4 “ông lớn” vận tải lỗ hơn 20.700 tỷ đồng vì COVID-19
Số liệu tài chính từ các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giao thông cho thấy dịch COVID-19 làm cho hoạt động của họ ảm đạm chưa từng thấy. Hầu hết người làm trong lĩnh vực vận tải hành khách phải nghỉ luân phiên hoặc nghỉ không lương. Để chống chọi qua đợt dịch này, các DN đang vật lộn xoay xở.
4 “ông lớn” vận tải lỗ hơn 20.700 tỷ đồng
Theo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN, trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các DN vận tải chịu thiệt hại nặng nhất do dịch. Trong đó, Vietnam Airlines (VNA) dẫn đầu về thiệt hại. Ngay từ đầu tháng 3 vừa qua, VNA đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán 1 số khoản nợ đến hạn. Khởi đầu năm mới, DN này có khoảng 3.500 tỷ đồng tiền mặt, nhưng đến nay đã cạn và phải vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán hơn 3.500 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của VNA chỉ đạt hơn 19.200 tỷ đồng, lỗ hơn 2.300 tỷ đồng. DN này dự tính, nếu dịch bệnh kéo dài tới những tháng cuối năm, tổng doanh thu cả năm nay sẽ hụt hơn 72.400 tỷ đồng so với kế hoạch, ước lỗ hơn 19.600 tỷ đồng. Dòng tiền của VNA dự kiến sẽ thiếu hụt xấp xỉ 15.000 tỷ đồng. “Với tình hình tài chính trong thời gian tới, nguy cơ VNA và các đơn vị thành viên khó vay thêm. VNA cần Nhà nước hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng”, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh phân tích.
Khó khăn tương tự là TCty Đường sắt Việt Nam (VNR), khi các hoạt động vận tải khách gần như dừng toàn bộ. Trong 3 tháng đầu năm, VNR chỉ đạt tổng doanh thu vận tải khách khoảng 527 tỷ đồng (giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước), ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Dự kiến, cả năm 2020, công ty mẹ có thể hụt doanh thu tới 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm, lỗ từ 694 – 935 tỷ đồng.
Với lĩnh vực đường bộ, trong 3 tháng đầu năm, TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng hụt thu 15 tỷ đồng so với cùng kỳ. Dự kiến, nếu dịch kéo dài tới cuối năm, VEC sẽ lỗ 140 mtỷ đồng.
Về hàng hải, TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thất thu cả hoạt động vận tải biển lẫn dịch vụ cảng. Tới hết tháng 3, doanh thu hợp nhất của DN này chỉ đạt 2.218 tỷ đồng (giảm hơn 626 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước), ước lỗ hợp nhất khoảng 113 tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài tới cuối năm, riêng công ty mẹ có thể lỗ 76 tỷ đồng.
Video đang HOT
Máy bay chuyển sang chở hàng
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc VNR Phan Quốc Anh cho biết, trước khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, đơn vị đã đẩy mạnh khai thác tàu hàng thay cho tàu khách. Để thu hút nguồn hàng, VNR cung cấp cả dịch vụ nhận và giao hàng tận nhà; giảm 10% giá cước vận tải hàng hoá; đưa vào khai thác các đoàn tàu container lạnh liên vận quốc tế…
Dù vậy, theo ông Quốc Anh, vận tải hàng hoá giờ cũng không dễ, khi nền kinh tế trong nước và quốc tế đều đình trệ. Hiện tại, VNR có hơn 15.000 nhân sự (kể cả đơn vị thành viên), phải áp dụng nghỉ luân phiên 2/3 thời gian mỗi tháng. Giải pháp này đảm bảo tất cả NLĐ vẫn có thu nhập hằng tháng, dù chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
VNR cũng kiến nghị Bộ GTVT thúc đẩy giải ngân gói 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam (Quốc hội thông qua từ cuối năm 2017). “Đến nay, tàu khai thác rất ít, nên VNR tranh thủ cho xây dựng, sửa chữa đường. Để khi dịch bệnh qua, kinh tế phục hồi hoạt động khai thác tàu sẽ phát huy tối đa hiệu quả. Nếu cứ chậm giải ngân như hiện nay, chỉ sợ tới lúc hết dịch VNR vẫn phải cắt giảm chạy tàu”, ông Quốc Anh nói.
Còn theo Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành, chưa bao giờ VNA phải đột ngột dừng toàn bộ hoạt động của gần 100/106 máy bay như hiện nay. Để ứng phó khó khăn, DN này đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp, như: Tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt các khoản chi chưa cấp bách… “Những điều chỉnh này chắc ảnh hưởng rất lớn, khi toàn bộ NLĐ giảm lương, hơn 50% NLĐ phải ngừng việc”, ông Thành chia sẻ.
