5 thách thức chờ đón iPhone 6S, 6S Plus
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, thị trường smartphone bão hòa, iPhone cũ tốt đủ dùng… là một số thách thức cản bước bộ đôi iPhone sắp ra mắt.
Ngày 9/9 tới đây, Apple sẽ tổ chức sự kiện lớn nhằm giới thiệu iPhone thế hệ mới. Được đồn có tên iPhone 6S/6S Plus, bộ đôi iPhone sắp ra mắt phải đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, thị trường smartphone bão hòa, chấm dứt trợ giá nhà mạng tại Mỹ…
iPhone là ví dụ hoàn hảo của một dòng sản phẩm thành công khi đã giúp Apple “triệt hạ” mọi đối thủ trên đường đua. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm iPhone đủ sức giữ “táo khuyết” ở vị trí đáng ngưỡng mộ như hiện nay, nhất là trong bối cảnh Android đang phát triển vũ bão.
Vận may của Apple bắt đầu từ quý đầu tiên của năm tài khóa 2010 với doanh thu 15,68 tỷ USD và lợi nhuận ròng 3,38 tỷ USD. Trong đó, iPhone chiếm khoảng 35,6% doanh thu. Giá cổ phiếu, thương hiệu và doanh số iPhone đều tăng nhanh. Sang đến quý I năm tài khóa 2015, Apple đã chạm mốc “không thể tin nổi”: 74,6 tỷ USD doanh thu, 18 tỷ USD lợi nhuận ròng, iPhone chiếm 68,6% doanh thu.
Không hề quá lời khi nói Apple đang phụ thuộc lớn vào iPhone: thiết bị không chỉ là nguồn thu chính mà còn kéo theo doanh số của hãng loạt sản phẩm khác như App Store, iTunes, Mac. Trong quý gần nhất, iPhone đóng góp 63,2% doanh thu cho công ty.
Do vậy, bất kỳ nguy cơ nào đang đe dọa iPhone cũng đồng nghĩa với bất trắc cho Apple. Cùng tìm hiểu một số thách thức đang chờ đợi iPhone 6S/6S Plus phía trước.
Video đang HOT
Nhân dân tệ giảm giá đồng nghĩa với người Trung Quốc phải chi số tiền cao hơn để mua iPhone. Ảnh minh họa
1. Trung Quốc
Thị trường toàn cầu được phen náo loạn khi Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn mong đợi của các nhà quan sát tài chính. Khi đồng nhân dân tệ yếu đi so với đồng đô-la, giới trung lưu nước này phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng xa xỉ như iPhone. Tỉ giá hiện tại cùng tốc độ tăng chậm có thể khiến doanh số của Apple tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm sút. Cùng lúc này, doanh số smartphone tại Mỹ cũng diễn tiến chậm chạp vì đã bão hòa.
Trung Quốc đóng góp 26,7% doanh thu Apple trong quý III/2015, vượt qua châu Âu (20,8%) và chỉ đứng sau Mỹ (40,7%). Một năm trước, quốc gia này chỉ chiếm 15,86% doanh thu. Trong năm tài khóa 2012, doanh thu từ Trung Quốc thấp tới mức bị xếp vào cùng nhóm châu Á – Thái Bình Dương thay vì đứng độc lập trong báo cáo tài chính công khai của Apple. Tuy nhiên, quý II/2015, doanh thu từ Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao hơn (29%). Mức giảm 2,3% tại đây cao hơn bất kỳ khu vực nào khác.
2. Thị trường smartphone bão hòa
Trung Quốc là thị trường smartphone lớn nhất thế giới, tiếp đến là Mỹ song tăng trưởng chậm đi nhanh chóng. Tuần trước, hãng nghiên cứu IDC phát hành báo cáo mới nhất dự báo sản lượng smartphone xuất xưởng toàn cầu sẽ giảm, một phần vì Trung Quốc đang dần bão hòa cùng với châu Âu và Mỹ. Trong quý II/2015, doanh số smartphone nước này giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014.
