5 vấn đề về sức khỏe và trí não em bé sẽ gặp phải nếu mẹ bầu bị như này khi mang thai
Trong suốt thời gian mang thai, nếu người mẹ liên tục bị căng thẳng, lo lắng quá mức thì rất có thể đứa trẻ sau khi sinh sẽ gặp những vấn đề về sức khỏe và ảnh hưởng tới tâm lý.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng lo lắng, căng thẳng là một phần trong cuộc sống hàng ngày và với người phụ nữ mang thai cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định rằng chính sự lo lắng và căng thẳng trong thai kì là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, chỉ số IQ và thể chất của trẻ, gây ra hàng loạt các vấn đề khác trong cuộc sống sau này của trẻ.
Mẹ bầu căng thẳng, lo lắng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi (Ảnh minh họa).
Nhưng liệu có phải tất cả những căng thẳng người mẹ trải qua trong thời gian mang thai đều gây hại tới thai nhi, và nó có tác động tới em bé như thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Mẹ bầu căng thẳng nhiều khiến bé sinh non và nhẹ cân
Điều đầu tiên để thai nhi khỏe mạnh chính là người mẹ phải có một tâm lý thật thoải mái, không căng thẳng. Theo bà Ann B Border, một bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Evanston (bang Illinois, Mỹ), chính việc căng thẳng quá mức và trong thời gian dài của người mẹ sẽ khiến cho em bé chào đời sớm hơn dự kiến và bị nhẹ cân.
Khi bị căng thẳng, cơ thể chúng ta gia tăng sản xuất nội tiết tố căng thẳng, một loại hormone giải phóng corticotropin (CRH). Với phụ nữ có thai, CRH ảnh hưởng đến thời gian mang thai và sự lớn lên của thai nhi trong bụng mẹ. Mức CRH càng cao, nguy cơ đẻ non càng lớn. Nhiều người cho rằng để tránh sinh non thì nên tập trung tư tưởng vào 3 tháng cuối thai kì, nhưng thực tế thì không phải vậy. Nguy cơ sinh non được kích thích bởi sự gia tăng từ rất sớm của CRH sinh ra do những căng thẳng mà người mẹ trải qua trong những tuần đầu tiên của thai kỳ.
Người mẹ căng thẳng quá mức và trong thời gian dài sẽ khiến cho em bé chào đời sớm hơn dự kiến và bị nhẹ cân (Ảnh minh họa)
2. Mẹ bầu căng thẳng ảnh hưởng tới sự phát triển trí não và IQ của con sau này
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng mức cortisol cao có thể làm giảm chỉ số thông minh IQ của đứa trẻ. Thông thường, nhau thai sẽ sản xuất các enzyme để phá vỡ cortisol, nhưng nó không thể đối phó hết nếu người mẹ liên tục bị căng thẳng với cường độ mạnh hoặc kéo dài.
Các nhà khoa học cũng khẳng định căng thẳng mà người mẹ gặp phải trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của bé. Cụ thể, một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Wayne State cho thấy căng thẳng của mẹ ảnh hưởng đến các liên kết trong não bộ và hệ thống chức năng thần kinh, khiến nó hoạt động kém hiệu quả hơn. Bộ não của thai nhi phát triển từ tiểu não, đây là trung tâm phản ứng với sự căng thẳng và là một trong những vị trí phát triển đầu tiên, khiến thai nhi nhạy cảm với người mẹ bị căng thẳng ngay từ 3 tháng đầu thai kì.
Video đang HOT
3. Mẹ bầu lo lắng, áp lực nhiều khiến con gặp vấn đề về giấc ngủ
Tâm trạng của người mẹ ảnh hưởng không chỉ đến sự phát triển của thai nhi mà còn cả giấc ngủ của bé sau khi sinh. Một nghiên cứu năm 2007 đã phát hiện ra rằng mẹ bầu nếu bị áp lực, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến thời gian ngủ của bé.
Để kiểm chứng, các nhà khoa học đã kiểm tra các bé ở độ tuổi 6 tháng, 18 tháng và 30 tháng, đo thời gian ngủ và tần suất thức dậy trong đêm. Kết quả chỉ ra rằng những đứa trẻ có mẹ lo lắng nhiều trong thời kỳ mang thai thường có vấn đề về giấc ngủ lúc 18 tháng và 30 tháng tuổi. Điều này xảy ra do cortisol đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến vùng não chịu trách nhiệm cho nhịp sinh học của bé.
Mẹ bầu nếu bị áp lực, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến thời gian ngủ của bé (Ảnh minh họa).
