5 vũ khí mới hàng đầu tăng cường sức mạnh quân sự của Nga
Những vũ khí này bao gồm súng bắn tỉa Rekord SV-98M, súng máy hạng nhẹ RPL-20, robot cảm tử Lyagushka Wheeled, hệ thống phòng thủ Rapira chống thiết bị bay không người lái (UAV) và Hệ thống tự hành bánh xích hạng nặng Karakal.
Hệ thống phòng thủ chống UAV Rapira-3 tại triển lãm ARMY-2024 bên ngoài Moskva. Ảnh: Sputnik
Theo Đài Sputnik (Nga) ngày 21/9, Nga gần đây đã giới thiệu 5 hệ thống vũ khí mới, được đánh giá là có khả năng thay đổi cuộc chiến trong Khu vực tác chiến quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo Đại tá quân đội Nga đã nghỉ hưu Anatoliy Matviychuk, các vũ khí này không chỉ nâng cao năng lực chiến đấu mà còn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự hiện nay, đặc biệt khi đối đầu với quân đội Ukraine và các lực lượng ủy nhiệm của NATO. Dưới đây là 5 vũ khí hàng đầu đang được triển khai trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Thứ nhất, súng bắn tỉa Rekord (SV-98M): Rekord là một biến thể hiện đại hóa của súng bắn tỉa SV-98. Đây là một thiết kế gần như hoàn toàn mới, với sự thay đổi đáng kể cả về tính năng kỹ thuật lẫn khả năng chiến đấu. Khẩu súng trường này nhẹ hơn và có tầm bắn lên tới 1.500 m, tăng đáng kể so với SV-98 ban đầu chỉ đạt 1.000 m. Rekord được thiết kế dành cho các lực lượng tác chiến đặc biệt, với khả năng tích hợp nhiều thiết bị hỗ trợ như máy ảnh nhiệt, ống ngắm tiên tiến và máy nhìn ban đêm. Điểm mạnh nổi bật khác của vũ khí này là khả năng tương thích với các băng đạn SVD 20 viên thông dụng, giúp tăng cường hiệu quả tác chiến.
Thứ hai, súng máy hạng nhẹ RPL-20: Đây là phiên bản cải tiến của súng máy RPK, với khả năng bắn các loại đạn 7,62 mm và 5,45 mm. Điểm đặc biệt của RPL-20 là khả năng sử dụng cả băng đạn tròn và băng đạn dài, giúp gia tăng hiệu quả chiến đấu. Loại vũ khí này mang lại lợi thế lớn trong phòng thủ, khi có thể kéo dài thời gian bắn so với các loại vũ khí chỉ dùng băng đạn ngắn. RPL-20 cũng có thể được gắn trên xe bọc thép hoặc trực thăng, mở rộng khả năng chiến đấu trong nhiều tình huống khác nhau.
Thứ ba, robot cảm tử Lyagushka Wheeled: Đây là một robot cảm tử chạy bằng động cơ điện, được thiết kế để mang theo các quả mìn chống tăng hoặc các tải trọng khác lên tới 30 kg. Được phát triển từ sáng kiến của Nga nhằm đối phó với các loại robot cảm tử của đối phương, Lyagushka có khả năng hoạt động trên địa hình phức tạp như tuyết, cát, hoặc đầm lầy mà không bị phát hiện. Robot này có thể được điều khiển qua kênh vô tuyến an toàn hoặc bằng dây cáp, giúp nó tiếp cận mục tiêu và kích nổ một cách chính xác. Từ mùa xuân năm 2024, Lyagushka đã được sử dụng thành công trong các cuộc tấn công trên mặt trận ở Ukraine.
Thứ tư, hệ thống phòng thủ UAV ‘bầy đàn’ Rapira: Đây là một hệ thống chống UAV hoàn toàn mới, được thiết kế để đối phó với các UAV của đối phương. Hệ thống này có hai phiên bản: Rapira-2, trang bị súng máy PKT 7,62 mm và Rapira-3, sử dụng tên lửa S-8 80 mm. Cả hai phiên bản đều có thể gắn trên các bệ bánh xích hoặc bánh xe 4×4, mang lại tính linh hoạt cao trong các cuộc giao tranh. Rapira có khả năng tiêu diệt mọi loại UAV, từ các loại cỡ nhỏ giá rẻ cho đến các UAV lớn. Điều này giúp tăng cường năng lực phòng không của quân đội Nga, đối phó hiệu quả với các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine.
