5 lí do khiến CS:GO chưa đạt được thành công tại thị trường Việt
Tính cho đến nay, CS:GO du nhập vào mảnh đất hình chữ S cũng được gần 2 năm nhưng tiếc thay, tựa game FPS danh tiếng này lại không đạt được sự thành công giống như sự mong đợi từ cộng đồng. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến sự đi xuống như thế này, chúng ta sẽ cùng Game4V đến với bài phân tích dưới đây.
1. Về nhà phát hành
Tiếp nối và phát huy được những thế mạnh và truyền thống của tượng đài Counter-Strike được Minh “Goose” Le cùng Jess Cliffe tạo ra vào năm 2002. CS:GO tựa game nổi tiếng được Valve phát triển và cho ra đời vào ngày 21 tháng 8 năm 2012.
Không chỉ riêng các sản phẩm của mình, Valve còn được cộng đồng biết đến là nhà phát hành uy tín và rất biết cách chiều chuộng khách hàng (game thủ) của mình. Điều này được minh chứng qua sự kiện thể thao điện tử lớn nhất hành tinh – The International và đặc biệt là siêu phẩm phim tài liệu Free to Play.
Với bộ môn CS:GO, Valve cũng có những đóng góp không nhỏ vào các sự kiện lớn như EMS One, ESL và Dreamhack. Song nói đến nay, cộng đồng CS:GO Việt lại càng xót lòng hơn, bởi có lẽ phải còn rất rất lâu nữa chúng ta mới có thể “chạm tay” được vào những ưu đãi mà Valve đem đến cho cộng đồng CS:GO thế giới.
Valve – luôn được biết đến là 1 trong những công ty game rất biết cách chiều lòng khách hàng
Nói đến đây chúng ta có thể thấy, game thủ CS:GO Việt đang phải chịu thiệt thòi hơn rất nhiều so với các tựa game bắn súng Online có NPH nội địa như Đột Kích hay Warface. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến sự tụt lùi của CS:GO hiện nay.
2. Về Game
CS:GO là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất điển hình, đặc biệt game còn sở hữu 1 cửa hàng item đồ sộ với những món đồ vô cùng hữu ích trong game. Kế thừa những tinh hoa của “đàn anh” Counter-Strike, CS:GO vẫn giữ được tính cân bằng về chiến thuật – kĩ năng – phối hợp đồng đội – kinh nghiệm.
Không chỉ có vậy, CS:GO còn có đôi chút sự thay đổi về chế độ chơi bằng việc bổ sung các thêm 2 chế độ Arms Race và Demolition cùng với việc thêm vào những vũ khí mới làm thay đổi cán cân về hỏa lực.
Về cấu hình game, CS:GO là một tựa game có đồ họa không thua kém gì so với CoD hay Battle Fields khi để max settings, các hiệu ứng trong game như smoke, nổ và hình khối đều được làm rất chi tiết. Chính vì nguyên nhân này, CS:GO là một tựa game “sát phần cứng”.
Đây là điểm chết người của CS:GO, bởi thị trường Việt Nam hiện nay chỉ có một vài địa điểm Internet là có thể đáp ứng được nhu cầu của tựa game này. Ví dụ Cyzone Chùa Bộc ở Hà Nội, Gosu Gameland ở Hà Nội hay Titan, Aces Gaming ở HCM. Đặc biệt việc đòi hỏi phần cứng cao như vậy cũng làm giảm số lượng game thủ đam mê tiếp cận được với tựa game này.
Video đang HOT
100 fps và 300 fps ? Những game thủ “nghèo” rõ ràng là người thiệt thòi
Không giống Dota 2, CS:GO là một tựa game Pay to Play. Điều này này đi ngược với tâm lí game thủ Việt là luôn thích những sản phẩm Free thay vì bỏ 150 nghìn VNĐ (mua bằng Gift được các Trader bán) mua một tựa game bản quyền. Điều này cũng cho thấy CS:GO hoàn toàn không phù hợp với tâm lí của đại đa số game thủ Việt hiện nay.
Với sự ra đời của hệ thống Matchmaking và Ranking, CS:GO đã mang lại cho người dùng nhiều trải nghiệm tốt hơn trước rất nhiều. Song cũng giống như Dota 2, game thủ chơi CS:GO đều phải sử dụng server quốc tế, một khó khăn không nhỏ dành cho dân FPS.
Đôi khi đường dây cáp quang biển AAG “lên cơn” lại càng làm cho game thủ Việt càng nhanh nản, thậm chí bỏ game. Mặc dù hiện tại ở Việt Nam cũng có 1 số các server CS:GO riêng với chất lượng đường truyền rất tốt, nhưng các server này luôn trong tình trạng full.
Hệ thống ranking và match making tuyệt vời
3.Về cộng đồng
CS:GO tuy đã du nhập vào Việt nam cũng đã được gần 2 năm nhưng số lượng người chơi, số lượng các Team Competive và số lượng các giải đấu (cả chuyên nghiệp lẫn phong trào) vẫn còn thua xa các tựa game MMOFPS có NPH “đỡ đầu” như Đột Kích, Warface, hay thậm chí còn thua cả đàn anh Counter-Strike 1.6.
Dù đã thống nhất được cộng đồng, cả pro lẫn newbie, nhưng có vẻ như các game thủ CS:GO vẫn chủ yếu mang tính chất “for fun” tập trung chủ yếu ở phân lớp những người chơi có kĩ năng vừa và không hề có ý định trở thành Pro Gamer.
