5 tuần có dịch tả lợn châu Phi, chợ heo lớn nhất miền Nam khởi sắc
Dù chưa phát hiện ổ dịch nào, song giá heo hơi hôm nay ở các tỉnh miền Nam cũng đang bị giảm khá mạnh, với mức giảm lên tới 8.000 đồng/kg. Những ngày qua, việc tiêu thụ heo hơi ở các chợ đầu mối lớn tại TP.HCM cũng rất chậm, tuy nhiên trong phiên giao dịch hôm nay, thị trường đã khởi sắc hơn khi heo mảnh bán được giá tốt.
Việc khử trùng chuồng trại đang được ngành thú y và người dân các địa phương tăng cường thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh minh hoạ: H.Đ
Theo thông tin từ chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) – 2 chợ đầu mối thịt heo lớn nhất phía Nam, được biết số lượng heo nhập chợ những ngày gần đây đã giảm đáng kể so với cuối tháng 2 và tháng 3. Cụ thể, số lượng heo hơi nhập chợ Hóc Môn đêm ngày 10, rạng sáng 11/3 giảm gần 300 con, chỉ còn 4.720 con/ngày-đêm (ngày thường trên 5.000 con); heo về chợ Bình Điền giảm khoảng 90 con so với cách nay vài ngày, ở mức 2.800 con/ngày-đêm.
Trước đó, với số lượng heo như vậy, việc tiêu thụ của tư thương cũng rất chậm. Phải tới phiên hôm nay, chợ mới khởi sắc trở lại khi bán nhanh hơn, giá bán heo mảnh dao động từ 54.000-58.000 đồng/kg.
Một số tiểu thương cho biết, có lẽ do những ngày qua báo chí, đài truyền hình vào cuộc tuyên truyền mạnh về dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh tại các chợ được làm chặt chẽ nên người tiêu dùng yên tâm hơn, quay lại mua thịt lợn như trước.
Đáng mừng là mặc dù giá heo hơi cả nước đang có xu hướng giảm mạnh, tuy nhiên theo khảo sát của PV tại các siêu thị và chợ truyền thống ở miền Nam cho thấy, giá bán lẻ thịt lợn vẫn giữ nguyên.
Chị Nguyễn Thị Lụa, tiểu thương tại chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) thông tin, vài ngày nay giá thịt heo tại các chợ đầu mối như Hóc Môn, Bình Điền giảm lần lượt từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, nhưng sức mua tại chợ hầu như không giảm. Bởi người tiêu dùng đều đã ý thức và biết rằng dịch tả heo châu Phi không lây lan sang người.
Thêm nữa, các chợ đầu mối, cơ quan chuyên trách của TP.HCM đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP đã khiến người dân yên tâm hơn.
Theo ông Lê Hoàng Phong, Trưởng phòng Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, giá heo hơi tại chợ giảm khoảng 1.000 đồng/kg, ở mức 48.000 – 49.000 đồng/kg. Giá heo mảnh tại chợ dao động từ 54.000-58.000 đồng/kg, sườn non 105.000 đồng/kg, nạc dăm 70.000 đồng/kg, giò trước 60.000 đồng/kg… Giá bán tại các chợ lẻ cao hơn chợ đầu mối vì đã bao gồm chi phí vận chuyển, nhiên liệu các loại.
Nam Định vừa trở thành địa phương thứ 13 xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi sau gần một tháng kể từ khi lần đầu phát hiện tại Hưng Yên, Thái Bình. Trước đó, 12 tỉnh phát hiện ổ dịch gồm: Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên. Hơn 11.367 con lợn đã buộc phải tiêu hủy.
Video đang HOT
Trước tốc độ lan nhanh của dịch bệnh, giá heo hơi mấy ngày nay cũng đi xuống. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá heo hơi giảm từ 53.000 đồng xuống còn 45.000 – 48.000 đồng một kg so với tuần trước.
Tại miền Bắc, giá heo xuống mức thấp hơn nhiều, đặc biệt, tại các tỉnh có ổ dịch. Mỗi kg heo hơi giảm 12.000 đồng so với tháng trước khi có nơi chỉ 38.000-42.000 đồng một kg, giảm 12.000 đồng/kg so với tháng trước đó.