Thứ năm, hệ thống tự hành bánh xích hạng nặng Karakal: Được phát triển bởi Kurganmashzavod, Karakal là một hệ thống không người lái bánh xích hạng nặng mới, có khả năng hoạt động trong các điều kiện chiến trường khắc nghiệt. Với trọng lượng 3,4 tấn, Karakal có thể mang tải trọng 500 kg và có phạm vi hoạt động lên tới 150 km. Hệ thống này được trang bị ba camera, bao gồm cả camera nhìn ban đêm, giúp nó thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế, sơ tán binh sĩ bị thương, và cung cấp đạn dược.
Karakal có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình. Đặc biệt, hệ thống này cũng có tiềm năng được trang bị vũ khí, tăng cường khả năng tấn công trực tiếp đối phương.
Với sự phát triển của các hệ thống vũ khí tiên tiến như Rekord, RPL-20, Lyagushka, Rapira và Karakal, Nga đã tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của mình trong cuộc xung đột đang diễn ra với Ukraine. Những vũ khí này không chỉ cải thiện khả năng chiến đấu của quân đội Nga mà còn thể hiện nỗ lực hiện đại hóa công nghệ quân sự để đối phó với các thách thức từ các lực lượng được NATO huấn luyện.
Video đang HOT
Samuel Cummings ông trùm vũ khí xuất thân từ CIA
Nhân vật trong câu chuyện của chúng ta là người hoàn toàn có thật. Từ đầu những năm 1950 đến cuối những năm 1980, y tượng trưng cho chủ nghĩa tư bản cổ điển, người mà chiến tranh là điều kiện lý tưởng để bán vũ khí cho cả hai bên xung đột.
Đã có những cuốn sách và bộ phim được xây dựng về cuộc đời và hoạt động của y
Bài viết sau đây chỉ giới thiệu một số nét về cuộc đời của Samuel Cummings, nhà sáng lập Tập đoàn Vũ khí Quốc tế, viết tắt là Interarms hoặc Interarmco.
Tuổi thơ gian khổ và món đồ chơi đặc biệt
Theo hồi ức của chính Samuel, từ năm 5 tuổi, khoảng năm 1933, y bắt đầu say mê vũ khí, khi nhặt được một khẩu súng máy MG-08 phế liệu của Đức bị ai đó vứt trên hè phố. Khẩu súng máy được đưa đến Mỹ như một chiến lợi phẩm từ Thế chiến thứ nhất (cho đến năm 1934, luật pháp Mỹ không cấm sở hữu súng máy). Một người lớn quen biết đã giúp bé Sam mang món đồ chơi mới về nhà và sau đó, Sam đã sử dụng thành thạo súng máy như 5 ngón tay của mình. Chỉ hiềm một nỗi ông bố không cho cậu tiền mua đạn, mà cậu thì chưa kiếm ra tiền.
Ông trùm vũ khí Samuel Cummings.
Thương vụ thành công đầu tiên
Samuel thực hiện vụ làm ăn nghiêm túc đầu tiên ngay sau khi rời khỏi quân đội Mỹ. Nhờ khả năng sử dụng vũ khí, trong Thế chiến thứ hai, y phục vụ tại một trong những trại huấn luyện của quân đội với cấp bậc trung sĩ. Năm 1946, sau khi giải ngũ, Samuel Cummings làm nghề chào hàng ở Washington. Chẳng bao lâu, nhân vật của chúng ta phát hiện ra gần đó một núi mũ sắt chiến lợi phẩm của Đức được chuyển đến Mỹ để làm vật dằn trên một con tàu chở hàng trở về từ châu Âu trong chiến tranh.
Samuel mua tất cả số mũ sắt với giá 50 xu mỗi chiếc, và dùng chiếc xe bán tải của mình chở mấy chuyến đến bang Maryland, bán cho một doanh nhân địa phương ở đó với giá 4 USD mỗi chiếc làm quà lưu niệm. Như vậy, lợi nhuận của Samuel "chỉ đạt" bảy trăm phần trăm, chưa tính chi phí vận chuyển. Có lẽ, đây là một trong những thương vụ thành công nhất trong đời y xét về tỷ lệ phần trăm lợi nhuận, mặc dù vẫn chưa phải là thương vụ lớn nhất.
Mũ sắt Đức - thương vụ đầu tiên của ông trùm.
Bán vũ khí Đức cho người Đức có khó không?
Rất dễ. Và nếu bạn cho rằng lợi nhuận 700% là rất nhiều, thì 1.100% là sao? Vâng, một ngàn một trăm phần trăm lợi nhuận, bạn đừng nhầm nhé. Vào nửa sau của những năm 50, Cộng hòa liên bang Đức, dưới sự giám sát của người Mỹ, bắt đầu tái lập quân đội của mình - Bundeswehr, và trang bị vũ khí cho nó theo nguyên tắc của Wehrmacht cũ (quân đội Đức Quốc xã). Ngoài các loại vũ khí khác, Bundeswehr cần súng máy.
