4 mẹo tiết kiệm tiền thú vị và thông minh dành cho chị em nội trợ
Dù bạn là một bà nội trợ toàn thời gian hay đang làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào, 4 mẹo dưới đây đều có thể hữu ích, giúp bạn tiết kiệm kha khá tiền bạc.
Giữ vai trò tay hòm chìa khóa trong gia đình, các bà nội trợ thường phải đối mặt với áp lực không nhỏ về việc làm sao cân đối tài chính, chi tiêu cho hợp lý. Đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sinh hoạt mà vẫn có thể tiết kiệm là một thách thức song hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể làm được và vượt qua thách thức đó.
Điều quan trọng ở đây là bạn cần đưa ra các quyết định tiền bạc một cách thông minh và biến tiết kiệm trở thành lối sống của mình, không phải tằn tiện đến mức sống khổ cực. Dưới đây là một số mẹo tiết kiệm tiền sáng tạo và thông minh giúp các chị em nội trợ biến việc tiết kiệm thành niềm vui:
1. Tổ chức “Bữa tiệc mèo con”
“Bữa tiệc mèo con” ư? Nghe đến hai chữ “bữa tiệc”, nhiều người sẽ thắc mắc vì sao bữa tiệc lại có thể giúp bạn tiết kiệm tiền khi thường thì đó chính là nơi bạn “đốt” tiền nhanh nhất. Tuy nhiên “bữa tiệc mèo con” ở đây lại mang một ý nghĩa khác.
Hãy tụ họp lại nhóm gồm 10-12 người bạn của bạn, những người hàng xóm, sống cùng chung cư… và gom tiền của mọi người vào một quỹ. Mọi người trong nhóm đó mỗi tháng sẽ bỏ cùng một số tiền vào quỹ chung và bốc thăm xem mỗi người sẽ nhận tiền vào thời điểm nào. Mỗi tháng sẽ là một cái tên và vòng chơi hoàn thành khi tất cả đều đã được xướng tên.
Ví dụ: Bạn và các chị em hàng xóm của mình thành lập thành một nhóm 12 người. Mỗi tháng, mỗi người sẽ góp vào quỹ chung 2 triệu. Như vậy, số tiền của quỹ chung mỗi tháng sẽ là 24 triệu và người bốc thăm được Tháng 1 sẽ nhận được 24 triệu đó, các tháng sau cũng làm tương tự.
Nhiều chị em sẽ đặt ra câu hỏi nghi ngờ: Vậy sao không tự mình tiết kiệm mỗi tháng 2 triệu? Sự thật là khi bạn tiết kiệm “có hội có thuyền”, bạn sẽ cảm thấy mình có động lực hơn, trách nhiệm hơn và thêm vào đó là không ít niềm vui.
Nếu như tự đặt kế hoạch tiết kiệm, tháng này bạn góp đủ 2 triệu, tháng sau vì quá thích một chiếc túi xách mà tặc lưỡi: “Thôi tiêu nốt tháng này rồi tháng sau tiết kiệm”. Bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng phá kế hoạch nếu bản thân không đủ kiên định. Hơn nữa, những buổi họp hội “mèo con” cũng là cơ hội để chị em tám chuyện vui vẻ, chia sẻ với nhau nhiều hơn về cuộc sống, về những mẹo hay gia đình.
2. Tham gia “ Thử thách 52 tuần tiết kiệm”
Đây là một phương pháp rất phổ biến và đem lại hiệu quả cao. Tất cả những gì bạn cần làm trong “thử thách 52 tuần tiết kiệm” là đảm bảo tiết kiệm mỗi tuần và tăng dần trong 52 tuần (tương đương 1 năm).
Ví dụ: Bạn bắt đầu tuần đầu tiên của thử thách với số tiền tiết kiệm là 10 nghìn đồng, số tiền đó trong tuần thứ 2 sẽ là 20 nghìn đồng, tuần 3 sẽ là 30 nghìn đồng… và ở tuần 52 số tiết bạn cần bỏ vào tiết kiệm là 520 nghìn đồng. Sau khi kết thúc thử thách, số tiền bạn có được từ quỹ tiết kiệm này là 13,78 triệu đồng – một số tiền không hề nhỏ phải không?
Bạn có thể lựa chọn gửi tiền tiết kiệm vào tài khoản hay cất vào lợn đất. Bạn cũng có thể rủ bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia thử thách để thấy có tinh thần hơn.
52 tuần là khoảng thời gian không ngắn và để có thể gắn bó với thử thách này, bạn cần có sự linh hoạt nhất định. Bạn có thể điều chỉnh thử thách để phù hợp hơn với hoàn cảnh cũng như nhu cầu của mình.
