4 cuộc chiến giữa The Voice và Vietnam Idol
Hãy cùng đưa 2 cuộc thi âm nhạc được yêu thích nhất năm nay lên bàn cân.
“Cuộc chiến” Format chương trình.
Cả The Voice và Viet Nam Idol đều là 2 thương hiệu lớn mang tầm quốc tế được đưa vào Việt Nam với đầy đủ các yếu tố: thú vị, hoành tráng, chuyên nghiệp và làm bật dậy yếu tố tài năng của các thí sinh. Nhìn trên tổng thể, thì hai chương trình này đều hướng đến việc tìm kiếm những giọng hát chất lượng, đề cao tính chuyên môn nhưng không xa rời khán giả.
Với bề dầy chinh chiến của mình, dù cơn sốt Idol đã tạm lắng xuống ngay cả tại Mỹ, thế nhưng dư âm từ thời hoàng kim vẫn đủ sức giúp đế chế này tiếp tục thống trị ở vị trí đầu bảng về tỷ suất người xem đài, hay có nhiều hợp đồng quảng cáo với giá đắt đỏ nhất. Trong khi đó, tân binh The Voice lại khiến nhiều người ấn tượng vì những yếu tố mới mẻ, có thể giúp mô tuýp thi hát xưa cũ trở nên hấp dẫn, thú vị hơn, cùng khả năng chạy nước rút đáng nể.
Video đang HOT
Đặt format của hai chương trình này lên cùng bàn cân sẽ thấy những khác biệt trái ngược nhau rõ nét. Nếu Vietnam Idol chọn cách mở màn bằng hàng loạt buổi ghi hình vòng loại tại các khán phòng bé nhỏ, chủ yếu khai thác đối tượng thí sinh vừa độc, vừa lạ, chọc cười khán giả thì The Voice lại chứng tỏ độ bài bản, hoành tráng ngay từ đầu. Theo dõi Vietnam Idol khán giả được dẫn dắt từ “Zero đến với Hero” đúng nghĩa khi ở những tập đầu, màn hình TV tràn ngập dạng thí sinh ngô nghê, quái lạ, thậm chí nhiều người còn không có khái niệm cơ bản về âm nhạc, thế nhưng chính họ lại là phần thú vị lớn nhất cho tiết mục chào sân của Vietnam Idol, và cứ như thế chương trình dần chuyển mình, dẫn dắt khán giả đến với các tài năng đích thực như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Phương Vy, Thảo Trang… Trong khi đó, The Voice lại không hề muốn khoe ra quá trình thu thập thí sinh ở các vòng loại, mà đưa thẳng khán giả vào phần thi Giấu mặt. Với đặc điểm của chiếc ghế xoay, chương trình thể hiện mạnh mẽ thông điệp: Hãy chỉ tập trung vào giọng hát (the voice), đừng xao nhãng bởi bất kỳ yếu tố nào khác.
Sự đối nghịch trên của hai chương trình có thể giúp khán giả được phân chia tách bạch rõ ràng theo hai dạng: ai thích vui vẻ hài hước thì xem Idol, ai thích thưởng thức ca hát thì chọn The Voice. Với tiêu chí như vậy, Viet Nam Idol dễ dàng thu hút được cả lượng khán giả chỉ thích xem hài xả stress, họ có thể theo dõi ngay từ đầu cho đến khi yếu tố ca hát dần dần được lấp đầy. Trong khi đó The Voice lại tập trung vào lượng người nghe đề cao những giọng hát hay, ấn tượng, với format này, chương trình nhanh chóng xác định được những fan trung thành, có thể bám sát The Voice từ đầu cho đến cuối.
Một đặc điểm thú vị khác là màu sắc chủ đạo của hai chương trình này cũng thật sự đối lập nhau rất quyết liệt khi một bên đỏ bừng bừng như lửa, trong khi đối thủ còn lại thì xanh xanh màu nước như muốn dập tắt đối phương. Liệu sự thâm niên của Vietnam Idol và nét mới mẻ của The Voice có tạo nên một trận so găng hoành tránh trên truyền hình? Đó là điều thú vị mà khán giả đang nóng lòng chờ đón ở những tháng sắp tới.
“Cuộc chiến” giám khảo
Tuy chẳng ai thù ghét, đấu đá gì ai ngoài đời, thế nhưng sự xuất hiện của 2 bộ sậu giám khảo, đặc biệt là Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm đã cho thấy cả The Voice và Viet Nam Idol đều ra sức dùng những tên tuổi lớn để kéo khán giả về với chương trình. Không bàn đến thực lực làm việc của họ vì tất cả còn đang trong giai đoạn khởi đầu, nếu chỉ xét riêng trên quyền hạn, và những gì giám khảo có thể đóng góp theo format của chương trình thì có vẻ như The Voice đang thắng thế.
