30 triệu người Việt sẽ mất nhà, đất canh tác khi nước biển dâng 1m
Theo ước tính, cứ mỗi mét nước biển dâng cao hơn, sẽ có ít nhất 23% diện tích đất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập dưới biển, ít nhất 30 triệu người sẽ bị mất nhà cửa, đất đai, sinh kế tại chính quê hương mình.
Đó là thông tin dự báo được đưa ra tại Hội thảo “Chia sẻ và kết nối các tổ chức về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu”, diễn ra sáng 7.11 tại TP.HCM. Hội thảo do Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AVV) đồng tổ chức.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL” do Tổ chức Bánh mì thế giới (BFDW) và AVV đồng tài trợ. Dự án được thực hiện từ 12.2016 đến 12.2018 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, chính quyền địa phương thuộc các địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai và BĐKH. Ảnh: HQ
Theo đại diện BTC, mục tiêu của dự án nhắm đến 2 mục tiêu chính: Nâng cao năng lực của cộng đồng (đặc biệt là phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số) nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Các bài học kinh nghiệm về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giảm nhẹ tác động của BĐKH trong quá trình triển khai dự án được nhân rộng tại cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Sau gần 2 năm thực hiện, dự án đã xây dựng và phát triển những mô hình và thực tiễn tốt được cộng đồng và chính quyền địa phương đánh giá cao như: Cơ chế phối hợp phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng; Mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH – Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới; Ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật dữ liệu về rủi ro thiên tai và tính dễ bị tổn thương, vận hành hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng kế hoạch phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Các đại biểu được chia nhóm thảo luận theo các chủ đề đưa ra tại hội thảo. Ảnh: HQ
Theo nghiên cứu đầu kỳ của dự án, 13% hộ gia đình bị mất hoàn toàn hoặc buộc phải bỏ hoang diện tích đất đai/mặt nước sản xuất hoặc giảm hệ số sử dụng đất nông nghiệp. 6,3% hộ gia đình phải bỏ tiền để khắc phục các vấn đề liên quan đến nguồn nước sinh hoạt hoặc dịch bệnh. Bình quân mỗi hộ bị ảnh hưởng phải bỏ tới hơn 73 ngày công lao động/hộ để khắc phục các ảnh hưởng của BĐKH.
Video đang HOT
Theo ông Vũ Bá Quan, sạt lở đất đang diễn ra tại địa phương là một vấn đề cần quan tâm nhiều hơn. Ảnh: IT
Ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, đại diện địa phương dự án triển khai cho biết: “Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới cho các hộ nghèo, dân tộc ở 3 xã của huyện Kế Sách được Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao vì đây là mô hình đầu tiên ở Sóc Trăng tập trung hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng tiếp tục sản xuất và cải thiện thu nhập trong bối cảnh điều kiện BĐKH diễn ra ngày càng bất lợi trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp phòng chống thiên tai do dự án hỗ trợ xây dựng và hoàn chỉnh giúp làm rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò tích cực của các nhóm cộng đồng. Đây là 2 thành công quan trọng của dự án”.
Theo bà Hoàng Phương Thảo, Giám đốc điều hành AFV, quá trình thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn, như việc tiêu thụ rau hữu cơ cho người tham gia dự án giá cả chưa như mong muốn. Ảnh: HQ
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hoàng Phương Thảo, Giám đốc điều hành AFV cho biết, ứng dụng PDG trên điện thoại thông minh giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên có thể tham gia cung cấp các thông tin liên quan đến hiện tượng thiên tai xảy ra ở địa phương mình cho các cơ quan liên quan, đồng thời nhận các thông tin cảnh báo sớm về thiên tai có thể xảy ra để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Thông tin tổng hợp từ phần mềm sẽ được phân tích và làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai của địa phương.
Bên cạnh đó, các kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai các cấp được xây dựng với sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là cộng động; các kế hoạch này được lồng ghép vào kế hoạch phát triển KT-XH địa phương để có sự phân bổ ngân sách và nguồn lực phù hợp.
Theo Danviet
Hậu quả khôn lường sẽ xảy ra nếu nhiệt độ toàn cầu tăng trên 1,5 độ C
Theo các chuyên gia, nhiều hậu quả khôn lường sẽ xảy ra nếu nhiệt độ toàn cầu tăng trên 1,5 độ C.
Sáng 10/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) tổ chức Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, thông tin về Báo cáo đặc biệt của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu được chia sẻ.
Hội nghị có sự tham gia của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, đại diện các đối tác phát triển, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các cơ quan chính trị. (Ảnh: Anh Thư)
Báo cáo nêu bật một số tác động của biến đổi khí hậu có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với 2 độ C, hoặc so với các mức nhiệt độ cao hơn.
Ví dụ, vào năm 2100, mực nước biển dâng toàn cầu sẽ thấp hơn 10 cm nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với 2 độ C.
Bên cạnh đó, khả năng xảy ra băng tan ở Bắc Băng Dương trong mùa hè sẽ chỉ có một lần ở mỗi thế kỷ với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C, so với ít nhất một lần mỗi thập kỷ nếu nhiệt độ tăng ở mức 2C. Các rặng san hô sẽ giảm 70-90% nếu sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C, trong khi hầu như tất cả (> 99%) sẽ bị mất đi nếu mức nhiệt tăng 2 độ C.
Tại hội nghị, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee cho biết, hạn chế nóng lên toàn cầu trên 1,5 độ C so với 2 độ C đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội. Việc này giúp giảm tác động đến hệ sinh thái, sức khỏe con người.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP cho biết báo cáo của IPCC đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5 độ C, nhưng "thời gian hành động sắp hết".
"Đổi mới khí hậu là điều cần thiết, giống như cải cách kinh tế toàn diện Việt Nam đã triển khai 40 năm trước để giảm phát thải khí nhà kính và tạo công ăn việc làm xanh, hướng đến một xã hội có sức chống chịu và bền vững hơn", bà Caitlin Wiesen nói.
GS.TS. Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu.
Về biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, GS.TS. Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, cho biết nhiệt độ trung bình cả nước tăng 0,62 độ C từ năm 1985-2014. Số ngày nắng nóng gia tăng đáng kể, số đêm lạnh giảm, đồng thời xuất hiện những đợt lạnh bất thường.
Ông Thục cho rằng Việt Nam dự tính với kịch bản trung bình, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 1,9-2,4 độ C so với 1986-2005, nước biển dâng khoảng 36-80 cm. Còn trong kịch bản cao, nhiệt độ trung bình cả nước có thể tăng 3,3-4 độ, nước biển dâng 52-107 cm.
"Trong kịch bản cao, với mực nước biển dâng 1m, khoảng 40% Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập vĩnh viễn", ông Thục nói.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đối khí hậu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biển đổi khí hậu.
Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trọng tâm tập trung vào việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5C đã được IPCC phê duyệt vào 06/10/2018 tại Incheon, Hàn Quốc. Báo cáo sẽ là một tài liệu khoa học quan trọng phục vụ cho Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu Katowice ở Ba Lan (COP24) vào tháng 12 tới, khi các chính phủ xem xét Hiệp định Paris để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
ANH THƯ
Theo VTC
Khấm khá nhờ nghề nuôi dê, trồng đậu phộng ở đất nhiễm mặn Những năm qua, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả của nông dân tỉnh Sóc Trăng có sự góp sức của nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong số này có mô hình trồng đậu phộng (lạc) và nuôi dê sinh sản. Cây đậu phộng thích ứng với đất nhiễm mặn Khóm 6, phường 4, TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng) là...