500 tấn vàng: Có bao nhiêu gói vàng được hút chân không?
Lượng vàng “đóng chân không” nằm trong dân như thế nào, mức độ bao nhiêu đến nay không ai, không tổ chức nào xác định được cụ thể. Nhưng có điều nhận thấy, đa số người dân tích lũy tài sản thông thường khó có khả năng đặt mua được những gói vàng lớn như vậy.
Một ngày đầu năm 2013, khi các cuộc đấu thầu vàng miếng Ngân hàng Nhà nước tổ chức diễn ra nóng bỏng, phóng viên có dịp gặp ngoài lề với một số cá nhân kinh doanh vàng tự do trên thị trường. Một câu hỏi đặt ra trong cuộc trò chuyện: Ngân hàng Nhà nước đang “đánh” vàng quyết liệt như vậy có đúng không?
Không ai muốn “phơi” tài sản hưởng lãi suất
Thừa nhận “nồi cơm” của mình bị ảnh hưởng, nhưng một đại diện trong nhóm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã đúng hướng, vì hàng ngày họ biết rõ mức độ của nguồn vốn đang nhồi vào vàng lớn như thế nào, thay vì đi vào ngân hàng hoặc vào sản xuất kinh doanh.
Câu hỏi thứ hai: nhìn nhận thế nào về việc “nung chảy” vàng thành VND, huy động nguồn lực vàng trong dân.
Góc nhìn tham khảo từ những cá nhân trên cho hay, rất khó để huy động vì một bộ phận lớn vốn vàng không hồn nhiên chảy đến những nơi trả lãi suất.
Chuyện kể trong cuộc gặp trên rằng, các dịp lễ tết, họ nhận được các đơn hàng đặt mua vàng, đóng gói kiểu hút chân không và chuyển đến các địa chỉ như những món quà bình thường vậy.
Lượng vàng “đóng chân không” nằm trong dân như thế nào, mức độ bao nhiêu đến nay không ai, không tổ chức nào xác định được cụ thể. Nhưng có điều nhận thấy, đa số người dân tích lũy tài sản thông thường khó có khả năng đặt mua được những gói vàng lớn như vậy.
Còn những chủ sở hữu của chúng liệu có thực mặn mà với vài phần trăm lãi suất mỗi năm để đem đi gửi kiểu kiếm lời hay không, cũng cần trả lời khi muốn nhắm đến để huy động. Thay vào đó, nhu cầu tích trữ tài sản, che giấu tài sản ở vàng có lẽ thực tế hơn với họ.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở phía Nam có phản biện và có ý sốt ruột: “Thực tế tại ngân hàng tôi, có những người gửi cả trăm lượng vàng dưới dạng giữ hộ, không lãi suất, mà hai năm qua không thấy ngó ngàng tới”.
Với các kiến nghị huy động vàng trong dân, một lần nữa lại nổi lên những ngày gần đây, câu hỏi đầu tiên vẫn cần phải trả lời: lượng vàng miếng lớn thực sự đang nằm ở đâu, của những ai và những đối tượng đó có sẵn sàng “phơi” tài sản tài sản ra để lấy một vài phần trăm lãi suất, hay đối tượng huy động là đại đa số dân cư tích cóp từng chỉ vàng nhỏ lẻ dưới dạng nữ trang để sẽ phải chuẩn hóa, kiểm định và gia công khi huy động cho sử dụng?
Cứ cho tất cả các đối tượng trên đều sẵn sàng dồn vàng cho Nhà nước huy động, thì câu hỏi tiếp theo là ai làm đầu mối, triển khai như thế nào, làm sao khai thác hiệu quả và phòng ngừa rủi ro tốt?
Thứ nhất, ai cần nguồn lực vàng trong dân hiện nay? Theo các kiến nghị vừa qua thì Nhà nước cần, để giảm áp lực và chi phí đi vay nước ngoài. Vậy thì ở đây là vấn đề của ngân sách, và đầu mối phải là Bộ Tài chính. Tuy nhiên, suốt những năm qua, chuyện huy động vốn vàng trong dân chưa từng được nhắc đến vai trò đầu mối của bộ chuyên trách này.
