3 tuần nữa sự cố đứt cáp quang biển AAG mới khắc phục xong
Theo đại diện lãnh đạo một số ISP, với sự cố ngày 23/4, sẽ phải mất khoảng 3 tuần mới khắc phục xong.
Sáng sớm ngày 23/4, tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (Asia America Gate Way – AAG) lại bị đứt. Trao đổi vớiICTnews, ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng giám đốc CMC Telecom cho biết, từ sáng sớm, đội ngũ vận hành mạng của CMC Telecom đã phát hiện thấy cảnh báo trên hệ thống, sau đó đã nhận được thông báo chính thức từ đơn vị quản lý trạm cập bờ Vũng Tàu cũng như quản lý toàn tuyến cáp quang biển AAG. Vị trí chính xác hiện chưa xác định được, mà mới phân lập được sự cố sụt nguồn tại phân đoạn cáp SH1.
Theo thông tin mới nhất vừa được Tập đoàn VNPT chính thức công bố, vào lúc 5h27 ngày 23/4, đã xảy ra sự cố rò nguồn trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG đoạn từ Vũng Tàu (Việt Nam) đi Hong Kong và Singapore, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng hơn 300 km. Sự cố đã gây ảnh hưởng chủ yếu đến tốc độ đường truyền Internet giữa Việt Nam và quốc tế.
VNPT cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-I) đã khẩn trương tiến hành các biện pháp để xác định được khu vực sự cố ngoài khơi Vũng Tàu. Sự cố này sẽ đòi hỏi phải sử dụng tàu cáp chuyên dùng của quốc tế để tiến hành khắc phục. công ty VNPT-I đang tích cực làm việc với nhà quản trị hệ thống AAG, các công ty tàu cáp quốc tế và với các thành viên của các hệ thống khác để ưu tiên cho việc sửa chữa tuyến AAG một cách sớm nhất.
VNPT cho biết, để tiến hành khắc phục sự cố của tuyến cáp quang AAG ngày 23/4 sẽ đòi hỏi phải sử dụng tàu cáp chuyên dùng của quốc tế. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet).
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của hai nhà mạng CMC Telecom và NetNam, sẽ phải mất khoảng 2-3 tuần nữa, sự cố của tuyến cáp quang biển AAG mới được khắc phục xong, đường truyền mới được phục hồi hoàn toàn. Phó Tổng giám đốc CMC Telecom Lê Thanh Sơn cho biết: “Tùy thuộc vào độ sẵn sàng của tàu ứng cứu và việc xác định rõ nguyên nhân, các sự cố cáp biển nói chung và AAG nói riêng thường mất 3 tuần để khắc phục”. Thực tế, sự cố đứt cáp quang biển AAG ngày 5/1 cũng đã phải mất tròn 3 tuần mới được khôi phục hoàn toàn.
Video đang HOT
Chia sẻ về phương án nhằm giảm thiểu ảnh hưởng chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng, đại diện VNPT cho hay, công ty VNPT-I đã và đang phối hợp cùng các bên liên quan nhanh chóng định tuyến liên lạc qua các hệ thống cáp quang biển SMW3, cáp đất liền và thông tin vệ tinh, đồng thời bổ sung dung lượng qua các hệ thống này. “Đây là sự cố bất khả kháng, vì vậy VNPT rất mong nhận được sự cảm thông của khách hàng nếu như việc truy cập Internet nói riêng và các dịch vụ viễn thông quốc tế khác nói chung có thể bị ảnh hưởng nhất định”, đại diện VNPT chia sẻ.
Đối với FPT Telecom, sáng nay, đại diện nhà mạng này cho hay, ngay sau khi sự cố xảy ra, FPT Telecom đã triển khai việc sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng. Đồng thời vị đại diện này cho biết, sự cố này thực sự ảnh hưởng không lớn đối với khách hàng của công ty.
Nhận định về sự cố lần này, Tổng giám đốc công ty CP NetNam Vũ Thế Bình nhấn mạnh việc tuyến cáp quang biển AAG lại bị sự cố là chuyện không mới. Nhiều năm qua tuyến cáp này thường xuyên bị sự cố, gián đoạn, với thời gian dài. NetNam đã có sẵn phương án chuyển hướng lưu lượng sang cáp đất liền và hướng cáp biển khác, do đó ngay khi có sự cố sáng sớm nay, các lưu lượng đã được chuyển hướng và ổn định. “Với sự cố lần thứ hai trong năm 2015 xảy ra với tuyến cáp quang biển quốc tế AAG này, NetNam không bị ảnh hưởng gì lớn, vì đã chuẩn bị trước và ứng phó nhiều lần việc tương tự. Từ sáng nay dịch vụ cung cấp tới các khách hàng NetNam vẫn ổn định”, ông Bình khẳng định.
Về sự cố cáp quang biển AAG lần này, theo thông tin từ Viettel Telecom, hiện tại sử dụng tới 4 tuyến cáp quốc tế gồm 2 tuyến cáp trên đất liền và 2 tuyến cáp quang biển trong đó có tuyến AAG. Chính vì vậy, khi sự cố xảy ra, về cơ bản, chất lượng dịch vụ Viettel cung cấp cho các khách hàng vẫn được đảm bảo, không bị ảnh hưởng nhiều.