Trong khi hoạt động sản xuất vẫn chưa được khôi phục, người Đức đã mua súng máy của bất kỳ ai có thể. Thế là, Samuel đã bán cho họ 250 chiếc "Maschinengewehr 42" thời Thế chiến thứ hai được giữ lại làm chiến lợi phẩm ở Hà Lan với giá 300 USD mỗi chiếc. Trước đó ít lâu, Samuel Cummings mua những khẩu súng máy này cùng với một đống vũ khí và tài sản cũ của Đức với giá sắt vụn - 25 USD mỗi khẩu.
CIA - giai đoạn nhỏ của hành trình lớn
Giữa hai thương vụ nhỏ, nhưng mang nhiều ý nghĩa này, trong lý lịch trích ngang của nhân vật chúng ta thêm một dòng thú vị: "Làm việc tại CIA". Trong Chiến tranh Triều Tiên, Samuel Cummings là nhà nghiên cứu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, chuyên phân tích và mô tả các loại vũ khí mà người Mỹ thu được ở Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Sau khi hoàn thành công việc "bàn giấy", y còn được giao nhiệm vụ thu mua vũ khí cũ của Đức ở châu Âu để trang bị cho quân đội Tưởng Giới Thạch đồn trú tại Đài Loan. Kế hoạch của CIA là để những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, được trang bị tận răng bằng vũ khí của Wehrmacht trước đây, đột nhập vào Trung Quốc đại lục từ Đài Loan, đồng thời đánh lạc hướng Mao Chủ tịch khỏi việc giúp đỡ Triều Tiên và việc Mỹ tung quân vào khu vực này.
Để mua các vũ khí này, trong những năm 1951-1952, CIA đã cử Samuel Cummings đi công du châu Âu cùng với nhà làm phim Mỹ không mấy tên tuổi là Lippe. Nhiệm vụ của cặp đôi này là mua vũ khí và thiết bị cho các bộ phim bom tấn chiến tranh của Hollywood trong tương lai. Việc mua bán thành công đã dạy cho nhân vật của chúng ta một số bài học quan trọng: làm việc với các cơ quan chính phủ ở Mỹ và châu Âu, các đặc điểm của thủ tục giấy tờ, cũng như nếu chịu khó tìm kiếm một chút, bạn có thể mua được hàng đống vũ khí với giá kim loại phế liệu. Hơn nữa, những vũ khí này có thể hơi lỗi thời, nhưng vẫn hoàn toàn phù hợp với chiến tranh, hoặc tuy cũ kỹ và hoàn toàn "hết hạn sử dụng", nhưng lại có giá trị sưu tầm, có thể được bán trên thị trường vũ khí dân sự không đáy của Mỹ.
Súng máy Đức "Maschinengewehr 42" thời Thế chiến thứ hai.
Nhờ kinh nghiệm tích lũy được, chẳng bao lâu, Samuel Cummings xin nghỉ việc ở CIA, nhưng vẫn thường xuyên duy trì quan hệ thân thiện và kinh doanh với cơ quan này. Hơn nữa, trong nhiều năm, cánh tay phải của y là Tom Nelson, một "cựu" nhân viên của Cơ quan Tình báo kỹ thuật quân đội Mỹ, người chuyên trách về vũ khí "thông thường" (nghĩa là không phải vũ khí hủy diệt hàng loạt) trong những năm phục vụ ở cơ quan này. Tom đã đi nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu ở Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh, đã mua và bán hàng container và toa tàu hỏa vũ khí, thiết bị và đạn dược để phục vụ lợi ích của ông chủ và khách hàng của ông ta.
Đủ vũ khí trang bị cho 40 sư đoàn
Chẳng bao lâu, những thành công của Samuel Cummings trong nghề buôn bán vũ khí đã vượt quá mọi giới hạn có thể tưởng tượng. Vào những năm 70, theo Samuel Cummings, hai tổng kho của ông ta ở Anh và Mỹ đồng thời cất giữ một số lượng khí tài quân sự đủ để trang bị cho 40 sư đoàn bộ binh. Xin lấy ví dụ: Năm 1958, Samuel Cummings đã mua tất cả súng trường Lee-Enfield còn lưu giữ của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Anh, với số lượng khoảng một triệu khẩu. Phần lớn số súng trường này ngay lập tức được chuyển cho lực lượng vũ trang Pakistan và Kenya. Samuel không coi thường cả những loại vũ khí lớn hơn như đại pháo, thậm chí y còn làm môi giới bán vài chục máy bay tiêm kích đã lỗi thời từ Thụy Điển sang Mỹ Latinh.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Washington Post năm 1986, Samuel Cummings tự hào nói rằng tại một số thời điểm, kho của hãng Interarms ở Virginia chứa hơn 700 nghìn khẩu súng trường, súng lục và súng máy, cũng như khoảng 150 khẩu pháo cỡ nòng từ 25 đến 150 mm.
