5 bệnh nhân liên cầu lợn nhập viện trong một tháng
Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, chỉ riêng trong tháng 5/2012 đã có 5 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn phải nhập viện. Một bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn nặng cũng vừa được chuyển tới bệnh viện hôm 14/6.
Một bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết do mắc liên cầu lợn điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. (Ảnh: H.Hải)
Vừa nhiễm trùng huyết, vừa viêm màng não
Ngày 14/6, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận nam bệnh nhân N.T.N (Hải Phòng) trong tình trạng vật vã, loạn thần, có ban hoại tử trên da. Bệnh nhân này cũng đã được BV Đa khoa Hải Phòng chẩn đoán mắc liên cầu lợn. Tuy nhiên vì biểu hiện nặng nề, lại kèm theo cả tình trạng sản rượu nên đã chuyển lên tuyến trên để điều trị.
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực cho biết, bị nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có thể mắc một trong ba thể bệnh, đó là thể viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác, thể nhiễm trùng huyết và thể thứ 3 là kết hợp cả hai. Trường hợp bệnh nhân này mắc bệnh liên cầu lợn ở thể thứ 3, đó là bị kết hợp cả nhiễm trùng huyết và viêm màng não nên tình trạng bệnh nặng nề hơn, điều trị cũng kéo dài hơn.
Trải qua 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã đỡ hơn nhưng vẫn phải nằm viện theo dõi điều trị ít nhất 2 tuần nữa. Bệnh nhân này có tiền sử nghiện rượu, vì thế, khi bị bệnh này nhiễm bệnh, cơ thể đột nhiên phải “cai rượu” gây ra tình trạng sản rượu. Vì thế, ngoài các biểu hiện của bệnh liên cầu lợn khiến bệnh nhân sốt, đau đầu, nôn, buồn nôn, tri giác lơ mơ dần dẫn đến hôn mê (do viêm màng não) và bị sốt cao, nhiễm trùng nặng (do nhiễm trùng huyết), bệnh nhân này còn có thêm biểu hiện sảng rượu, gây ra tình trạng vật vã, loạn thần.
Trước đó, trong tháng 5 cũng có 5 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn phải nhập viện và điều trị là bệnh nhân N.M.Hùng (38 tuổi), L.V.Doanh (23 tuổi), N.V.Dụng (53 tuổi), T.T. Dương (54 tuổi), K.H.Thông (44 tuổi).
Một bát tiết canh = vài chục triệu đồng
Video đang HOT
“Căn bệnh này còn có tính chất lây dễ dàng qua đường tiêu hóa (ăn phải thịt lợn, nem chạo, tiết canh chưa được nấu chín) mà còn lây qua đường tiếp xúc. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh xuất phát ngay từ quá trình chế biến, thái, rửa thịt lợn (vì chân tay có thể có những xước xát không phát hiện và vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết tổn thương này). Hầu như các bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh này đều có tiếp xúc với lợn”, BS Cấp nói.
Một bát tiết canh bán chỉ khoảng 10 – 15 ngàn đồng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, trong đó có bệnh liên cầu khuẩn lợn. (Ảnh: H.Hải)
Một nghiên cứu do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tiến hành năm 2010 cho thấy, trong tổng số 55 ca mắc liên cầu nặng phải nhập viện này điều trị ở miền Bắc cho thấy, hầu hết các bệnh nhân có ăn hoặc tiếp xúc trực tiếp với lợn/thịt lợn trong vòng 7 ngày trước khi khởi phát. Số bệnh nhân đã giết mổ lợn/ăn thịt lợn tái/tiết canh là 31 trường hợp (chiếm 64,58%). Riêng ăn lợn tái/tiết canh lợn chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58,33%). Ngoài ra còn có một số yếu tố khác đều liên quan đến lợn như chăm sóc, chăn nuôi lợn ốm, ăn thịt lợn ốm/chết. Số tử vong xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân có cả 2 yếu tố ăn thịt lợn tái/tiết canh và giết mổ lợn (6/7 trường hợp).
