4 lý do dễ hủy hoại mái tóc các nàng U30
Mãi lo “ngăn chặn” làn da bị lão hóa, các chị em U30 thường bỏ quên mái tóc cũng đang bắt đầu “xuống cấp”. Những thay đổi lớn trong cuộc sống khiến tóc bị hư tổn và rụng nhiều hơn trước.
Làm mẹ
Cột mốt 30 là thời kỳ bắt đầu cho những năm tháng mang thai và sinh sản. Nhận tin vui làm mẹ, việc áp dụng chế độ ăn uống nghiêm ngặt của bà bầu sẽ giúp lượng estrogen tăng cao và tóc phát triển nhanh và dày hơn trong suốt thời gian thai kỳ.
Trung bình mỗi người có khoảng 100.000 sợi tóc trên đầu và rụng trên dưới 100 sợi/ngày. Nhưng khoảng 6 tháng sau khi sinh, lượng estrogen giảm xuống thấp khiến tóc phát triển chậm và bị rụng dày đặc hàng trăm sợi mỗi ngày. Trong giai đoạn này, sự lưu thông máu trên da đầu cũng giảm, khiến tóc ít được nuôi dưỡng nên dễ yếu và rụng. Tuy vậy bạn có thể thực hiện vài sự thay đổi đơn giản để cải thiện tình trạng này:
* Hạn chế sử dụng gel tạo kiểu, keo xịt tóc, mousse… sự tích tụ các sản phẩm này có thể khiến tóc bạn nặng nề và làm khô tóc.
Video đang HOT
* Khi gội nhớ massage da đầu nhẹ nhàng trong khoảng 5 phút để kích thích sự lưu thông của các mạch máu.
Thiếu dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng tốt góp phần cải thiện tình trang sức khỏe của mái tóc. Trong giai đoạn mới sinh em bé, các bà mẹ thường chú tâm vào việc chăm sóc bé mà quên mất bản thân mình cũng cần được tẩm bổ để phục hồi sức khỏe. Cần nhớ rằng trong quá trình sinh nở và hậu sản, sản phụ thường mất nhiều máu dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu hụt chất sắt. Thiếu dinh dưỡng bổ sung sẽ khiến tóc yếu và rụng. Ngoài ra, phụ nữ đang cho con bú còn cần bổ sung các dưỡng chất như đạm, kẽm, canxi và các vitamin A, B, C, E, H nhiều hơn người bình thường… Cố nạp các dưỡng chất này từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu, rau xanh và trái cây, các chất dinh dưỡng này sẽ theo máu đến nuôi tóc.
Lưu ý, việc bổ sung dinh dưỡng phải thường xuyên mới đạt hiệu qủa như mong muốn.
Stress
Khi bước vào tuổi 30, nhiều chị em thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng do bận rộn với cuộc sống gia đình và chuẩn bị cho những bước thăng tiến trong nghề nghiệp. Hơn thế nữa, giai đoạn sau khi sinh, phụ nữ dễ bị trầm cảm cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc.
Thông thường, hơn 80% tóc đang trong giai đoạn phát triển và gần 20% ở tình trạng nghỉ và chờ rụng. Nhưng stress có thể làm giảm số lượng tóc đang phát triển xuống chỉ còn khoảng 60%.
Để giảm stress, bạn có thể đăng ký một lớp học Yoga, tham gia các hội “các bà mẹ” hoặc làm bất kỳ thứ gì bạn cảm thấy thư giãn nhất, như đi spa, xông hơi, massage hàng tuần hoặc đọc một cuốn sách hay…. Bớt áp lực cuộc sống đồng nghĩa với việc cơ thể và tinh thần khỏe mạnh, tóc sẽ phát triển tốt hơn.
Bỏ quên chế độ chăm sóc tóc
Tốc độ phát triển của tóc chậm lại sau tuổi 30, tóc bị xỉn màu và giảm số lượng khi ta già đi. Bạn đã qua cái thời có thể thử nghiệm với mọi kiểu tóc mới, cũng không thể thích ứng với tất cả các phương pháp làm đẹp hay tùy tiện sử dụng các sản phẩm dành cho tóc. Bên cạnh đó, phụ nữ vừa sinh con, tóc rất yếu và dễ rụng vì thế đừng tạo thêm “gánh nặng” cho tóc bằng việc nhuộm, uốn hay duỗi.
Nếu bạn thích một mái tóc dài, xoăn bồng bềnh thật sexy thì hãy chắc rằng bạn sẽ có đủ thời gian để chăm sóc chúng. Thiếu chế độ chăm sóc dễ khiến tóc trông xơ xác thảm hại hơn.
Nếu quá bận rộn với công việc và gia đình, đừng ngại thử nghiệm với kiểu tóc ngắn và các kiểu tóc đơn giản, đẹp mà không mất nhiều thời gian chăm sóc.
Hãy tỉnh táo khi “đối xử” với mái tóc và cẩn thận chọn lựa những sản phẩm chăm sóc và tạo kiểu cho tóc của các nhãn hàng có uy tín nhé!
Theo phunutoday