Với cuộc thi này, 4 vị huấn luyện viên tạo ra phần không khí khá mới mẻ, thu hút người xem khi thể hiện những nhận định cá nhân đi thẳng vào trọng tâm, đặc biệt là phần cạnh tranh trực tiếp với nhau để giành quyền lựa chọn các thí sinh tài năng, điều này tỏ ra thú vị hơn nhiều so với việc chỉ nhận xét đơn thuần như giám khảo Viet Nam Idol. Bên cạnh đó, khán giả sẽ còn được xem quá trình lăng xả, trực tiếp mài dũa thí sinh của từng huấn luyện viên The Voice, điều chưa từng diễn ra trong các cuộc thi hát trước đây tại Việt Nam. Ngoài ra sự xuất hiện của cả 4 ca sĩ trên ghế huấn luyện viên The Voice cũng hứa hẹn sẽ mang đến các tiết mục trình diễn chiêu đãi no mắt hơn, so với chỉ có một mình Mỹ Tâm bám trụ với vai trò người có thể hát tại Viet Nam Idol.
Scandal
Tuy chưa biết điều gì sẽ xảy ra, thế nhưng theo truyền thống vài năm trở lại đây thì tai nạn scandal đã trở thành vấn đề “tất, lẽ, dĩ, ngẫu” tại các chương trình lớn của nhà đài. Ngoài các yếu tố hút khách thuần túy, thì rõ ràng scandal cũng là một sự kiện hot mang về lượng view khổng lồ mà bất kỳ BTC nào cũng đều muốn có. Đây vẫn là một ẩn số bí ẩn, vì các scandal luôn tạo ra yếu tố bất ngờ, khó kiểm soát ở mỗi chương trình, mà lần nào cũng độc đáo, mới lại, đủ sức thiêu rụi truyền thông.
Nhiều khán giả đã không loại trừ những nghi án chương trình cố tình dàn dựng scandal, thế nhưng trong thực tế, dù BTC và nhà đài có muốn tránh lùm xùm hay không thì những sự cố nhạy cảm phát sinh trong quá trình làm việc, va chạm nhau giữa hàng trăm con người cũng là điều khó tránh khỏi. Scandal có thể mang về sự chú ý tức thì cho bất kỳ sản phẩm nào, thế nhưng các chương trình cũng có thể bị ảnh hưởng lớn về uy tín thương hiệu nếu không biết cách thu xếp khôn ngoan. Liệu năm nay The Voice hay Vietnam Idol sẽ ghi điểm ở khâu giải quyết bài toán scandal? Đó cũng sẽ là một ẩn số đầy thú vị.
“Cuộc chiến” thí sinh
Then chốt cuối cùng của cả hai chương trình vẫn là thành công của ngôi vị quán quân, liệu ai sẽ lấy lòng khán giả được nhiều hơn? Điều này chỉ có thể biết sau khi cả The Voice và Viet Nam Idol kết thúc. Trước mắt dàn thí sinh tham dự The Voice đã bước đầu chứng tỏ được khả năng đáng nể của mình trên sân khấu, trong khi các đồng môn Viet Nam Idol vẫn chỉ mới ở giai đoạn gây cười trên truyền hình. Theo nhận định bước đầu của người xem, có vẻ The Voice sẽ nổi trội hơn ở các phần hát Anh ngữ, tuy nhiên tên gọi chính thức của chương trình vẫn là Giọng Hát Việt, thế nên khi so kè bằng tiếng mẹ đẻ thì khán giả cũng khó nói trước được điều gì, vì truyền thống của Viet nam Idol cũng toàn nhân tài hát ra lửa.
Dù cuộc thi nào có thắng thế vào phút cuối thì xét cho cùng, cả hai đều là những lò luyện đáng quý giúp thị trường khai phá ra nhiều giọng hát hay. Người ta không còn phải nơm nớp lo sợ chuyện các cuộc thi không còn đủ nhân tài đăng ký tham dự, vấn đề chỉ là thương hiệu chương trình có đủ sức hút kêu gọi tài năng hay không. Đây là tín hiệu đáng mừng khi showbiz Việt ngày càng trân trọng tiếng hát Live.
Trung Kiên
Theo VNN