“Trung Quốc đã chạm điểm bão hòa, thị trường về cơ bản được dẫn dắt bởi sự thay mới với ít người mua lần đầu hơn”, Anshul Gupta, Giám đốc nghiên cứu Gartner, nhận xét. “Ngoài phân khúc giá rẻ, sức hấp dẫn của smartphone cao cấp là yếu tố then chốt cho các nhà sản xuất để thu hút khách hàng nâng cấp và duy trì hoặc tăng thị phần tại Trung Quốc”.
Thị trường phát triển bão hòa và cơn sốt điện thoại cấp thấp tại các khu vực mới nổi khiến tỉ lệ tăng trưởng của doanh số smartphone toàn cầu quý II/2015 chậm hơn bất kỳ quý nào trong 2 năm trước đó. Apple không nằm ngoài xu hướng chung khi doanh số hai quý gần đây giảm 5% tại Mỹ, 17% tại châu Âu và 21% tại Trung Quốc.
3. Thị trường mới nổi
Tại các thị trường mới nổi, điện thoại giá rẻ chiếm ưu thế trong khi iPhone không đủ hấp dẫn về giá để cạnh tranh. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, iPhone 16GB có giá thấp nhất 750 USD tùy theo người bán. Tại Brazil, mua trực tiếp từ Apple cũng có giá lên tới 976 USD. Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Ấn Độ là 1.610 USD, còn Brazil là 11.700 USD. Nếu xét tỉ lệ giữa giá iPhone và mức thu nhập như vậy, có mấy người đủ khả năng để mua smartphone của Apple?
Trong khi đó, Huawei, Xiaomi, ZTE, Lenovo đều cung cấp smartphone và điện thoại phổ thông giá hợp lý và bán rất chạy. Chẳng hạn, Motorola bán Moto G với giá 181 USD, Moto E giá 91 USD. Cả hai đều là các mẫu “dế” Android được đánh giá tốt.
Do phần lớn điện thoại không phải iPhone được tiêu thụ đều chạy Google Android, Apple có nguy cơ đánh mất lập trình viên và thị phần khi doanh số của đối thủ tăng trên toàn cầu. Trong quý II năm nay, thị phần Android chiếm 82,2%, theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner.
4. Nhà mạng Mỹ chấm dứt trợ giá
Giữa tháng 8, Verizon nối gót T-Mobile chấm dứt các hợp đồng trợ giá. Thuê bao phải trả tiền đầy đủ khi mua điện thoại mới, thay đổi cách tiếp nhận về giá thiết bị cũng như nhu cầu của người dùng. Khách hàng quen trả 199 USD cho iPhone 16GB theo hợp đồng 2 năm giờ đây phải trả 649 USD. Họ sẽ thực sự cảm thấy áp lực từ số đô-la phải bỏ thêm so với trước kia.
5. Sản phẩm cũ đủ tốt
Quý II/2015 tiếp nối xu hướng khởi đầu từ iPhone 6 và 6 Plus: theo Gartner, số người thay máy mới cao trên mọi khu vực, dù đó là mới nổi hay phát triển. Lý do là iPhone từ màn hình 4 inch đã được nâng cấp lên 4,7 inch và 5,5 inch, đáp ứng nhu cầu của người dùng về màn hình cỡ lớn. Những người đang chờ để mua iPhone to hơn và cả người trước đây mua Android vì kích cỡ cũng quay lại với iPhone.
Tuy nhiên, khi thị trường bão hòa, các nâng cấp ngày càng khó phân biệt giữa model cũ và mới, người mua ít có động lực phải sắm sản phẩm mới nhất. Hiện tượng này phổ biến trong các danh mục sản phẩm khác, không chỉ là di động, và được gọi với cái tên “vấn đề đủ tốt”, tức là sản phẩm đang sử dụng đã thỏa mãn phần lớn khách hàng tiềm năng nên họ tiếp tục gắn bó với chúng thay vì lựa chọn thứ mới hơn.
Tất cả các yếu tố trên gộp lại chắc chắn sẽ gây sóng gió không ít cho bộ đôi iPhone sắp ra mắt của Apple.
Theo Du Lam/ICT News