Dù chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi, song giá heo hơi tại các tỉnh miền Nam hiện cũng đã giảm khá mạnh so với hồi đầu tháng 2/2019. Ảnh minh hoạ: I.T
Các tỉnh thuộc miền Trung hôm nay ít có biến động về giá bán nhất. Tại Thanh Hoá – địa phương đang có dịch, heo đang bán với mức 42.000 đồng một kg, Hà Tĩnh dao động quanh 40.000 đồng. Các tỉnh như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam thì giá khoảng 44.000-48.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết, giá heo miền Nam giảm dù chưa có dịch bệnh là vì tâm lý lo sợ dịch kéo theo sức mua giảm. Ngoài ra, các trại heo có xu hướng bán sớm từ 80-90 kg một con thay vì đợi heo lớn 110-120 kg như bình thường.
Cũng theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, dự báo những ngày tới giá heo hơi có thể còn giảm nữa. Được biết, hiện tổng đàn heo của Đồng Nai vào khoảng 2,6 triệu con, trong đó chiếm 40% là số heo thịt đến chu kỳ xuất chuồng.
Theo Danviet
Dịch tả châu Phi lây lan chóng mặt, đe dọa đàn lợn trong nước
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang hoành hành, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi Trung Quốc. Bệnh vẫn tiếp tục lây lan xuống các tỉnh phía nam và có nguy cơ cao sẽ xâm nhiễm vào Việt Nam.
Trong nước, lúc này người chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với một nỗi lo mới là dịch bệnh sau khi giá lợn mới tạm ổn định. Việc chưa có vaccine đặc hiệu điều trị và tỷ lệ chết đối với lợn mắc bệnh lên đến 100% càng khiến người chăn nuôi lo lắng.
Bệnh lây lan chóng mặt
Bệnh ASF được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên ở Kenya vào năm 1921 và sau đó lây lan ra nhiều nước. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến nay đã có 12 quốc gia ở châu Âu, châu Phi và châu Á xuất hiện ổ dịch. Tại Trung Quốc, bệnh xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hắc Long Giang và đến nay đã có đến 14 ổ dịch được phát hiện.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y, tính đến ngày 10.9 đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo đã lây nhiễm bệnh. Tại Trung Quốc, hiện đã có 14 ổ dịch ở 6 tỉnh: Anh Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang. Bệnh vẫn đang lây lan xuống các tỉnh phía nam nước này.
Dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở Trung Quốc gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. ảnh: Agroday
Theo TS Michael Guillaume - cố vấn kỹ thuật chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Olmix tại Việt Nam, ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh lây lan nhanh trên mọi loại lợn và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Loại virus này lại sống rất dai, tồn tại rất lâu, cộng với cơ chế lây nhiễm cả trực tiếp và gián tiếp nên nguy cơ lây lan rất nhanh.
Virus gây bệnh ASF có thể sống trong các mô thịt, xương của heo từ 6 tháng đến 5 năm và rất khó bị tiêu diệt. Quá trình giết mổ, chế biến thịt hiện nay không diệt được loại virus này, do đó nó tồn tại trong thịt lợn được bày bán.
Ngoài lây nhiễm trực tiếp giữa lợn với lợn, bệnh còn truyền qua ký chủ trung gian khác là con ve mềm. "Bệnh gây thiệt hại rất nghiêm trọng với tỷ lệ chết đối với heo nhiễm bệnh lên đến 100%"- TS Michael cho biết.
Trong khi đó, theo bác sĩ thú y Đinh Xuân Phát, Bộ môn Công nghệ sinh học (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), sự nguy hiểm của dịch bệnh ASF là hiện chưa có vaccine đặc hiệu để điều trị. "Các giải pháp trị bệnh hiện nay là con số không. Virus này có đến 22 biến thể nên việc tìm ra vaccine đặc trị là rất khó"-TS Đinh Xuân Phát cho hay.
