6 điều cần lưu ý trước khi xuống tiền mua ô tô
Để mua được chiếc ôtô đáp ứng đúng nhu cầu, có giá trị sử dụng lâu dài và phù hợp với điều kiện tài chính không phải là điều dễ dàng. Vì thế đừng bỏ qua các yếu tố quan trọng dưới đây.
Nghiên cứu
Khi chuẩn bị mua xe, bạn cần trả lời một số câu hỏi sau:
- Bạn đang “kết” thương hiệu, mẫu xe, kiểu dáng nào?
- Bạn định mua xe để chở bao nhiêu người, có thường xuyên vận chuyển thiết bị hay đồ đạc gì không?
- Bạn lái xe bao nhiêu km mỗi ngày, trên đường nội đô, đường cao tốc, hay địa hình khó? Bạn có cần một chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu do thường xuyên phải chạy đường dài hay không?
- Bạn sống ở đâu? Khí hậu/thời tiết có ảnh hưởng lớn đến loại xe bạn sẽ sở hữu không?
Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định rõ bản thân cần xe ô tô, xe tải, SUV hay… xe máy.
Tài chính
Nếu bạn định vay tiền mua ô tô thì phổ biến nhất là một trong hai lựa chọn: vay ngân hàng, hoặc cá nhân.
Hãy luôn ghi nhớ rằng giá xe không bao gồm các chi phí như lãi suất, phí dịch vụ, thuế phí, bảo hiểm, và một số trang bị không có sẵn trên xe nhưng luôn được coi là cần thiết, như dán phim cách nhiệt, camera hành trình, giá nóc…
Giấy tờ
Dù mua xe từ người bán tư nhân hay một đại lý có tên tuổi, điều quan trọng là chiếc xe phải có giấy tờ rõ ràng và có thể dễ dàng chuyển nhượng. Hãy đảm bảo rằng những yếu tố như giá cả đã được thương lượng, tiện ích bổ sung, các tùy chọn cao cấp… có trong thỏa thuận bằng văn bản. Thỏa thuận, hợp đồng phải cụ thể, rõ ràng, để tránh bị thiệt khi có vấn đề phát sinh.
Video đang HOT
Bảo hiểm
Mua bảo hiểm cho xe ô tô là một giải pháp giúp bảo vệ tài sản cho bạn. Việc liên hệ với các công ty bảo hiểm để nhận báo giá bảo hiểm ô tô toàn diện là vô cùng quan trọng. Giá, chế độ bảo hiểm, chính sách bồi thường… có thể rất khác nhau giữa các công ty. Sau khi tham khảo giá từ nhiều công ty, bạn nên cân nhắc và lựa chọn sản phẩm của công ty có mức giá và quyền lợi phù hợp với nhu cầu của mình.
Nếu không có điều kiện mua bảo hiểm xe toàn diện, hãy xem xét bộ phận nào của xe dễ bị hỏng hóc thì mua bảo hiểm.
Lái thử
Trước khi mua một chiếc xe ô tô, chắc chắn không thể bỏ qua một phần quan trọng đó là lái thử. Chỉ có trực tiếp lái thử, bạn mới có được những trải nghiệm chân thật, để từ đó đưa ra đánh giá chính xác nhất.
Đừng vội vàng quyết định mua một chiếc xe mà bạn chưa thực sự ưng. Nếu bạn chưa hài lòng với cảm giác lái trên chiếc xe đó, hoặc một tính năng nào bạn mong muốn mà chiếc xe chưa đáp ứng được, hãy trao đổi cụ thể với nhân viên bán hàng. Họ có thể giới thiệu một chiếc xe khác thực sự là “chân ái” của bạn.
Kiểm tra tình trạng xe là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần thực hiện trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Việc này nên do người thợ lành nghề thực hiện nhằm kiểm tra tình trạng hoạt động và chế độ bảo dưỡng của tất cả các hệ thống.
