5 tuần nước Mỹ bế tắc hậu bầu cử tổng thống năm 2000
Nếu Trump yêu cầu Tòa án Tối cao giải quyết tranh chấp kiểm phiếu với Biden, đó sẽ là lần thứ hai trong lịch sử tòa Mỹ định đoạt ghế tổng thống.
Vào Ngày bầu cử tổng thống Mỹ 7/11/2000, các cuộc thăm dò cho thấy ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush, thống đốc bang Texas, dẫn trước ứng viên đảng Dân chủ, phó tổng thống Al Gore, với cách biệt nhỏ.
George W. Bush (trái) và Al Gore trong cuộc tranh luận năm 2000. Ảnh: NBC.
Khi phiếu bầu được kiểm vào tối hôm đó, hai người cạnh tranh gắt gao, bởi một số bang báo cáo kết quả rất sít sao. Cuối cùng, kết quả chung cuộc được định đoạt bởi 25 phiếu đại cử tri của bang Florida. Thống đốc của Florida là Jeb Bush, em trai của ứng viên George W. Bush.
Ban đầu, nhiều hãng truyền thông “xướng tên” Gore là người chiến thắng ở Florida, nhưng sau đó họ rút lại, đánh giá cuộc đua ở bang này vẫn quá gay cấn.
Vài giờ sau, họ xác định Bush chiến thắng ở Florida, nghĩa là ông đắc cử tổng thống. Gore gọi cho Bush để nhận thua. Nhưng các hãng truyền thông lại một lần nữa rút lại tuyên bố, khiến Gore gọi cho Bush để rút lại lời nhận thua.
Kết quả kiểm phiếu ở Florida ở trong tình trạng không rõ ràng. Hai ứng viên cách nhau chưa đến 0,5%, khiến bang này phải kiểm lại bằng máy tất cả lá phiếu được bỏ theo hình thức đục lỗ bên cạnh tên ứng viên. Một số điểm bất thường được phơi bày trong quá trình kiểm phiếu lại này.
Ngày 9/11/2000, Gore kêu gọi kiểm lại phiếu bằng tay tại 4 hạt có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ mạnh mẽ, bao gồm Palm Beach. Bush phản đối, nhưng ông bị một thẩm phán liên bang bác bỏ.
Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên diễn ra dồn dập. Một loạt luật sư từ hai phe đổ đến Florida. Trọng tâm chú ý là máy đục lỗ phiếu bầu được sử dụng ở hạt Palm Beach cho tỷ lệ sai sót quá cao đối với một cuộc bỏ phiếu sít sao như vậy.
Máy đếm đã từ chối hàng nghìn lá phiếu do lỗi máy móc hoặc do chúng không được đục lỗ hoàn toàn, vẫn còn mẩu giấy nhỏ dính vào phiếu.
Trong khi đó, các cố vấn của Bush cáo buộc đảng Dân chủ cố gắng loại bỏ 25.000 phiếu bầu qua thư từ hai hạt ủng hộ đảng Cộng hòa.
Ngày 26/11/2000, bang Florida xác định Bush là người chiến thắng với cách biệt 537 phiếu. Gore phản đối kết quả, lập luận rằng hàng nghìn phiếu bầu đã không được tính. Ngày 8/12, Tòa án Tối cao bang Florida đồng ý với Gore và ra lệnh kiểm lại bằng tay 45.000 lá phiếu đã bị máy đếm từ chối.
Ngày 12/12/2000, Tòa án Tối cao Mỹ lần đầu tiên can thiệp vào một cuộc bầu cử tổng thống, 5 tuần sau khi nó diễn ra. Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt, họ ra lệnh Florida dừng kiểm lại phiếu, cho rằng hiến pháp đã bị vi phạm bởi các hạt sử dụng các tiêu chuẩn kiểm phiếu khác nhau.
