3 thông điệp chiến lược của Israel từ cuộc tấn công vào Iran
Cuộc không kích của Israel vào Iran vừa qua không chỉ là một hành động quân sự mà còn chứa đựng những thông điệp chiến lược gửi tới Tehran, từ việc phá hủy năng lực quân sự của Iran, khẳng định ưu thế quân sự của mình, đến việc đẩy Iran vào một tình thế khó khăn trong các quyết định đối phó.
Quang cảnh thủ đô Tehran, Iran rạng sáng 26/10/2024 sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nhận định của Thiếu tướng Israel (đã nghỉ hưu) Tamir Hayman (từng là Trưởng phòng Tình báo của Lực lượng Phòng vệ Israel – IDF từ năm 2018-2021) và hiện là Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ sở tại Israel ngày 27/10, cuộc không kích của Israel vào Iran cuối tuần qua không chỉ là một đòn tấn công đơn thuần mà còn chứa đựng những thông điệp chiến lược sâu sắc.
Thứ nhất: Phá hủy năng lực quân sự then chốt của Iran. Israel đã nhắm mục tiêu chính xác vào các cơ sở sản xuất tên lửa đất đối đất – một trong những vũ khí chiến lược quan trọng nhất của Iran. Đáng chú ý, cuộc tấn công còn vô hiệu hóa các hệ thống phòng không do Nga cung cấp cho Iran. Điều này đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Iran.
Một yếu tố đáng chú ý là trong bối cảnh Nga đang cần giữ lại các hệ thống phòng không để phục vụ cho cuộc chiến tại Ukraine, việc cung cấp thêm cho Iran là không chắc chắn. Vấn đề trên đặt Iran vào tình thế khó khăn hơn khi hệ thống phòng không bị suy yếu và không thể nhanh chóng bổ sung, càng khiến họ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công từ Israel.
Thứ hai: Khẳng định ưu thế quân sự. So sánh kết quả hai cuộc tấn công gần đây cho thấy rõ sự chênh lệch về năng lực quân sự giữa hai bên. Trong khi Israel đạt được mọi mục tiêu đề ra, Iran lại không thành công trong việc đánh trúng các mục tiêu quan trọng của Tel Aviv.
Điều này một phần nhờ vào hệ thống phòng thủ hiện đại của Israel cùng sự hỗ trợ từ Mỹ. Với số lượng máy bay đánh chặn đủ lớn, Israel tự tin có thể đối phó với các cuộc tấn công tiếp theo từ phía Iran.
Video đang HOT
Thứ ba: Đặt Iran vào thế khó. Quy mô của cuộc tấn công đã đặt nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei trước một lựa chọn khó khăn. Một mặt, việc không có phản ứng sẽ thể hiện điểm yếu nghiêm trọng. Mặt khác, nếu tiếp tục đáp trả, Iran phải đối mặt với hai thách thức lớn:
Về mặt tác chiến, nguồn cung tên lửa của Iran đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi các cơ sở sản xuất bị phá hủy hoặc hư hại. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì một chiến dịch kéo dài.
Về mặt chiến lược, Iran phải tính đến khả năng Israel sẽ mở rộng mục tiêu tấn công, bao gồm cả các cơ sở năng lượng và hạt nhân – điều mà Tehran không mong muốn.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi Hezbollah – lực lượng thân Iran quan trọng ở Liban – đang suy yếu và không còn khả năng kiềm chế Israel như trước. Thêm vào đó, cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ có thể tạo điều kiện cho Tổng thống Joe Biden có nhiều không gian hơn trong việc hành động và định hình di sản của mình. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của cả Iran và Israel.
Thiết tướng Hayman kết luận, thông qua cuộc không kích này, Israel không chỉ thể hiện ưu thế quân sự mà còn đặt Iran vào tình thế buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi động thái tiếp theo.
'Xương sống' ngành công nghiệp tên lửa Iran bị phá hủy bởi cuộc tấn công của Israel?
Cuộc không kích của Israel vào Iran mới đây đã nhắm vào các cơ sở sản xuất nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo, được cho là gây tổn thất nghiêm trọng đến năng lực quân sự của Tehran.
Khói lửa bốc lên sau loạt tiếng nổ ở phía Tây thủ đô Tehran, Iran rạng sáng 26/10/2024. Ảnh: Jerusalem Post/TTXVN
Theo tờ Jerusalem Post ngày 27/10, cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Iran đã leo thang vào cuối tuần qua khi không quân Israel tiến hành một loạt các cuộc không kích nhằm vào cơ sở sản xuất tên lửa của Iran. Các cuộc tấn công được cho là đã giáng một đòn nghiêm trọng vào khả năng của Iran trong việc duy trì và phát triển kho vũ khí tên lửa đạn đạo, đặc biệt là những tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn tầm xa.