4. Căng thẳng khi mang thai có thể gây ra vấn đề với sức khỏe của bé
Một nghiên cứu năm 2011 đã xác nhận rằng căng thẳng của người mẹ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của trẻ. Kết quả cho thấy trẻ sau khi sinh có nguy cơ bị nhiễm trùng sớm và rối loạn tâm thần cao hơn. Ngoài ra còn có các vấn đề sức khỏe khác ở tai, mắt, hệ tiêu hóa, hô hấp, da, cơ xương khớp, tuần hoàn, dị ứng và các bệnh về cơ quan sinh dục.
Một liên kết cũng được tìm thấy giữa việc mẹ bị căng thẳng và chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ. Trong trường hợp này thì ảnh hưởng của sự căng thẳng tới đứa trẻ hóa ra mạnh hơn so với người mẹ mang thai hút thuốc.
5. Làm cho trẻ sợ hãi và lo lắng nhiều hơn
Tiến sĩ Elysia Davis từ Đại học Denver (Mỹ) cho biết mức độ cortisol cao ở phụ nữ mang thai có thể khiến trẻ dễ bị căng thẳng trong tương lai. Chúng ta có thể thấy ngay hệ quả chính là phản ứng dữ dội, căng thẳng của trẻ khi lấy máu tại bệnh viện. Hay trẻ tỏ ra sợ hãi ngay cả khi có ai đó bước vào phòng, hoặc tỏ ra căng thẳng khi quả bóng lăn về phía mình. Trẻ không hào hứng tham gia cuộc chơi mà chạy về phía mẹ để tìm sự an toàn, trẻ sợ phải đi học, ra ngoài môi trường bên ngoài.
Tâm lý của trẻ cũng bị ảnh hưởng, bé hay lo lắng, không tự tin giao tiếp, rụt rè và ngại thử thách (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là tất cả mọi sự lo lắng của mẹ đều gây hại cho em bé, các nghiên cứu cũng cho thấy những mối lo lắng, căng thẳng ngắn hạn không làm hại thai nhi. Các nhà khoa học đã đo nồng độ cortisol trong nước bọt và nước ối của mẹ bầu sau khi thử nghiệm một sự kiện gây căng thẳng. Kết quả là căng thẳng ngắn hạn không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng mặt khác, những căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến sự gia tăng nồng độ CRH trong nước ối, làm tăng các nguy cơ đã đề cập ở trên.
Mẹ bầu hãy chú ý giữ gìn sức khỏe và tạo cho mình thói quen sinh hoạt lành mạnh để tránh những rắc rối, lo lắng không đáng có, làm ảnh hưởng tới thai nhi. Cụ thể bằng cách:
- Chú ý đến chế độ ăn uống của mình.
- Tập thể dục nhẹ nhàng để làm tăng hormone hạnh phúc và quên đi sự mệt mỏi, căng thẳng.
- Thực hiện các động tác thiền để thư giãn và thoải mái hơn.
- Trò chuyện gặp gỡ và thường xuyên kết nối với người thân, bạn bè để tạo cảm giác vui vẻ.
- Viết ra những điều khó chịu, không thoải mái hoặc áp lực đang gặp phải như một cách giải tỏa.
- Ngủ nhiều hơn và sâu giấc hơn để tinh thần thoải mái.
- Nếu gặp rắc rối và quá căng thẳng, hãy đến gặp bác sĩ và nhờ hỗ trợ.
Nguồn: Brightside
Sự thật thú vị: Mẹ ốm nghén nhiều có thể sinh con thông minh hơn
Nhiều chị em cảm thấy rất sợ hiện tượng ốm nghén trong thời gian mang thai, nhưng theo một nghiên cứu khoa học thì việc mẹ bị nghén lại có nhiều khả năng sinh ra con thông minh hơn.
Ốm nghén là hiện tượng bình thường và phổ biến trong suốt thời gian mang thai của phụ nữ. Gần như điều này khiến chị em khá khổ sở vì những trận nghén giày vò. Nghén xảy ra bất cứ lúc nào, có lúc đang ăn cũng có thể buồn nôn, thậm chí là nôn ngay những thức ăn vừa cho vào bụng. Nhiều người cảm thấy cực kỳ khó chịu và thể trọng giảm sút khi mang thai vì chứng ốm nghén. Tuy nghén khiến mẹ vất vả nhiều hơn nhưng nó không phải là không có lợi ích gì.
