5 chiêu lấy cạn nước mắt khán giả của các phim Hàn đình đám khiến bạn… phát mệt
Cho dù rất nhiều khán giả đã khóc đến cạn nước mắt, không ít người khác lại dường như bị “lờn” trước những phân cảnh bi lụy quá quen thuộc, thậm chí gây khó chịu trong phim Hàn. Cũng chính những điều này đã khiến cho phim Hàn trở nên khác biệt với phần còn lại của thế giới.
Trong suy nghĩ của đa phần khán giả Việt Nam, nói tới phim Hàn là nói tới nước mắt. Điều này đã trở thành một định nghĩa từ thập niên 90, khi mà bất kì bộ phim Hàn Quốc nào cũng có những cảnh khóc thê thảm. Những chi tiết quen thuộc của phim Hàn thời kỳ này là các căn bệnh ung thư đa dạng, cốt truyện bi kịch, diễn xuất uỷ mị, nhiều nước mắt. Thậm chí, không ít người còn phải thốt lên rằng: “Chỉ cần bật phim Hàn lên là đã ngửi thấy mùi bệnh viện”.
Ngày nay, thể loại trong phim Hàn đã trở nên đa dạng hơn, bao gồm thần thoại, điều tra, nghề nghiệp, siêu nhiên,… Tuy nhiên, không vì thế mà chất melo trong phim Hàn không còn nữa mà thậm chí còn mở rộng ra bằng nhiều chiêu trò câu nước mắt hơn ngày xưa. Bài viết này sẽ nói về những chi tiết sến súa câu nước mắt lộ liễu nhất mà các nhà làm phim xứ Hàn vẫn ưa sử dụng. Đôi khi, chúng gây ra phản ứng ngược.
1. Cố tình hành hạ người bị Alzheimer
“Kill Me Heal Me” – khi bệnh nhân đa nhân cách trở thành yếu tố gây cười.
Một trong những mô típ quen thuộc của phim Hàn đó là “hành hạ” các bệnh nhân bằng những bi kịch liên tiếp. Nếu như Kill Me Heal Me từng dùng một bệnh nhân đa nhân cách (7 nhân cách) để gây cười thì những năm gần đây, Alzheimer là căn bệnh khá phổ biến trong phim Hàn.
Alzheimer (chứng mất trí tạm thời) là một trong những căn bệnh được cho là gây tốn kém nhiều nhất ở các nước phát triển. Chính bởi vậy mà phim Hàn thường đưa căn bệnh này vào trong kịch bản, sau đó bi kịch hoá câu chuyện lên để dễ lấy cảm xúc khán giả hơn.
“Bố con” Yoo Seung Ho trong “ Remember”. Đến cuối phim, Yoo Seung Ho cũng quên sạch ký ức giống cha mình.
Bị Alzheimer thôi đã khổ rồi nhưng nhiều khi các biên kịch còn cố ý “đày” thêm cho nhân vật phải vào tù oan, bị lừa,… để khiến khán giả phải xót xa, đau đớn. Điển hình là nhân vật ông bố trong bộ phim năm 2015 Remember. Tuy nhiên, không phải chỉ có Hàn mới đưa Alzheimer vào trong phim. Các nước phát triển khác như Mỹ và Canada cũng vậy. Có điều họ không cố gắng bi luỵ hoá căn bệnh này như người Hàn mà tìm những cách biểu đạt thông điệp tích cực và lạc quan hơn.
Chẳng hạn như trong Friends with Benefits, nhân vật của Justin Timberlake rất xấu hổ mỗi khi thấy bố mình ra ngoài rồi cởi quần ra vắt sang một bên. Cuối cùng, anh ta nhận ra mình không nên kỳ thị bố mình mà tìm cách để giao tiếp với ông bằng cách cũng cởi quần mình ra rồi vắt sang một bên. Chẳng cần phải đoạ đày nhân vật sao cho thật khổ nhưng phân cảnh cuối của bộ phim vẫn khiến ta phải xúc động vì tình cảm cha con giữa nhân vật chính và người bố bị Alzheimer của mình.