“Trong khi đó, một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Một bát tiết canh tính phí lúc này tới hàng vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Chưa kể, nó còn đe dọa tính mạng người bệnh, khiến gia đình người bệnh phải tốn kém, vất vả chăm sóc”, BS Cấp nói.
Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho thấy, thực tế các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn rải rác tất cả các tháng trong năm. Từ đầu năm tới nay tại viện đã 20 trường hợp nhập viện, trong đó, 80% số bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng bệnh nặng hoặc đã bị biến chứng. Trong số đó có nhiều ca viêm màng não nặng, sốc, hoại tử, suy đa phủ tạng.
Thêm một điểm cần lưu ý là đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể. Vì thế, để phòng bệnh, cần phải bỏ thói quen, sở thích ăn tiết canh, ăn đồ tái chưa nấu kỹ. Bình thường, nấu chín thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu diệt. Còn với đồ ăn tái, sống (tiết canh, nem chạo), nếu thịt lợn có vi khuẩn liên cầu cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống vào cơ thể người ăn, có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
BS Cấp cho biết, bình thường vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng khi con lợn bệnh, sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn. Trong khi đó, người nông dân cứ thấy con lợn có biểu hiện ốm là vội vàng bán thịt. Vì thế, rất khó nhận biết thịt con lợn bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết do khuẩn liên cầu, do trên da lợn cũng chưa có biểu hiện xuất huyết. Vì thế, việc ăn chín, uống sôi, có đồ bảo hộ lao động trong chăn nuôi lợn, trong giết mổ là vô cùng quan trọng.
Theo vietbao
Rùng mình vì bị hoại tử trên da sau khi ăn tiết canh
Đang khỏe mạnh, bỗng dưng thấy sốt đùng đùng nhưng anh V.V.N chỉ nghĩ là chắc cảm mạo thường. Nhưng đến ngày sốt thứ hai, anh thấy thấy trên tay, chân và toàn thân xuất hiện rất nhiều nốt ban hoại tử da và người dần mệt lả.
Quá hoảng sợ trước những nốt ban như đã thối, cảm tưởng chỉ móc nhẹ là thịt da bung ra nên gia đình đã đưa anh tới thẳng Bệnh viện Nhiệt đới TƯ mới biết anh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Biểu hiện của liên cầu khuẩn lợn gây nhiễm trùng huyết ở người rõ ràng nhất là sốt cao, sốc, rồi xuất hiện các ban hoại tử trên toàn thân, bốc mùi khó chịu.
Bỗng dưng... thối thịt, thối da
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện nhiệt đới TƯ cho biết, bệnh nhân V.V.N (47 tuổi, quê ở Phú Xuyên) hiện đang làm bảo vệ cho một cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng được chuyển đến viện hôm 18/10 trong tình trạng sốt cao, sốc và trên tay, chân xuất hiện nhiều nốt ban hoại tử. "Nhìn triệu chứng lâm sàng, chúng tôi đã chẩn đoán bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn và kết quả cấy bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Tuy vào viện ngay từ ngày thứ hai sau sốt nhưng tình trạng bệnh nhân đã rất nặng với các biểu hiện sốt cao, suy đa phủ tạng...", BS Cấp nói.
Người nhà của bệnh nhân này cho biết, làm bảo vệ trên Hà Nội, anh N chủ yếu ăn cơm bụi, không trực tiếp chế biến thức ăn. Tuy nhiên, anh lại có thói quen dăm ba hôm lại uống rượu lòng lợn tiết canh vào buổi sáng. Trước thời điểm phát bệnh, anh không nhớ cách đó mấy ngày đã ăn tiết canh. Đến nay, sau 4 ngày điều trị, hiện anh N vẫn đang điều trị hồi sức tích cực do bị suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết.
"Tôi cũng có nghe nói đến bệnh liên cầu khuẩn lợn nhưng chưa bao giờ hình dung nó lại kinh khủng đến thế. Nhìn thấy những nốt ban đỏ mọng rồi dần thâm xì, bốc mùi khó chịu xuất hiện trên toàn thân khiến tôi vô cùng hoảng loạn. Cứ nghĩ ăn tiết canh không sạch sẽ, ai đường ruột không tốt cùng lắm bị đi ngoài, không ngờ nó lại có thể gây hậu quả khủng khiếp vậy", anh N. thều thào nói.