Các bé có mẹ từng ốm nghén ghi điểm cao hơn về chỉ số IQ
Buồn nôn, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nôn nghén khi mang bầu là do progesterone - một hormone steroid nội sinh có trong chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai và phát triển phôi thai - tăng cao. Cơ thể mẹ không thể thích ứng với sự thay đổi lớn này nên sinh ra triệu chứng buồn nôn và nôn nghén. Mặc dù tình trạng này khiến mẹ vô cùng khó chịu nhưng nó lại là một trong những biểu hiện cho thấy thai nhi khỏe mạnh.
Trẻ sinh ra bởi các bà mẹ bị nôn nghén nhiều có trí lực cao, khả năng biểu đạt mạnh mẽ và nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch ở trẻ cũng thấp hơn rõ rệt (Ảnh minh họa).
Theo nghiên cứu y học, những phụ nữ bị sảy thai lại rất ít bị nghén (với các biểu hiện như khó thở, buồn nôn, nôn...). Rõ ràng vấn đề chính là do progesterone sinh ra thấp khiến cho thai nhi phát triển không tốt.
Ngoài ra, các chuyên gia nghiên cứu Canada đã từng phát hiện: phụ nữ thường xuất hiện triệu chứng nôn nghén vào sáng sớm càng có khả năng sinh con thông minh hơn những phụ nữ không có biểu hiện này. Trẻ sinh ra bởi các bà mẹ bị nôn nghén nhiều có trí lực cao, khả năng biểu đạt mạnh mẽ và nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch ở trẻ cũng thấp hơn rõ rệt.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện trẻ em ở Toronto, Canada, đã tìm hiểu trên các bà mẹ bị chứng ốm nghén ở mọi cấp độ, và phát hiện thấy lợi ích của tình trạng này trên diện rộng. Họ xem xét lại dữ liệu từ 10 công trình độc lập, được tiến hành ở 5 quốc gia từ năm 1992 tới 2012, liên quan tới 850.000 phụ nữ mang thai.
Kết quả cho thấy các bé có mẹ từng ốm nghén ghi điểm cao hơn về IQ, ngôn ngữ và hành vi nói chung (Ảnh minh họa).
Các kết quả ghi nhận sự mệt mỏi và ói mửa trong thai kỳ có liên quan tới việc giảm nguy cơ bé bị nhẹ cân khi sinh hay chiều dài cơ thể ngắn. Các bà bầu bị buồn nôn cũng có tỷ lệ sinh non thấp hơn: 6,4% so với 9,5% ở các bà bầu khỏe mạnh. Tình trạng nghén còn khiến cho nguy cơ em bé bị khuyết tật bẩm sinh giảm đi từ 30 tới 80%. Nguy cơ sảy thai ở những người không có hiện tượng nghén cũng cao hơn gấp 3 lần so với bà bầu hay buồn nôn.
Nhiều năm sau khi số liệu về mẹ được ghi nhận, các em bé ra đời được kiểm tra về trí thông minh. Kết quả cho thấy các bé có mẹ từng ốm nghén ghi điểm cao hơn về IQ, ngôn ngữ và hành vi nói chung.
Không cần quá lo lắng nếu nôn nghén nhiều
Một số ít phụ nữ bị nôn nghén đặc biệt mạnh mẽ trong thai kỳ với biểu hiện nôn liên tục, có khi còn không thể ăn uống gì (Ảnh minh họa)
Nhiều mẹ bầu lo lắng tình trạng nghén nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nhưng thực tế, nôn nghén thường xảy ra ở giai đoạn đầu thai kỳ, lúc này thai nhi cũng chưa cần quá nhiều dinh dưỡng, chỉ cần mẹ không xảy ra tình trạng mất nước hoặc ăn uống quá ít thì việc nôn nghén sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Thậm chí thể trọng của thai phụ trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể tạm thời chưa tăng cũng không vấn đề gì.
Một số ít phụ nữ bị nôn nghén đặc biệt mạnh mẽ trong thai kỳ với biểu hiện nôn liên tục, có khi còn không thể ăn uống gì. Nếu xảy ra tình trạng này, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và hỗ trợ khắc phục từ bác sĩ chuyên môn để không gây hại cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Nguồn: Sohu, Reproductive Toxicology
Mẹ ăn cá, con cải thiện thị lực Thai phụ có thể tăng cường sự phát triển thị lực và chức năng não của thai nhi bằng cách thường xuyên ăn cá nhiều chất béo (cá hồi, cá trích, cá mòi...) trong thời gian mang thai. Các nhà khoa học thuộc University Turku (Phần Lan) cho biết trẻ sơ sinh có mẹ ăn cá 3 lần hoặc nhiều hơn hằng tuần...