4 tháng liên tiếp trúng vé số, tiền tiêu như nước, anh chăn vịt trả giá đắt
Hơn 5 năm qua, xã An Nhựt Tân có 15 người trúng số độc đắc, chưa kể người trúng giải nhất, giải nhì, giải khuyến khich…
Hơn 20 năm qua, cứ 3-4 giờ chiều là người dân xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An kéo nhau đến đại lý vé số chờ xem kết quả sổ số.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương, chủ tịch xã cho biết, lúc đó, người dân đổ về đại lý vé số rất đông, không khí trở nên nhộn nhịp, người mua vé số thì hồi hộp, lo lắng.
Sau giờ thông báo kết quả, người trúng số vui nhưng không dám thể hiện ra bên ngoài. Còn những người không trúng thất thần đi về, nuôi hi vọng hôm sau sẽ đến lượt mình.
Đi chùa đề cầu… trúng số
Ông Phương cho biết, chuyện trúng số độc đắc bắt đầu đến với xã An Nhựt Tân từ năm 1991. Từ đó đến nay, hầu như năm nào địa phương này cũng có người trúng số.
Theo thống kê của UBND xã An Nhựt Tân, 5 năm qua, địa phương này có 15 người trúng giải độc đắc, chưa kể những người trúng giải nhất, giải nhì, giải ba và các giải nhỏ lẻ. Số người trúng số nhiều nhất tập trung ở ấp 1/3 của xã.
Chợ Nhựt Tạo ở xã An Nhựt Tân nằm ở ấp 1/3 của xã này. Trước kia, việc mua bán vé số diễn ra nhộn nhịp ở đây. Ảnh: T.A.
Bốn người đầu tiên nhận được ‘lộc trời’ là ông T, ông M, ông Th và ông Nh. Trong đó, ông T là người trúng 42 tờ độc đắc cùng lúc. Ba người còn lại trúng giải độc đắc từ 3-5 lần liên tiếp, chưa kể những giải nhỏ lẻ.
Từ những người nghèo, làm nông dân, công nhân, cửu vạn, cuộc sống của ông T và ba người còn lại trở nên giàu sang. Họ làm tiệc ăn mừng, xây nhà to, mua xe đắt tiền và hưởng cuộc sống xa hoa. Nhìn họ, những người trong làng ai cũng mong mình được đổi đời nhờ… trúng số.
‘Xã An Nhựt Tân là xã nông nghiệp. Người dân mưu sinh bằng các nghề: trồng lúa, trồng cói làm chiếu, làm công nhân… nên cuộc sống khá khó khăn. Tự nhiên ở nơi mình sống có người giàu lên từ những đồng tiền không phải lao động cực nhọc, ai không ham?’, ông Phương nói.
Trong năm nay, An Nhựt Tân có anh P, làm bảo vệ trúng hai lần độc đắc. Lần thứ nhất là hai tờ. Lần thứ hai là ba tờ.
Ông Phương cho biết, gia đình anh P chỉ công bố giải thưởng lần một và nhờ ủy ban xã làm cầu nối để đi phát gạo, mì tôm, dầu ăn… cho người nghèo. ‘Lần thứ hai, tôi chỉ mới nghe người dân ở xã đồn nhau và mấy người bán vé số nói lại. Chắc gia đình họ không muốn ồn ào’, vị chủ tịch xã thông tin.
Lý giải nguyên nhân hơn 20 năm qua, địa phương liên tục có người trúng số, giải độc đắc, vị chủ tịch xã cho biết, do người dân mua nhiều nên trúng. ‘Một ngày, người ta mua 100 tờ hoặc hơn thì sao không trúng được. Bây giờ, cứ ra ngồi ở quán nước một lúc thôi là người bán vé số vào mời mua liên tục. Người không mua chỉ lắc đầu thôi cũng đủ mệt rồi’, vị chủ tịch xã nói.
Ông Phương cũng cho biết, ở xã có một ngôi đình ở ấp 1/3, theo người dân thông tin, ngôi đình khá linh thiêng. Hầu hết người trúng độc đắc đều ở ấp này. Tiếng đồn vang xa, người dân trong xã cũng đến đây cầu may.
‘Người ta tìm đến chùa, đình là để cầu may mắn, bình an, sức khỏe, gia đình hạnh phúc nhưng một bộ phận người dân ở xã tôi thì khác. Họ đi chùa, đình chỉ để cầu cho mình được… trúng số’, ông Phương nói và cho biết, đã có rất nhiều người trắng tay vì trò may rủi này.
‘Trúng một lần rồi, người ta mua tiếp để mong trúng tiếp. Cứ như thế, kinh tế đi xuống thôi’, ông Phương nói buồn.