Bạn có thể nhìn qua thấy chiếc xe kiểu dáng đẹp, số km xe đã đi ít, 1 chủ sở hữu, sạch sẽ… nhưng có thể người thợ cơ khí sẽ nói cho bạn chính xác động cơ có vấn đề do chủ trước không bảo dưỡng xe đúng cách, hoặc lốp xe nhìn trông khá mới nhưng các rôto phanh rất tã…
Dù mua xe mới hay xe cũ, hy vọng những lưu ý trên sẽ giúp bạn tìm mua được một chiếc xe ưng ý với giá cả hợp lý nhất. Bạn cũng có thể học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế từ những người bạn đã mua xe ô tô để có thể đưa ra những quyết định chính xác và lái xe an toàn.
7 đặc điểm nhận diện một chiếc ô tô từng bị "va chạm"
Mặt dưới nắp ca-pô bị biến dạng, móp méo, chắn bùn và cản xe được thay mới hoặc sơn bả quá nhiều,... là những chi tiết cho biết một chiếc xe ô tô đã từng bị đâm đụng, tai nạn.
Ô tô là một phương tiện di chuyển cần thiết và tiện lợi trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, chi phí để sở hữu một chiếc ô tô mới khá đắt đỏ nên việc mua ô tô đã qua sử dụng là lựa chọn hợp lý.
Lưu ý quan trọng nhất khi mua ô tô cũ là tránh những chiếc xe đã bị đâm đụng, tai nạn. Cho dù đã được "tút tát" lại để trông như nguyên bản, không bị gì nhưng vẫn sẽ có những chi tiết không thể che giấu được.
Dưới đây là 7 đặc điểm để nhận diện một chiếc ô tô đã từng bị đâm đụng, tai nạn:
1. Màu xe nguyên bản được sơn mới hoặc tân trang lại
Màu sơn là điểm dễ nhận diện nhất một chiếc xe ô tô đã từng bị đâm đụng vì những vùng va chạm thường sẽ bị móp, nước sơn bị bong tróc, hư hại nặng. Do đó, chủ xe buộc phải tân trang, sơn mới lại.
Quan sát kỹ màu sơn của xe, nếu thấy có vùng màu sắc hơi khác biệt so với màu sơn chính của xe, sẫm hơn hoặc nhạt hơn thì rất có khả năng là chiếc xe này đã từng được sơn lại. Hãy kiểm tra màu sơn kỹ hơn ở những vị trí thường xảy ra va chạm nhiều nhất là: đường gờ cửa, ốp thân xe, đầu xe, đuôi xe,...
2. Kính chắn gió bị nứt vỡ hoặc thay mới
Kính chắn gió của một chiếc xe ô tô thường sẽ rất khó hỏng, nứt vỡ nếu không bị tác động bởi một lực mạnh. Do đó, nếu một chiếc xe đã từng thay kính chắn gió thì bạn có quyền nghi ngờ chiếc xe này có khả năng từng bị tai nạn.
Để nhận biết kính chắn gió đã bị thay hay chưa, hãy xem thông số của kính ở góc dưới bên trái. Ví dụ nếu xe sản xuất năm 2010, thì hàng cuối cùng sẽ có số 0. Nếu xe sản xuất năm 2011 sẽ là số 1, tương tự 2012 sẽ là số 2...
Kính được thay mới sẽ không có số "VIN" trùng với năm sản xuất, đồng thời sẽ phải đi lại keo chỉ và nếu không phải đồ chính hãng, kính mới nhìn sẽ có nét "giả trân" hơn.
Ngoài ra, hãy xem xét thật kỹ kính chắn gió từ mặt trước đến mặt sau, nếu thấy vết nứt, mẻ thì cũng có thể chiếc xe đã từng bị tác động rất mạnh.
3. Chắn bùn và cản va bị trầy xước, nứt vá
Thường được sản xuất bằng nhựa tổng hợp nên khi va chạm xảy ra, chắn bùn và cản va là hai bộ phận dễ bị tổn hại nứt vỡ nhất. Hãy quan sát kỹ chắn bùn và cản va ở cả đầu và đuôi xe, nếu thấy xuất hiện trầy xước nặng, vết nứt hay vết vá, chứng tỏ xe đã từng bị đâm đụng.
Ngoài ra, nếu cản va và chắn bùn được thay mới hoặc sơn bả quá nhiều lớp thì đó có thể cũng là dấu hiệu cho thấy chiếc xe đã qua tân trang sau một vụ tai nạn hoặc ít nhất là chủ xe trước đã cho chiếc xe va chạm khá nhiều.