Quyết định của tòa đã đóng lại cảnh cửa chiến thắng cho Gore. Kết quả cuối cùng được công nhận là Bush thắng tại Florida với cách biệt 537 phiếu. Gore nhận thua, nói rằng ông không muốn đất nước tiếp tục lâm vào cảnh đấu đá đảng phái.
Ngày 18/12/2000, Bush được cử tri đoàn bầu làm tổng thống thứ 43 của Mỹ với 271 phiếu đại cử tri, mặc dù Gore giành được nhiều phiếu phổ thông hơn. Bush cũng tái đắc cử 4 năm sau đó.
Những cuộc bầu cử kéo dài và gây tranh cãi trong lịch sử Mỹ. Video: Washington Post.
Chia rẽ, hỗn loạn 'rình rập' lưỡng đảng Mỹ hậu bầu cử
Giữa cuộc đua đầy khó khăn vào quốc hội, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn nỗ lực chỉ trích phe Dân chủ, nhưng không đề cập nhiều đến Trump.
Trong buổi vận động tuần trước ở thành phố Plano, bang Texas, khi được hỏi liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có mang lại lợi thế tranh cử cho ông hay không, Cornyn, người giữ chức thượng nghị sĩ bang Texas ba nhiệm kỳ qua, tỏ vẻ lưỡng lự, dù vẫn trả lời có.
Theo bình luận viên Lisa Lerer của NY Times, việc Cornyn tránh nhắc đến Trump là dấu hiệu về một "cuộc chiến" không kém phần gay go sắp tới trong nội bộ lưỡng đảng Mỹ. Dù Tổng thống Trump hay ứng viên Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng vào ngày 3/11, cuộc bầu cử năm nay được cho là có khả năng đẩy cả hai đảng vào thời kỳ hỗn loạn.
Theo truyền thống, các cuộc bầu cử tổng thống giúp vạch rõ tầm nhìn về chính trị trong tương lai của mỗi đảng. Khi bước vào Nhà Trắng hồi năm 2008, Barack Obama được cho là đã phục hưng hình tượng tiến bộ của một đảng Dân chủ ngày càng đa dạng. 8 năm trước đó, cựu tổng thống George W. Bush cũng tái tạo chủ nghĩa Cộng hòa, với thông điệp về "chủ nghĩa bảo thủ nhân ái".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) vận động ở Bắc Carolina hôm 21/10 và ứng viên Dân chủ Joe Biden tại Pennsylvania hôm 24/10. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, với những người ôn hòa và cấp tiến sẵn sàng đối đầu nhau ở cánh tả, cùng một loạt lực lượng đang hướng tới thời kỳ hậu Trump bên cánh hữu, tương lai mờ mịt về ý thức hệ dường như đang chờ đợi lưỡng đảng Mỹ. Những câu hỏi đặt ra cho cả hai đảng phần lớn chưa được giải đáp sau hơn một năm đầy biến động của chiến dịch tranh cử. Tranh cãi về Trump được cho là đã phủ bóng các cuộc tranh luận về cách điều hành đất nước giữa khủng hoảng quốc gia.
"Hai bên đều sẵn lòng đưa cuộc bầu cử xoay quanh vấn đề cá nhân. Do đó, không nhiều người chú ý đến sự sắp xếp lại ý thức hệ trong nước", Brad Todd, chiến lược gia đảng Cộng hòa, đồng thời là tác giả một cuốn sách về liên minh dân túy bảo thủ giúp Trump chiến thắng hồi năm 2016, cho hay.
4 năm trước, Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi của phe Cộng hòa nhờ thông điệp phá vỡ tư tưởng bảo thủ chính thống về các vấn đề như trách nhiệm tài chính, chính sách đối ngoại và thương mại. Tuy nhiên, một nhóm "vệ binh cũ" trong đảng lại muốn biến Tổng thống thành "kẻ phản diện", nhằm tránh sa vào chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và những giả thuyết thiếu nền tảng chính sách nghiêm túc.