Tiền dễ đến cũng dễ đi
Anh Ph, từng trúng 6 giải nhất, vô số giải hai, giải ba và nhiều giải khuyến khích… Anh cho biết, có thời gian 4 tháng liên tiếp, ngày nào anh cũng trúng số.
‘Cứ mua vé số là tôi trúng, không giải lớn thì giải nhỏ. Có khi ngồi với mấy đứa bạn, tôi nói vui, hôm nay tôi không trúng số thì bữa nhậu này tôi bao. Vừa nói xong đến giờ quay số thì tôi trúng’, anh Ph nói.
Nhận được tiền thưởng, anh Ph làm vốn chăn nuôi vịt, phần còn lại thì tổ chức ăn tiệc, bỏ ra mỗi ngày 1-2 triệu đồng mua vé số.
Chủ tịch UBND xã An Nhựt Tân – ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương. Ảnh: T.A.
‘Trúng một lần, tôi lại muốn trúng tiếp. Cứ thế, tôi bị cuốn vào cái trò may rủi. Tiền có được mà không phải đổ mồ hôi, tôi tiêu phóng thoáng lắm’, người đàn ông quê Long An kể về chuyện của mình trước đây.
Sau đó, đàn vịt anh Ph nuôi cứ đến lúc bán là đổ bệnh, chết hàng loạt. Việc trúng số cũng không còn ‘gõ cửa’ nhà anh nữa. Kinh tế trở nên kiệt quệ, anh Ph nhận ra, chỉ có tiền mình phải lao động vất vả mới được lâu. Còn tiền từ trên ‘trời rơi xuống’ thì không ra đi bằng cách này cũng bằng cách khác, anh quyết định ‘cai’ vé số.
Anh Ph cùng vợ phát triển kinh tế gia đình bằng cách đi học kinh nghiệm trồng thanh long, bưởi ở địa phương khác về áp dụng cho gia đình mình. Ban đầu, vợ chồng anh đi vay vốn để mua giống, phân bón, rơm, đúc trụ trồng thanh long. Đến nay, vườn thanh long hơn 1000 trụ của vợ chồng anh đã đến mùa thu hoạch.
‘Tiền kiếm được bằng mồ hôi, công sức, ý tưởng sáng tạo của mình nên quý lắm. Bây giờ, tôi đi chùa chỉ để cầu mong cho cả nhà có sức khỏe, làm ăn thuận lợi, gia đình hạnh phúc’, anh Ph nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương khuyên người dân ở địa phương mình nên kiếm tiền bằng những việc làm chân chính và phải biết tôn trọng tiền mình vất vả kiếm được. Mua vé số chỉ để cho vui, để ủng hộ những người nghèo. Nếu may mắn trúng số thì nên biết cách sử dụng, đừng nên chỉ chăm chăm lo ăn xài, không chịu lao động thì kiểu gì cũng hết.
Vị chủ tịch xã cũng cho biết, nếu như trước đây, An Nhựt Tân trồng lúa là công việc chính thì hiện nay, nhiều hộ dân đã phát triển kinh tế gia đình mình bằng cách phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn trái và phát triển tương lai cho con em bằng cách cho đi học đại học, cao đẳng, trung cấp.
‘Hiện xã tôi có một dự án khu công nghiệp đang trong giai đoạn giải tỏa đền bù để khởi công xây dựng. Mong rằng khi khu công nghiệp này đi vào hoạt động kinh tế người dân cũng sẽ tốt hơn’, ông Phương nói.
Tú Anh
Theo Vietnamnet
Đổi thay trên chiến khu xưa
Nằm cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 50 km, Chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ) được biết đến là một căn cứ của bộ đội đặc công với rất nhiều trận đánh vang dội khiến quân địch khiếp sợ.
Trong thời Kháng chiến chống Mỹ, Rừng Sác phải gánh chịu mưa bom, bão đạn, trở thành "vùng đất chết" nhưng ngày nay nơi đây đã đổi thay mạnh mẽ và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của TP. Hồ Chí Minh.
