5 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE 9 tháng qua
Trái ngược với xu hướng suy giảm chung của thị trường, một số cổ phiếu vẫn cho mức sinh lời vượt trội trong 9 tháng qua.
VN-Index khép lại quý III/2020 với 905,21 điểm, giảm 5,8% so với đầu năm. Mặc dù suy giảm nhưng dưới tác động của dịch Covid-19, mức đóng cửa cuối quý III cũng đã là rất đáng khích lệ, với lực đẩy mạnh mẽ từ đông đảo các “nhà đầu tư F0″ – những nhà đầu tư lần đầu tham gia hoặc rất lâu mới quay lại thị trường chứng khoán, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng hạ rất sâu.
Trái ngược với xu hướng suy giảm chung của thị trường, một số cổ phiếu vẫn cho mức sinh lời vượt trội trong 9 tháng qua với thanh khoản bình quân trên 100.000 đơn vị/ngày.
TLD – Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long
Đứng đầu trong danh sách 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE từ đầu năm là một cổ phiếu ít tên tuổi: TLD của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long.
Thống kê cho thấy thị giá của TLD đã tăng tới 235% trong 9 tháng qua, chốt phiên 30/9 ở mức 15.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đà tăng mạnh chỉ bắt đầu từ đầu tháng 5.
Tương tự nhiều trường hợp kinh điển trong quá khứ, đà tăng của TLD cũng gắn liền với câu chuyện tăng vốn.
Cụ thể, vào tháng 6/2020, TLD đã chào bán hơn 19 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, hơn 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 10 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ. Số tiền thu về được dùng để đầu tư nhà máy ván ép công nghiệp tại KCN Đồng Hới (Quảng Bình), mua sắm máy móc thiết bị và bổ sung vốn lưu động.
Theo báo cáo từ TLD, gần 100% cổ phiếu chào bán đã được phân phối cho cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư, đều với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu về là 193,3 tỷ đồng.
Sau chào bán, Chủ tịch HĐQT Nguyễn An Ngọc nâng sở hữu lên 7,7 triệu cổ phiếu (tăng 3,7 triệu cổ phiếu), tương đương tỷ lệ sở hữu 20,24%. Tổng giám đốc Nguyễn An Quân tăng sở hữu lên 2,4 triệu cổ phiếu (tăng 800 nghìn cổ phiếu), tương đương tỷ lệ sở hữu 6,35%. Cùng với đó, TLD xuất hiện thêm một cổ đông lớn là Nguyễn Xuân Tuân khi sở hữu gần 2 triệu cổ phiếu (tăng 1,7 triệu cổ phiếu), tương đương tỷ lệ sở hữu 5,18%.
Trong nửa đầu năm 2020, TLD ghi nhận doanh thu hợp nhất 212 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi. Vốn chủ sở hữu đến hết tháng 6/2020 đạt 235 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả ở mức 212 tỷ đồng.
Giá trị vốn hóa của TLD vào khoảng trên 500 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình quân 3 tháng qua khoảng 470.000 cổ phiếu/ngày.
Đáng lưu ý là 3 phiên giao dịch gần đây (29/9, 30/9 và 1/10), cổ phiếu TLD đều giảm kịch sàn.
DGW – Công ty Cổ phần Thế giới số
Thị giá DGW của Công ty Cổ phần Thế giới số đã tăng tới 143% so với đầu năm, chốt phiên cuối tháng 9 ở mức 54.500 đồng/cổ phiếu.
Video đang HOT
Nửa đầu năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, DGW vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu thuần đạt 4.894 tỷ đồng (tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và lãi ròng đạt 93,1 tỷ (tăng 59,2%).
Kết quả này có được là bởi mảng laptop tăng trưởng mạnh nhờ hưởng lợi từ xu hướng học và làm việc trực tuyến trong đợt giãn cách xã hội. Cùng với đó, thương hiệu Xiaomi tiếp tục mở rộng thị phần so với cùng kỳ. Ngoài ra, thu nhập tài chính ròng cũng tăng mạnh.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc DGW chính thức trở thành một trong bốn nhà phân phối các sản phẩm chính hãng của Apple tại thị trường Việt Nam sẽ tạo dư địa cho DGW bổ sung tăng trưởng cho các mảng kinh doanh cốt lõi trong thời gian tới, giảm rủi ro phụ thuộc chính vào Xiaomi trong mảng điện thoại di động.
Việc phân phối các sản phẩm thuộc 2 phân khúc khác nhau sẽ giúp các sản phẩm không tự triệt tiêu nhau, mà có thể bổ sung, hỗ trợ cho tăng trưởng của DGW.
