598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động trong năm 2019
Năm 2019, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%. Kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và UBND TP.HCM cho thấy một năm buồn của thị trường bất động sản. Cụ thể, cả năm 2019 tại TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 92% so với năm 2018. Toàn thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 85%; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với năm 2018.
2019 là năm khó khăn với bất động sản, môi giới khi quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh.
Theo HoREA, đây là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh.
Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị phân phối bất động sản gặp khó vì không có sản phẩm để bán.
Theo tìm hiểu, có công ty phải cho nhân viên nghỉ Tết cách đây cả tuần vì không có hàng bán, doanh thu sụt giảm và không có tiền để thưởng Tết nên đành cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
Báo cáo của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy những con số đáng lưu ý của ngành bất động sản năm 2019.
Video đang HOT
Theo đó, kết thúc năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018).
Trong đó, có 14 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động năm 2019 là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%.
Không chỉ có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đăng ký tạm ngừng hoạt động, lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể cũng chiếm vị trí đầu bảng.
Cụ thể, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 là 16.840 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm 2018. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam xác nhận có nhiều doanh nghiệp đến giai đoạn quý 4/2019 phải dừng hoạt động, nhất là đơn vị môi giới vì không có nguồn hàng. Đây là một năm không tốt với doanh nghiệp bất động sản, nhất là đơn vị môi giới.
Cũng theo ông Đính, nhiều môi giới phải chuyển nghề vì không có hàng bán, vì sự cạnh tranh khốc liệt và trường hợp đó là những môi giới “non tay”, còn môi giới có nhiều kinh nghiệm vẫn tự biết cách săn lùng tìm thị trường, tự tạo ra thị trường.
“Môi giới chung cư thường nằm ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… nhu cầu ở những thành phố đó lớn, dù giảm nhưng vẫn lớn, vài nghìn giao dịch thành công thì không phải là ít; song số lượng giao dịch đó thì không thấm vào đâu so với lực lượng môi giới đông đảo. Tất nhiên đông thì phải có sự cạnh tranh, người yếu không có năng lực, không hiệu quả thì phải rời thị trường thì lại có những người mới muốn thử sức lao vào thị trường…”, ông Đính cho hay.
Mặc dù lãnh đạo Hội môi giới đánh giá đây là vấn đề bình thường của thị trường lao động trong ngành bất động sản. Nhưng ông Đính cũng phải thừa nhận đúng là có hiện tượng nhiều anh em bỏ nghề, rời nghề.
Theo thống kê hệ thống của Hội môi giới thì cả nước có khoảng 300.000 môi giới, TP. HCM đông nhất là 90.000; Hà Nội có khoảng 60.000 – 70.000, còn lại là ở các tỉnh khác. Những môi giới có chứng chỉ hành nghề chỉ bằng 1/10 con số đó.
“Tính cạnh tranh trong nghề môi giới là rất mạnh, số lượng đông, cạnh tranh mạnh, nếu không thực sự có năng lực sẽ bị đào thải. Nhưng đây là nghề có lợi nhuận , lại không bỏ vốn đầu tư nên thu hút nhiều người muốn vào trải nghiệm”, ông Đính cho biết thêm.
Theo Minh Thư/Infonet
Chỉ cần vài giây, hàng triệu người mua nhà tại TPHCM có thể "bóc mẽ" được dự án ma
Ứng dụng Sở Xây dựng trực tuyến được cập nhật dữ liệu về các dự án, người dân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ mất vài giây để tra cứu đầy đủ thông tin dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố, bao gồm: Tên chủ đầu tư, địa chỉ chủ đầu tư, quy mô đầu tư, thông tin về diện tích dự án, pháp lý dự án, tiến độ dự án và hình ảnh thực tế.
Sở Xây dựng TPHCM vừa chính thức ra mắt ứng dụng trực tuyến với tên gọi SXD247. Từ đầu tháng 12, người dân thành phố TPHCM có thể tra cứu thông tin chính thống dự án nhà ở thương mại từ cơ quan nhà nước, chủ đầu tư dự án và phản ánh góp ý nhanh chóng về cho Sở.
Ứng dụng Sở Xây dựng trực tuyến đã mobile hóa các hệ thống dùng nền tảng web đang phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường khả năng trải nghiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm dịch vụ công.
Ứng dụng này có tổng cộng 13 phân hệ; trong đó, đã hoàn thiện được 9 phân hệ chính: Dự án nhà ở thương mại, Tra cứu quy hoạch, Phản ánh góp ý, Trưng cầu đánh giá, Tra cứu hồ sơ, Thủ tục hành chính, Tra cứu chứng chỉ, Giấy phép xây dựng, Hướng dẫn sử dụng. Các phân hệ còn lại sẽ được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung trong giai đoạn 2, gồm có: Phản ánh hạ tầng kỹ thuật, Nhà ở xã hội, Phương án tái định cư, Đào tạo trực tuyến.
Ứng dụng Sở Xây dựng trực tuyến được cập nhật dữ liệu về các dự án, người dân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ mất vài giây để tra cứu đầy đủ thông tin dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố, bao gồm: Tên chủ đầu tư, địa chỉ chủ đầu tư, quy mô đầu tư, thông tin về diện tích dự án, pháp lý dự án, tiến độ dự án và hình ảnh thực tế.
Ứng dụng Sở Xây dựng trực tuyến còn tra cứu được nhiều thông tin hữu ích khác, như: Tình trạng giải quyết hồ sơ, giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề và các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng.
Người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể gửi phản ánh, góp ý qua ứng dụng các thông tin về vi phạm trật tự xây dựng, sự cố hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng, ngập nước, chiếu sáng.... Hệ thống sẽ thông báo tức thì đến phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Xây dựng, thông qua ứng dụng và kèm tin nhắn văn bản (SMS) gửi đến điện thoại di động. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Sở Xây dựng trực tiếp giám sát, đôn đốc giải quyết kịp thời các vấn đề người dân, tổ chức, doanh nghiệp phản ánh, góp ý cho Sở Xây dựng.
Từ ngày 06 tháng 12 năm 2019, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin và gửi phản ánh, góp ý về cho Sở Xây dựng.
Thanh Ngà
Theo Nhịp sống kinh tế
Đầu tư bất động sản: Bế tắc vì thủ tục Thủ tục triển khai đầu tư dự án bất động sản đang ngày càng khó khăn... Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép đầu tư mới tại Tp.HCM chỉ có 3 dự án, Hà Nội có 6 dự án, giảm mạnh so với cùng kỳ 2018. Điều này cho thấy thủ tục triển...