Cựu thượng nghị sĩ bang Arizona Jeff Flake nằm trong số đó. Ông bày tỏ mong muốn Trump thua cuộc, đồng thời hy vọng thất bại này sẽ giúp đảng Cộng hòa chuyển hướng khỏi "cơn thịnh nộ và bất bình", để tập trung trở lại việc phát triển một thông điệp bao quát, đủ khả năng chinh phục một đất nước ngày càng đa dạng.
"Không gì giúp thu hút sự tập trung bằng một thất bại lớn. Đối với Tổng thống thì càng lớn càng tốt. Chủ nghĩa Trump là một ngõ cụt về nhân khẩu học", Flake, một trong số nhiều đảng viên Cộng hòa nghỉ hưu hồi năm 2018 và từng tán thành Trump, nêu ý kiến.
Cựu thượng nghị sĩ này muốn đảng Cộng hòa khôi phục một quá trình đánh giá từng được tiến hành hồi năm 2012, nhằm tìm hiểu lý do họ thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm đó. Bản báo cáo kêu gọi phe Cộng hòa tiếp cận tốt hơn các cử tri da màu và phụ nữ.
Tuy nhiên, Ari Fleischer, đồng chủ tịch dự án trên, cho rằng ý tưởng này không khả thi. Theo ông, Tổng thống Trump đã hoàn thành mục tiêu mở rộng số lượng cử tri ủng hộ, nhưng theo cách hoàn toàn khác. Thay vì thu hút người da màu hoặc phụ nữ, ông chủ Nhà Trắng lại thúc đẩy tầm ảnh hưởng của đảng Cộng hòa trong tầng lớp lao động và cử tri da trắng.
Sara Fagen, giám đốc chính trị của Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, cũng đồng tình. " Chủ nghĩa Trump đã trở nên vững chắc. Cơ sở của đảng Cộng hòa đã thay đổi. Ưu tiên của họ giờ đây khác với phương hướng dẫn dắt đất nước của Mitt Romney hay Bush", Fagen nhận xét.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Missouri Josh Hawley cho rằng họ nên tận dụng sự nhiệt huyết của đám đông ủng hộ bằng cách theo đuổi những chiến lược như quay lưng với các hãng công nghệ lớn, bày tỏ hoài nghi về thương mại tự do, hoặc buộc các trường đại học chịu trách nhiệm nhiều hơn về những khoản học phí cao.
Mâu thuẫn này được cho là thể hiện rõ ràng ở bang Texas. Giữa lúc phe Dân chủ ngày càng chiếm được cảm tình của người dân vì sự trỗi dậy của Covid-19, những đảng viên Cộng hòa ôn hòa vẫn nỗ lực hướng Texas theo quan điểm trung tập hơn, trong khi phe bảo thủ cố gắng đẩy "bang đỏ truyền thống" này xa hơn về phía cánh hữu.
Các nhà lập pháp, luật sư và nhà hoạt động theo đường lối cứng rắn của phe Cộng hòa đã kiện Greg Abbott, Thống đốc Texas cùng đảng với họ, vì mở rộng hoạt động bỏ phiếu sớm ở bang này, đồng thời phản đối những biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt như lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn bang.
Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra thế nào. Video: CNN.
Đảng Dân chủ cũng đối mặt với tình trạng chia rẽ trong nội bộ, xung quanh việc liệu có nên tận dụng cuộc khủng hoảng toàn quốc để thúc đẩy những thay đổi sâu rộng trong những vấn đề như y tế, bất bình đẳng kinh tế, hoặc biến đổi khí hậu, hay không.
