3.200 nhân viên y tế lây nhiễm Covid-19 khi làm nhiệm vụ, 6 người tử vong
Lực lượng lao động y tế phải gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ, mỗi người làm gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày.
Đã có rất nhiều mất mát, hy sinh nơi tuyến đầu.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 3.200 cán bộ y tế bị lây nhiễm, 6 cán bộ tử vong trong khi đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.
Bà Bình cho biết, trong đợt dịch thứ tư, số ca mắc và ca tử vong, nhất ca bệnh nặng tăng hàng chục lần so với các đợt dịch trước. Điều này vượt quá khả năng của y tế địa phương. Bộ Y tế do đó phải điều động trên 20.000 cán bộ y tế từ khắp nơi trên cả nước chi viện cho tâm dịch là các tỉnh thành phía Nam.
Ngoài làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế còn đảm nhiệm thêm khối lượng công việc khổng lồ để tiêm chủng được 60 triệu mũi vắc xin và thực hiện hàng chục triệu lượt xét nghiệm.
“Lực lượng lao động y tế phải gánh vác một khối lượng công việc rất lớn, mỗi người làm gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày vốn đã rất áp lực”, PGS Bình nói.
Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 6 TP.HCM trao đổi khi theo dõi một ca Covid-19 ở phòng cấp cứu – Ảnh: Phong Anh
Một khó khăn lớn với 20.000 cán bô y tế tăng cường ở phía Nam là sự khác biệt trong ăn uống sinh hoạt, điều kiện làm việc, sự thiếu thốn phương tiện bảo hộ và trang thiết bị y tế giai đoạn đầu.
Về tinh thần, thời gian cán bộ y tế phải xa cách gia đình lâu, có 20 cán bộ bố mẹ mất cũng không thể về đưa tang. Nhiều cán bộ có con cái ốm đau không thể về chăm sóc; nhiều hoàn cảnh đi chống dịch nhưng gia đình đặc biệt khó khăn, nhiều y bác sĩ phải điều trị bệnh nền trong quá trình chống dịch.
Áp lực công việc, áp lực tinh thần lớn, nhưng thu nhập lại giảm sút do hầu hết các bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ, không có nguồn thu vì người bệnh đến khám và điều trị giảm.
Video đang HOT
PGS Bình thông tin, Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề xuất Tổng liên đoàn và Bộ Y tế quan tâm đề xuất Chính phủ phong liệt sĩ cho cán bộ y tế hy sinh khi làm nhiệm vụ chống dịch.
Đồng thời, đề xuất và được Tổng Liên đoàn cho phép: triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ cán bộ y tế đi tăng cường gói dinh dưỡng 1 triệu đồng/ cán bộ/đợt; gói 2 triệu đồng cho cán bộ y tế đi tăng cường theo Quyết định của Bộ Y tế.
Tổng chi tới nay khoảng 20 tỷ đồng, gồm: Gói hỗ trợ dinh dưỡng 11,28 tỷ đồng; Gói hỗ trợ mức 2 triệu là 5,350 tỷ đồng; Gói hỗ trợ 3 tại chỗ 1,569 tỷ đồng; Hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Quyết định 3022 là 1,1 tỷ đồng.
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho nhân viên y tế với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng; đã khen thưởng 100 tập thể 730 cá nhân ngành y tế trong 4 đợt dịch và sẽ tiếp tục khen thưởng các đoàn tăng cường sau khi trở về. Tổng kinh phí khen thưởng khoảng 1,1 tỷ đồng, hầu hết từ nguồn xã hội hóa.
Trong bài tham luận tại Chính phủ mới đây, PGS.TS Phạm Thanh Bình kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ chi phụ cấp phòng chống dịch Nghị quyết 16/NQ-CP năm 2021 cho cán bộ y tế (tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Ninh Bình, Lai Châu….) tham gia chống dịch.
Bên cạnh đó, sớm xem xét đề xuất của Bộ Y tế để ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế chính sách trong phòng chống dich Covid-19, trong đó nâng phụ cấp tiêm chủng gấp 2 lần, điều chỉnh phụ cấp cho cán bộ y tế đối với địa bàn có số ca vượt khả năng đáp ứng của địa phương. Đề nghị Chính phủ cho phép cán bộ y tế hưởng phụ cấp chênh lệch giữa mức phụ cấp lưu trú theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC và mức tiền ăn đối với các địa phương chưa bố trí chưa đủ 200,000đ/ngày.
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ngành y tế, giảm lãi xuất vay ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với ngành sản xuát dược phẩm trong thời gian có dịch và sau dịch. Miễn giảm thuế nhập khẩu về 0% với tất cả máy móc, vật tư, nguyên phụ liệu cho sản xuất dược phẩm ngay từ 1/12/2021.
Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương xem xét đề xuất phong liệt sĩ cho cán bộ y tế hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chống dịch.
Nhân viên y tế chống dịch thu nhập vài triệu đồng một tháng
Một nữ nhân viên y tế hai năm qua do Covid-19 bệnh viện hoạt động kém, lương giảm, nhiều khoản bị cắt, thu nhập của chị chỉ 4-5 triệu đồng một tháng. Nay dịch bùng phát, việc nhiều hơn song phụ cấp giảm 1/3.
Nữ nhân viên này, 32 tuổi, làm việc tại một trạm y tế, tham gia chống dịch từ khi Covid-19 bùng phát tại TP HCM. Chị chia sẻ "chịu nhiều áp lực trong những tháng chống dịch vừa qua của thành phố".
"Nhiều người không hiểu, thấy dịch bùng phát, công việc nhiều, nghĩ nhân viên y tế được tăng lương, nhưng thực ra chúng tôi không làm vì lương", chị nói. Ngoài chuyện các khoản thu nhập bị cắt, lương giảm như trên, riêng phụ cấp, nếu trước đây "một tháng chị nhận 800.000 đồng, giờ 3 tháng mới được 800.000".
Với mức lương trên, bản thân chị không quá khổ hay khó khăn vì còn kinh tế hỗ trợ từ gia đình. "Song, với nhiều người khác thì thật sự khó khăn", chị nói. "Mình đến các khu trọ, nhìn những F0 nhiễm bệnh, khó khăn thiếu thốn, nhưng họ cũng vô tư lắm, thấy rất tội, nên bản thân thấy mình vẫn còn may mắn và cố gắng hỗ trợ người dân trong khả năng của mình".
Không chỉ thu nhập giảm, nhân viên y tế tại trạm y tế còn chịu áp lực vì khối lượng công việc nhiều. Lượng người dân tại một phường cần theo dõi rất đông, số lượng nhân viên y tế tại trạm thì rất ít, nên công việc của những người như chị quay cuồng, từ tiêm chủng vaccine, đến cách ly F1 tại nhà, theo dõi F0, phát thuốc, khám bệnh, cấp cứu tại nhà, cấp cứu lưu động, chuyển bệnh nhân, số điện thoại hotline reo liên tục...
Bên cạnh áp lực công việc, nhiều nhân viên y tế cũng gặp áp lực từ người dân. Dịch bệnh bùng phát, y tế thiếu thốn, nhiều người không hiểu và cảm thông, nhiều người nóng nảy, la hét nhân viên y tế... Trong khi đó, để có thời gian đi làm, chị phải gửi hai con cho hàng xóm trông giúp.
Chia sẻ với VnExpress , một cán bộ y tế công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thông thường, nguồn thu của bệnh viện nằm ở các hoạt động khám chữa bệnh và hoạt động dịch vụ của bệnh viện. Tuy nhiên từ khi Covid-19 xuất hiện, bệnh viện đóng cửa với bệnh nhân khác để tiếp nhận điều trị điều trị bệnh nhân Covid-19, nên gần như không còn nguồn thu. Cán bộ nhân viên hưởng lương cơ bản theo chế độ nhà nước cộng với tiền trợ cấp tham gia chống dịch.
Theo chế độ, y bác sĩ trong thời gian tham gia chống dịch được trợ cấp 300.000 đồng một ngày. Các y bác sĩ sẽ làm việc luân phiên. Ví dụ, một người tham gia điều trị 14 ngày, nhận trợ cấp đủ 14 ngày, sau đó được luân chuyển ra cách ly tại bệnh viện 14 ngày, rồi về nhà nghỉ 7 ngày. Như vậy, 21 ngày không tham gia chống dịch, y bác sĩ sẽ không được hưởng trợ cấp gì.
"Nói chung, nhân viên y tế tham gia chống dịch tại bệnh viện nhiều tháng nay thu nhập giảm, nhiều người chỉ vài triệu đồng", người này cho hay.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bắt đầu tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 từ đầu năm 2020. Theo người này, gần hai năm chống dịch, lượng công việc vất vả, song các bác sĩ tại đây đã cảm thấy quen khi vừa điều trị, vừa ăn ngủ trong bệnh viện dài ngày. Công sức bỏ ra khó để đong đếm bằng tiền. "Có những người 120 ngày chưa về nhà. Ở bệnh viện còn được bệnh viện nuôi, yên tâm điều trị bệnh nhân", người này nói.
