30 dự án khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo dự thi chung kết tại TP.HCM
Vòng bán kết ‘ Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo’ lần 8 đã khép lại tại TP.HCM với 11 dự án thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ vào vòng chung kết…
Trao chứng nhận thêm 11 dự án vào chung kết “ Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 chiều 25/9 tại TP.HCM
Sau 2 ngày thi 24-25/9, 11 dự án khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiến thắng vào vòng trong, nâng tổng số dự án tranh tài ở vòng chung kết lên 30.
Ông Trần Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo 3AI cho biết, trong hệ sinh thái khởi nghiệp, tỷ lệ thất bại cao hơn thành công. Cuộc thi là thao trường để các đội dự án tập dượt, ban giám khảo giúp các dự án nhìn nhận về ý tưởng đúng, giải pháp đúng, sản phẩm đúng, mô hình kinh doanh đúng để thu hút, tính khả thi và bền vững.
Theo ông Tuấn, hình ảnh bao bì sản phẩm của các dự án ở vòng bán kết này khá đẹp. Từ thiết kế logo, bao bì, thông điệp truyền tải, câu chuyện thương hiệu đến bài trình bày chỉn chu hơn, mỗi dự án đều có câu chuyện hay như “Nhà của thời thanh xuân, Trạm bình yên, Nguồn gốc café Việt…
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa.
Cuộc thi được phát động vào tháng 6/2022 đã thu hút được đông đảo thanh niên Việt Nam hưởng ứng tham gia. Sau hơn 3 tháng nhận bài thi, có 163 dự án đại diện cho 40 tỉnh thành đăng ký, nộp đề cương tham gia. Ở vòng sơ khảo, Ban giám khảo đã chọn ra 88 dự án tốt nhất, đại diện cho 32 tỉnh, thành tham gia Vòng thi Bán kết, tổ chức tại 3 khu vực là An Giang, Hà Nội và TP.HCM.
Vòng chung kết sẽ diễn ra vào 2 ngày 15 và 16/10 tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM với 30 dự án tham gia. TP.HCM là địa phương có số lượng nhiều nhất với con 4 dự án. Các tỉnh, thành như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Tháp đều có 2 dự án.
Video đang HOT
DANH SÁCH 30 DỰ ÁN DỰ THI TẠI CHUNG KẾT
Chàng trai gây sốc khi thừa nhận càng khởi nghiệp càng nghèo
Mới đây, một chàng trai sau 2 năm khởi nghiệp đã thừa nhận càng khởi nghiệp càng nghèo dần và bây giờ là nghèo hẳn. Những chia sẻ này nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ.
Sau 2 năm thuê đất khởi nghiệp với nông nghiệp, Hậu cho biết càng làm càng nghèo dần và bây giờ là nghèo hẳn. Ảnh NVCC
Mọi thứ không như dự tính
Mới đây, chàng trai Hoàng Hải Hậu (23 tuổi), đang sinh sống tại Hà Nội đã đăng lên một hội nhóm về khởi nghiệp nông nghiệp chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình.
Hậu chia sẻ: "Các bạn khởi nghiệp thế nào? Sau bao lâu thì vượt qua khó khăn, lợi nhuận ra sao? Mình thì đầu tư nhiều, làm nhiều, thu lại ít vì chủ yếu trồng cây ăn quả, làm hữu cơ toàn bộ, 1 năm đầu thì rất hào hứng bây giờ đang thấy nản dần. Chi phí nhân công, phân bón cao để duy trì đến lúc thu lợi thì rất lâu mà căn bản mình lại là con nhà nghèo, để duy trì lâu thì rất khó khăn. Năm nay là năm thứ 2 mình làm, càng ngày càng nghèo dần và bây giờ là nghèo hẳn. Cũng có thể phải bỏ giữa chừng vì không đủ khả năng duy trì, khuyên các bạn đừng mạo hiểm như mình. Chịu khó, đam mê là chưa đủ".
Hậu đã dành rất nhiều tâm huyết vào dự án khởi nghiệp với nông nghiệp sạch của mình. Ảnh NVCC
Hậu cho biết bản thân từng học bếp, điêu khắc mỹ nghệ, làm bánh ngọt, rồi làm điện lạnh và sau đó quyết định chuyển sang khởi nghiệp nông nghiệp tại Đông Anh, Hà Nội. Lúc Hậu làm điện lạnh lương tháng 20 triệu đồng, nhưng anh nghĩ nếu cứ làm mãi nghề điện lạnh thì lương mỗi tháng cũng chỉ 20 triệu đồng, hơn nữa Hậu cũng muốn khởi nghiệp để thử thách bản thân, thế là Hậu bước vào con đường khởi nghiệp từ đó.
"Đó là vào thời gian 2 năm trước, mình bắt đầu đến vùng ven sông Hồng thuê đất và quyết định làm nông nghiệp hữu cơ. Ban đầu rất nhiều anh em hỗ trợ làm cùng nên cũng êm xuôi, và sau đó cũng tìm được đầu ra ổn định nhưng mọi việc không như dự tính và nhiều thứ cũng từ đó mà phát sinh", Hậu chia sẻ.