2. Những nhân vật nam nhạy cảm và yếu đuối quá mức
“ Missing You” – khóc từ nữ chính, nam chính tới nam phụ.
Vì những đặc thù rất phổ biến mà màn ảnh Hàn đã sản sinh ra rất nhiều “nữ hoàng nước mắt”. Tuy nhiên, khóc trong phim Hàn không chỉ là việc riêng của phái nữ mà cả cánh đàn ông cũng vậy. Nhân vật nữ yếu đuối có thể đã được sử dụng quá nhiều, vậy nên có nhiều bộ phim chuyển vai trò này cho nam giới.
Các diễn viên nam cũng phải cố gắng diễn cảnh khóc thật ngọt, thật rung động, làm trái tim các khán giả nữ xem phim phải thổn thức. Nam diễn viên Park Yoo Chuntừng chia sẻ những trải nghiệm khi đóng Missing You như sau: “Tôi khóc quá nhiều trong bộ phim này. Lúc đầu, tôi chỉ rơi vài giọt nước mắt, nhưng sau đó, tôi còn khóc rưng rưng trong lúc ăn. Sắp tới, tôi còn có cảnh vừa đập đầu vừa khóc như mưa nữa chứ” (anh chàng vừa nói vừa nhăn mặt khóc giả vờ).
Lee Dong Wook càng lúc càng khóc nhiều trong “ Goblin”.
Bộ phim năm 2016 Goblin cũng khiến cho các khán giả quốc tế phải băn khoăn tại sao mà nhân vật Tử thần của Lee Dong Wook lại mau nước mắt đến thế. Anh ta bị mắc chứng cứ nhìn thấy người yêu tiền kiếp là rơi nước mắt. Sau này thậm chí không cần nhìn thấy nữa mà chỉ nghĩ đến thôi là cũng rơi lệ. Khi những bí mật của kiếp trước được bật mí thì anh ta thậm chí còn khóc nhiều hơn cả đứa trẻ lên năm. Tuy nhiên, dù sao thì cũng không thể phủ nhận rằng Lee Dong Wook khóc rất đẹp. Chỉ riêng gương mặt quá đỗi điển trai của anh cũng đã đủ làm tất cả các chị em phải xiêu lòng, dù trên đó có thấm đẫm bao nhiêu giọt nước mắt đi chăng nữa.
3. Lấy nước mắt trong tất cả các thể loại
“ Thử Thách Thần Chết” – Đầu phim là bom tấn hành động, kỹ xảo, cuối phim là bom tấn melodrama.
Video đang HOT
Melodrama là thuật ngữ dùng để chỉ dòng phim buồn, xoáy sâu vào những ngóc ngách của tâm hồn và nhân cách nhân vật (có khi là cả khán giả nữa). Dòng phim này sẽ bộc lộ được những điểm mạnh vượt trội nếu biên kịch chắc tay, có vốn sống phong phú, văn phong sắc sảo và biết thêm thắt tính nhân văn cho câu chuyện. Điểm yếu của các yếu tố này đó là nếu sử dụng nhiều thì sẽ dễ gây “chai mòn”, bớt hiệu quả so với ấn tượng ban đầu.
Bộ phim vướng phải rất nhiều tranh cãi mang tên “Đảo Địa Ngục” cũng là tác phẩm lạm dụng yếu tố melo.
Không chỉ ở các phim tình cảm, chất melo xuất hiện ở khắp các thể loại phim Hàn Quốc. Từ phim truyền hình cho đến phim điện ảnh. Từ phim gia đình, hài – lãng mạn cho đến kinh dị, giật gân, ly kỳ, chính trị,… Điểm qua những phim hành động nổi tiếng của phim Hàn năm vừa rồi như Đảo Địa Ngục, Fabricated City, Confidential Assignment, Thử Thách Thần Chết thì đều có những yếu tố này, khiến cho người xem cụt hứng vì cứ đang giữa lúc cháy nổ thì lại có một cảnh câu kéo nước mắt xen vào. Không ít trường hợp trước khi bước vào rạp, khán giả không kì vọng rằng họ sẽ khóc vì bộ phim họ sắp xem, tuy nhiên khi ra khỏi rạp thì ai cũng giàn giụa nước mắt.
“ The King” rất hấp dẫn, ngoại trừ việc “tổ lái” ở phút cuối.
Chưa hết, những năm gần đây phim Hàn còn chuộng lối melo bỏ ngỏ, thiên về những cái kết cường điệu, không muốn đưa ra câu trả lời tuyệt đối mà đặt thêm một câu hỏi có tính gợi mở để khiến khán giả phải nhớ đến bộ phim sau khi đã ra khỏi rạp. Những cái kết kiểu này xuất hiện ở khắp các phim như New World, I Can Speak, Forgotten, The King, Ordinary Person… Có cái kết được xử lý tạm được, có cái kết thì không. Nhưng nhìn chung, yếu tố melodrama là con dao hai lưỡi, có thể là một điểm nhấn nhưng cũng có thể trở thành điểm yếu khiến cho bộ phim trở nên giả tạo và khiên cưỡng.
4. Cay nghiệt một cách hả hê
“The Man from Nowhere”…
Một trong số những dấu ấn mang tính điểm nhấn khác của điện ảnh Hàn chính là việc đánh vào sự hả hê trong tâm lý khán giả. Điều này đã được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều những năm gần đây. Bắt đầu từ những bộ phim trả thù của Park Chan Wook, sự trừng phạt cái ác một cách tỉ mỉ và trau chuốt, nâng tầm sự trả thù lên thành một nghệ thuật đã trở thành một trào lưu cho các đạo diễn khác học hỏi theo. Thường thì sự ác độc của những kẻ phản diện sẽ được đẩy lên cao độ, sau đó đến cuối phim thì chúng sẽ phải trả giá một cách đau đớn và tuyệt vọng không kém.
Có cách kết liễu “phản diện” cay nghiệt hơn hẳn “John Wick”.
Điều này khác biệt rất nhiều so với phim Mỹ. Lấy hai bộ phim làm ví dụ là The Man from Nowhere và John Wick. Cả hai tác phẩm đều là tuyệt tác của thể loại phim guilty pleasure (tạm dịch: đam mê tội lỗi). Nếu như John Wick đi “làm thịt” cả một băng đảng chỉ vì chú chó của anh bị giết thì Cha Tae Sik của The Man from Nowhere có động cơ phức tạp hơn nhiều. Trong quá khứ, vợ anh mất khi đang mang thai, mẹ của đứa bé duy nhất làm bạn với mình bị móc sạch nội tạng, cô bé này thì cũng bị (doạ) móc mắt. Nói chung là rất bi kịch. Ngay cả ở đoạn kết, nếu như John Wick chỉ nói vài câu rồi cho đối thủ một viên đạn vào đầu thì ngược lại, Cha Tae Sik còn để cho gã trùm phải gào rú, van xin, khóc lóc, thét gào đến chán chê thì mới kết liễu bằng viên đạn cuối cùng trong băng.
5. Bi luỵ hoá yếu tố gia đình
“ Reply 1988″.
Yếu tố gia đình trong phim Hàn thường rất nặng nề. Các biên kịch thường đánh nặng vào trách nghiệm của giới trẻ đối với người thân trong gia đình và lên án sự thờ ơ. Những nhân vật vô cảm với cha mẹ trong phim thường sẽ bị dằn vặt và day dứt ghê gớm trong nội tâm. Phim Hàn cũng luôn cổ vũ truyền thống gia đình Á Đông. Thông điệp quen thuộc mà các biên kịch thường đưa ra là công ơn sinh thành của cha mẹ bao la hơn tất thảy, những người con không chỉ phải cố hết sức mình để báo hiếu mà còn phải cố gắng làm tròn đạo làm con nữa. Nếu như có những điều không hay, không phải mà các bậc phụ huynh tạo ra cho con cái thì cái kết sẽ hướng về việc những người con thông cảm và tha thứ cho bố mẹ của họ.
