAN, cụ thể đầu tư xã hội cho KHCN của Trung Quốc gấp 6 – 7 lần đầu tư xã hội cho KHCN ở Việt Nam.
Đổi mới cơ chế quản lí
Theo bộ trưởng, để phát triển KHCN, Bộ Khoa học – công nghệ đã xây dựng bộ luật KHCN mới được Quốc hội thông qua, trong đó đổi mới cơ chế quản lí KHCN, trọng tâm là đổi mới cơ chế tài chính, hạn chế đề tài nghiên cứu nằm trên ngăn kéo, chuyển sang cơ chế đặt hàng các đề tài có tính ứng dụng cao. Đồng thời đổi mới hoạt động theo cơ chế quỹ, có quỹ phát triển KHCN, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi cụ thể với cán bộ khoa học. Các tài năng trẻ được nhận giải thưởng Quả cầu vàng cũng như các giải thưởng quốc gia khoa học kĩ thuật khác đều đáp ứng tiêu chí để ưu đãi. Được Nhà nước ưu tiên trong việc giao nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước, ưu tiên thành lập nhóm nghiên cứu mạng, giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu quyền sử dụng, hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế, đăng kí sở hữu trí tuệ để được bảo hộ…
“Với đổi mới này sẽ có thay đổi lớn mang tính đột phá giúp các nhà khoa học có thể sống bằng trí tuệ của mình, sống bằng kết quả nghiên cứu của mình; có cổ phần không khiêm tốn trong các doanh nghiệp và có thể dùng luôn sản phẩm của mình để làm vốn tự sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tinh thần đổi mới của KHCN đòi hỏi không chỉ có sự thay đổi nỗ lực của bộ mà những người quản lí đầu tư, quản lí về nhân lực và sự quan tâm đồng bộ của hệ thống chính trị là yếu tố cần thiết” – ông Quân khẳng định.
Theo Tuổi Trẻ Online
Nhiều ưu đãi cho nhà khoa học trẻ tài năng
Theo dự thảo Nghị định quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, các nhà khoa học trẻ tài năng, nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng sẽ nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt.
Các nhà khoa học trẻ tài năng sẽ nhận được nhiều ưu đãi (Trong ảnh: Lễ trao giải thưởng Loa Thành 2013). Ảnh: Ngọc Châu.
Ưu tiên về nhà xã hội, học bổng, kinh phí
Lần đầu tiên sẽ có nghị định riêng quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trong bối cảnh chế độ đãi ngộ các nhà khoa học bị kêu ca nhiều năm nay. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên các chức danh nhà khoa học trẻ tài năng, nhà khoa học đầu ngành được định nghĩa.
Theo dự thảo, nhà khoa học trẻ tài năng phải dưới 40 tuổi, có trình độ tiến sỹ, chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về KHCN trong nước, quốc tế và là tác giả chính của bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành quốc tế, trong nước có uy tín, chủ biên sách chuyên khảo hoặc sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ.
Ngoài việc được ưu tiên thuê, mua nhà xã hội, các nhà khoa học trẻ tài năng được ưu tiên cấp học bổng nghiên cứu sau tiến sỹ chuyên ngành KHCN tại các cơ sở nghiên cứu trong nước và nước ngoài, được thành lập các nhóm nghiên cứu xuất sắc tại các tổ chức KHCN trong lĩnh vực chuyên môn. Ngoài ra, được hỗ trợ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cũng như tham dự hội nghị, hội thảo khoa học nước ngoài với định mức không quá hai lần một năm, trừ trường hợp đặc biệt.
Với các nhà khoa học đầu ngành, ưu tiên đặc biệt là được cấp kinh phí hằng năm theo đề xuất để thực hiện các nhiệm vụ KHCN liên quan phát triển ngành. Được hưởng phụ cấp chức vụ vụ trưởng cấp bộ và nhiều chế độ khác.
Khi thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học chủ trì sẽ được giao quyền tự chủ đặc biệt, toàn quyền quyết định trong nhiều vấn đề như chủ động sử dụng kinh phí được giao theo phương thức khoán chi, chủ động bố trí, sử dụng nhân sự. Ngoài ra, sẽ được bố trí đi lại, nhà ở công vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh các chế độ trọng dụng ba nhóm nhà khoa học trên, dự thảo nghị định cũng quy định các chính sách trong đặc cách tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; sử dụng cá nhân hoạt động KHCN và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KHCN. Theo một số nhà khoa học, nếu làm tốt, nghị định sẽ cởi được một trong ba nút thắt lớn của nền KHCN nước nhà là chế độ đãi ngộ, bên cạnh cơ chế tài chính và phương thức đầu tư.
Nguy cơ tràn lan nhà khoa học đầu ngành
Nhiều nhà khoa học cho rằng, sự ra đời của nghị định là rất cần thiết, dù muộn. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ quan ngại, việc hành chính hóa chức danh nhà khoa học đầu ngành theo một số tiêu chuẩn sẽ dẫn đến nguy cơ tràn lan nhóm các nhà khoa học này.
GS.TSKH Trần Xuân Hoài, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý Ứng dụng và Thiết bị Khoa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho rằng, chức danh nhà khoa học đầu ngành là sự suy tôn, thừa nhận của giới khoa học cho một hoặc vài nhân vật trong lĩnh vực cụ thể, không thể hành chính hóa việc phong chức danh này bằng một số tiêu chí.
Nếu một nhà khoa học được cơ quan quản lý công nhận là nhà khoa học đầu ngành, nhưng cộng đồng khoa học không thừa nhận thì quy định sẽ không có giá trị thực tiễn. Hơn nữa, nếu ai đáp ứng đủ tiêu chí đều trở thành nhà khoa học đầu ngành thì sẽ tràn lan các nhà khoa học này.
Một nhà khoa học khác cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo nghị định vẫn mang nặng tính hành chính như quy định nâng bậc lương trước thời hạn và nâng lương vượt bậc, quy định về kéo dài thời gian làm việc hay việc công nhận nhà khoa học đầu ngành. Việc hành chính hóa các chế độ ưu đãi dễ dẫn đến cơ chế xin cho, nhà khoa học này nhận định.
Theo GS Trần Xuân Hoài, nghị định sẽ phát huy hiệu quả thực tiễn cao nhất khi trọng dụng đúng người, muốn có người tài để trọng dụng thì khâu đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài KHCN ở chương IV của dự thảo cần phải được làm rõ hơn.
Theo TPO
Giúp thanh niên làm giàu từ KH&CN Có một dự án không trực tiếp tạo ra sản phẩm hàng hóa song đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực thông qua việc cung cấp thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) cho nhiều thanh niên các tỉnh Bắc Trung bộ. Không ít mô hình hay, gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi đã bắt đầu khởi nghiệp nhờ...