6 nhóm người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, ngày nay, bệnh có xu hướng trẻ hóa không rõ nguyên nhân.
Ung thư đại tràng là bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị sớm. Theo American Cancer Society, những nhóm người dưới đây có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.
Người cao tuổi
Giống nhiều bệnh lý khác, ung thư đại tràng thường gặp ở nhóm người cao tuổi.Tuy nhiên, American Cancer Society cho biết số lượng bệnh nhân ung thư đại tràng ngày càng trẻ hóa không rõ nguyên nhân.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thống kê trên 90% ca ung thư đại tràng xuất hiện ở người trên 50 tuổi.
Tiền sử bị polyp đại tràng, viêm ruột
Nhóm bệnh nhân có tiền sử bị polyp tuyến, viêm loét đại tràng, hội chứng Crohn (viêm nhiễm gây tổn thương sâu ở đường tiêu hóa), tiềm ẩn nguy cơ mắc ung thư.
Đây đều là các tình trạng viêm ruột trong thời gian dài, dễ dẫn đến tăng sinh tế bào quá mức (chứng loạn sản), hình thành khối u ác tính. Đặc biệt, khối polyp càng lớn, nhiều, nguy cơ mắc ung thư đại tràng càng cao. Nếu có tiền sử mắc các bệnh trên, bạn nên tầm soát ung thư khi còn trẻ và thường xuyên.
Ung thư đại tràng ngày càng trẻ hóa không rõ nguyên nhân. Ảnh: Shutter Stock.
Gia đình có người bị ung thư đại tràng
Thống kê của American Cancer Society cho thấy gần 35% người mắc ung thư đại tràng có người thân trong gia đình từng bị bệnh. Nhóm đối tượng thuộc họ hàng cấp một (cha, mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái) có nguy cơ cao hơn.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo nếu gia đình có người bị ung thư đại tràng, polyp tuyến, bạn nên tầm soát trước 45 tuổi và theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Mắc các hội chứng di truyền
Khoảng 5% người bị ung thư đại tràng là do di truyền những đột biến gene. Các hội chứng di truyền phổ biến liên quan ung thư đại tràng là Lynch (rối loạn di truyền trội do đột biến một trong 5 gen MLH1, MSH2, MSH6, PMS2 và EPCAM) và đa polyp tuyến gia đình (di truyền gây ra bởi một khiếm khuyết trong gene ức chế khối u đa chức năng – APC).
Ngoài ra, các hội chứng di truyền hiếm gặp khác cũng tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng như Peutz-Jeghers, đa polyp liên quan gene MUTYH.
Video đang HOT
Người có chế độ ăn uống thiếu chất xơ, thừa chất béo
Ngoài những yếu tố không thể cải thiện ở trên, lối sống thiếu khoa học cũng góp phần tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Chế độ ăn thiếu chất xơ, thừa chất béo khiến chúng ta thừa cân, mắc nhiều bệnh lý nền. Cân nặng quá khổ còn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng ở cả 2 giới, đặc biệt là đàn ông.
Các bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên hạn chế ăn thịt đỏ, tránh ăn đồ chiên, nướng hoặc thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn. Khẩu phần ăn hàng ngày nên cân bằng 4 nhóm dưỡng chất, bổ sung nhiều rau xanh, tránh tinh bột xấu và đường, đồ uống có gas.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học, kém lành mạnh khiến nhiều người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao. Ảnh: Shutter Stock.
Hút thuốc là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư phổi và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Ung thư đại tràng cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, với người từng phẫu thuật cắt bỏ u tuyến đại tràng, thuốc lá làm tăng nguy cơ tái phát bệnh. Rượu, bia và các chất kích thích cũng liên quan khả năng hình thành các u tuyến đại tràng lớn.
Cách phòng ngừa ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng được chia làm 5 giai đoạn theo sự phát triển của khối u. Nếu được chẩn đoán và phát hiện trước khi bệnh di căn, người mắc có cơ hội chữa khỏi. Thống kê cho thấy 90% bệnh nhân ở giai đoạn đầu sống thêm ít nhất 5 năm.
Hiện nay, y học chưa tìm ra cách triệt tiêu hoàn toàn khả năng mắc ung thư đại tràng. Do đó, bác sĩ khuyên chúng ta thực hiện các biện pháp sau đây để giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh: Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, chất xơ; không hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích khác; tập thể dục, kiểm soát cân nặng; tầm soát ung thư thường xuyên, nhất là những người từ 45 tuổi trở lên hoặc có tiền sử gia đình, bản thân bị polyp đại tràng.
Dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng
Nếu được phát hiện sớm, 90% bệnh nhân mắc ung thư đại tràng có thể khỏi hoặc kéo dài thời gian sống trên 5 năm.
Ung thư đại tràng là căn bệnh phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường bắt đầu dưới dạng tế bào nhỏ gọi là polyp đại tràng. Theo thời gian, khối polyp phát triển thành u ác tính gây ung thư. Đến nay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Ung thư đại tràng là bệnh phổ biến, số ca tử vong cao. Ảnh: Freepik.
Những dấu hiệu sớm
Ung thư đại tràng khi khởi phát bệnh thường không có triệu chứng điển hình. Theo Medical News Today, những biểu hiện dưới đây có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh:
- Thay đổi nhu động ruột, rối loạn bài tiết gây táo bón, tiêu chảy kéo dài.
- Co thắt dạ dày, trực tràng.
- Chảy máu trực tràng.
- Đi ngoài kèm máu.
- Mệt mỏi, chán ăn, sút cân không rõ nguyên nhân.
- Đau vùng xương chậu.
- Thiếu máu (do chảy máu trong ruột gây hạ tế bào hồng cầu).
Ngoài các triệu chứng nêu trên, ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể sờ thấy khối u nổi dưới da bụng, bụng chướng to, vàng da...
Các giai đoạn phát triển của bệnh
Theo WebMD, nếu được chẩn đoán và phát hiện trước khi bệnh di căn, người mắc có cơ hội chữa khỏi. 90% bệnh nhân ở giai đoạn đầu sống thêm ít nhất 5 năm.
Căn cứ vào tiến triển của khối u, ung thư đại tràng chia thành 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 0: Thời điểm này còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Lúc này, khối u chưa phát triển ra ngoài ruột kết. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này, tỷ lệ chữa khỏi ung thư đại tràng cao.
- Giai đoạn 1: Bệnh đã phát triển sang lớp mô ngoài ruột kết nhưng chưa đến các hạch bạch huyết hay lan sang cơ quan khác.
- Giai đoạn 2: Khối u ác tính lan ra lớp ngoài đại tràng nhưng vẫn nằm trong ruột kết.
- Giai đoạn 3: Ung thư phát triển qua các lớp ngoài ruột kết và đi đến một trong 3 hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 4: Ung thư di căn ra các mô ngoài thành ruột. Ở giai đoạn này, các cơ quan lân cận cũng có tế bào ung thư.
Nếu phát hiện sớm, ung thư đại tràng có thể chữa khỏi. Ảnh: American Cancer Society.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh
Mayo Clinic thống kê những yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc ung thư đại tràng bao gồm:
- Tuổi: Ung thư đại tràng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn người mắc bệnh đều từ 50 trở lên. Tuy nhiên, số ca mắc ung thư đại tràng ngày càng trẻ hóa không rõ nguyên nhân.
- Bệnh nhân bị viêm đường ruột: Các bệnh mạn tính như viêm loét đại tràng, Crohn (chứng viêm nhiễm gây tổn thương sâu ở đường tiêu hóa).
- Hội chứng di truyền: Các đột biến gene di truyền qua các thế hệ là yếu tố khiến nhiều người dễ mắc ung thư đại tràng hơn. Các hội chứng di truyền phổ biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh này là đa u tuyến có tính gia đình (FAP), hội chứng Lynch.
- Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều mỡ: Một số nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ mắc ung thư ở đường tiêu hóa đối với những người ăn nhiều thịt đỏ, đồ chế biến sẵn cao hơn nhóm nạp nhiều rau xanh và chất xơ.
- Tiểu đường, béo phì.
- Sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá...
Ngăn ngừa mắc ung thư đại tràng như thế nào?
Medical News Today khuyến cáo không có phương pháp nào triệt tiêu nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm nguy cơ bằng các cách sau đây:
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Nạp nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế ăn chất béo bão hòa và thịt đỏ.
- Không hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích khác.
Phát hiện sớm là chìa khóa giúp điều trị khỏi ung thư đại tràng. Do đó, American College of Physicians khuyến cáo những người ở độ tuổi 50-75 nên tầm soát, xét nghiệm phân 2 năm/lần và nội soi đại tràng 10 năm/lần.
Tại sao có những gia đình, cả nhà bị ung thư? Đôi khi, hầu hết mọi người trong cùng một gia đình đều mắc cùng một loại ung thư. Như gia đình bà Anne Nola, sống ở Dublin, Blackpool (Anh), có 5 chị em gái, nhưng có đến 3 người bị ung thư, theo Daily Mail. Các bệnh ung thư trong cùng một gia đình có liên quan chặt chẽ đến một đột biến...