4. Mặt dưới nắp ca-pô móp méo, biến dạng
Một chiếc ô tô bị va chạm mạnh ở phần phía trước, nếu như mặt trên nắp ca-pô dễ dàng được xử lý, sơn sửa lại thì phần mặt dưới của nắp ca-pô chính là nơi "tố cáo" về tình trạng chiếc xe.
Những xe chưa từng bị va đụng thì mép cạnh mặt dưới nắp ca-pô sẽ thẳng, đều, không có dấu vết móp lõm hay chắp vá. Mép cạnh hai bên phải tương xứng với nhau, khi đóng lại không bị vênh.
Các lỗ nhỏ trên xương của nắp ca-pô phải nguyên dạng, không bị méo. Nếu những lỗ tròn nhỏ này móp méo, biến dạng (thành hình elip hay cong vênh chẳng hạn), chắc chắn nắp ca-pô đã từng bị nắn lại.
Đặc biệt, hãy lưu ý xem xét đường keo chỉ viền ở bên trong mép nắp capo. Nếu dùng tay ấn vào đường keo chỉ mà thấy có sự đàn hồi thì là keo chỉ "xịn" chính hãng. Còn nếu dùng tay ấn, đường keo chỉ kém đàn hồi, có thể phát ra tiếng "tách" kèm theo đó là vết thủng, đồng nghĩa đường keo chỉ đã bị chạy lại.
5. Mép cửa, khe cửa, ốp không đều nhau tuyệt đối
Nếu một chiếc ô tô từng bị đâm đụng từ hai bên hông thì phần mép cửa, khe cửa và ốp sẽ không còn nguyên vẹn hình dạng như ban đầu. Bởi lẽ, 2 vị trí này thường được dập trực tiếp tại nhà máy nên đây là một khối liền mạch, có sự chính xác cao và đều nhau. Nếu xe từng bị va đụng, mép cửa sẽ được gò lại bằng thủ công, dù có khéo tay đến mức nào thì phần mép và các khe cửa không thể đều nhau một cách tuyệt đối.
Nếu xe chưa bị va chạm, khe cửa, mép cửa phải thẳng, đều từ trên xuống và đều giữa các cửa. Bạn có thể mở các cửa khác nhau trên xe để có sự so sánh dễ dàng và chi tiết nhất.
6. Đường viền thân xe hai bên không cân xứng
Đường viền thân xe của một chiếc xe chưa từng bị va chạm thường sẽ thẳng và đều. Để quan sát rõ nhất, bạn có thể ngồi ở đầu xe hoặc đuôi xe, canh sao cho mắt ngang tầm với đường viền. Cách nhìn sẽ giúp bạn nhìn chuẩn nhất đường viền có bị méo, lệch hay không. Nếu đường viền bị méo, hai bên không đều thì rất có khả năng phần ốp thân xe hay đường viền đã được thay thế.
7. Cốp sau xe có vết nắn gò, đi keo chỉ
Nếu quan sát phần khoang máy, đầu trước, giúp bạn phát hiện xe có bị va chạm trực diện hay chưa thì quan sát phần cốp sau xe, đuôi xe sẽ giúp bạn biết được xe có bị sự cố đâm từ phía sau hay không.
Hãy mở cốp sau xe và quan sát từng chi tiết nhỏ, nhất là các góc cạnh, xem hai bên có đối xứng hay không, có vết gò hay vết tích từng va chạm không. Nếu có vết nắn, gò lại, đi lại keo chỉ thì gần như chắc chắn, chiếc xe đã bị va chạm mạnh từ phía sau.
8 sai lầm phổ biến khi mua một chiếc xe ôtô mới nhiều người mắc phải Theo thống kê, hầu hết các tài xế thường thay ôtô 6 năm một lần. Với khoảng thời gian gắn bó khá dài như vậy, hãy thu thập thông tin và tìm hiểu thật kĩ để mua được chiếc xe ưng ý và có những trải nghiệm tuyệt vời. Bright Side đã chỉ ra 8 sai lầm phổ biến và tốt hơn hết...