5 điều ‘cục gạch’ Nokia có trước iPhone 7
iPhone 7 và Galaxy Note 7 được tung hô như siêu phẩm mang đến những trải nghiệm mới, nhưng các cải tiến này cũng đã có mặt trên di động “cục gạch” của Nokia từ lâu.
Mỗi khi iPhone mới ra mắt, thiết bị này luôn bị so sánh với đối thủ, thậm chí cả điện thoại cơ bản của Nokia. Trong những năm trước đó, iPhone xa xỉ luôn bị chế diễu khi so sánh độ bền với những chiếc điện thoại “đập đá” giá rẻ của hãng công nghệ Phần Lan khi có bộ khung quá mềm, dễ móp.
Trong năm nay, dân mạng trên thế giới hài hước cho rằng những cải tiến trên iPhone 7 như không có nút home, không có giắc cắm tai nghe… đều là những thứ Apple đi sau Nokia cả thập kỷ. Ngoài iPhone, ngay cả màn hình Always On trên các flagship của Samsung hay cổng USB-C cũng… lạc hậu so với tên tuổi Phần Lan.
Khả năng chống nước, chống bụi
iPhone 7 hay các model cao cấp của Samsung, Sony đã có chống bụi và nước. Nhưng hơn một thập kỷ trước đây, những chiếc di động của Nokia vẫn sống sót khi bị rơi xuống nước và miễn nhiễm với các loại bụi bẩn thông thường.
Di động cơ bản của Nokia vẫn có thể hoạt động dưới nước. Ảnh: GKG Youtube.
Có rất nhiều câu chuyện hài hước xung quanh độ bền của chiếc điện thoại huyền thoại này, kể cả những lần bỏ quên trong máy giặt, bị đập khi chủ nhân tức giận,… Nhưng sau tất cả, anh chàng này vẫn sống sót và hoạt động như chưa có gì xảy ra.
Không có giắc tai nghe
Nếu năm 2016 Apple bỏ giắc 3,5 mm trên iPhone 7 thì từ thập niên trước các sản phẩm màn hình trắng đen của Nokia đã không được trang bị cổng tai nghe. Tuy nhiên người dùng vẫn có thể thưởng thức các bài nhạc hot thông qua loa ngoài và tải các bài hát MIDI thông qua các tổng đài tin nhắn.
Thời lượng pin siêu dài
Thời lượng pin của iPhone hay các siêu phẩm ngày nay không thể sánh với các điện thoại cơ bản của Nokia. Các mẫu điện thoại “cục gạch” thường hoạt động được từ 3-5 ngày cho mỗi lần sạc, dù viên pin chỉ có dung lượng 800 mAh. Người dùng có thể giải trí cả ngày với những tựa game như Snake, Sudoku, Rapid Roll… mà không cần sạc vào buổi tối.
Màn hình Always On
Video đang HOT
Always on là tính năng được các hãng điện thoại lớn như LG, Samsung áp dụng trên sản phẩm của mình nhằm tiết kiệm năng lượng, bởi họ cho rằng việc tắt mở điện thoại chỉ để xem giờ cũng ngốn khá nhiều thời lượng pin.
Màn hình luôn bật đã có trên những máy đồ cổ của Nokia. Ảnh: Imgur.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tính năng vay mượn từ Nokia. Với các mẫu điện thoại kiểu cũ như 1202, 1208, 1280,.. Màn hình vẫn hiển thị giờ và các thông tin khác như ngày tháng, tên người sử dụng.
Khác với cổng MicroUSB hay USB thông thường, cổng USB-C hay Lightning đều là những cổng sạc hai mặt giúp người dùng không cần bận tâm việc cắm đúng chiều sạc hay không. Đặc điểm này có lợi khi dùng máy trong bóng tối.
Tuy nhiên hai chuẩn giắc cắm trên chỉ có thể xoay hai chiều. Trong khi cổng sạc tròn (chân kim) trên Nokia có thể xoay 360 độ, bất cứ chiều nào cũng có thể đút vô sạc pin được. Tuy nhiên lỗ sạc khá nhỏ nên hơi khó khăn để cắm sạc vào ban đêm. Cổng sạc chân kim hiện đã bị loại bỏ vì chỉ có tác dụng sạc pin, không có tác dụng kết nối hay truyền dữ liệu.
Đăng Khoa
Theo Zing
Apple, Samsung và Sony đã làm thế nào để giúp smartphone không bị hư khi ngâm nước?
Nhiều smartphone cao cấp hiện nay có thể sống sót khi ngâm mình trong hồ bơi một khoảng thời gian. Nhưng làm thế nào để các nhà sản xuất làm điều này?
Ngày càng nhiều smartphone kháng nước xuất hiện với cách thức khác nhau
Với khả năng kháng nước, bạn có thể nhanh chóng rửa sạch điện thoại khi bị vết bẩn bám vào, kiểm tra email ngay dưới trời mưa, nghe nhạc khi đang tắm...
Đó là tính năng tuyệt vời, nhưng điều gì đã giúp cho điện thoại kháng nước? Hiệu quả kháng nước ra sao? Ưu và nhược điểm của tính năng kháng nước để đảm bảo thiết bị luôn an toàn? Dưới đây là những giải thích rõ hơn từ CNET.
Cách kháng nước của điện thoại
Điện thoại có rất nhiều khe rãnh để nước chui vào bên trong, như các cổng, nút vật lý, lưới tản nhiệt loa hay lỗ micro. Đó là chưa kể đến khoảng cách khổng lồ giữa khung với màn hình. Đây là những yếu tố đặc biệt khó khăn cho khả năng kháng nước của điện thoại.
