4 cách giúp Trump chống lại các thẩm phán, bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh
4 cách giúp Trump chống lại các thẩm phán, bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh
Các luật sư của Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều phương án khác nhau để tiếp tục cuộc chiến pháp lý bảo vệ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh.
Ba thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 ngày 9/2 ban hành bản ý kiến, bác bỏ kiến nghị khẩn của Bộ Tư pháp yêu cầu khôi phục sắc lệnh hạn chế nhập cảnh do Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành. Đây được coi là thất bại ban đầu của chính quyền Trump trong cuộc chiến pháp lý đầu tiên với hệ thống tư pháp Mỹ, theo Huffington Post.
Tuy nhiên, Ben Feuer, chủ tịch Nhóm Luật Phúc thẩm California ở San Francisco, cho rằng đây chưa phải là cái kết cho cuộc chiến bảo vệ một trong những sắc lệnh hành pháp quan trọng nhất của ông Trump, theo Mercury News. Các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ có 4 hướng đi để tiếp tục chống lại đơn kiện của bang Washington và Minnesota đòi hủy bỏ vĩnh viễn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Trump.
Trở lại tòa sơ thẩm ở Seattle
Ba thẩm phán Tòa Khu vực 9 bác bỏ đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp Mỹ. Ảnh: FoxNews
Sau khi ra bản ý kiến về vụ việc, ba thẩm phán Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 có thể trả hồ sơ về Tòa Sơ thẩm Liên bang Tây Washington ở Seattle để thẩm phán James Robart tiếp tục xét xử. Thẩm phán Robart là người đã ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh của ông Trump. Bộ Tư pháp Mỹ khiếu nại phán quyết này lên tòa phúc thẩm nhưng thất bại.
Tại tòa sơ thẩm, thẩm phán Robart nhiều khả năng sẽ ra phán quyết bất lợi cho chính quyền của Trump trong vụ kiện. Nhà Trắng chắc chắn sẽ không chấp nhận phán quyết này và tiếp tục kháng án lên Tòa Khu vực 9, sau đó về lý thuyết sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Kháng nghị ý kiến của Tòa Khu vực 9
Video đang HOT
Trong kịch bản thứ hai, chính quyền Trump có thể nộp đơn yêu cầu ba thẩm phán Tòa Khu vực 9 xem xét lại bản ý kiến mà họ đưa ra, với lý do như phán quyết của họ đã bỏ qua một tình tiết quan trọng và họ cần phải tổ chức tranh luận lại cũng như tái xem xét quyết định của mình.
Tuy nhiên, Feuer cho rằng khả năng kịch bản này xảy ra là không cao, bởi ba thẩm phán Tòa Khu vực 9 cho biết họ đã xem xét kỹ những dữ liệu được các bên đưa ra trong vụ kiện, nên khó có khả năng họ bỏ sót bất cứ luận điểm quan trọng nào.
Kháng cáo lên toàn thể Tòa Khu vực 9
Theo quy tình tố tụng dân sự của Mỹ, Bộ Tư pháp có thể khiếu nại quyết định của ba thẩm phán Tòa Khu vực 9 lên toàn thể các thẩm phán của tòa phúc thẩm này, gồm 29 thẩm phán thường trực và 14 thẩm phán cấp cao.
Sau khi nhận bản khiếu nại tái điều trần toàn thể, 11 trên 29 thẩm phán thường trực của Tòa Khu vực 9 sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để tham gia phiên tranh luận lại giữa các bên. Trong ban thẩm phán 11 người này có thể có hoặc không các thẩm phán đã ra phán quyết trước đó.
Nếu Bộ Tư pháp Mỹ lựa chọn phương án này, một trong 29 thẩm phán của Tòa Khu vực 9 sẽ phải chính thức nộp yêu cầu để toàn thể tòa án biểu quyết xem có tổ chức tranh luận lại hay không. Các thẩm phán sẽ gửi cho nhau các bản ghi nhớ để trao đổi về vụ việc trước khi ra quyết định cuối cùng.
Feuer cho rằng quá trình này khá phức tạp, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra và tòa phúc thẩm sẽ phải đẩy nhanh tiến độ bởi bản chấp căng thẳng của vụ kiện. Tuy nhiên, phương án này sẽ mất khá nhiều thời gian, nên Feuer cho rằng bên bị sẽ không tìm cách yêu cầu tổ chức phiên tranh luận toàn thể.
Đưa vụ việc tới Tòa án Tối cao
Đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất, bởi Tòa án Tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất có tiếng nói quyết định cuối cùng mà các tòa án khác trên toàn quốc phải tuân thủ.
Feuer cho rằng nếu đưa vụ việc ra Tòa án Tối cao, các luật sư của Trump nhiều khả năng sẽ yêu cầu tòa này ban hành lệnh đình chỉ phán quyết có giá trị trên toàn quốc của thẩm phán Robart để khôi phục sắc lệnh của Trump.