BVSC cũng kỳ vọng việc phát sóng mạng 5G và tắt sóng mạng 2G sẽ tạo ra một chu kỳ thay thế điện thoại mạnh mẽ trong giai đoạn 2021 – 2022.
BVSC dự báo doanh thu thuần và lãi ròng của DGW sẽ đạt lần lượt 11.085 tỷ (tăng 30,5%) và 215,8 tỷ đồng (tăng 32,5%) trong năm 2020. Năm 2021, công ty chứng khoán này nhận thấy khả năng DGW có thể duy trì tăng trưởng trên 20% với cả doanh thu và lãi ròng.
Trong một diễn biến gần đây, quỹ đầu tư Phần Lan Evli Emerging Frontier Fund đã trở thành cổ đông lớn của DGW.
Giá trị vốn hóa của DGW hiện ở mức khoảng 2.300 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình quân 3 tháng gần đây vào khoảng 570.000 đơn vị/ngày.
DBC – Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam
Kể từ đầu năm đến khi kết thúc quý III/2020, thị giá cổ phiếu DBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã tăng 137%, lên 47.450 đồng.
Đà tăng này gắn liền với kết quả kinh doanh tốt vượt trội nhờ giá thịt lợn leo cao.
Tại cuộc họp đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh quý III/2020 của DBC tổ chức sáng 1/10/2020, ban lãnh đạo tập đoàn cho biết doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III/2020 vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ dù giá thịt lợn hơi trong tháng 9 được điều chỉnh giảm trên toàn quốc.
DBC cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III/2020 ước tính lần lượt đạt 3.565 tỷ đồng và 386 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp gần 2 lần và tăng gấp 20 lần so với quý III/2019.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của DBC ước đạt 11.757 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế ước tăng gấp 24 lần so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019 (47 tỷ đồng), đạt 1.136 tỷ đồng.
Chia sẻ tại cuộc họp, ban lãnh đạo DBC cho biết bước sang tháng 9, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đã dần được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp như dịch tai xanh, lở mồm long móng và tái bùng phát dịch tả châu Phi gây ảnh hưởng chung đến toàn ngành chăn nuôi.
Phía DBC cũng cho biết giá thịt lợn hơi trong nước điều chỉnh giảm nhẹ ở tất cả các vùng miền và hoạt động tái đàn trong dân vẫn đang được triển khai theo định hướng kế hoạch của ngành.
Sau khi ghi nhận kết quả tươi sáng trong quý III/2020, DBC dự kiến trong quý cuối cùng của năm 2020 sẽ đẩy mạnh việc hoàn thành các dự án dở dang bao gồm 2 tòa nhà cao tầng Lotus Central và Parkview tại TP. Bắc Ninh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nhà máy thức ăn thủy sản Nutreco Hoàn Sơn để có thể khánh thành trước 29/3/2021.
DBC cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ những dự án khác của tập đoàn này như dự án khu nhà ở thị trấn Hồ; dự án tuyến đường H2 theo hình thức BT; khu chăn nuôi công nghệ cao tại Bình Phương, Thanh Hóa, Hòa Bình,…
Giá trị vốn hóa của DBC hiện ở mức khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình quân trong quý vừa qua khoảng trên 2,6 triệu đơn vị/ngày.
MHC – Công ty Cổ phần MHC
9 tháng qua, thị giá MHC của Công ty Cổ phần MHC đã tăng 125%, lên 6.740 đồng/cổ phiếu.
Trái ngược với đà tăng cổ phiếu, nửa đầu năm 2020, MHC thậm chí còn lỗ nặng. Theo đó, chi phí tài chính tăng vọt đã khiến doanh nghiệp này lỗ sau thuế tới 78 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân lý giải cho đà tăng phi mã trên được giới đầu tư nhận định là MHC có liên quan đến nhóm cổ phiếu “họ Gelex” – nhóm cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong nửa đầu năm, trong đó phải kể đến S99, SCI, VIX; bên cạnh đó, VGC và GEX cũng tăng khá.
Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng lượng cổ phiếu GEX mà MHC đang sở hữu trị giá 317 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng tài sản của MHC. Hiện S99 và VIX đang nắm giữ hơn 9% cổ phần của MHC. Trụ sở của MHC đang đặt tại tòa nhà Gelex Tower, số 52 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội – tòa nhà thuộc sở hữu của Gelex.
Giá trị vốn hóa của MHC hiện ở mức khoảng 270 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình quân 3 tháng qua ở mức khoảng trên 770.000 đơn vị/ngày.
TTF – Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành
Thị giá TTF của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã tăng 108% sau 3 quý, lên 5.490 đồng/cổ phiếu.