Vì vậy các nhà sản xuất đã sử dụng một kỹ thuật đáng ngạc nhiên, đó là keo dính, miếng đệm hoặc chất kết dính nhằm mục đích che kín các khe hở. Điều này có thể được phát hiện thông qua các màn tháo dỡ những chiếc điện thoại chịu nước, nơi bạn sẽ thấy một chất dính dày xung quanh màn hình với khung máy.
Keo dính, đệm hoặc chất kết dính được sử dụng để ngăn nước tràn sâu vào bên trong
Các nhà sản xuất cũng sử dụng keo dính ở mặt sau các cổng, và đôi khi ngay trên các mạch tiếp xúc. Nhưng keo không phải là tất cả khi các nhà sản xuất sử dụng thêm những miếng đệm cao su nhằm giúp các thành phần gắn chặt với bề mặt bên trong để không tạo ra khe hở cho nước thấm vào.
Bạn sẽ tìm thấy các vòng cao su xung quanh jack cắm tai nghe điện thoại và cổng sạc, cùng với miếng đệm cao su nhỏ xung quanh khay thẻ SIM. Thậm chí, Apple còn sử dụng những vòng cao su bao quanh một số cáp kết nối như là cách nâng cao khả năng kháng nước.
Với các nút vật lý, các nhà sản xuất có thể sử dụng nhựa silicone, hoàn toàn tách phần vật lý với các mạch điện bên trong. Nó giống như việc bạn bọc đôi giày với một túi nhựa trước khi đặt chân vào khu vực ẩm ướt.
Vẫn có khoảng không
Điều quan trọng là một vài bộ phận điện thoại không hoàn toàn kín. Loa và micro cần khoảng không để truyền âm thanh ra ngoài. Thêm vào đó, nếu một điện thoại hoàn toàn kín, áp lực bên trong nó có thể không bằng với bên ngoài, gây áp lực vào keo dính khiến nước thấm vào bên trong.
Những thành phần như loa hay micro đều cần đảm bảo không khí truyền qua
Vậy làm thế nào để đẩy được nước ra ngoài khi bị thấm nước? Nhiều nhà sản xuất đặt một màng lưới ở phía trước loa và micro như là cách để không cho nước tràn vào. Trong một số trường hợp, họ sử dụng phương pháp tạo áp lực để thông khí. Thay vì màng lưới, họ đặt màng chống thấm (ePTFE) để không khí đi qua và tạo cân bằng áp suất.
Một số nhà sản xuất như Samsung thậm chí còn bảo vệ cổng sạc bằng cách tự động đẩy nước ra và sử dụng kim loại chống ăn mòn (như niken) để tránh bị rỉ khi tiếp xúc với nước.
Chưa thực sự hoàn hảo
Vấn đề là không giải pháp nào được liệt kê phía trên đủ để giữ nước không bao giờ xâm nhập điện thoại, bởi chỉ cần đủ áp lực, nước sẽ tràn vào. Đó là lý do tại sao Apple, Samsung và Sony chỉ dừng lại ở cụm từ "kháng nước" thay vì "chống thấm nước".
Một vấn đề khác đó là khi điện thoại tiếp xúc với nước chứa hóa chất - như muối sẽ làm hỏng điện thoại. Đó là lý do vì sao một điện thoại Xperia Z của Sony từng bị hỏng và thậm chí rỉ sét sau khi ngâm trong hồ bơi có chứa muối - có thể ăn mòn và làm hỏng phần keo dính của điện thoại.
Những smartphone kháng nước rất dị ứng với nước có chứa hóa chất
Ngay sau đó Sony đã khuyến cáo mọi người tránh để điện thoại tiếp xúc với muối. Theo công ty, khả năng kháng nước của điện thoại chỉ được áp dụng đối với hồ bơi nước ngọt clo (không muối), với đánh giá IPX8. Sau khi để ngâm nước, bạn cần phải rửa sạch clo bằng nước sạch.
Nhìn chung, khi một điện thoại có khả năng kháng nước có nghĩa là nó có thể chịu được một lượng nước nhất định trong một khoảng thời gian nhất định, phụ thuộc vào bảng xếp hạng IP về tiêu chuẩn chống nước.
Không có trong chính sách bảo hành
Cuối cùng, mặc dù các công ty cho biết điện thoại của họ có khả năng kháng nước, nhưng không công ty nào áp dụng chính sách bảo hành chống lại các thiệt hại về nước đối với điện thoại.
Thực tế là Apple, Sony và Samsung đều nói rõ rằng thiệt hại vì nước không được bảo hành. Thêm vào đó, các công ty này đặt miếng dán nhỏ bên trong điện thoại có khả năng đổi màu khi tiếp xúc với nước, do đó họ có thể nhận biết được sự cố điện thoại có bị gây ra bởi nước thấm vào máy hay không.
Kiến Văn
Ảnh: CNET
Theo Thanhnien
Đâu là khác biệt về khả năng chống nước của smartphone cao cấp Sau khi ra mắt, bộ đội iPhone 7 đã chính thức gia nhập 'hội smartphone chống nước' cùng với một số mẫu smartphone như Galaxy S7/S7 edge của Samsung hoặc dòng Xperia của Sony. Nhưng khả năng chống nước giữa chúng khác biệt ra sao? Người dùng iPhone giờ có thể tự hào với khả năng chống nước của bộ đôi iPhone 7....