5 điểm nhấn công nghệ thế giới năm 2015
Chiến tranh mạng, Internet vạn vật, mạng xã hội phát huy ảnh hưởng trong thiên tai… là những điểm nhấn công nghệ trong năm 2015.
2015 là một năm đầy biến động của ngành công nghệ thông tin. Mảng kinh doanh di động vẫn là cuộc chiến khốc liệt nhất khi có nhiều thương hiệu đứng trước nguy cơ rời bỏ thị trường. Mạng xã hội phát huy những lợi thế to lớn của mình như một “quyền lực thứ năm”, sau báo chí và truyền thông, nhưng cũng bộc lộ mặt trái đáng sợ. Dưới đây là những vấn đề, câu chuyện được chú ý trong năm qua trong lĩnh vực công nghệ.
1. Thế giới smartphone: lộn xộn và có dấu hiệu khủng hoảng sáng tạo
Năm 2015, người ta chứng kiến một BlackBerry sản xuất điện thoại Android, Samsung ra mắt bàn phím QWERTY cho smartphone cảm ứng, Apple bán nắp lưng gù cho iPhone, Microsoft tung bộ đôi siêu phẩm vỏ nhựa, HTC ra mắt mẫu One M9 không khác gì nhiều so với One M8 và Sony điên cuồng tung hàng loạt bom tấn, rút ngắn vòng đời các model của chính mình. Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ mới đến từ Trung Quốc và sức ép đến từ Apple khiến những thương hiệu ở tầm giữa phải liên tục vận động hoặc… chết.
BlackBerry không thể sản xuất tiếp một chiếc điện thoại chạy BlackBerry, mà đành tìm đến Android của Google. Ảnh: Engadget.
Nhìn một cách tích cực, người tiêu dùng vẫn thấy những model có ít nhiều sự sáng tạo từ Samsung, LG và tất cả các hãng đều có những sản phẩm tốt, nhưng điều dễ nhận thấy là các hãng smartphone dường như đã bắt đầu đuối sức và có dấu hiệu khủng hoảng. BlackBerry, HTC, LG và Sony là bốn thương hiệu có nguy cơ rời bỏ thị trường smartphone trong năm 2016, trong khi Microsoft có thể sẽ phải tốn một thời gian dài để thoát khỏi hình bóng cũ của Nokia.
Về cuộc chiến giữa Samsung và Apple, hai gã khổng lồ đang dẫn đầu thị trường, 2015 là một năm áp đảo về số lượng sản phẩm và sức sáng tạo của hãng điện thoại Hàn Quốc khi có những model ấn tượng như Galaxy S6 Edge Plus, Galaxy Note 5. Với việc ra mắt iPhone 6S/6S Plus không nhiều cải tiến so với model tiền nhiệm, Apple cho thấy hãng đã bắt đầu chững lại, hoặc đang dành sức cho cuộc đua năm sau.
2. Chiến tranh mạng và những bê bối về bảo mật
Những bất ổn trên không gian mạng là một nét mực đậm màu trong bức tranh công nghệ 2015. Ồn ào nhất là Anonymous khi nhóm này tấn công các tài khoản thành viên IS và hàng loạt tổ chức để trả đũa cho những vụ tấn công, hoặc thoả mãn ý đồ chính trị. Trong một góc tối khác, hacker giữa các cường quốc công nghệ như Mỹ, Nga, Trung Quốc không ngừng đáp trả lẫn nhau. Tội phạm mạng nhắm đến các công ty yếu về bảo mật để bắt cóc dữ liệu, đòi tiền chuộc và người dùng luôn nằm trong nguy cơ bị các phần mềm độc hại đánh cắp tài khoản cá nhân. Đây đều là những vấn đề không mới, nhưng chưa bao giờ cũ và liên tục lặp lại trong năm 2015.
Năm qua, bê bối lớn nhất thuộc về Lenovo khi hãng máy tính lớn nhất thế giới bị cáo buộc cài sẵn phần mềm độc hại trên nhiều dòng laptop trước khi bán ra thị trường. Phần mềm này được giới thiệu như một công cụ giúp người dùng laptop Lenovo có thêm những kết quả gợi ý khi tìm kiếm thông tin mua sắm trên trình duyệt cũng như có khả năng nhận diện hình ảnh để “đưa ra những món hàng tương tự nhưng có mức giá tốt hơn”.
Tuy nhiên, giới bảo mật đã chỉ ra rằng Superfish được “cấy” vào hai trình duyệt Chrome và Internet Explorer, có nhiều biểu hiện đáng ngờ như theo dõi thông tin cá nhân của người dùng, tài khoản ngân hàng. Trước những cáo buộc này, Lenovo đã vô hiệu hóa máy chủ của Superfish, khiến phần mềm này không thể hoạt động ngay cả trên những máy đã được bán ra trên thị trường. Đồng thời, Lenovo cũng khẳng định không tiếp tục cài đặt phần mềm này lên các sản phẩm của mình trong tương lai.