Nếu bạn thấy việc tăng dần mức tiết kiệm trong 1 năm có thể khó khăn do cuối năm thường là thời điểm phải chi tiêu mua sắm nhiều, hãy thử thay đổi thử thách này và bỏ 520 nghìn vào quỹ tiết kiệm ngay từ tuần đầu tiên, giảm xuống còn 510 nghìn đồng vào tuần thứ 2… và tuần cuối cùng bạn chỉ cần bỏ vào đó 10 nghìn đồng.
Bên cạnh đó, thay vì cứng nhắc bắt buộc phải tăng dần hoặc giảm dần số tiền tiết kiệm, bạn có thể hoán đổi mức tiết kiệm các tuần cho nhau hay đặt mức tiết kiệm các tuần bằng nhau, tăng mức chênh lệch tiết kiệm mỗi tuần… miễn sao đem lại hiệu quả tốt nhất và giúp bạn đạt được mục tiêu vào cuối thử thách.
Video đang HOT
3. “Năng nhặt chặt bị”
Nhiều người thường bỏ qua sức mạnh của những đồng tiền lẻ mà không biết rằng khi gom lại trong một khoảng thời gian đủ dài, bạn sẽ phải bất ngờ vì số tiền mình đã tiết kiệm được.
Ý tưởng được đưa ra ở đây dành cho chị em nội trợ là hãy tiết kiệm những đồng tiền lẻ của gia đình. Bạn có thể chuẩn bị một lọ thủy tinh (sẽ hào hứng hơn khi bạn nhìn thấy những gì mình có bên trong) và bỏ vào đó mỗi khi có tiền lẻ.
Đó có thể là những tờ 1 nghìn đồng, 2 nghìn đồng… còn lại sau khi đi chợ hay “mạnh tay” hơn là 20 nghìn đồng, 50 nghìn đồng. Thay vì tiêu nốt số tiền lẻ trong ví cho những thứ vốn chẳng cần thiết, giờ đây bạn hãy bỏ tất cả chúng vào lọ thủy tinh này. Hãy rủ cả gia đình cùng tham gia và chắc chắn lũ trẻ sẽ rất hào hứng với việc tiết kiệm này.
Sau 6 tháng, 9 tháng, 1 năm hay bất kỳ mốc thời gian nào do bạn chọn, cả gia đình sẽ cùng nhau kiểm lọ tiết kiệm tiền lẻ kia. Bạn sẽ bất ngờ với chính số tiền mà mình đã tiết kiệm được từ những đồng tiền vốn hay bị “đốt” vào những thứ linh tinh khác. Điều quan trọng hơn là, việc tiết kiệm tiền lẻ này sẽ không khiến cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng nhiều.
4. Tìm niềm vui từ việc nấu nướng
Ăn ngoài quán ngày càng trở nên phổ biến và dù lựa chọn của bạn là nhà hàng sang trọng hay quán cơm bình dân thì bạn đều phải chi ra số tiền nhiều hơn so với việc tự nấu ở nhà. Không những vậy, việc tự nấu nướng sẽ giúp bạn kiểm soát được nguồn thực phẩm đầu vào cũng như hạn chế được việc sử dụng quá nhiều dầu mỡ như cách chế biến ở ngoài hàng.
Điều tuyệt vời của nấu ăn chính là bạn có thể sáng tạo và sáng tạo không ngừng nghỉ. Không có giới hạn nào bắt bạn phải nấu thứ này với thứ kia. Bằng việc lên kế hoạch trước cho thực đơn tuần, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian suy nghĩ nấu món gì cũng như sử dụng các loại thực phẩm hợp lý nhất, tránh để lãng phí.
Một trong những sai lầm của việc nấu nướng tại nhà khiến chi phí thậm chí còn đắt đỏ hơn ngoài hàng chính là để lãng phí nguyên liệu. Hãy mua vừa đủ số lượng bạn cần hoặc lên kế hoạch trước cho các món ăn có nguyên liệu gần giống nhau để đảm bảo sử dụng triệt để.
Ví dụ: Cà rốt, su hào còn lại từ bữa canh sườn hầm rau củ hôm trước có thể dùng cho các món xào, nem rán của bữa sau; các loại rau như cải xanh, rau muống, su su có thể muối thành đồ chua vừa giải ngấy vừa ngon miệng mà không lãng phí; cơm rang thập cẩm có thể là món ăn giúp bạn dọn tủ, sử dụng nốt các thực phẩm còn lại.
15 mẹo cực dễ nhớ giúp bạn tiết kiệm cả đống tiền khi đi mua sắm
Các nhà sản xuất và người bán hàng luôn nghiên cứu kỹ lưỡng về hành vi của người tiêu dùng để đưa ra chiến lược kích thích khả năng mua sắm. Dưới đây là 15 mẹo nhỏ giúp bạn chống lại mọi cám dỗ và tiết kiệm được nhiều hơn khi đi mua sắm.
1. Đi giày cao gót
Theo một nghiên cứu nhỏ, việc phải tập trung vào việc giữ thăng bằng khi đi giày cao gót có thể ảnh hưởng đến số tiền bạn chi ra. Bằng cách này, người tiêu dùng sẽ có thể đánh giá lựa chọn của mình kỹ càng hơn và chọn những sản phẩm có giá tầm trung thay vì những thứ rất đắt tiền. Điều thú vị là đi mua sắm sau khi tập yoga hoặc sau khi đi thang cuốn cũng có thể tạo tác dụng tương tự.
2. Giữ tiền mới trong ví
Một nghiên cứu khác nói rằng hình thức bên ngoài của tiền cũng ảnh hưởng đến cách chi tiêu của chúng ta. Mọi người có xu hướng tiêu nhanh những tờ tiền trông cũ, bẩn và sờn rách. Hãy cố gắng giữ những tờ tiền mới trong ví và gửi phần còn lại vào tài khoản ngân hàng của bạn.
3. Trì hoãn khi có thể
Trước khi nhấp vào nút "Hoàn tất đơn đặt hàng" khi mua sắm trực tuyến, bạn có thể thử đóng trang web và để cho mình thời gian trì hoãn là vài giờ hoặc qua một đêm. Bạn có thể thậm chí chẳng nhớ nổi mình định mua gì vào tối hôm trước và điều đó chứng tỏ bạn thực sự không cần đến chúng.
Bạn cũng có thể làm vậy khi đi mua sắm, bằng cách đặt sản phẩm đó xuống, đi vài vòng và sau đó quay trở lại sau nếu thực sự cần.
4. Tránh tương tác lâu với nhân viên bán hàng
Tương tác tích cực với khách hàng là một trong những quy tắc được nhiều nhà bán lẻ luôn tuân thủ. Nhân viên bán hàng tương tác với khách hàng càng nhiều, khách hàng càng ở lại cửa hàng lâu hơn và càng có nhiều khả năng sẽ mua nhiều hơn dự định. Tốt nhất, bạn hãy cố gắng giảm các tương tác này xuống thời gian càng ngắn càng tốt hoặc hoàn toàn không tương tác.
5. Thanh toán bằng tiền mặt
Thanh toán không tiền mặt ngày càng trở nên thuận tiện và phổ biến hơn song điều này cũng khiến bạn khó kiểm soát những đồng tiền chi ra hơn. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng người tiêu dùng có khả năng chi tiêu nhiều tiền hơn khi thanh toán bằng thẻ ghi nợ so với thanh toán bằng tiền mặt. Thanh toán bằng thẻ khiến bạn khó theo dõi chi tiêu hơn.
6. Không lưu trữ thông tin thanh toán
Khi mua sắm trực tuyến, bạn hãy từ bỏ việc ghi nhớ thông tin thanh toán trên ứng dụng hay trang web đó. Với việc thông tin thanh toán đã được lưu trữ, bạn có thể mua hàng nhanh chóng chỉ bằng vài lần nhấp chuột và điều đó kích thích bạn mua sắm nhiều hơn mức cần thiết. Việc phải nhập từng thông tin vào phần thanh toán sẽ hạn chế hơn được việc chi tiêu.
7. Đọc nhận xét về các mặt hàng đắt tiền
Mua những thứ đắt tiền một cách bốc đồng và sau đó hối tiếc khi về nhà là một trải nghiệm không hề thú vị. Để tránh rơi vào tình trạng này, bạn có thể nhanh chóng lên mạng và xem mọi người bình luận gì về thứ mà bạn đang muốn mua. Có thể bạn sẽ nhận ra rằng sản phẩm đó không hề hữu ích như quảng cáo và rất nhiều khách hàng đã phàn nàn sau một thời gian sử dụng.
8. Ngậm kẹo bạc hà trước khi bước vào cửa hàng
Các nhà bán lẻ sử dụng một chiến lược đặc biệt gọi là "tiếp thị bằng mùi hương" để làm cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên dễ chịu hơn. Họ sử dụng các mùi hương như cam bergamot, vani, bạch trà hoặc tre để kích thích bạn chi tiêu nhiều tiền hơn. Trong trường hợp này, bạn có thể nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo có vị bạc hà để lấn át những mùi thơm xung quanh bạn và không chi tiêu nhiều hơn cần thiết.