Nếu vụ việc được kháng cáo lên Tòa án Tối cao, thẩm phán Anthony Kennedy sẽ là người thụ lý hồ sơ. Ông Kennedy sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: Ông có thể quyết định tự mình xét xử vụ kiện hoặc đưa vụ việc ra trước toàn thể 8 thẩm phán của Tòa án Tối cao để nghe tranh luận từ cả hai bên.
Trong một vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận nước Mỹ và thế giới như thế này, thẩm phán Kennedy nhiều khả năng sẽ đưa vụ kiện ra trước toàn thể Tòa án Tối cao. 8 thẩm phán sẽ xem xét vụ kiện theo một lịch trình hết sức gấp gáp và có thể sẽ ra một lệnh nào đó mà không cần nghe bất cứ cuộc tranh luận trực tiếp nào.
Mô hình tam quyền phân lập trong chính quyền liên bang Mỹ
Feuer thừa nhận rằng sẽ rất khó dự đoán được các thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ ra quyết định như thế nào đối với vụ việc này. Họ có thể đưa ra phán quyết trong vài ngày, nhưng quá trình này cũng có thể kéo dài tới hai tuần.
Phán quyết của Tòa án Tối cao có thể theo nhiều hướng khác nhau: bảo lưu hay bác bỏ quyết định tạm đình chỉ sắc lệnh của thẩm phán Robart hoặc đình chỉ một phần chứ không phải toàn bộ quyết định này. Họ cũng có thể trả hồ sơ vụ việc về cho thẩm phán Robart để tiếp tục nghe các bên tranh luận, điều mà thẩm phán này mong muốn khi ra phán quyết.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao hiện chỉ có 8 thẩm phán, nên khả năng xảy ra tỷ lệ biểu quyết 4-4 là rất cao. Trong trường hợp này, theo chính sách của Tòa, phán quyết của Tòa Khu vực 9 sẽ được bảo lưu và vụ kiện được gửi về Seattle để xét xử, trong khi lệnh tạm đình chỉ sắc lệnh hành pháp của Trump vẫn có hiệu lực.
Theo Trí Dũng (Vnexpress)
Trump giận dữ tuyên chiến với các thẩm phán: "Gặp nhau ở tòa nhé!"
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua Twitter giận dữ gửi lời tuyên chiến đến các thẩm phán đã từ chối khôi phục lệnh cấm nhập cảnh của ông: "Gặp nhau ở tòa nhé, an ninh quốc gia của chúng ta đang bị đe dọa!".
Lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây tranh cãi và khiến nước Mỹ chia rẽ.
Sau khi nhậm chức Tổng thống vào tháng trước, ông Trump đã ngay lập tức ký sắc lệnh gây tranh cãi cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Một tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ ở San Francisco ngày 9.2 đã từ chối yêu cầu khôi phục lệnh cấm trên của chính quyền Trump, ra phán quyết bảo vệ quyết định đình chỉ lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.
Phán quyết trên do 3 thẩm phán Mỹ đưa ra có nghĩa là, những người di cư từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen có thể tiếp tục tới Mỹ nếu họ có thị thực hoặc thẻ xanh hợp lệ, bất chấp sắc lệnh của Tổng thống Trump.
Đáp lại phán quyết, ông Trump giận dữ viết trên Twitter rằng: "Gặp nhau ở tòa nhé, an ninh quốc gia của chúng ta đang bị đe dọa".
Theo đó, cuộc chiến liên quan đến lệnh cấm nhập cảnh của nước Mỹ có thể diễn ra ở Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Đây sẽ là nơi đưa ra phán quyết cuối cùng cho vụ việc.
Các thẩm phán Mỹ dường như không tin rằng, chính quyền Trump sẽ giành được chiến thắng nếu họ tiếp tục khiếu nại lên Tòa án Tối cao.
Theo các thẩm phán, chính phủ đã không "đưa ra được bằng chứng" chứng minh rằng công dân đến từ 7 quốc gia bị cấm nhập cảnh vào Mỹ đã gây ra một cuộc tấn công trên đất Mỹ và nhấn mạnh rằng, họ không hiểu tại sao lệnh cấm lại phải được thực thi ngay lập tức.
Tòa án phúc thẩm liên bang tuyên bố rằng, họ sẽ xem xét xem liệu sắc lệnh của chính phủ có bị thúc đẩy bởi tình cảm phân biệt đối xử hay không.
Đáp lại, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố, họ đang "xem xét lựa chọn riêng".
Bộ này khẳng định, Tổng thống Mỹ có quyền hạn chế nhập cảnh theo Hiến pháp Mỹ và toàn án không có thẩm quyền để chặn các biện pháp chống chủ nghĩa khủng bố. Bộ này cũng tuyên bố chắc thắng trong vụ kiện.
Theo Danviet
Học giả Mỹ: Trump có thể thua nếu đưa ngay vụ kiện nhập cảnh lên tòa tối cao Học giả Mỹ cho rằng sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bị chấm dứt hoàn toàn nếu ông cố đưa vụ việc lên tòa án tối cao ngay lập tức. Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP "Nếu ông Trump bây giờ đưa lệnh hạn chế nhập cảnh lên tòa án tối cao Mỹ, ông...