5 thứ Apple đã làm trái ý Steve Jobs
Từ sau khi Steve Jobs mất năm 2011, Apple đã thực hiện một số chiến lược và cho ra những sản phẩm mà khi còn sống, nhà đồng sáng lập Apple cực lực phản đối.
Steve Jobs là người nổi tiếng bướng bỉnh. Ông luôn có những ý kiến mạnh mẽ về việc điều gì giúp các sản phẩm Apple trở nên tuyệt vời, thành công. Và với tính cách cũng như quyền lực của ông tại Apple, hầu như hiếm ai phản đối được Steve Jobs.
Nhưng từ khi Steve Jobs mất vào năm 2011, Apple đã dần thay đổi và đi ngược lại với một số ý kiến mạnh mẽ nhất của nhà sáng lập và làm những thứ mà Jobs nói ông sẽ không bao giờ xem xét đến.
Dưới đây là 5 thứ Apple đã không tuân theo ý chỉ của Steve Jobs khi sinh thời.
Bút cảm ứng
Một nhà phân tích về chiến lược của Apple nói Quả Táo có thể sẽ ra mẫu iPad tiếp theo đi kèm với chiếc bút cảm ứng.
Một trong những lời nói mạnh mẽ, nổi tiếng nhất của Steve Jobs là ông rất ghét bút cảm ứng. Năm 2007, khi giới thiệu mẫu iPhone đầu tiên, Steve Jobs đã chế giễu những mẫu smartphone thời đó vì chúng có bút cảm ứng.
Video đang HOT
“Ai cần đến một chiếc bút cảm ứng cơ chứ?”
“Ai cần đến chiếc bút cảm ứng chứ”, Jobs nói khi đang giới thiệu iPhone. “Bạn sẽ luôn phải giữ nó khư khư bên mình, và nếu nó mất đi, bạn sẽ thế nào? Không làm được gì. Vì thế, không ai cần đến một chiếc bút cảm ứng, đừng dùng bút cảm ứng”.
Một trong những điều đầu tiên Steve Jobs đã làm khi trở lại với Apple vào năm 1997 là khai tử Newton, thiết bị giống như tablet, dùng kèm với bút cảm ứng. “Chúa đã trao cho chúng ta 10 chiếc bút cảm ứng. Vì thế đừng sáng tạo thêm một chiếc bút nữa”, Jobs nói.
Nhà phân tích Ming-Chi Kuo của công ty KGI Securities dự đoán mẫu “iPad Pro” 12,9 inch mà Apple công bố vào mùa xuân này sẽ đi kèm bút cảm ứng.
Tablet cỡ nhỏ
Một câu chuyện nổi tiếng khác về Steve Jobs nữa là vào tháng 10/2010, khi ông thảo luận về những dòng tablet cỡ nhỏ mới đang xuất hiện trên thị trường. Jobs nói iPad màn hình 10 inch là “cỡ tablet nhỏ nhất để tạo ra các ứng dụng đẹp cho iPad”.
Một năm sau khi Jobs mất, Apple ra iPad mini. Cho đến nay, đó là mẫu iPad bán chạy nhất trong các dòng iPad của Apple.
iPhone cỡ lớn
Trong đợt iPhone 4 của Apple gây xôn xao cộng đồng vì lỗi anten năm 2010, Steve Jobs đã cười nhạo những mẫu điện thoại màn hình lớn. Khi một phóng viên hỏi ông liệu Apple có xem xét làm iPhone lớn hơn để cải thiện chất lượng anten, Jobs đã cười giễu cợt, chế nhạo dòng Galaxy S của Samsung. “Bạn không thể cầm vừa tay những mẫu điện thoại lớn này”, ông nói. “Sẽ không ai mua nó cả”.
Cuối cùng, một năm sau khi Jobs mất, Apple đã ra mẫu iPhone 5 dài hơn và năm ngoái là iPhone 6 và iPhone 6 Plus có kích cỡ vừa to vừa dài hơn thời Steve Jobs.
Thiết kế phần mềm giống như thật
Steve Jobs muốn phần mềm của iPhone bắt chước đời sống thật. Ứng dụng Mail của Apple có nền tảng như một ngăn tủ, ứng dụng đọc sách iBookstore giống như những chiếc giá sách bằng gỗ, và ứng dụng ghi chú Notes được thiết kế trông như một tờ giấy ghi nhớ.
Một năm sau khi Jobs mất, Apple sa thải Scott Forstall, nhà thiết kế phần mềm, người từng thực hiện rất tốt những ý tưởng thiết kế của Jobs. Một năm sau nữa, Apple ra iOS 7, gần như xóa bỏ mọi dấu vết thiết kế mà Jobs từng yêu cầu.
Từ thiện
Trong số những điều đầu tiên mà Jobs làm khi trở về Apple năm 1997, chính là chấm dứt các chương trình từ thiện của Apple. Ông nói ông muốn Apple phải có lãi đã, nhưng ông chưa bao giờ khôi phục lại các chương trình này ngay cả khi Apple đạt những khoản lợi nhuận lớn kỷ lục.
Apple có liên quan chặt chẽ đến quỹ từ thiện (RED) của Bono, quỹ hỗ trợ các nghiên cứu về bệnh AIDS, nhưng bản thân Jobs không phải là một nhà hảo tâm lớn của quỹ này.
Khi Tim Cook làm CEO Apple năm 2011, một trong những hoạt động đầu tiên của Cook là phục hồi chương trình làm từ thiện của Apple.
Có thể nói, Apple thời hậu Steve Jobs đang thay đổi nhưng vẫn phát triển mạnh bởi họ không cưỡng lại xu hướng chung.
Theo Hoàng Lan/VnReview