Theo BS Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lợn hầu như không có mùa dịch cụ thể, mà vẫn gặp rải rác quanh năm. Tại bệnh viện Nhiệt đới TƯ, thỉnh thoảng lại có bệnh nhân biểu hiện nhiễm liên cầu khuẩn nhập viện. Ngoài trường hợp bệnh nhân N. đang phải nằm điều trị tích cực, tại bệnh viện Nhiệt đới TƯ từ cuối tháng 9 đến nay vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân liên cầu khuẩn lợn. Thống kê của bệnh viện, từ đầu năm tới nay đã có khoảng 40 ca mắc bênh này và nhiều bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc như giết mổ lợn, ăn các đồ tái chín từ lợn như nem chạo, tiết canh...
BS Cấp cho biết thêm, bệnh liên cầu khuẩn không chỉ gây ra hiện tượng nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao đột ngột, nhanh chóng tụt huyết áp, sốc rồi gây suy đa phủ tạng và xuất hiện những nốt ban đặc trưng hoại tử trên da mà liên cầu khuẩn lợn còn gây viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác. Khi bị viêm màng não, bệnh nhân có hiện tượng sốt, đau đầu, nôn, buồn nôn, tri giác lơ mơ dần dẫn đến hôn mê. Ngoài ra, có những người, vi khuẩn liên cầu lợn còn gây ra cả hai thể bệnh này, khiến tình trạng bệnh thường rất nặng, nguy kịch.
Liên cầu khuẩn bị tiêu diệt hoàn toàn khi nấu chín
BS Cấp cho biết, bình thường vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng ở những con lợn yếu, dịch bị suy giảm khiến liên cầu khuẩn tấn công thì vi khuẩn này không còn khu trú nguyên ở vòm họng nữa mà nó tấn công sang các các cơ quan phủ tạng khác, gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết và biểu hiện trên da lợn. Đó là lý do khi ăn tiết canh, nem chạo thì dễ dàng "nạp" vào người số lượng lớn vi khuẩn liên cầu có trong đó và gây bệnh cho người.
Vi khuẩn liên cầu lợn gây bệnh nặng nề trên con người, nó làm người bệnh sốc, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, viêm não... đe dọa tính mạng người bệnh.
Không chỉ lây qua ăn uống khi ăn đồ chưa nấu chín mà bệnh liên cầu khuẩn lợn còn lây qua tiếp xúc. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh xuất phát ngay từ quá trình chế biến, thái, rửa thịt lợn (vì chân tay có thể có những xước xát không phát hiện và vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết tổn thương này). Hầu như các bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh này đều có tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh.
"Đáng nói là rất khó nhận biết con lợn nhiễm vi khuẩn liên cầu do người nông dân có tập quán, lợn vừa ốm (khi chưa kịp xuất hiện các ban hoại tử trên da, nhưng đã có viêm phổi, nhiễm trùng huyết) là lập tức bán tống, bán tháo. Vì thế, để phòng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn liên cầu thì người tiêu dùng hãy luôn thận trọng khi chế biến thịt lợn bằng cách sử dụng găng tay ni - lon khi rửa, thái thịt rồi nấu chín. Khi thịt lợn được nấu chín, vi khuẩn liên cầu hoàn toàn bị tiêu diệt và không còn khả năng gây bệnh. Còn người giết mổ thịt lợn cũng cần bảo vệ cho mình bằng các trang phục bảo hộ lao động, phòng nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này", BS Cấp cảnh báo.
Theo Dân Trí
Nhộn nhịp "cò"... phá thai Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống cũng như nắm bắt được tâm lý nhẹ dạ cả tin của những người "có nhu cầu" mà tình trạng "cò" đã ngang nhiên hoạt động trong mọi lĩnh vực, từ nộp phạt, khám chữa bệnh, phá thai đến bán máu... Thế nhưng, không ít những trường hợp đã rơi vào tình trạng "khóc dở, mếu...