Bệnh viện hiện có tổng cộng khoảng 400 y bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân. Bên cạnh việc không có nguồn thu, bệnh viện cũng phải chi trả nhiều chi phí khác, như chi phí xét nghiệm hàng tuần cho cán bộ nhân viên, chi phí tự mua kit xét nghiệm, tiền ăn uống cho nhân viên y tế. Thu nhập giảm nhưng mọi người vẫn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Nhân viên y tế điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 - TP HCM (TP Thủ Đức), ngày 19/7. Ảnh: Thành Nguyễn
Theo Hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ nhân viên y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19 , Bộ Y tế, những người được hưởng phụ cấp gồm: học sinh, sinh viên, học viên đại học, cao đẳng, trung cấp khối ngành sức khỏe, tình nguyện tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành; người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tình nguyện tham gia chống dịch.
Mức phụ cấp 300.000 đồng/người/ngày áp dụng với người đi giám sát, điều tra, truy vết dịch; trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Người vận chuyển bệnh nhân, bệnh phẩm; giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà... được phụ cấp 200.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, tình nguyện viên được hưởng phụ cấp 120.000 đồng/người/ngày gồm tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tất cả tình nguyện viên được xét nghiệm sàng lọc trước khi đi chống dịch, do ngân sách nhà nước chi trả. Người hưởng nhiều mức phụ cấp sẽ được tính theo mức cao nhất.
Tại họp báo chiều 7/9, liên quan đến việc chi hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, Hội đồng nhân dân TP HCM khóa 10 đã thông qua mức chi hỗ trợ một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19, gồm lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp; Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng; lực lượng tình nguyện viên được thành phố huy động tham gia phòng, chống dịch; lực lượng tình nguyện viên được Bộ Y tế huy động tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, chi viện cho TP HCM.
Hiện nay, qua thống kê, một số bệnh viện đã thực hiện chi trả cho lực lượng tuyến đầu, như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bình Dân và một số đơn vị khác đang lập danh sách. Trong tuần này, lực lượng tuyến đầu sẽ được nhận được gói hỗ trợ này.
Đối với các đơn vị Trung ương như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng Hàm Mặt và một số bệnh viện tham gia lồng ghép công tác phòng chống dịch cũng được chi trả thông qua danh sách tổng hợp của Bệnh viện Ung Bướu.
Theo các bác sĩ, chế độ hỗ trợ giúp nhân viên y tế đỡ vất vả phần nào, yên tâm thực hiện chống dịch, song công sức của các y bác sĩ không thể đong đếm bằng tiền.
Một bác sĩ giấu tên tại Bệnh viện Dã chiến số 2 TP HCM, chia sẻ, bệnh viện hiện có 1.700 bệnh nhân, cứ 5 bác sĩ điều trị khoảng 200-250 bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ nhận định lượng bệnh nhân có xu hướng giảm nhưng nhiều bệnh nhân có bệnh nền nên diễn tiến nặng hơn. Các bác sĩ vẫn chia ca làm việc, song ngoài ca trực, nhân viên y tế vẫn phải làm những công việc khác, nên gần như không được nghỉ ngơi.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn trong công văn gửi lãnh đạo TP HCM ngày 7/9 cũng ghi nhận trung bình một bác sĩ, điều dưỡng đang chăm sóc 140-150 bệnh nhân Covid-19, trong khi suất ăn 120.000 đồng một ngày, áp lực công việc nhiều, nhân sự thiếu, nguy cơ lây nhiễm thường trực...
Một bác sĩ bộc bạch: "Với công sức của các y bác sĩ bỏ ra như vậy, thực sự không thể đong đếm bằng tiền. Chúng tôi chống dịch vì thành phố nói riêng và đất nước nói chung, cứu được người nào hay người đó. Khi một người mắc Covid-19, nhiều chi phí phát sinh như chi phí điều trị, chi phí mai táng, những tổn thất về mặt tinh thần, nhiều người mất việc, không có thu nhập... không thể đong đếm".
"Tâm lý chung ai cũng mệt mỏi. Nhưng trong tình hình như vậy, tất cả mọi người đều động viên nhau cố gắng. Số lượng bệnh càng ngày càng đông, cũng có những nhân viên y tế đến một lúc nào đó họ không thể chịu nổi, có một số ít muốn bỏ cuộc. Nhưng, đó chỉ là cảm giác nhất thời thôi, còn về lâu dài tất cả chúng tôi đều mong cống hiến cho đất nước".
Còn người nữ nhân viên trạm y tế chia sẻ: "Mình còn bám trụ công việc là vì người dân, vì cộng đồng trong lúc cả xã hội đang khó khăn, vì trách nhiệm với nghề nghiệp".
'Quay cuồng' xin cấp giấy đi đường mẫu mới ở Hà Nội Đến trụ sở Công an phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), nhiều người phải quay xe khi thấy thông báo "liên hệ cảnh sát khu vực" dán trước cổng. Sáng 6/9, chị Thu, phụ trách hành chính một công ty cho thuê văn phòng trụ sở tại phường Dịch Vọng Hậu đến trụ sở công an phường trên phố Trần Thái Tông, tìm...