50 biệt thự công ở Hà Nội đã bị phá dỡ
Đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng, nhiều biệt thư công ở Thủ đô bị phá dỡ thời gian qua là do quản lý không tốt.
Ngày 4/7, với 100% đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua tờ trình về việc điều chỉnh danh mục biệt thự công, trong đó sẽ rút 148 công trình ra khỏi danh mục quản lý.
Giải trình nội dung trên, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, chính quyền thành phố đã lập Hội đồng thẩm định và 2 tổ công tác liên ngành để đánh giá. Qua đó, cơ quan chức năng xác định điều chỉnh danh mục 970 biệt thự trong Nghị quyết 18 của HĐND TP về quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn.
Cụ thể, việc điều chỉnh được thực hiện theo hướng đưa một số biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình ở có kiến trúc, nhà phố, thống kê hai lần, điều chỉnh địa chỉ… Hà Nội cũng xác định 123 biệt thự đã phá dỡ hiện là đất trống hoặc đã cải tạo xây dựng lại thành nhà cao tầng.
“Sau khi điều chỉnh, danh mục 970 biệt thự của Nghị quyết số 18 sẽ còn 853 biệt thự”, ông Dục nói.
Ngoài ra, với danh mục 225 biệt thự xây dựng trước năm 1945 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn quy định tại Nghị quyết số 24 của HĐND TP, cơ quan chức năng đề xuất đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình nhà ở có kiến trúc; điều chỉnh từ 9 biệt thự còn 5 do trước đây một biệt thự mang hai biển số nhà đã thống kê thành 2 biệt thự; điều chỉnh địa chỉ của 11 biệt thự.
Sau khi điều chỉnh, danh mục trong Nghị quyết 24 còn lại 218 biệt thự cũ.
Video đang HOT
Trưởng ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) Nguyễn Hoài Nam nhiều lần chất vấn về quản lý biệt thự. Ảnh: Võ Hải.
Phát biểu về nội dung nêu trên, ông Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho rằng, báo cáo thẩm tra của cơ quan dân cử đã yêu cầu UBND TP phải giải trình rõ hơn về những hạn chế trong công tác quản lý biệt thự thời gian qua. Tuy nhiên, trong báo cáo trả lời của UBND TP chưa thấy nội dung này.
“Tôi mong Chủ tịch UBND TP cam kết với HĐND khoá này về việc không để danh mục biệt thự tiếp tục bị rút gọn, bởi khoá trước lãnh đạo thành phố và một số sở ngành, quận huyện làm chưa hết trách nhiệm, để xảy ra việc phá dỡ biệt thự nằm trong danh mục”, ông Nam nói.
Theo ông, thời gian qua “chúng ta đã bị mất 123 cái biệt thự”, trong đó gần 70 biệt thự được phá dỡ theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước và đã được Chính phủ, thành phố đồng ý chủ trương; gần 50 biệt thự bị phá là do “chúng ta không quản lý tốt”.
Thay mặt UBND TP, Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng khẳng định, biệt thự với Hà Nội là di sản công trình xây dựng rất có ý nghĩa, đặc biệt với nội đô lịch sử.
Ông Hùng nói, sau năm 1954, tất cả biệt thự được đưa vào quản lý và sử dụng, tuy nhiên nhiều căn sử dụng không đúng công năng. Đến năm 2007, Chính phủ mới có Nghị định quản lý; sau đó Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn một số vấn đề liên quan.
Cử tri quận Hoàn Kiếm phản ánh, biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (từng được nguyên Chủ tịch UBND TP Hoàng Văn Nghiên sử dụng) hiện đang bỏ hoang, gây lãng phí. Ảnh: Võ Hải.
“Lĩnh vực này là trách nhiệm của UBND TP trong thực hiện thẩm quyền được giao. Cùng với việc điều chỉnh hôm nay, UBND TP tiếp tục xác định trách nhiệm là sẽ quản lý tốt danh mục sau điều chỉnh, thực hiện đầu tư, cải tạo các biệt thự này theo đúng quy chế”, Phó chủ tịch Hùng cam kết.
Võ Hải
Theo VNE
Biệt thự "đòi" từ cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên bị bỏ hoang
Phải rất vất vả thành phố mới "đòi" được căn biệt thư rộng hơn 400 m2 ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, nhưng lại bỏ hoang biệt thự này gần 3 năm nay.
Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có diện tích khoảng 410 m2, tọa lạc ở "khu đất vàng" trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đầu năm 2002, ông Hoàng Văn Nghiên chuyển về khu biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa thuê ở.
Sau 12 năm thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa với "giá bèo", đến cuối năm 2014, ông Hoàng Văn Nghiên chính thức trả lại cho thành phố Hà Nội.
Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa bị bỏ hoang gần 3 năm nay
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, gần 3 năm qua, căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa bị bỏ hoang. Không được sửa sang, đến nay cánh cổng và hàng rào sắt của biệt thự đã hoen rỉ, bong tróc. Các cây dây leo phủ kín sân, tường của căn biệt thự.
Trước thực trạng trên, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố kiểm tra ngôi biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa để có phương án sử dụng, tránh lãng phí.
Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, thành phố đang rà soát lại việc sử dụng các biệt thự trên địa bàn.
Với căn biệt thự ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa, ông Hùng khẳng định đây là nhà công vụ, vì vậy phải bố trí đúng mục đích là nhà công vụ.
"Nếu vẫn giữ nguyên là công vụ thì phải đảm bảo đúng cho mục đích công vụ. Tức là phải bố trí đúng cho những đối tượng được hưởng tiêu chuẩn nhà công vụ. Còn nếu thành phố thấy tiếc mà mang ra cho thuê là sai", ông Nguyễn Thế Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, khi chưa bố trí được cho người có nhu cầu (công vụ) thì thành phố chưa thể giải quyết theo phương án khác. Còn nếu muốn giải quyết theo phương án khác (biệt thự cho thuê) thì thành phố phải báo cáo điều chỉnh lại mục đích sử dụng của căn biệt thự này.
"Từ biệt thự công vụ trở thành biệt thự cho thuê thì mới khai thác được. Hiện nay, các ngành chức năng của thành phố đang nghiên cứu để đưa ra biện pháp giải quyết hiệu quả nhất", ông Nguyễn Thế Hùng nói thêm.
Quang Phong
Theo Dantri
Hà Nội cấm xe máy tại các quận từ năm 2030 Với trên 91% đại biểu nhất trí, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông. Tại phiên làm việc sáng 4/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà...