4 nỗi lo nổi cộm của người dân châu Á
Theo kết quả cuộc khảo sát toàn cầu mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường GfK, với trên 40.000 người trên 15 tuổi tại 28 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, cho thấy những vấn đề liên quan đến kinh tế đang đứng đầu danh sách các mối quan tâm của người dân châu Á – Thái Bình Dương.
Cụ thể, 40% số người được khảo sát đang lo lắng về: suy thoái kinh tế – thất nghiệp (Đài Loan: 57%, Hàn Quốc: 51% và Việt Nam: 49%); tình trạng lạm phát (Singapore: 65%, Thái Lan: 55%, Trung Quốc: 51%, Indonesia: 39%); giá cả tăng cao; và hơn 30% lo ngại về việc có đủ tiền để sống cũng như thanh toán các hóa đơn. Tình trạng phạm tội và vô luật pháp là vấn đề lo lắng thứ tư trong khu vực, đặc biệt ở Malaysia (67%), Việt Nam (55%) và Ấn Độ (51%).
Khảo sát cũng cho thấy, người dân đã ý thức hơn trong việc giảm chi tiêu. Trong nỗ lực cắt giảm chi phí, việc ăn uống tại các nhà hàng lần đầu tiên được loại ra khỏi danh sách các hoạt động thường xuyên với 34% số người được hỏi cho biết họ đã thực hiện trong 12 tháng qua. Gần (chiếm 23%) tuyên bố, mua ít quần áo và giày dép hơn.
GfK cũng phát hiện thấy, trong những tháng đầu năm 2013, người dân châu Á ngày càng thận trọng hơn khi sử dụng tiền mặt của họ cho các nhu yếu phẩm. Một danh sách các chiến lược tiết kiệm được liệt kê, trong đó bao gồm: sử dụng phiếu giảm giá, “săn” hàng giảm giá, mua các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, mua với số lượng lớn để được giảm giá nhiều hơn, chuyển sang thương hiệu rẻ hơn… Kết quả cho thấy, người Úc mua sắm cẩn thận hơn cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày (63%) và trì hoãn mua cho đến khi sản phẩm đã được bán giảm giá/khuyến mãi (63%), Hàn Quốc (73%) cùng với Đài Loan (67%) thực hiện tiết kiệm bằng cách sử dụng phiếu giảm giá.
GfK đã thăm dò ý kiến trên 40.000 người tiêu dùng ở độ tuổi 15 ở 28 quốc gia, trong đó có 11 nước châu Á – Thái Bình Dương (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Việt Nam). Khoảng 1.500 người trả lời cho mỗi chủ đề được khảo sát.
Ông Jodie Roberts, Giám đốc của GfK cho biết: Ngoài những chủ đề trên, một số nước cũng đăng ký mối quan tâm đáng báo động đã và đang xảy ra ở nước mình. Chẳng hạn như: vấn nạn lạm dụng ma túy ở Thái Lan (55%) và Indonesia (37%); dịch vụ y tế đắt đỏ ở Singapore (42%); chất lượng giáo dục ở Trung Quốc (33%) và Indonesia (32%).
Theo ANTD
Dự cảm triển vọng 2013
Sau những đợt rét đậm, rét hại kéo dai dẳng, nắng đã hửng, thời tiết ấm dần lên. Những chồi non, lộc biếc đã bật nhú từ những thân cành khô cằn, nứt nẻ.
Đó là quy luật của đất trời mặc định muôn thuở. Còn quy luật kinh tế, nếu không có quyết tâm mạnh mẽ và những nỗ lực hết mình, toàn cảnh bức tranh kinh tế năm 2013 không thể sáng sủa hơn năm 2012. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2013 đã tăng 1,25% so với tháng trước, song đây chỉ là dấu hiệu cảnh báo chứ chưa phải là biểu hiện rõ rệt của việc lạm phát tăng trở lại, bởi vì kinh tế vĩ mô đang ấm dần.
