6 lần xét xử, tòa mới tuyên được án ‘tham ô’
Sau 5 lần hoãn với nhiều lý do khác nhau, 7 cán bộ ngành công thương với chủ nhiệm một số hợp tác xã đã bị tuyên án trong lần xử thứ 6. Đây là phiên tòa có rất nhiều cái “nhất” ở Sóc Trăng.
Chiều ngày 9/3, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên án đối với 4 bị cáo từng là lãnh đạo, kế toán và chuyên viên của Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng về tội “tham ô tài sản” với mức án 2-4 năm tù giam, trong đó cao nhất là cựu Giám đốc Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng. 3 lãnh đạo hợp tác xã thủ công mỹ nghệ cũng lãnh án tham ô (6 tháng đến 1 năm tù) nhưng hưởng án treo.
“Tham ô” 403 triệu
Trong vụ án này, cơ quan công tố kết luận rằng từ năm 2006-2007 Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng do ông Ngô Hồng Phi (56 tuổi) làm giám đốc đã thông đồng với bốn nhân viên là Nguyễn Quốc Trung (33 tuổi), Đặng Minh Út (33 tuổi), Nguyễn Thế Vương (34 tuổi), Nguyễn Quách Hồng Quyên (29 tuổi) lập hồ sơ khống thanh toán tiền của 65 đề án dạy nghề giải quyết việc làm cho nông dân để tham ô trên 403 triệu đồng.
Video đang HOT
Các bị cáo trong phiên tòa có nhiều cái “nhất” ở Sóc Trăng.
Ngoài ra, cáo trạng còn cho rằng tháng 5/2007 bà Huỳnh Ngọc Bích, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ngọc Bích, huyện Trần Đề (trước là huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã thông đồng với cán bộ Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng ký khống 6 hợp đồng đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; đóng dấu treo trên 5 phiếu thu giúp Trung tâm Khuyến công thanh toán khống 57 triệu đồng và thực lĩnh 17,6 triệu đồng tiền đào tạo nghề do cán bộ Phòng Kinh tế huyện Mỹ Xuyên ký nhận ở Sóc Trăng rồi lãnh về chuyển cho bà Bích chớ bà không trực tiếp nhận. Thấy một số cán bộ, chủ nhiệm hợp tác xã bị khởi tố nên thủ quỹ Quyên bỏ trốn gần hai năm nay.
Đối với ông Huỳnh Văn Bảy (cán bộ Phòng Kinh tế huyện Kế Sách, Sóc Trăng) thì cơ quan công tố kết luận rằng ông này lợi dụng nhiệm vụ được giao đã ký tên, đóng dấu khống để giúp Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng thanh toán 63 triệu đồng. Cáo trạng cũng cho rằng sau khi thành lập Hợp tác xã Huỳnh Ngọc, ông Bảy đã thông đồng với những cán bộ khuyến công ký bốn hợp đồng đào tạo nghề để thanh toán 60 triệu đồng. Trong đó, ông Bảy nhận trên 20 triệu đồng để thực hiện ba lớp, một lớp không thực hiện.
Bị cáo còn lại là Trần Tấn Là (Chủ nhiệm Hợp tác xã tiểu thủ công nghệ Như Ý ở huyện Trần Đề) cũng bị vì cơ quan công tố cho rằng ông Là thông đồng với cán bộ khuyến công ký tám hợp đồng đào tạo nghề (5,2 triệu đồng mỗi lớp) nhưng chỉ thực hiện bảy lớp. Ngoài ra, ông Là còn ký khống 3 hợp đồng đào tạo nghề giúp Trung tấm Khuyến công Sóc Trăng thanh toán khống 28,7 triệu đồng.
Phiên tòa có nhiều cái “nhất”
Trao đổi với phóng viên, luật sư Ngô Hữu Nhị (Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Ân thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Huỳnh Ngọc Bích nói rằng đối với các phiếu thu đóng dấu treo của hợp tác xã không có giá trị pháp lý vì không có chữ ký của người thu tiền. Việc Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng sử dụng giấy tờ của hợp tác xã để hợp lý hoá chứng từ, rút tiền khống thì của người khác nên không thể quy kết bà Bích thông đồng với Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng rút tiền của Nhà nước.