Video đang HOT
Việc xác định đối tượng sử dụng vốn, theo đó xác định đầu mối đứng ra huy động và quản lý ở đây rất quan trọng, vì vốn vàng và quy trình triển khai gắn với vấn đề rủi ro và trách nhiệm.
Thứ hai, cứ cho là Ngân hàng Nhà nước cần đứng ra huy động để tạo nguồn hỗ trợ hệ thống cho vay ra, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng với vai trò điều tiết vốn, cân đối đòn bẩy tín dụng cho nền kinh tế, thực tế những năm qua và đến nay không có tình trạng thiếu vốn.
Xét ở góc độ tạo nguồn, hàng năm, đặc biệt từ 2010 đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn phải giám sát chặt mức độ tăng tín dụng, cân đo chỉ tiêu tới từng thành viên, vì không phải muốn bơm bao nhiêu vốn ra nền kinh tế đều được.
Im lặng có ngụ ý
Lượng vốn cho vay ra luôn gắn chặt chẽ với các cân đối vĩ mô, đặc biệt là lạm phát và tỷ giá, gắn với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, gắn với hiệu quả sử dụng của doanh nghiệp vay vốn, với rủi ro trong cho vay và hệ lụy nợ xấu. Vốn nhiều để cho vay nhiều mới chỉ là một miếng ghép trong tổng thể các yêu cầu, cân đối đó.
Vậy nên, cụ thể nhất như các kiến nghị vừa qua là huy động vàng cho Nhà nước vay, thay vì đi vay nước ngoài, phát hành trái phiếu quốc tế… Và cứ cho Ngân hàng Nhà nước là đầu mối được giao, chứ không phải đầu mối chuyên trách Bộ Tài chính.
Nhưng có câu hỏi ít được chú ý: vì sao suốt ba năm qua, kể từ khi có ý tưởng xây dựng đề án, và cho đến nay khi dồn dập có đề xuất huy động vàng trong dân, Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyệt đối im lặng, không có bất cứ một phản hồi chính thức hay thông tin công bố chính thức nào?
Sự im lặng cũng đã là một câu trả lời. Im lặng không có nghĩa là chưa nắm rõ vấn đề, yêu cầu đặt ra, cũng như không thấy nguồn lực được “đo đếm” khoảng 500 tấn vàng nằm trong dân.
Không đợi đến khi có các kiến nghị huy động vàng dồn dập gần đây, điều thực tế đã khẳng định: Ngân hàng Nhà nước là đầu mối chịu nhiều va đập nhất, có nhiều trải nghiệm nhất với vốn vàng trong 5 năm qua.
Đó là cuộc chiến bóc tách vốn vàng và rủi ro của nó ra khỏi hệ thống ngân hàng, giảm thiểu tác động tiêu cực của vốn vàng đối với vĩ mô. Cuộc chiến này đã được nhiều đánh giá và thừa nhận là thành công. Tuy nhiên, có một kết quả ít được chú ý, không thể hiện bằng tiền, là chính Ngân hàng Nhà nước đã thu hoạch được nhiều kinh nghiệm trong nhìn nhận, đánh giá, ứng xử và quản lý với vốn vàng.
Vậy nên, hơn ai hết, cơ quan này hiểu rõ các vấn đề xoay quanh vốn vàng, nhu cầu huy động, khai thác như thế nào, rủi ro ở đâu và trách nhiệm liên quan. Theo đó, các đề xuất, kiến nghị dồn dập đưa ra chẳng khác nào múa rìu qua mắt thợ.
Và như trên, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyệt đối im lặng. Im lặng cũng là một câu trả lời, hoặc có thể chưa đến lúc để có câu trả lời cụ thể khác.
Còn với vàng, nếu im lặng quá lâu như hơn hai năm qua, nếu quá hiếm những con sóng cực mạnh và cực ngắn như đầu tháng 7 vừa qua, thì hẳn giới đầu tư và kinh doanh vàng càng ít cơ hội kiếm lời.