Theo ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, tuy chưa ghi nhận dịch bệnh ASF xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh này rất cao, do Trung Quốc và Việt Nam có đường biên giới rất dài. Hầu như ở Trung Quốc có dịch bệnh gì thì ở Việt Nam xuất hiện dịch bệnh đó. Đây là điều rất đáng lo ngại khi ngành chăn nuôi mới chỉ phục hồi sau cơn bão giá.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, Trung Quốc phát hiện ổ dịch đầu tiên từ đầu tháng 8 thì đến nay đã có 6 tỉnh được ghi nhận xuất hiện bệnh. Cự ly xuất hiện từ ổ dịch đầu tiên đến ổ dịch mới được phát hiện lên đến hàng nghìn km. Điều này chứng tỏ tốc độ lây lan rất mạnh.
"Nếu xảy ra dịch bệnh, Đồng Nai sẽ là địa phương chịu thiệt hại rất nặng nề. Bởi với đàn lợn hơn 2,3 triệu con, Đồng Nai hiện được xem là thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước" - ông Quang nhận định.
Siết kiểm soát - ưu tiên số 1
Ông Trần Hữu Trung, người chăn nuôi lợn tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, một số thương lái hiện nay
vẫn nhập lợn sống từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Nhiều người chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không mấy để ý đến việc Trung Quốc đang bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Nếu không sớm có các chương trình hành động cụ thể để ứng phó với dịch bệnh, nhất là tình trạng giết mổ lậu, việc kiểm soát kinh doanh lợn chưa được kiểm soát thì hoàn toàn có thể xảy ra việc lợn bệnh được tự do mua bán khắp nơi, đàn lợn Việt Nam sẽ dễ bị lây nhiễm.
"Nguy hiểm hơn nữa là nếu đã lây nhiễm, chúng ta không có đủ kinh phí để phòng chống như các nước trên thế giới. Việc phòng chống bệnh ASF cần sự vào cuộc của cấp Chính phủ mới xong"- ông Trung lo lắng.
Theo ông Anan Lertwilai, Trung tâm Chẩn đoán và cố vấn thú y Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, do chưa có vaccine đặc trị nên biện pháp duy nhất để đối phó là phát hiện sớm ổ dịch và tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh. Đối với Việt Nam, do chưa xuất hiện ổ dịch nên ưu tiên số một hiện nay là ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch bệnh.
Nghiên cứu về dịch bệnh ASF cho thấy việc lây lan bệnh chủ yếu qua đường hàng không. Bệnh lây nhiễm từ châu Phi qua châu Âu, châu Mỹ được ghi nhận là từ thực phẩm dư thừa của các chuyến bay. Cuối tháng 8, ở Hàn Quốc đã phát hiện thịt heo trong túi 2 du khách mang có chứa ASF ngay tại sân bay.
Do virus này sống rất lâu và dai dẳng nên trong thực phẩm làm từ thịt lợn vẫn có chứa mầm bệnh. Thực phẩm dư thừa trên các chuyến bay được tận dụng cho lợn ăn khiến mầm bệnh lây lan nhanh và rộng. "Phải kiểm soát được việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ lợn mới tránh được mầm bệnh xâm nhập"- ông Anan khuyến cáo.
Trước đó, tại Hội nghị chia sẻ thông tin về bệnh ASF được tổ chức ở Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi cho biết Hội sẽ có công văn gửi Chính phủ kiến nghị các biện pháp ứng phó.
Trong tình huống dịch xảy ra, cơ quan thú y địa phương cần nhanh chóng xác định bệnh, nếu đúng là tả châu Phi sẽ tiến hành khoanh vùng và tổ chức tiêu hủy heo ngay lập tức. "Chúng ta phải chấp nhận hy sinh một nhóm chăn nuôi nhỏ để cứu đàn lợn và có hỗ trợ tài chính cho họ để phòng trường hợp bán chạy khiến dịch bệnh lây lan"- ông Công kiến nghị.
Theo Danviet
Giá heo hơi hôm nay 9/9: Thiết lập kỷ lục mới? Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, sau khi giảm nhẹ, giá heo hơi đã tăng trở lại khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg, cá biệt có một số khu vực tăng đến 3.000 đồng/kg. Ngành chăn nuôi thắng lớn Cụ thể, tại miền Bắc, giá heo tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nếu như tại Phú Thọ, giá heo ổn định ở...