9. Đeo tai nghe
Một mẹo khác mà các siêu thị thường dùng để khiến bạn chi nhiều tiền hơn chính là bật các bài hát với âm thanh dễ chịu. Điều này đã được nghiên cứu trong một thời gian dài và được chứng minh rằng nhịp độ và thể loại của âm nhạc có ảnh hưởng đến cách chúng ta đưa ra quyết định mua hàng.
Để không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này, bạn có thể đeo tai nghe trong khi đi mua sắm.
10. Tránh chạm vào sản phẩm quá nhiều
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu khách hàng được phép nhìn và chạm vào các hàng hóa khác nhau trong cửa hàng, họ có nhiều khả năng sẽ trả nhiều tiền hơn. Việc chạm vào sản phẩm thực sự ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của chúng ta và người bán biết cách biến điều này thành lợi thế.
Lời khuyên được đưa ra ở đây là khi mua sắm, hãy cố gắng chỉ chạm vào những mặt hàng mà bạn thực sự định mua.
11. Không sử dụng giỏ hoặc xe đẩy khi mua hàng tạp hóa.
Một số cửa hàng thậm chí sẽ thay đổi kích thước giỏ hàng của họ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, sử dụng kích thước giỏ hàng lớn hơn có thể khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều tiền hơn.
Cách tốt nhất để tiết kiệm tiền là sử dụng giỏ nhỏ hoặc tốt hơn là không sử dụng xe hàng hay giỏ và chỉ mua những sản phẩm có trong danh sách mà bạn đã lên trước.
12. Tránh mua sắm vào thời gian cao điểm
Khi người mua sắm ở một cửa hàng đông đúc, chúng ta dễ cảm thấy mất kiểm soát và điều đó có thể dẫn đến việc chi tiêu nhiều tiền hơn mức bình thường.
Ngoài ra, rất nhiều người khi đi mua sắm cùng bạn bè bị tâm lý mua cho bằng bạn bằng bè. Lời khuyên được đưa ra ở đây là hãy cố gắng mua những thứ bạn cần trong thời điểm các trung tâm thương mại vắng khách và tốt nhất là cố gắng làm điều đó một mình.
13. Không ăn đồ thử miễn phí
Ở các siêu thị, tại các quầy đồ ăn thường có nhân viên chế biến tại chỗ và mời bạn ăn thử đồ miễn phí. Điều này nhằm kích hoạt cảm giác "có qua có lại" của bạn. Khi bạn nếm thấy một món nào đó ổn, bạn có thể cảm thấy rằng bạn muốn trả lại thứ gì đó cho nơi mà chúng ta đã nhận. Bên cạnh đó, việc thưởng thức đồ ăn miễn phí cũng kích thích sự thèm ăn của bạn và khiến bạn mua nhiều hơn cần thiết.
14. Luôn kiểm tra bao bì mới
Các công ty thông thường sau một thời gian nhất định sẽ thay đổi thiết kế bao bì trông bắt mắt hơn. Tuy nhiên điều này có thể khiến bạn không nhận ra rằng khối lượng của sản phẩm có thể đã thay đổi.
Hãy nhớ luôn kiểm tra khối lượng trên bao bì để đảm bảo không trả thêm tiền chỉ vì có bao bì mới.
15. Xem lại tủ quần áo của bạn trước khi đi mua sắm
Trước khi đi mua sắm quần áo, tốt nhất bạn nên kiểm tra lại một lượt tủ quần áo của mình để chắc chắn mình chưa có thứ đồ nào tương tự với sản phẩm chuẩn bị mua. Đôi khi có những chiếc áo hay váy bạn đã mua từ lâu nhưng lại quên bẵng đi mất. Bằng cách này, bạn sẽ biết được mình đang có thứ gì, tránh tốn tiền vào những thứ tương tự đồ đã có.
9 lời khuyên tiền bạc đắt giá giúp chị em độc thân ngày càng giàu có Nhiều người nói rằng phụ nữ không hơn nhau ở tấm chồng mà hơn nhau ở tài khoản ngân hàng. Càng bắt đầu tiết kiệm sớm, bạn sẽ càng có được lợi thế. Dưới đây là những lời khuyên tiền bạc hữu ích giúp bạn tiết kiệm bất chấp thu nhập. Sống đạm bạc là điều không dễ dàng khi bạn phải hạn...