Các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá đây có thể là đòn tấn công có tác động lâu dài đến khả năng phát triển tên lửa của Iran. Theo báo cáo từ nhiều nguồn, Israel đã sử dụng hơn 100 máy bay chiến đấu để tấn công nhiều mục tiêu quan trọng tại Iran, trong đó có các cơ sở sản xuất thiết bị tinh vi mà Tehran phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một trong những thiệt hại đáng kể nhất là việc phá hủy 12 "máy trộn" - thiết bị then chốt trong sản xuất nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm xa. Báo điện tử Elaph cho biết, mỗi máy trộn này có giá trị ước tính khoảng 2 triệu đô la Mỹ, và khoảng 20 máy đã bị phá hủy trong cuộc tấn công của Israel.
Các cuộc không kích tập trung vào hai khu vực chính: Parchin và Khojir - những khu phức hợp quân sự lớn gần Tehran. Theo phân tích của Decker Eveleth, nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu và phân tích độc lập CNA (Mỹ), hình ảnh vệ tinh cho thấy Israel đã phá hủy ba tòa nhà trộn nhiên liệu rắn và một nhà kho tại Parchin, cùng với hai tòa nhà tại Khojir.
"Những máy trộn công nghiệp này rất khó sản xuất và bị kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt. Iran đã phải bỏ ra chi phí lớn để nhập khẩu chúng trong nhiều năm và sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế", chuyên gia Eveleth nhận định.
Chuyên gia Eveleth lưu ý, hành động này có thể khiến Iran gặp nhiều khó khăn trong việc tái tạo kho tên lửa của mình và khả năng sản xuất tên lửa hàng loạt có thể bị gián đoạn ít nhất trong hai năm tới. Điều này có thể làm suy yếu năng lực tấn công của Iran trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự lớn với Israel.
David Albright, cựu thanh tra vũ khí của Liên hợp quốc, cho biết thêm rằng cuộc tấn công cũng nhắm vào tòa nhà Taleghan 2 tại Parchin - nơi từng được sử dụng trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân trước đây của Iran.
Về mức độ thiệt hại, các chuyên gia có đánh giá khác nhau về thời gian Iran cần để khôi phục. Trong khi một số nguồn tin cho rằng mất ít nhất một năm, các chuyên gia am hiểu về ngành công nghiệp tên lửa Iran ước tính cần tối thiểu hai năm để đưa các nhà máy bị phá hủy trở lại hoạt động.
Một số nguồn tin thậm chí cho rằng Iran có thể đã di chuyển một số thiết bị và vật liệu quan trọng ra khỏi các cơ sở trước khi bị tấn công, nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, việc mất đi các cơ sở sản xuất chiến lược sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp trả của Iran trong thời gian tới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chương trình tên lửa, mà còn có thể kéo theo những hệ lụy kinh tế nghiêm trọng.
Hamid Hosseini, chuyên gia về ngành dầu khí Iran và thành viên Phòng Thương mại Iran-Iraq, cảnh báo: "Điều này có thể gây ra hậu quả kinh tế rất nghiêm trọng đối với Iran, và giờ đây khi chúng tôi hiểu được những rủi ro, chúng tôi cần hành động khôn ngoan và không tiếp tục căng thẳng".
Ngoài các cơ sở sản xuất tên lửa, Israel cũng tấn công bốn hệ thống phòng không S-300 bảo vệ các cơ sở năng lượng và hạt nhân tại Tehran. Phía Iran thừa nhận rằng máy bay chiến đấu của Israel đã sử dụng "đầu đạn rất nhẹ" để tấn công. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại thực tế vẫn chưa được xác nhận đầy đủ và có thể phải mất nhiều ngày để đánh giá chi tiết.
Theo các chuyên gia, dù với một chiến dịch có quy mô tương đối hạn chế, Israel đã có thể gây tổn thất đáng kể cho khả năng sản xuất tên lửa hàng loạt của Iran, đồng thời làm suy yếu tiềm năng tấn công bằng tên lửa của Tehran trong tương lai.
Mạng xã hội X đình chỉ tài khoản của Đại giáo chủ Iran Nền tảng mạng xã hội X đã đình chỉ tài khoản tiếng Hebrew của ông Ali Khamenei, Đại giáo chủ Iran, chỉ một ngày sau khi tài khoản này được mở. Hình ảnh tài khoản của Đại giáo chủ Iran khi bị đình chỉ. Ảnh: The Times of Israel Theo trang The Times of Israel ngày 28/10, một thông báo trên tài khoản...