Sau nhiều năm vật lộn với bê bối hàng tồn kho, năm 2020 là năm TTF đón nhận nhiều tin vui.
Hồi tháng 8/2020, TTF đã thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với Gỗ Trường Thành.
Theo kế hoạch, tài sản khắc phục hậu quả của ông Võ Trường Thành và con trai là ông Võ Diệp Văn Tuấn gồm hơn 15,4 triệu cổ phiếu TTF. Ngoài ra, tài sản khắc phục hậu quả của hai cá nhân trên còn là phần vốn góp tại một số công ty với tổng giá trị gần 57,4 tỷ đồng, bao gồm Công ty Cổ phần Trường Thành, Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Trường Thành, Nông Lâm Nghiệp Trường Thành, Phú Hữu Gia, Trường Thành Xanh…
Báo cáo tài chính bán niên 2020 sau kiểm toán của TTF ghi nhận doanh thu 562 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, TTF đạt lãi ròng 53 tỷ đồng.
So với kế hoạch doanh thu thuần 2.427 tỷ đồng, lãi ròng 67 tỷ đồng, TTF đã lần lượt thực hiện được 23% chỉ tiêu doanh thu và 61% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tuy vậy, công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam vẫn nhấn mạnh nhiều vấn đề tại TTF, theo đó, tại ngày 30/6/2020, TTF chịu lỗ luỹ kế với số tiền gần 2.966 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả và nợ phải trả ngắn hạn cũng vượt tổng tài sản và tài sản ngắn hạn với số tiền lần lượt là 559 tỷ và 779 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản vay với ngân hàng và bên thứ ba đã quá hạn hoàn trả với tổng số tiền là 126 tỷ đồng. Kiểm toán nhận định các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của TTF.
Giá trị vốn hóa của TTF hiện ở mức khoảng 1.700 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày trong 3 tháng qua cỡ khoảng trên 3 triệu đơn vị.
Saigontel mua bán với 12 công ty "người nhà", mỗi giao dịch tối đa gần 800 tỷ đồng
Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT, sàn HoSE) vừa có chủ trương việc giao dịch với các doanh nghiệp và người có liên quan.
Đối tượng của hợp đồng giao dịch giữa Saigontel và các bên liên quan là mua bán các sản phẩm mà Saigontel đang kinh doanh, bào gồm nhưng không giới hạn các sản phẩm, dịch vụ công nghệ, viễn thông, linh kiện điện tử...
Giao dịch còn có việc mua phần mềm, dịch vụ phần mềm, vay và cho vay vốn.
Giá trị từng giao dịch nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của Công ty ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất.
Saigontel có tổng tài sản là 2.284 tỷ đồng. Theo đó với chủ trương này, giá trị tối đa một giao dịch với công ty liên quan có thể lên tới 799 tỷ đồng.
Doanh nghiệp liên quan dự kiến Saigontel dự kiến có thể có giao dịch là Công ty cổ phần Bất động sản SaigontelLand (SGTLand), công ty do Saigontel nắm 65% cổ phần.
Theo đó, SGTLand có thể mua bán các sản phẩm, dịch vụ viễn thông từ Saigontel. SGTLand thuê văn phòng, mua bán các sản phẩm, linh kiện thực hiện các dụ vụ tư vấn và cho vay, chuyển nhượng cổ phiếu và dịch vụ khác.
Một công ty liên quan khác dự kiến sẽ có giao dịch là Công ty cổ phần Phân phối và Dịch vụ Saigontel (SDJ). Đây là công ty do Saigontel nắm giữ 70% vốn.
Dự kiến, SDJ sẽ mua bán các sản phẩm, dịch vụ viễn thông từ Saigontel và Saigontel cho SDJ thuê văn phòng.
Ngoài ra, các công ty liên quan dự kiến giao dich còn có Công ty Đầu tư Kinh Vắc, Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Gòn, Công ty TN Global, Công ty Giải trí Nắng Vàng, Công ty Dệt may Viễn thông Sài Gòn Vi Na... và một số đơn vị liên quan khác. Tổng số tất cả danh sách là 12 công ty.
Trước đó hồi giữa tháng 9/2020, Hội đồng quản trị Saigontel cũng có quyết định việc mượn vốn từ một công ty liên quan khác là Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc.
Giá trị khoản vốn mượng là 7,5 tỷ đồng, thời hạn mượn là 3 tháng với lãi suất mượn vốn là 11%.
Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP) phát hành hơn 14 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá, tỷ lệ 54% HĐQT CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã chứng khoán TIP - sàn HOSE) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, Khu công nghiệp Tín Nghĩa dự kiến phát hành hơn 14 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 54%, tương ứng...