Cần lưu ý rằng các kho hàng của công ty ở cả Anh và Mỹ đều nằm ở vị trí cực kỳ thuận lợi - cạnh bến tàu biển, do đó hàng hóa có thể đến và đi trực tiếp từ các kho của công ty tới bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không thu hút sự chú ý không cần thiết của báo chí hoặc các nhà hoạt động vì hòa bình ở khắp nơi trên thế giới.
Các kho hàng của Samuel Cummings đều nằm ở vị trí cực kỳ thuận lợi.
Tự mình sản xuất
Năm 1968, Quốc hội Mỹ thông qua luật hạn chế nghiêm ngặt việc nhập khẩu vũ khí vào Mỹ để bán trên thị trường nội địa. Vào thời điểm đó, hãng Interarms đã cung cấp cho các thợ săn, nhà sưu tầm Mỹ và những người thích bắn súng không chỉ các loại "đồ cổ" mà còn cả vũ khí mới của nhiều nhà sản xuất châu Âu, chẳng hạn như Walter và Mauser của Đức, Zastava của Nam Tư, Star của Tây Ban Nha và một số nhà sản xuất khác. Vì nhà nước cấm nhập khẩu, công ty Interarms đã tổ chức sản xuất những loại vũ khí phổ biến nhất, chẳng hạn như Walter PPK, loại súng lục yêu thích của James Bond, trực tiếp tại Mỹ, theo giấy phép của Đức.
Thương vụ lý tưởng
Câu chuyện cuối cùng trong rất nhiều chuyện thú vị về cuộc đời phong phú của ông trùm vũ khí là âm mưu nổi dậy ở Costa Rica năm 1953. Cuộc nổi dậy được hỗ trợ bởi nhà độc tài Nicaragua Anastasio Somoza DeBayle, vốn là một khách hàng của hãng Interarms. Somoza mua của nhân vật chúng ta một lô súng máy cầm tay Madsen do Đan Mạch sản xuất, súng ngắn của Ý và đủ loại vũ khí khác, rồi phân phát chúng cho những người nhập cư từ nước láng giềng của Costa Rica và xui họ về nước để làm loạn. Đến lượt mình, chính phủ Costa Rica khẩn trương kêu gọi Samuel Cummings giúp đỡ về vũ khí, và ngay lập tức y đã bán cho nước này một lô súng trường M1 Garand và súng máy Browning của Mỹ: để chuyển phát nhanh, họ phải thuê máy bay. Với vũ khí nhận được của hãng Interarms, quân đội Costa Rica đã đánh bại quân nổi dậy được trang bị vũ khí của Interarms. Một thương vụ lý tưởng, lợi nhuận gấp đôi!
Chấm dứt tồn tại
Nói chung, có thể tiếp tục kể những câu chuyện thú vị về cuộc đời của ông trùm vũ khí Samuel Cummings, người cuối cùng đã trở thành công dân Anh, cư dân của Công quốc Monaco và một trong những nhà buôn vũ khí tư nhân lớn nhất thế giới kể từ thời Basil Zaharoff. Để kết thúc chỉ xin lưu ý rằng ông Samuel Cummings đã qua đời thanh thản tại điền trang của mình ở Monaco năm 1998, và một năm sau, đế chế Interarms đã chấm dứt tồn tại.
Thời đại của những kẻ "buôn cái chết" tư nhân đã trôi qua từ lâu; giờ đây loại hình kinh doanh này phần lớn đã được các chính phủ và các tổ chức bán chính phủ công hữu hóa. Mặc dù, thật khó dự báo điều gì sẽ xảy ra trong thế kỷ mới đầy biến động của chúng ta?
Nga lệnh Hạm đội Biển Đen thêm hỏa lực, Ukraine tố 'một số đối tác thiển cận' Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã ra lệnh lắp đặt thêm hỏa lực trên các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen nhằm tấn công các phương tiện không người lái của Ukraine. Hãng thông tấn Tass trích dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, khi đi thị sát quân khu miền Nam hôm 17/3, ông Shoigu đã...