Tương tự đảng Cộng hòa hồi năm 2012, phe Dân chủ đã tập hợp nhóm chuyên trách riêng, nhằm nỗ lực đoàn kết đảng sau cuộc bầu cử sơ bộ đông đảo ứng viên năm nay. Các đề xuất của nhóm này phần lớn có phạm vi rộng hơn so với những gì Biden đề ra trong vòng sơ bộ, nhưng lại ngừng theo đuổi các chính sách cấp tiến chủ chốt, như "bảo hiểm y tế cho tất cả", Thỏa thuận Xanh Mới hay cấm khai thác dầu đá phiến.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Pramila Jayapal, đồng minh của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cho biết những kế hoạch này là "mức sàn, không phải mức trần" mà phe cánh tả trong đảng Dân chủ sẽ yêu cầu nếu Biden chiến thắng. Theo bà, sau khi bước vào Nhà Trắng, cựu phó tổng thống Mỹ có nhiệm vụ thúc đẩy những cuộc đại tu sâu rộng hơn.
Tại Texas, ngày càng nhiều chính trị gia cánh tả trẻ tuổi tin rằng họ có thể biến "thành trì" bảo thủ, vốn luôn bầu cho đảng Cộng hòa từ năm 1980, thành một "bang xanh" bằng cách theo đuổi đường lối cấp tiến.
Hai năm trước, ứng viên Dân chủ Julie Oliver thất bại trong cuộc đua vào hạ viện với cách biệt 9 điểm phần trăm so với đối thủ Roger Williams của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, khoảng cách này gần hơn nhiều so với 20 điểm mà Williams từng tạo ra để giành chiến thắng năm 2016. Cuộc đua năm nay được cho là còn bám đuổi sít sao hơn.
"Những vấn đề dường như quá cấp tiến mà chúng ta thảo luận hai năm trước giờ đây có lẽ không còn mang sắc thái như vậy nữa. Chăm sóc sức khỏe toàn dân, hay mức thu nhập cơ bản đồng đều, là những ý tưởng phổ biến hiện nay", Oliver, người được Biden bày tỏ ủng hộ tháng trước, cho biết.
Tuy nhiên, những đảng viên Dân chủ khác lo lắng đồng minh của họ đang lãng quên bài học trước đây. Hồi năm 2008, phe Dân chủ giành quyền kiểm soát cả quốc hội và Nhà Trắng. Nhưng sau khi thông qua Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Giá phải chăng (ACA), hay còn gọi là Obamacare, đồng thời thúc đẩy một dự luật về khí hậu, họ đã mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ và thế đa số tại hạ viện.
"Nếu phe cấp tiến được tin tưởng giao trọng trách thì người giành được đề cử của đảng Dân chủ phải là Bernie Sanders hoặc Elizabeth Warren. Điều công chúng Mỹ cần là một ai đó theo xu hướng trung lập hơn", Henry Cuellar, hạ nghị sĩ Dân chủ có xu hướng ôn hòa, nêu ý kiến.
Tuy nhiên, trong một quốc gia ngày càng phân cực, thế cân bằng có thể đang dịch chuyển. Sau khi nghe Thượng nghị sĩ Cornyn phát biểu ở Plano tuần trước, Mark Wurst, một đảng viên Cộng hòa kỳ cựu, cho biết ông rất ủng hộ "thương hiệu" bảo thủ của Trump. Dù ban đầu khá nghi ngờ, Wurst đã bị thuyết phục bởi những hành động của Tổng thống trong vấn đề nhập cư và thương mại.
"Tôi từng không nhận ra mình thực sự bất đồng với Bush trong một số vấn đề đến mức nào. Hãy nhìn những gì Trump đã làm. Tôi không thích giọng điệu của ông ấy, nhưng đôi khi bạn phải nhìn vào kết quả", Wurst cho hay.
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Góc nhìn từ Ấn Độ Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày mai (3/11) sẽ không chỉ quyết định số phận của nước Mỹ mà còn tác động tới cả thế giới nói chung và Ấn Độ nói riêng. Bài viết của biên tập viên Prashant Jha đăng trên tờ Hindustan Times ngày 2/11. Cuộc chạy đua làm chủ Nhà Trắng sẽ có tác động không nhỏ...