“ The Most Beautiful Goodbye”.
Điển hình của mô-típ này là những bộ phim như My Daughter Seo Young, Vinh Quang Gia Tộc, The Most Beautiful Goodbye,… hay thậm chí là siêu hit Reply 1988. Trái ngược với điều này, các phim gia đình của Mỹ lại thường có cách thể hiện ít “áp lực” hơn hẳn nhưng lại dễ đi vào lòng người, khiến con cái yêu thương bố mẹ hơn mà không phải cảm thấy một sự dằn vặt nặng nề quá mức cần thiết như cách các phim Hàn tạo ra cho họ. Có thể nhắc lại ví dụ về tác phẩm Friends with Benefits đã đề cập ở mục 1.
Kết
Trên đây là những yếu tố làm nên chất melo điển hình trong phim Hàn được nhiều đạo diễn và biên kịch sử dụng nhất. Chính những điều này khiến cho phim Hàn trở nên khác biệt với phần còn lại của thế giới. Nếu so với nền điện ảnh khác thì đây cũng có thể là điểm nổi trội hoặc là điểm kém hơn. Giả dụ như việc bi luỵ hoá đề tài gia đình và chuộng nước mắt là những điều không mấy tích cực trong mắt khán giả quốc tế nhưng những điểm khác như kịch bản chi tiết, tính nhân văn cao như ở mục 3 và 4 thì cũng là yếu tố đáng ghi nhận.
Theo Trí Thức Trẻ
Danh sách 10 phim Hàn ăn khách nhất phòng vé năm 2017
Cùng điểm lại 10 tác phẩm có lượng khán giả cao nhất năm qua của điện ảnh Hàn Quốc.
2017 là một năm thành công của điện ảnh Hàn cả ở phòng vé trong nước lẫn tại những sự kiện điện ảnh trên thế giới. Dưới đây là 10 phim Hàn có lượng khán giả cao nhất năm vừa qua, trong đó có một phim thuộc câu lạc bộ 10 triệu vé.
10. The Fortress
Lượng khán giả: 3.849.087
Doanh thu: 29.223.289 USD
Quy tụ dàn diễn viên hạng A hùng hậu: Kim Yoon Suk, Lee Byung Hun, Park Hae Il, Go Soo, Park Hee Soon, phim cổ trang Nam Hán Sơn Thành là tác phẩm gây nhiều chú ý nhất tại phòng vé Hàn trước mùa Chuseok. Tuy nhiên sau này, The Fortress đã bị đối thủ không ngờ The Outlaws đánh bại.
9. Steel Rain
Lượng khán giả: 4.013.214
Doanh thu: 29.936.235 USD ~ 680 tỉ VND
Sau 18 ngày công chiếu kể từ 14/12, Steel Rain của Jung Woo Sung và Kwak Do Won đã cán mốc 4 triệu khán giả. Tác phẩm được xây dựng dựa trên webtoon cùng tên, xoay quanh chủ đề quen thuộc về hai miền Triều Tiên.
8. The Swindlers
Lượng khán giả: 4.018.035
Doanh thu: 29.304.661 USD ~ 666 tỉ VND
The Swindlers là một trong hai tác phẩm giúp Hyun Bin "hốt bạc" năm nay. Phim hiện vẫn đang nhỉnh hơn Steel Rain về lượng khán giả nhưng sẽ sớm bị đối thủ vượt mặt trong vài ngày nữa.
7. The King
Lượng khán giả: 5.317.383
Doanh thu: 40.699.204 USD ~ 925 tỉ VND
Ngoài Steel Rain, trong năm 2017, "tài tử đẹp nhất Hàn Quốc" Jung Woo Sung còn có một tác phẩm ăn khách khác là The King. Bộ phim chính trị quy tụ hai quý ông Jung Woo Sung và Jo In Sung được ví như Sói Già Phố Wall của Hàn Quốc.