Theo Minh Đức (Vneconomy)
"Giá vàng tăng bất thường, người dân nên bình tĩnh!"
Ngay sau khi giá vàng trong nước ngày 6/7/2016 tăng nhanh ở mức 2 thậm chí có thời điểm tăng 3 triệu đồng/lượng, thị trường đã xuất hiện người dân mua vàng nhằm kỳ vọng giá vàng có thể tăng lên trên 40 triệu đồng/lượng, điều này dấy lên tâm lý đám đông, xu hướng mua vàng lướt sóng và có lợi cho giới đầu cơ vàng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia vàng của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, người có 20 năm nghiên cứu về vàng, nguyên Trưởng đại diện Tập đoàn chuyên về xuất nhập khẩu vàng MKS Finance SA tại Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng:"Giá váng tăng quá nhanh"
Thưa ông, giá vàng đang tăng nhanh, mạnh ông có bình luận gì về diễn biến này?
-Theo tôi, hiện nay giá vàng trong nước tăng quá nhanh và có biểu hiện bất thường. Chênh lệch giá vàng SJC mua và bán hôm trước so với hôm sau hơn 1 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm cao hơn. Trong khi giá quốc tế lên không đến mức độ như này.
Xu hướng giá phần nào phản ánh nhanh, kịp thời diễn biến giá vàng quốc tế. Đây là điều bình thường bởi nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở, hội nhập sâu với quốc tế sau động thái tăng giá vàng quốc tế, Brexit, lãi suất của các đồng tiền lớn... Những điều này đều đã tác động nhanh, mạnh đối với Việt Nam, đây là yếu tố cần được nghiên cứu, xem xét.
Tuy nhiên, phải xem xét ở đây là, giá vàng quốc tế chỉ tăng vài chục USD trong thời gian vừa qua, nhưng giá vàng trong nước tăng vài triệu chỉ trong vài ngày. Bên cạnh đó, giá vàng tăng sốc trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang ổn định, không có nhiều chính sách tác động trực tiếp đến giá vàng thì làm sao có tác động làm tăng giá khủng khiếp như bây giờ. Do đó, cần phải có nghiên cứu và tìm hiểu, tránh đưa dân vào cuộc đua giá rồi phải trả giá ghê gớm như trước đây.
Giá vàng Việt Nam tăng có phù hợp với diễn biến giá vàng thế giới hay không, đâu là căn cứ mà ông khuyên người dân nên bình tĩnh trước cơn biến động dữ dội của giá vàng?
-Quan điểm của tôi là hãy khuyên người dân nên bình tĩnh trong diễn biến nóng bỏng hiện nay, không mua bán vàng theo đám đông khi thị trường vàng không có yếu tố kích thích tăng mạnh, nếu mua bán vàng tùy ý sẽ rất rủi ro.
Hãy làm so sánh về tốc độ tăng của giá vàng thế giới và giá vàng Việt Nam nhé, giai đoạn 2008 - 2012, giá vàng thế giới khi ấy đạt đỉnh 1.920 USD/ounce, tăng 40%. Nhưng, giá vàng lúc ấy tăng lên 49 triệu đồng/lượng, ước tính mức tăng 53% từ mức 26 triệu đồng/lượng. Vì mức tăng giá này, người dân đổ xô mua vàng, nhưng sau đó chịu thiệt rất nhiều khi thị trường đảo chiều. Chính vì vậy, lời khuyên của tôi lúc này người dân nên bình tĩnh, không nên mua vàng với bất cứ giá nào khi mà mình không hiểu thị trường và biến động của cơ chế giá vàng hiện nay.
Ông có nghi ngờ có nhóm lợi ích đẩy giá vàng, các nhà đầu cơ trong nước đang thao túng giá vàng để gây rối loạn tâm lý, đẩy giá bán rồi đảo chiều giảm mạnh nhằm thu lợi cho mình?