Mảnh đất gian lao và anh dũng
Theo sử sách ghi chép, Rừng Sác vốn là rừng nguyên sinh ngập mặn thuộc huyện Cần Giờ có diện tích khoảng 710 km2, giới hạn bởi sông Soài Rạp và đường 15, trải từ Nhơn Trạch, Nhà Bè ra biển. Địa hình sông nước hiểm trở với những luồng lạch như mạng nhện khiến nơi đây trở thành một trận đồ "thiên la địa võng" và được chọn làm căn cứ kháng chiến của bộ đội đặc công năm xưa. Trong thời chiến ấy, bất chấp rừng thiêng nước độc những người lính đặc công Rừng Sác vẫn bám trụ kiên cường suốt 9 năm ròng rã để chống lại lính Mỹ và quân đội Sài Gòn. Theo ghi chép, từ năm 1966 đến 30/4/1975, bộ đội đặc công Rừng Sác đã đánh gần 400 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 lính Mỹ và chư hầu; đánh chìm và làm cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, 13 tàu vận tải, 145 giang thuyền và bắn rơi 29 máy bay trực thăng. Những trận đánh điển hình như Lôi Giang, Giàn Xây, Vàm Sát, Đồng Tròn, kho xăng Nhà Bè... đã từng làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Chòi thông tin của chiến sĩ đặc công rừng sác
Những thất bại trên chiến trường khiến kẻ thù điên cuồng trút xuống Rừng Sác hơn 4 triệu lít chất hóa học, 2 triệu tấn bom đạn. Cánh rừng chở che cho những chiến sĩ cách mạng trở nên hoang tàn, cây cối chết đè lên nhau, trong tổng số hơn 1.000 chiến sĩ thì có đến 860 đã hy sinh, trong đó có 542 chiến sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy thi hài. Không những thế, bom mìn, chất độc hóa học đã khiến cho hệ động, thực vật rừng ngập mặn hoàn toàn bị biến mất, bởi vậy mà người dân gọi đây là "vùng đất chết".
Mạnh mẽ chuyển mình
Sau giải phóng, Chiến khu Rừng Sác đã được TP. Hồ Chí Minh cải tạo, phát triển thành khu du lịch sinh thái với 220 loài thực vật bậc cao, trên 700 loài hệ động vật thủy sinh không xương sống; có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam... Với sự chuyển mình này, căn cứ Rừng Sác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 15/12/2004, UNESCO cũng đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động, thực vật đa dạng, độc đáo, điển hình của vùng ngập mặn.
Mô hình chiến sĩ đặc công nghiên cứu trận đánh kho xăng Nhà Bè
Ông Lê Văn Sinh - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ - cho biết, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (hay còn gọi là Rừng Sác) hiện nay đang được xem là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.
Theo lời kể của ông Sinh, thời chiến tranh chống Mỹ, cả khu vực đảo khỉ Cần Giờ bị chất độc dioxin tàn phá. Năm 1978, đơn vị đã kiên nhẫn trồng lại rừng, nhằm khôi phục hệ sinh thái bản địa. Đầu năm 1990, một người dân đi rừng phát hiện ra dấu vết của khỉ, nhưng lúc ấy không ai tin có loài vật nào sống được trên vùng đất vừa bị chất độc dioxin tàn phá. Mãi đến năm 1995, sau một thời gian theo dõi và dụ dỗ, bầy khỉ mới về đây, lúc ấy cả khu rừng chỉ có 250 con khỉ, gồm 3 bầy. Từ đó, người ta bắt đầu tin vùng đất này thực sự hồi sinh. Hiện nay, ở đảo khỉ số lượng đã tăng lên hơn 2.000 con, chúng sống gần gũi con người và rất hiếu động. Sau khi tham quan đảo khỉ, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ đi thuyền trên các con lạch, thuyền câu cá, đi sâu vào bên trong rừng đước để khám phá hệ sinh thái ở đây.
Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Cần Giờ
Thống kê của quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho hay, lượng khách du lịch đến đảo khỉ hàng năm đều tăng, những ngày lễ, ngày cuối tuần số lượng khách mua vé tham quan lên đến hơn 5.000 người. Trung bình một ngày, đảo khỉ đón khoảng 1.500 lượt khách tham quan.
Có được thành quả này là nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền, công sức của hàng triệu người con TP. Hồ Chí Minh đã cống hiến để tái tạo lại màu xanh cho rừng. Từ đó hồi sinh cho "vùng đất chết" trở thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục về truyền thống chiến đấu anh dũng của quân dân Nam bộ.
Trước chiến tranh, Cần Giờ thuộc tỉnh Đồng Nai và là khu rừng ngập mặn với quần thể động, thực vật phong phú. Trong chiến tranh bom đạn và chất độc hóa học đã làm nơi đây trở thành "vùng đất chết". Năm 1978, Cần Giờ được sáp nhập về TP. Hồ Chí Minh và được quy hoạch, phát triển thành khu du lịch sinh thái. Ở đây có nhiều hoạt động du lịch thú vị như tham quan đầm dơi, đi thuyền trên sông, thăm sân chim với rất nhiều loài chim sinh sống, tiếp xúc với đàn khỉ hoang dã, tìm hiểu về hệ thực vật...
Thùy Dương
Theo congthuong.vn
Học sinh miền quê lập nhóm nghiên cứu khoa học Thành lập hơn 4 năm, CLB Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông của học sinh Đồng Nai gặt hái hơn 20 giải thưởng cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Căn phòng nhỏ chừng 16 m2 của thầy Nguyễn Thanh Phương (giáo viên môn Công nghệ, trường THPT Thống Nhất A) nhộn nhịp hơn mỗi sáng chủ nhật. Hơn 10 học sinh...