Thực ra, CPI đã có thể tăng vào hồi tháng 12-2012 nhưng lại không tăng là do sức mua yếu xuất phát từ tâm lý của người dân, quan trọng hơn là dòng tiền chưa chảy mạnh. Đến tháng đầu năm nay, dưới áp lực mua sắm cuối năm, nhất là giá cả hàng hoá tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán đã góp phần đẩy CPI tháng 1 tăng cũng là điều dễ hiểu. Cái gốc để kiềm chế lạm phát đạt mục tiêu 7% đề ra trong năm 2013 là chính sách điều hành kinh tế, đặc biệt là quản lý tiền tệ và phát triển sản xuất.
Theo nhận xét của một số chuyên gia kinh tế, Chính phủ vẫn đang kiểm soát tốt chính sách tài khóa, tiền tệ, lãi suất từng bước được giảm. Vấn đề còn lại là làm sao "kích hoạt" được khu vực doanh nghiệp hồi phục nhanh, đầu tư vào sản xuất. Với triển vọng hồi phục kinh tế vĩ mô, cơ hội cho các kênh đầu tư vẫn khá hấp dẫn. Dự báo trong năm 2013, kinh tế sẽ dần lấy lại đà hồi phục, từ đó kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng hơn vào khả năng tái cấu trúc nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện hơn.
Xuất phát từ kỳ vọng về sự hồi phục kinh tế và kỳ vọng về tác động tích cực trong các gói giải pháp của Chính phủ, nhất là Nghị định 02 với nội dung trọng tâm là các giải pháp giải cứu thị trường bất động sản, bức tranh kinh tế năm 2013 không thể ảm đạm như năm 2012, trái lại sẽ khởi sắc. Đầu năm nay, các tổ chức quốc tế có cái nhìn không mấy lạc quan về sự "hồi sức" của kinh tế thế giới, nhiều dự báo đều hạ hơn so với cách đây vài tháng. Song họ vẫn có cơ sở để hy vọng kinh tế năm nay "ấm" hơn một chút. Chẳng hạn, Quỹ tiền tệ quốc tế cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2013 tăng trưởng 3,3% và năm 2014 sẽ nhích lên 3,6%. Dự báo này dựa trên hai giả định lạc quan. Một là nước Mỹ phải không qua được cơ chế thuế, giảm chi tiêu và nâng trần nợ công. Hai là châu Âu sẽ cải thiện được điều kiện tài chính, giải tỏa gánh nợ công vào cuối năm nay. Việt Nam cũng vậy, năm nay bắt tay vào tái cấu trúc nền kinh tế đòi hỏi nguồn lực lớn trong bối cảnh khó khăn, thách thức dồn đẩy từ năm 2012. Vấn đề nợ xấu, thị trường bất động sản "đóng băng", đọng vốn trong xây dựng cơ bản... Không thể giải quyết một năm là xong. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để xử lý "bong bóng" bất động sản phải mất không dưới 3-4 năm. Còn nợ xấu thì Thủ tướng đã nói xử lý từ nay đến năm 2015 từ 8,82% tổng dư nợ xuống 3%, tức là phải mất ba năm. Nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là một thứ tồn kho, hơn 90.000 tỷ đồng, tức là 4,5 tỷ USD. Đây là những gánh nặng đè lên vai toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp và đương nhiên cả người dân.
Mục tiêu năm 2013 đã được Quốc hội thông qua với chỉ tiêu chủ yếu là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn là một kỳ vọng theo hai ý nghĩa. Kinh tế sẽ tốt đẹp hơn nếu mục tiêu đó đạt được. Song nếu không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ thì việc thoát đáy vượt dốc đi lên sẽ khó đạt được. Dự cảm triển vọng năm 2013 kinh tế sẽ "ấm" lên là tính nhất quán trong chính sách được tôn trọng.
Theo ANTD
Cuộc cải cách gian nan Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa lên tiếng hối thúc các thành viên nhanh chóng thông qua kế hoạch cải tổ cơ cấu bỏ phiếu và quản trị để tăng hiệu quả hoạt động của thể chế tài chính đa phương này. Ra đời ngày 1-3-1947, IMF đóng vai trò hỗ trợ tín dụng cho các nước thành viên để triển khai...