5 bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em
Trong hơn 500 trẻ ung thư điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, nhiều nhất là bệnh bạch cầu cấp, u não, lymphoma.
Nghiên cứu vừa công bố của nhóm bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, Nguyễn Minh Kim, Khoa Nội 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho thấy năm 2017 viện có 541 trẻ điều trị nội và ngoại trú.
Trong số này, 5 loại bệnh ung thư thường gặp nhất gồm bệnh bạch cầu cấp với 134 trẻ (24,8%). Có 57 bệnh nhi u não, xếp thứ hai. Đứng thứ ba là lymphoma với 53 bệnh nhi. Bướu nguyên bào thần kinh có 47 ca, bướu tế bào mầm 45 bệnh nhi.
Phần lớn trẻ bị ung thư ở độ tuổi 0 đến 5, chiếm một nửa số bệnh nhi ở viện. Trẻ gái và trẻ trai có tỷ lệ mắc bệnh tương đương nhau.
Tỷ lệ mắc các loại bệnh ung thư trẻ em ở khoa Nội 3 gần giống với phân bố trên thế giới. Chỉ khác, số bệnh nhi lymphoma đứng hàng thứ 3 ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM trong khi trên thế giới bệnh này đứng thứ 5 các loại ung thư trẻ em.
Bệnh nhi điều trị tại Khoa Nội 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Ảnh: Lê Phương.
Video đang HOT
Năm 2017 bệnh viện có 569 bé xuất viện thì 128 trẻ xuất viện theo yêu cầu của gia đình hoặc qua đời. 116 bệnh nhi chuyển viện và 78 ca bỏ điều trị.
Bác sĩ đánh giá tỷ lệ chuyển viện này tương đối cao do đặc thù khoa chủ yếu là hóa trị, xạ trị mà không có phẫu thuật. Nhiều trẻ chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 để mổ, sau đó nhập viện lại để tiếp tục điều trị. Một số trường hợp chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM do bệnh nhiễm.
Tỷ lệ bệnh nhi bỏ điều trị còn cao do hiểu biết của người dân còn hạn chế, không nhận biết được mức độ nặng của bệnh hoặc sau khi điều trị khỏi đã không tái khám.
Ung thư trẻ em chiếm 1-2% trong tổng số ung thư ở các nước phát triển và 4% ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ sống 5 năm của bệnh nhi ung thư hiện lên đến 80% ở các nước phát triển. Tỷ lệ này vẫn còn tương đối thấp ở các nước đang phát triển.
Lê Phương
Theo VNE
Cảnh giác ung thư khi xuất hiện hạch vùng cổ
Người trên 30 tuổi xuất hiện hạch vùng cổ phải thận trọng vì có thể là hạch di căn của một số ung thư vùng hầu họng.
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết đa phần một khối hạch xuất hiện ở vùng cổ là lành tính. Thông thường đó là hạch viêm, tỷ lệ khoảng 75%.
Đối với trẻ em, hạch nổi ở vùng góc hàm, cổ bên, sau tai... kích thước nhỏ hơn 3 cm, mềm, di động và đau khi sờ nắn. Các hạch này thường lành tính, do các phản ứng viêm nhiễm của vùng tai mũi họng. Tuy nhiên với người trên 30 tuổi, khi xuất hiện hạch vùng cổ phải hết sức thận trọng và không được chủ quan vì có thể là hạch di căn của một số loại ung thư ở vùng hầu họng.
Ảnh: hickeysolution
Hạch cổ di căn không tìm thấy được ổ nguyên phát được gọi là hạch di căn chưa rõ nguyên phát CRNP, tỷ lệ khoảng 2-9%. Để chẩn đoán, bác sĩ cần phải khám tỉ mỉ vùng tai mũi họng hoặc khoang miệng. Đôi khi bướu nguyên phát nằm ngoài da đầu hay sâu trong thực quản.
Bác sĩ chỉ tiến hành sinh thiết hạch nghi ngờ ác tính khi đã tầm soát kỹ các vùng này. Lý do, động tác sinh thiết hạch có thể gây hiện tượng gieo rắc tế bào ung thư trên đường mổ và để lại nhiều biến chứng sau khi điều trị.
Phương pháp được sử dụng là nội soi tai mũi họng, siêu âm vùng cổ, CT scan, MRI hoặc PET CT scan. Chụp PET CT có thể phát hiện 25% ung thư nguyên phát, chi phí khá cao. Hơn nữa đối với vùng đầu cổ, PET CT scan một số trường hợp vẫn cho kết quả âm tính giả, có nghĩa không phát hiện ra bướu.
Khoa Xạ 3 Bệnh viện Ung bướu TP HCM hai năm qua có 80 bệnh nhân lúc nhập viện được chẩn đoán hạch cổ di căn CRNP, sau khi rà soát kỹ thì chỉ 50 trường hợp có tổn thương bướu nguyên phát. Khoảng 87% có hạch cổ từ 3 cm trở lên, không đau và khả năng ác tính cao. Đa số hạch di căn ở vùng góc hàm và bên cạnh trái cổ. Các vị trí thường là vòm hầu và khẩu hầu, đặc biệt là amiđan, chiếm tỷ lệ 90%.
Điều trị chủ yếu bằng cách xạ trị bao phủ diện rộng hạch cổ di căn và đường hô hấp, tiêu hóa trên. Nếu tìm thấy ổ nguyên phát thì xạ trị chỉ tập trung vào vùng bướu và hạch cổ di căn, ít để lại biến chứng sau xạ trị hơn.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, người trên 30 tuổi đột nhiên xuất hiện một khối hạch vùng cổ lớn hơn 3 cm, không đau thì nên thận trọng và phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc ung bướu để được tư vấn và chẩn đoán đúng mức. Siêu âm vùng cổ và nội soi tai mũi họng kỹ trước khi sinh thiết hạch.
Đa số trường hợp sau khi siêu âm, nội soi có thể phát hiện và sinh thiết ngay tại bướu nguyên phát, không cần phải sinh thiết hạch. Ung thư vùng hầu họng được chẩn đoán và điều trị chính xác, hợp lý ngay từ đầu hiệu quả đáng kể, giảm biến chứng, nâng cao chất lượng sống.
Lê Phương
Theo VNE
Bác sĩ Trung Quốc khỏi ung thư nhờ liệu pháp miễn dịch Sau nửa năm điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, bác sĩ Zou Yuliang không còn dấu vết ung thư dù trước đó tiên lượng rất xấu. Tháng 12/2017, bác sĩ Zou Yuliang được thông báo ông chỉ còn vài tuần để sống. Ung thư đã tàn phá cơ thể ông, di căn từ gan lên phổi. Các biện pháp điều trị thông...