3. Khái niệm Internet vạn vật trở nên rõ ràng hơn
Video đang HOT
Internet Of Things (IoT – hay Internet vạn vật, kết nối vạn vật) là khái niệm đang dần được các hãng công nghệ làm rõ hơn trong năm 2015. Apple, Google, Nest đưa ra hàng loạt các thiết bị, công nghệ để những đồ vật trong căn hộ có thể kết nối Internet và hoạt động một cách thông minh. Dự án AllJoyn của Qualcomm được khởi xướng từ năm 2011 và IoTivity của Intel cũng có hướng đi tương tự.
Ở vị trí của người tiêu dùng, Internet Of Things chưa phải là một thứ gì có thể mua được, hoặc sở hữu được bởi giá cả còn đắt đỏ và phát triển chưa đồng bộ. Tuy nhiên, việc hàng loạt các đại gia công nghệ đang từng bước chuẩn bị cho IoT hứa hẹn một cuộc cạnh tranh thú vị trong tương lai gần.
4. Facebook, Twitter phát huy ảnh hưởng trong thảm hoạ
Định nghĩa “mạng xã hội là nơi giải trí, tán gẫu và thể hiện cái tôi” đã được nâng cấp trong năm 2015. Khi thế giới đối mặt với hàng loạt các thảm hoạ thiên tai lẫn nhân tai, Facebook lẫn Twitter đã phát huy sức ảnh hưởng to lớn của mình tới mức không một công cụ truyền thông đại chúng nào có thể sánh kịp.
Mạng xã hội đóng vai trò không nhỏ trong những nỗ lực sau thảm hoạ và giải quyết các vấn đề đương đại.
Bằng những đoạn hashtag trên Twitter, Facebook, Instagram như #PrayForParis, #PeaceofParis hay #PortOuverte, người dùng trên toàn thế giới có thể cầu nguyện, chia sẻ và giúp đỡ với những mất mát mà người dân Pháp phải hứng chịu sau khủng bố, cũng như giúp các nạn nhân nhanh chóng tìm thấy những đội, nhóm có thể giúp đỡ mình thông qua mạng xã hội.
Riêng với Facebook, hơn 770.000 người dùng mạng xã hội này đã quyên góp 15,5 triệu USD cho tổ chức phi chính phủ International Medical Corp, nhằm khắc phục hậu quả vụ động đất diễn ra tại Nepal hồi tháng 4 khiến 8.800 người thiệt mạng.
Trong cơn khủng hoảng chính trị và nội chiến tại châu Âu, nhiều nhóm, trang Facebook cũng được lập nhằm quyên góp, giúp đỡ người tị nạn. Ngay cả những vấn đề đương đại như hôn nhân đồng giới cũng được người dùng mạng xã hội ủng hộ mạnh mẽ, đẩy lùi định kiến và khiến giới làm luật tại một số nước phải nhượng bộ.
5. Google, Facebook và nhiều tổ chức phát triển trí tuệ nhân tạo
Google và Facebook đang công khai thử nghiệm và phát triển những cỗ máy có khả năng tự học. Trong năm 2015, AI của Google từng gây chấn động giới công nghệ khi nó có thể… nằm mơ và hình ảnh trong giấc mơ được tái hiện gần giống với những gì học được trước đó. Giấc mơ vốn chỉ có trên con người và các động vật bậc cao, và Google đã và đang khiến cỗ máy AI của mình ngày một thông minh hơn bằng cách bổ sung những mạng lưới nơ-ron thần kinh nhân tạo, đồng thời “dạy” máy tư duy bằng cách nạp vào hàng triệu hình ảnh cho mỗi một khái niệm.
Hình ảnh kỳ lạ trong giấc mơ của Google AI.
Tương tự, Facebook cũng có một cỗ máy có trí tuệ của riêng mình, nhưng không công khai nhiều như Google. Nhiều nhà khoa học lên tiếng “sợ hãi” dạng trí tuệ mà Facebook đang tạo ra khi nó có thể nhận diện được gương mặt và bóc tách được sở thích, quan điểm của từng người thông qua những gì họ đăng lên Facebook. Bản thân những nhân vật tiếng tăm của giới công nghệ như Bill Gates, Stephen Hawking, cũng lên tiếng ngăn chặn việc phát triển trí tuệ nhân tạo vì lo ngại những hậu quả khó lường của nó trong tương lai.
Duy Tín
Theo Zing
3 triết lý smartphone khiến làng công nghệ thế giới thay đổi
2015 là năm có nhiều đột phá trong thế giới công nghệ nói chung và thị trường di động nói riêng. Đây được xem là thời điểm các hãng sản xuất smartphone có nhiều thay đổi để thích ứng với thị trường.
BlackBerry: smartphone chạy Android thay cho BlackBerry OS
Tưởng chừng như 2015 sẽ là năm cuối cùng mà nhà sản xuất Canada tung ra những chiếc smartphone của mình. Khi chính CEO John Chen của hãng này từng tuyên bố sẽ bỏ hẳn mảng di động nếu kinh doanh không có hiệu quả trong năm nay.