Cách đây không lâu, cộng đồng CS:GO Việt bất ngờ được đón nhận các giải đấu ONLAN, ONLINE lớn như Tt- eSport CS:GO Championship và MY Gaming Tour và thu hút được 1 lượng lớn sự quan tâm của cộng đồng game thủ.
Không những thế, nhờ vào những động thái này mà cộng đồng CS:GO đang dần thay đổi và gắn kết với nhau nhiều hơn, thậm chí các team CS:GO cũng đang dần xuất hiện nhiều hơn trước cùng với sự chênh lệch về trình độ giữa các top team ngày càng được rút ngắn.
Những giải đấu chuyên nghiệp như Tt-eSports CS:GO Championship là điều rất cần thiết
4.Về thành tích
Nói về sự thành công của tựa game CS:GO Việt trên đấu trường Quốc Tế, chúng ta không thể không kể đến cái tên Legends với chức vô địch NUS Gaming Festival 2013, Á Quân Asian Cyber Games 2013 và hạng 6 MSI Beat It 2013.
Nhưng sau những thành tích kể trên lại là một scandal bán độ tai tiếng đối với toàn bộ cộng đồng eSports Việt nói chung và CS:GO Việt nói riêng. Kết quả là 4 thành viên team tham gia vụ bán độ đều bị eClub cấm thi đấu 2 năm và chấm dứt sự hi vọng và tự hào của làng eSport Việt. Nếu đem tất cả ra bàn cân, thì liệu nếu như Legends nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng và các nhà tài trợ, không còn phải tự bỏ tiền túi sang Singapore thi đấu, thì liệu Scandal này có xảy ra ? Hay Legends vẫn còn đang tiếp tục cống hiến cho eSports nước nhà ?
Legends – Á quân ACG, niềm tự hào của FPS Việt
Sau Legends, các cái tên khác như Aces Gaming, b2W hay Clock liệu có thế chỗ được người đàn anh để làm rạng danh làng FPS Việt trên thế giới 1 lần nữa? Hay vẫn sẽ dậm chân tại chỗ do không thể vượt qua được cái bóng qua lớn của một tên tuổi từng-là-tượng-đài như Legends?
5.Về tiềm năng
Với lượng người chơi trên thế giới khá đông đảo (đứng thứ 2 trên hệ thống Steam của Valve và đứng sau Dota2) nhưng ở Việt Nam, số lượng người chơi CS:GO lại chỉ dừng chân tại con số 8 nghìn. Song nhìn vào những thành tích kể trên chúng ta có thể thấy CS:GO vẫn là 1 tiềm năng tương đối lớn.
Đầu tiên là nhà đầu tư. Tại điểm này, CS:GO có một thế mạnh chính là yêu cầu phần cứng “khủng”, cho nên các nhà kinh doanh thiết bị phần cứng hay các hãng phần cứng lớn có thể dùng CS:GO để quảng bá cho sản phẩm mới của mình.
Bên cạnh đó, với xu hướng eSports như hiện nay, các quán net thông thường dần được thay thế bởi các Cyber net được đầu tư bài bản, với CS:GO mà nói, đây chính là con át chủ bài để có thể đưa CS:GO phát triển tại Việt Nam khi game thủ ngày càng có thể có nhiều địa điểm để trải nghiệm tựa game này một cách chất lượng.
Nhưng hiện tại, cộng đồng CS:GO còn nhỏ, số lượng người quan tâm đến tựa game này còn ít, lượng người xem stream còn chưa đông nên các nhà tài trợ và chủ quán Cyber Net vẫn còn dè chừng khi đầu tư vào CS:GO.
Aces Gaming – địa điểm thi đấu lí tưởng cho CS:GO
Tiếp theo là về nguồn lực. Tương tự như Dota2, CS:GO có một hệ thống vật phẩm in-game vô cùng đa dạng và “đáng giá”. Các Trader ở Việt Nam hoàn toàn có thể sống bằng nghề đi Trade hoặc Bet.
Bet là một hình thức cá cược trong game, chủ yếu là ở trang web csgolounge, các game thủ đặt các vật phẩm của mình theo tỉ lệ cược ở các trận đấu quốc tế và cũng từ đó, những kèo “ra đê” , “về nhà” là không thể tránh khỏi.
Đêm nay bé sẽ YOLO kèo nào ?
Nhưng cũng bằng cách này, NPH Valve hoàn toàn có thể dùng số tiền quyên góp của cộng đồng theo cách tương tự như với các quyển Compedium của Dota2 để tổ chức các sự kiện CS:GO. Việc này liên tục được cộng đồng nhắc đến trên reddit, các forum như hltv.org hay Steam.
Chú dao bé nhỏ đáng giá 300$
Tạm kết :
Vẫn còn rất nhiều điều mà những người lãnh đạo cộng đồng eSports Việt non trẻ cần phải làm để đưa CS:GO đi lên. Đặc biệt là cần nhiều hơn nữa những giải đấu để thúc đẩy cộng đồng, có các server Việt Nam để đảm bảo chất lượng trải nghiệm game và cuối cùng là việc trang bị trang bị máy móc xịn cho game thủ CS:GO. Không chỉ có vậy, cộng đồng CS:GO cũng đang rất cần những Caster chuyên nghiệp, những giải đấu lớn để có thể quảng bá hình ảnh của CS:GO.
Đặc biệt là cần chú trọng hơn về khoản đầu tư các đội game để tránh các trường hợp scandal bán độ của Team Legends. Điều này cũng phần nào giúp họ ổn định hơn trong việc tiếp tục cống hiến cho nền eSports nước nhà.
Theo VNE