6. Midnight Runners
Lượng khán giả: 5.653.270
Doanh thu: 41.535.939 USD ~ 944 tỉ VND
Sở hữu cốt truyện hài hước, dễ thương cùng hai trai trẻ Park Seo Joon, Kang Ha Neul, bộ phim kinh phí thấp Midnight Runners là một hit bất ngờ tại phòng vé Hàn năm qua khi thu hút tới hơn 5 triệu vé. Đây là phim thành công nhất trong ba phim ra rạp năm nay của Kang Ha Neul.
5. Đảo Địa Ngục
Lượng khán giả: 6.592.151
Doanh thu: 47.272.405 USD ~ 1,07 nghìn tỉ VND
Mặc loạt tranh cãi, Đảo Địa Ngục vẫn lập nên nhiều kỉ lục tại phòng vé Hàn trong tuần đầu ra mắt. Đáng tiếc, phim đã giảm nhiệt mạnh mẽ ở tuần thứ hai. Tuy lượng khán giả lên tới gần 6,6 triệu, Đảo Địa Ngục vẫn bị lỗ do kinh phí sản xuất quá cao.
4. The Outlaws
Lượng khán giả: 6.879.844
Doanh thu: 52.707.570 USD ~ 1,2 nghìn tỉ VND
The Outlaws có thể xem là một hiện tượng trong năm qua khi nó đã lội ngược dòng ngoạn mục trước đối thủ được kì vọng nhiều hơn là The Fortress để dẫn đầu phòng vé nhiều tuần liền. Ngoài ra, đây cũng là một trong những phim 18 ăn khách nhất lịch sử Hàn Quốc.
3. Confidential Assignment
Lượng khán giả: 7.817.631
Doanh thu: 59.694.093 USD ~ 1,36 nghìn tỉ VND
Mặc dù không được đánh giá cao về chất lượng nội dung, Confidential Assignment của Hyun Bin và Yoo Ji Tae vẫn đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé năm 2017 suốt gần 9 tháng, trước khi bị A Taxi Driver soán ngôi và bị Thử Thách Thần Chết đẩy xuống vị trí thứ ba.
2. Thử Thách Thần Chết: Giữa Hai Thế Giới
Lượng khán giả: 8.535.735
Doanh thu: 63.940.354 USD ~ 1,45 nghìn tỉ VND
Hiện đang càn quét các rạp Hàn Quốc, phần 1 của dự án 850 tỉ đồng Along with the Gods đã cán mốc 8,5 triệu khán giả chỉ sau 12 ngày công chiếu và được kì vọng sẽ sớm lọt vào câu lạc bộ 10 triệu vé trong tuần này. Phần 2 của phim đã ấn định ngày ra mắt là 1/8/2018.
1. A Taxi Driver
Lượng khán giả: 12.186.327
Doanh thu: 89.708.606 USD ~ 2,04 nghìn tỉ VND
Tính đến thời điểm hiện tại, bộ phim quốc dân A Taxi Driver là phim 10 triệu vé duy nhất trong năm 2017. Đây cũng là tác phẩm giúp tài tử Song Kang Ho trở thành diễn viên đầu tiên có 3 phim đóng chính cán mốc 10 triệu khán giả, sau The Host và The Attorney.
Theo Trí Thức Trẻ
Top 20 phim Hàn có rating cao nhất đài cáp (Phần cuối): Lộ diện 10 "cực phẩm của cực phẩm" Đây chính là 10 bộ phim sở hữu tỉ suất người xem cao nhất lịch sử các đài cáp Hàn Quốc, là những "cực phẩm" mà nhiều người miêu tả là "không xem thì phí cả đời". Tiếp nối phần 1, hãy cùng điểm mặt 10 tác phẩm còn lại trong top 20 phim truyền hình có rating cao nhất lịch sử các...