-Trong vòng 3 đến 4 tháng nay, khi giá vàng trong nước thấp hơn thì các DN sản xuất vàng trang sức đã xuất khẩu khá nhiều thu lời. Trong khi đó nhập khẩu cùng thời điểm đó là không có. Chính vì vậy, hiện nay họ phải mua vàng từ trong dân để bù đắp thiếu hụt.
Có thể có 1 vài DN trước đó bán vàng trước khi giá trong nước thấp, bởi họ có những công cụ phòng tránh rủi ro thì bây giờ họ thấy người dân có nhu cầu mua lại thì họ đẩy giá lên để mua vào nhằm tránh rủi ro dự trữ cho mình.
Ngoài giá vàng thế giới, diễn biến tài chính và động thái chính sách của các nước có đồng ngoại tệ mạnh có thể tác động đến giá vàng trong thời gian tới không thưa ông? Ông có cho rằng, giá vàng sẽ tăng trong thời gian tới?
Về mặt phân tích kỹ thuật, thị trường quốc tế đã tăng lên quá nóng, có thể nhiều DN mua vào bán ra kiếm lời chỉ cần tín hiệu là giá vàng biến động ngay. Tuy nhiên, nhìn tổng quan mà nói, giá vàng thế giới tăng bền vững, chỉ vài chục USD chứ không tăng mạnh như giá vàng Việt Nam hiện nay.
Một sự kiện đang thu hút quan tâm thế giới là 2 giờ sáng ngày 7.7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ họp để quyết định có hay không tăng lãi suất khi từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã khước từ 2 lần tăng lãi suất rồi.
Thị trường và giới đầu tư sẽ xem xét cả tinh thần của buổi họp, phụ thuộc vào công bố chỉ số việc làm của Mỹ vào thứ sáu tuần này (8/7)... Tất cả điều này sẽ có tác động trực tiếp đến giá vàng quốc tế và dự báo sẽ ảnh hưởng tức thì đến giá vàng trong nước.
Hiện, giới đầu cơ có thể đồn đoán FED không tăng lãi suất sau sự kiện Anh rời EU (Brexit), các dấu hiệu về suy thoái kinh tế có ảnh hưởng chung đến Châu Âu và thị trường lớn. Trong năm nay dự đoán đưa ra FED sẽ phải tăng lãi suất 3 - 4 lần, nhưng triển vọng hiện nay có thể 1 lần cũng không được. Đây là yếu tố mà giới đầu cơ trên thế giới đánh giá, có thể mua vàng vào nhiều hơn.
Giá vàng tăng, đây là cơ hội để chúng ta xây dựng các kịch bản vay vàng của dân, chuyển thành tiền đem đầu tư. Bên cạnh đó, cũng là điều kiện để Việt Nam lập Sở giao dịch vàng không thưa ông?
-Việc huy động vàng trong dân phải được hiểu là: Không phải ta huy động dân bán vàng cho DN, bán vàng ra thị trường. Huy động vàng trong dân phục vụ mục đích phát triển kinh tế là xây dựng các cơ chế chính sách khiến: dân gửi vàng như một kênh tiếp kiệm, có lãi cho cơ quan Nhà nước, sau đó cơ quan này biến lượng vàng đó thành tiền để phát triển.
Muốn làm được điều này, thị trường vàng phải thực sự minh bạch, các công cụ tài chính phải được xây dựng đầy đủ phòng thủ trước tất cả các diễn biến của thị trường, đảm bảo dân không rút vàng khi giá cao và gửi vàng khi giá thấp.
Chính vì vậy, chúng tôi đang khuyến nghị thành lập sở giao dịch vàng với mục đích tạo thêm công cụ phái sinh, công cụ tài chính phòng ngừa trước nguy cơ khi giá vàng thấp mua hay cao người dân đều có lợi, không rút hay gửi vàng ồ ạt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)
Theo Dantri
Hiệp hội kinh doanh vàng kiến nghị bỏ "giấy phép con" với doanh nghiệp huy động vàng Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ các giấy phép con không cần thiết để tránh tình trạng tạo ra cơ chế xin cho, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN)....