Hiện VNA Group có khoảng 20.000 nhận sự, với con số trên, tức có khoảng 10.000 người đang phải ngừng việc. Được biết, DN này khuyến khích NLĐ (như phi công, tiếp viên) tạm thời nghỉ để đi học, bổ sung kiến thức, nghỉ phép… Cùng với đó, VNA tận dụng tàu bay đang dừng chở khách để chuyên chở hàng hoá (đã được Cục Hàng không chấp thuận). Chỉ riêng nửa cuối tháng 3 vừa qua, VNA đã thực hiện 45 chuyến bay chuyên chở hàng trong nước và quốc tế. Dự kiến, con số trên sẽ tăng lên 280 chuyến trong tháng 4 này.
Với DN vận tải tư nhân, đặc biệt taxi, xe khách, hiện đã dừng hoạt động toàn bộ, NLĐ nghỉ không lương. Ông Nguyễn Anh Bão, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Đại Phát (xe khách Đại Phát, Hà Nội) cho biết, sau chỉ đạo dừng toàn bộ hoạt động xe khách của Bộ GTVT, đơn vị cho NLĐ tạm thời nghỉ không lương. Xe nằm bãi, không có doanh thu nên DN cũng chưa có gì để hỗ trợ NLĐ.
Tương tự, ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hoàng Hà (Thái Bình) cho hay, đơn vị có hơn 400 phương tiện, với 750 lao động, giờ đều tạm nghỉ cả xe lẫn người. “Tạm thời anh em nghỉ 15 ngày không lương theo lệnh cách ly toàn xã hội, sau đó tính tiếp”, ông Hà nói. Các DN đều mong ngóng các gói hỗ trợ của nhà nước sớm được triển khai trên thực tế.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN kiến nghị Thủ tướng sớm quyết định và áp dụng các giải pháp hỗ trợ DN, như: Lùi thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT; giảm thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu; Thúc đẩy các ngân hàng khoanh nợ, kéo dài hạn vay tín dụng, không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các DN vay vốn lưu động; Ngân hàng Nhà nước sớm triển khai để DN tiếp cận được với gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng không lãi suất…
Tổng công ty nhà nước duy nhất trong lĩnh vực giao thông có lãi là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). DN này dự kiến có thể hụt thu cả năm khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng vẫn có lãi gần 1.500 tỷ đồng.
Lê Hữu Việt
Vingroup và Bảo Việt tăng gần 40%, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng hồi phục 20% so với đáy
Masan Group là cổ phiếu lớn hiếm hoi thậm chí đã tăng so với Tết.
Sau một thời gian bị bán tháo do tâm lý lo ngại tình hình dịch bệnh, nhiều cổ phiếu lớn đã quay đầu phục hồi mạnh sau khi mất tới 30-50% giá trị kể từ sau Tết nguyên đán. Từ cuối tháng Ba, một số cổ phiếu đã bắt đầu tạo đáy và bứt phá mạnh mẽ.
Một trong những cái tên đáng chú ý nhất là Tập đoàn Bảo Việt (BVH). Cuối năm 2019, Sumitomo Life đã chi 4.000 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại Bảo Việt với mức giá 96.800 đồng/cp.
Ít ai có thể ngờ được chỉ 3 tháng sau đó, cổ phiếu BVH chỉ còn 32.300 đồng vào ngày 23/3, giảm 52% so với mức giá 67.000 đồng trước khi Covid-19 bùng phát.
Giảm sâu nhất nhưng cũng ngược dòng nhanh nhất, đến ngày 6/4, BVH đã tăng 40% lên 45.300 đồng.
Đóng vai trò chính trong nhịp hồi phục vừa qua của thị trường là Vingroup với mức tăng 36% so với đáy 71.500 đồng ngày 24/3, gấp 3 lần so với mức tăng 11% của VN-Index.
Mức tăng của Vingroup và Bảo Việt là vượt trội hơn hẳn so với các cổ phiếu vốn hóa lớn khác. Những mã có mức tăng tốt khác có thể kể đến như SSI và Sacombank (hơn 20%), BIDV, Vietcombank, Thế giới Di động, PNJ (xấp xỉ 20%).
Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu chưa hồi phục được nhiều gồm có Novaland - vốn không có nhiều biến động trong suốt thời gian vừa qua hay Vietjet, VEAM...
Masan Group (MSN) là cổ phiếu đầu tiên trong danh sách theo dõi của chúng tôi đã tăng 5% so với trước Tết, chốt ngày 6/4 tại 55.900 đồng.
Mặc dù hồi phục nhanh nhưng hiện Thế giới Di động cùng với Sabeco vẫn là 2 mã giảm sâu nhất trong danh sách với mức giảm trên 40%. Tiếp theo lần lượt là là PNJ (-39%), Vietnam Airlines (-37%), Vincom Retail (-36%)...
Trương Lương
Bất chấp Covid-19, đây là mảng giúp Samsung bất ngờ đạt lợi nhuận vượt dự báo Là một trong những ông lớn công nghệ đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I, Samsung cho thấy đại dịch ảnh hưởng lên ngành điện tử thế giới như thế nào. Bất chấp đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, Samsung Electronics vừa công bố lợi nhuận tốt hơn dự báo nhờ nhu cầu đặt hàng chip...