Quá mỏi mệt với phiên tòa hoãn đi hoãn lại nhiều lần gây tốn kém, từ 130 người làm chứng, có quyền, nghĩa vụ liên quan đã “chạy trốn” nên phiên xử lần thứ 6 chỉ còn 23 người.
Còn đối với việc kết tội bà Bích, luật sư Nhị nói rằng cơ quan tố tụng đã hình sự hoá các quan hệ kinh tế bởi các hợp đồng ký kết giữa hợp tác xã với Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng là hợp đồng kinh tế. “Nếu như xảy ra trường hợp hợp tác xã không hoàn thành 100% hợp đồng thì hoàn tiền lại chớ không thể gán ghép vào tội hình sự để đưa một hợp tác xã vào bờ vực phá sản”, luật sư Nhị nhấn mạnh.
Bất bình trước việc làm của cơ quan điều tra, cuối tháng 4/2011 Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thành lập đoàn thanh tra, xác minh việc mở các lớp học của Hợp tác xã Ngọc Bích theo hợp đồng ký kết với Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng. Trưởng đoàn thanh tra là ông Nguyễn Mạnh Thảo (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho biết qua làm việc với học viên của 5 lớp học mà cơ quan điều tra cho là bà Bích không tổ chức, đoàn kiểm tra khẳng định bà Bích đều có mở lớp đầy đủ theo hợp đồng ở các điểm Thuận Hòa, An Hòa, Bình Hòa, Nhơn Hòa của xã Gia Hòa 2 và lớp tại xã Tham Đôn của huyện Mỹ Xuyên.
Khi khai giảng các lớp này, cán bộ huyện, xã dự đầy đủ và báo đài địa phương chụp ảnh, quay phim đưa tin rầm rộ bởi đây là mô hình mang lại hiểu quả kinh tế cao cho người dân nghèo miền Tây. Chính vì vậy, số tiền Hợp tác xã Ngọc Bích nhận về (17,6 triệu đồng) từ việc mở lớp cho bà con nghèo là hợp pháp. Do đó, cơ quan điều tra tạm giữ số tiền này là trái pháp luật.
Kết thúc phiên tòa vào chiều ngày 9/3, nhiều người am hiểu pháp luật và giới luật sư cho rằng bà Bích đã bị cơ quan điều tra hình sự hóa những sự việc mang tính chất dân sự mà cụ thể là các hợp đồng đào tạo nghề ký kết với Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng vào đầu năm 2007. Đây là phiên tòa lần thứ 6 và cũng như những lần trước rất nhiều cán bộ được triệu tập trong danh sách nhân chứng và người có liên quan.
Vì vậy, nhiều cán bộ cơ sở bức xúc nói rằng qua nhiều lần hầu tra trong hai năm qua, kinh phí ăn nghỉ, đi lại của họ nếu cộng gộp lại đã bằng số tiền mà các bị cáo bị cơ quan công tố quy kết tham ô (trên 403 triệu đồng). Đối với cán bộ thì công việc cơ sở bù đầu bì cổ nhưng phải nghỉ để dự tòa còn người lao động nghèo phải đi bươn chãi kiếm sống nên quá mệt mõi với những phiên tranh tụng kéo dài. Do đó có thể thấy rằng đây là phiên tòa được đánh giá có nhiều cái “nhất” ở Sóc Trăng như thời gian xét xử lâu nhất, bị hoãn nhiều nhất, tốn kém nhất cho nhân chứng với người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Vì vậy đến phiên tòa lần thứ 6 này vẫn chỉ còn lại 23/130 người làm chứng và có nghĩa vụ liên quan tham đến dự. Còn HĐXX thì nghị án đến 6 ngày mới tuyên trong khi nhiều luật sư cho biết theo quy định thời gian nghị án chỉ được 5 ngày./.
HỒNG DÂN
Theo Infonet