Còn với CMC Telecom ông Đặng Tùng Sơn cho biết, hiện nhà mạng này chỉ sử dụng 15% lưu lượng kết nối từ tuyến cáp quang biển AAG nên mức độ ảnh hưởng tới khách hàng khi truy cập Internet hướng quốc tế rất nhỏ. Hiện tại, truy cập Internet ra hướng quốc tế của khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Kênh thuê riêng Internet Leased Line của CMC Telecom hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự cố. Tuy nhiên, khách hàng sử dụng dịch vụ Internet trên truyền hình cáp sẽ truy cập Internet hướng ra quốc tế chậm hơn bình thường.
Ông Sơn cũng cho biết thêm: “Sau khi nhận được thông tin, CMC Telecom đã lập tức tiến hành thông báo với khách hàng về sự cố. Hiện CMC Telecom đang làm việc với đối tác để xác định chính xác lỗi để xử lý, chủ động tiến hành định tuyến lại, bổ sung lưu lượng đầy đủ thông qua các kết nối khác. Đồng thời, CMC Telecom đã bố trí nhân sự hỗ trợ, ứng cứu, sẵn sàng phục vụ khách hàng 24/7 trong quá trình khắc phục sự cố trên”.
Theo Vân Anh/Ictnews
5 lần đứt cáp quang biển AAG gần nhất
Từ 2014 đến nay, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG liên tục gặp sự cố, gây thiệt hại cho người dùng và các doanh nghiệp trong nước.
Từ khi đi vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG hơn 10 lần gặp sự cố. Mỗi khi xảy ra đứt cáp, toàn bộ những truy cập trong nước đến các dịch vụ nước ngoài như Facebook, Gmail, YouTube,... bị gián đoạn, thậm chí không thể truy cập.
Cáp quang biển gặp sự cố, hàng loạt các dịch vụ quan trọng như Google Mail, YouTube, Facebook,... khó truy cập.
Trong những ngày đầu năm mới 2015, cáp quang biển AAG gặp sự cố. Trước đó đúng 2 năm, người dùng Việt cũng khó kết nối với quốc tế. Khi đó, tuyến cáp này bị đứt vào ngày 20/12/2013 và phải tới 4/1/2014 mới khôi phục được. Vị trí đứt cách bờ biển Vũng Tàu 278 km.
Đến 15/7/2014, AAG đứt cách Vũng Tàu 18 km, điểm xảy ra sự cố nằm ở độ sâu 19 m dưới mực nước biển. Cáp được nối vào 27/7/2014.
Đúng hai tháng sau (15/9/2014), AAG lại ngưng kết nối ở vùng biển gần Hong Kong. Đến 29/9, đơn vị điều hành tuyến cáp phát hiện thêm đoạn đứt mới cách Hong Kong 68 km. Ngày 2/10, cả hai điểm đứt được khắc phục hoàn toàn.
Theo các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước, những lần đứt cáp quang trong năm 2014 đã gây thiệt hại 40% lưu lượng đi quốc tế. Để giảm thiểu ảnh hưởng đến khách hàng và người dùng trong nước, các ISP đã phải thuê lưu lượng từ các tuyến cáp quang trên đất liền với giá cao hơn so với AAG.
Ngày 5/1/2015, đoạn cáp rẽ vào Vũng Tàu lại đứt. Đến 22/1, sự cố được khắc phục hoàn toàn. Internet tại Việt Nam trở lại bình thường sau 17 ngày trì trệ.
Ba tháng sau sự cố đầu năm, sáng 23/4, cáp biển AAG đoạn gần bờ biển Vũng Tàu bị rò nguồn, tín hiệu sụt giảm mạnh và có thể sắp đứt hẳn trong vài ngày tới. Đơn vị điều hành tuyến cáp đang xác định vị trí và chuẩn bị cho các công tác hàn nối, khắc phục hậu quả.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc đứt cáp quang biển có thể do nhiều nguyên nhân như bão, giông tố, động đất dưới đáy biển,.. hoặc do tác động trực tiếp của con người như dây neo tàu biển kéo đứt cáp, phá hoại có chủ đích hoặc do động vật biển.
Tại các nước phát triển, cáp quang biển là một hệ thống có nhiều cáp và nhiều đoạn cập bờ. Do đó, nếu có một đoạn đứt, truy cập Internet vẫn không bị ảnh hưởng nhiều vì đã có những tuyến khác chia tải.
Tại Việt Nam, AAG vẫn là tuyến kết nối chính chứa phần lớn lưu lượng đi quốc tế. Ngoài ra, các ISP trong nước như VNPT, Viettel, FPT,...cũng thuê thêm các tuyến cáp lớn như SMW 3 (Nối Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu), APG (Nối các nước châu Á Thái Bình Dương),...
Duy Tín
Theo Zing
'Cáp quang biển AAG chập chờn, có thể đứt hẳn vài ngày tới' Theo một đơn vị viễn thông, tín hiệu từ tuyến cáp quang hiện không ổn định, chưa đứt hẳn, mức độ gián đoạn có thể mạnh thêm. Công ty viễn thông quốc tế VNPT-I cho biết, tuyến cáp quang biển AAG có thể đang gặp sự cố rò nguồn, tín hiệu suy giảm mạnh nhưng chưa phát hiện được điểm đứt. Theo ông...