BlackBerry Priv đánh dấu sự đột phá trong mảng di động của BlackBerry - Ảnh: T.Luân
Ngược lại, BlackBerry đã có quý 3/2015 cực kỳ thành công, khi công ty bán ra tới 700.000 chiếc smartphone Priv chạy nền tảng Android. Có thể thấy, con số 700.000 thiết bị sẽ là quá nhỏ nhoi so với một ông lớn có tên tuổi trên thị trường như BlackBerry.
Nhưng xét ở thời điểm hiện tại, đây vẫn là những tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi của mảng di động BlackBerry trong nay mai. Đáng chú ý, không ai khác, BlackBerry Priv siêu phẩm chạy Android thay vì BlackBerry OS đã cứu nhà sản xuất Canada.
Việc sử dụng Android thay thế nền tảng cây nhà lá vườn được coi là một quyết định chính xác với CEO John Chen. Bởi chiếc Priv chạy Android được bổ sung đầy đủ các ứng dụng phục vụ cho cả nhu cầu làm việc, cũng như giải trí của người dùng, vốn là điểm yếu của BlackBerry OS.
LG: smartphone hết cong lại quay về với phẳng
LG V10 là smartphone đầu tiên của LG có 2 màn hình - Ảnh: T.Luân
Trong vài năm trở lại đây, điện thoại cong đang trở thành xu hướng không thể thiếu của làng smartphone thế giới. Nếu như Samsung sở hữu các sản phẩm màn hình cong về 2 cạnh, LG lại theo hướng smartphone cong về phần thân máy.
Đơn cử như dòng G Flex hay G4 của LG. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có vẻ như các thiết kế này lại không tỏ ra ăn khách ở cả Hàn Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới. Kết quả là LG đã tung ra chiếc LG V10 hoàn toàn lấp chỗ trống của siêu phẩm G4 cùng thời.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, LG V10 là một trong những smartphone hoàn hảo nhất của LG ở thời điểm hiện tại. Đáng chú ý, V10 còn đại diện cho một dòng điện thoại cao cấp mới của LG, sử dụng bộ khung kim loại, thay cho viền nhựa truyền thống thuộc dòng G.
Đặc biệt, LG V10 cũng là smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng cùng lúc 2 camera, 2 màn hình trên thiết bị duy nhất. Qua đó, trải nghiệm đa phương tiện của người dùng sẽ được nâng cao hơn. Đơn cử như việc, theo dõi thông tin trên cả màn hình chính và phụ của LG V10.
Microsoft: 2 chiếc Lumia cao cấp luôn tốt hơn 1
Lumia 950 và Lumia 950 XL là mẫu smartphone cao cấp đầu tiên của Microsoft - Ảnh: AFP
Rất nhanh sau khi Windows 10 Mobile được chính thức hoàn thiện, Microsoft đã tung ra cùng lúc 2 chiếc smartphone cao cấp là Lumia 950 và Lumia 950XL. So với các ông lớn như Apple hay Samsung, đây là điểu hiển nhiên, nhưng với Microsoft, bộ đôi Lumia trong năm nay là bất ngờ thú vị.
Cụ thể, nếu nhìn vào năm 2014, Microsoft chỉ có duy nhất mẫu Lumia 930, với viền kim loại chắc chắn, thì trong năm nay, triết lý này đã hoàn toàn thay đổi. Gã khổng lồ xứ Redmond dùng tới 2 sản phẩm cao cấp trong 1 năm, cho thấy định hướng tập trung vào mảng kinh doanh di động.
Ngoài ra, phong cách khung kim loại mới làm nên sự cao cấp đã được hãng thay thế bởi vỏ nhựa có khả năng tháo rời. Đáng chú ý, vỏ nhựa đã đem tới cho Lumia 950 và Lumia 950XL những điểm cộng như: tản nhiệt tốt hơn, dễ dàng sửa chữa, sử dụng linh hoạt, tiện lợi.
Bên cạnh đó, với bộ đôi Lumia 950 và Lumia 950XL thế hệ mới, người dùng còn nhận thấy rõ sự thay đổi trong tư duy làm smartphone của Microsoft. Thay vì sử dụng cảm biến vân tay như nhiều sản phẩm cao cấp khác, Microsoft lại tin tưởng ở Windows Hello, quét võng mạc trên smartphone.
Tuấn Hưng
Theo Thanhnien
BlackBerry bị nghi thổi phồng doanh số của Priv Nếu đúng với những gì hãng báo cáo, trung bình mỗi ngày Priv đã bán được 50.000 máy trên toàn cầu trong vòng 2 tuần cuối cùng của quý III/2015. Tuần trước, CEO của BlackBerry John Chen đã công bố con số lạc quan về tình hình kinh doanh di động. Theo đó, Dâu đen đã bán được 700.000 chiếc Priv thấp hơn...