Trong thời gian đợi cây ăn quả cho trái, Hậu làm rau để duy trì nhưng lợi nhuận thấp và nhiều khó khăn. Ảnh NVCC
Rồi Hậu kể lúc canh tác mới biết trong đất có các chất xấu làm cho rau không được tươi tốt, phải dùng nhiều tấn phân hữu cơ cải tạo trong 3 tháng mới ổn hơn và phần nước tưới gần sông nên nhiễm chất sắt, Asen (thạch tín) không đủ tiêu chuẩn hữu cơ, nên phải đầu tư thêm hệ thống lọc nước trước khi tưới. Sau khi giải quyết được những vấn đề đó thì Hậu bắt đầu trồng các loại rau theo mùa, trồng rau với diện tích 1/5 đất, diện tích còn lại Hậu trồng các loại cây ăn trái như nho, ổi, xoài, mít, bưởi. Và trong thời gian đợi cây ăn quả cho trái thì Hậu làm rau để duy trì nhưng lợi nhuận thấp và nhiều khó khăn.
"Có tiền cũng chưa chắc thành công"
Nhắc đến những khó khăn gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, Hậu kể: "Nhất là phương án và thời gian xử lý sâu bệnh, cỏ dại, thời tiết... Ban đầu mình đã trang bị và tìm hiểu rất kỹ về kỹ thuật, đất đai... nhưng khi làm mới thực sự hiểu được cỏ dại 2 tuần không phát thì sẽ mọc cao khoảng 40cm, nên khâu làm cỏ rất tốn thời gian. Rồi khâu xử lý sâu bệnh mình đã nghiên cứu và thử rất nhiều loại thuốc chế phẩm sinh học an toàn nhưng hiệu quả rất ít".
Quá nhiều vấn đề phát sinh ngoài dự tính, chi phí trả lương nhân công, nuôi nhân công cao hơn dự kiến, giá cả thị trường lại không ổn định, rồi để nhập rau vào các siêu thị lớn cần vận chuyển, lưu trữ, sơ chế, đóng gói... những khâu này Hậu cho rằng vô cùng khó và tốn thời gian cho nên việc sản xuất rau hữu cơ thu lại lợi nhuận thấp và không đủ để duy trì nông trại.
"Trước đó mình cũng rất kỳ vọng là sẽ cố gắng đến khi ra thành quả, nhưng nhiều điều mình chưa tính đến như gia đình lỡ có việc cần tiền thì mình sẽ lấy tiền đâu ra, hay trong quá trình làm rủi ro về con người thì phải làm sao... Những điều này rất khó tính toán trước, mình là người rất kỹ tính lên kế hoạch rõ ràng trong 3 năm nhưng kết quả vẫn là gặp rất nhiều khó khăn", chàng trai trải lòng và cho biết hiện tại vẫn đang tìm phương pháp khắc phục những vấn đề này, nhưng cũng nghĩ đến tình huống bỏ giữa chừng vì chi phí hàng tháng cao mà phải duy trì trong 8 tháng nữa mới có sản phẩm đầu tiên từ cây ăn trái là nho.
"Nhưng vấn đề tài chính đã cạn kiệt lấy gì để duy trì trong khoảng thời gian đó, đã hết chi phí để thuê nhân công nên một mình phải cố gắng làm hàng ngày từ sáng sớm đến tối muộn nhưng vẫn không thể làm hết được. Từ khâu làm cỏ, chuẩn bị đất, bón phân, tưới cây, thu hoạch nông sản, đóng gói và bán hàng... đều một mình làm", Hậu dường như nan giải khi nguồn vốn thì cạn kiệt, gia đình lại nghèo, bạn bè đồng trang lứa cũng chưa làm gì có được nhiều tiền để mà vay mượn, còn đất cũng chỉ thuê nên không có gì thế chấp để đi vay.
Hậu khuyên các bạn trẻ khi khởi nghiệp hãy tính toán thật kỹ về trường hợp thất bại sẽ khắc phục ra sao chứ đừng tính đến khi thành công thì tiêu tiền thế nào. Ảnh NVCC
Từ câu chuyện của mình, Hậu muốn chia sẻ để mọi người, nhất là những bạn trẻ đang khởi nghiệp hoặc có ý định khởi nghiệp sẽ rút ra được nhiều bài học trong quá trình khởi nghiệp.
Hậu tâm sự: "Mình nhận ra không phải cứ đam mê, tâm huyết, kể cả có tiền cũng chưa chắc thành công. Con đường thành công rất dài và xa, các bạn trẻ hiện nay đi làm, mới ra trường đang có 1 chút vốn và đang muốn khởi nghiệp, rất nhiều bạn đang muốn làm chủ luôn và đầu tư gì đó để nhanh có tiền, nhưng chưa biết làm gì cho nên nhiều bạn sẽ đi học các khóa làm giàu nhưng chính các bạn đang phạm phải sai lầm của tôi. Không ai dạy các bạn cách làm đâu, các bạn muốn khởi nghiệp hãy cân nhắc kỹ tìm cộng sự đủ tin tưởng, đi xa thì nên đi cùng nhau chứ đừng làm một mình và cũng đừng tin bất cứ một ai dạy mình làm giàu, tự mình trong quá trình làm sẽ tự nhận ra con đường nên đi. Và các bạn hãy tính toán thật kỹ về trường hợp thất bại sẽ khắc phục ra sao chứ đừng tính đến khi thành công thì tiêu tiền thế nào".
Quang Linh kể khó khăn khi khởi nghiệp ở châu Phi: "Làm nông tốn lắm" Nhắc đến Quang Linh Vlogs, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ ngay về một anh chàng trẻ tuổi nhưng đầy tài năng. Ngoài kinh doanh tại Việt Nam, nam YouTuber này còn sở hữu một trang trại có giá trị hàng tỉ đồng tại Angola. Tại đây, anh chàng vừa trồng trọt lại chăn nuôi, phát triển nông nghiệp rất vững mạnh. Tuy...