3 địa chỉ bánh canh cho thực khách đổi vị
Quán bánh canh cua quận 5 bán trong nồi lớn đủ 2 – 3 người ăn, còn quán quận 10 làm sợi từ bột khoai có vị lạ miệng.
Bánh canh là món nước nóng hổi phổ biến ở TP HCM không kém các loại bún, phở, hủ tiếu. Sợi bánh canh thường được làm từ bột gạo nguyên chất hoặc bột gạo lọc, chế biến cùng nhiều nguyên liệu như thịt heo, thịt gà, hải sản. Dưới đây là một số gợi ý cho thực khách thưởng thức món này.
Bánh canh cua “khổng lồ”, quận 5
Quán Bà Ba trong hẻm 84 Nguyễn Biểu (quận 5) bán món bánh canh cua đựng trong chiếc nồi lớn thay vì phục vụ từng tô như đại trà. Bởi vậy, thực khách đến quán thường đi từ hai người trở lên mới dùng hết một phần ăn.
Ngoài kích thước khổng lồ, nồi bánh canh còn hấp dẫn thực khách bởi màu cam đỏ sánh sệt của nước dùng được nấu từ thịt cua, xương heo, tôm khô. Trong đó, dầu điều tạo nên màu và bột năng được cho vào để tạo độ sệt. Thành phần trong món ăn gồm tôm, chả cá, trứng cút, huyết, da heo, mỗi loại gồm 2 – 3 miếng. Một nồi bánh canh có giá 92.000 đồng. Quán mở cửa 9h – 20h, phù hợp cho thực khách dùng bữa sáng muộn, bữa trưa và bữa tối.
Nồi bánh canh quán Bà Ba được phục vụ kèm muôi để thực khách múc vào riêng. Ảnh: Cao Ly
Bánh canh hẹ Phú Yên, quận 10
Là đặc sản Phú Yên, tô bánh canh phủ đầy hẹ ở quán ăn trên đường Cao Thắng (quận 10) khiến không ít thực khách ngần ngại khi thoạt nhìn vì sợ mùi hăng. Tuy nhiên, hẹ có tác dụng làm dậy vị nước dùng, giảm mùi tanh của cá. Người miền Trung thường ninh nước dùng và chế biến các nguyên liệu ăn kèm từ cá biển, cho ra vị ngọt thanh khác với nước hầm từ xương thịt heo. Nguyên liệu khá đơn điệu, gồm bánh ăn cùng chả cá, miếng cá thu, chấm với nước sốt chua cay, nhưng tô bánh canh thích hợp với những thực khách muốn đổi vị chống ngấy.
Video đang HOT
Mỗi tô bánh canh có hai mức giá là 40.000 đồng, và 50.000 đồng thêm cá thu. Ngoài ra quán còn bán một số đặc sản Phú Yên như cơm gà, lẩu gà lá é, gỏi cá ngừ đại dương… Quán phục vụ khách từ 7h đến 21h30.
Thực khách có thể yêu cầu thêm bớt hẹ cho vừa miệng. Ảnh: Cao Ly
Bánh canh “hai tô”, quận 1
Cứ mỗi buổi trưa, quán ăn trên đường Phó Đức Chính (quận 1) lại tấp nập khách. Quán treo biển bán cháo mực là món chính, nhưng thu hút nhiều thực khách bởi bánh canh. Điểm khác của quán là phần thịt không để chung vào tô sợi bánh, và được phục vụ kèm chén muối tiêu để chấm. Ăn cùng bánh canh ở đây có đùi gà, cánh gà và giò heo gân hoặc nạc. Chủ quán dùng cùng công thức nấu cháo để chế biến nước dùng bánh canh, gồm mực khô xé nhỏ, ninh cùng xương heo và tôm khô cho ngọt nước.
Quán ăn mở cửa 7h – 21h. Ngoài cháo và bánh canh còn có nui, hoành thánh, các món ăn kèm như trứng bắc thảo, chân gà luộc.
Mỗi phần ăn gồm tô sợi bánh và chén thịt để riêng, là lí do nhiều thực khách gọi là bánh canh “hai tô”, giá 50.000 – 55.000 đồng. Ảnh: Cao Ly
Bánh canh cua xứ Huế
Viên chả cua trong bánh canh cua có nguyên liệu cầu kì hơn chả cua trong bún bò, bởi nó là "linh hồn" của cả món ăn.
Bánh canh cua xứ Huế
Mang hương vị đậm đà, ẩm thực Huế luôn để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách. Bên cạnh bún bò Huế nức tiếng, bánh canh cua cũng là món ăn được yêu thích bởi cả du khách và người dân địa phương. Dạo quanh cố đô, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều nơi bán bánh canh cua, đa dạng từ cửa hiệu lớn cho đến những gánh hàng rong. Những quán bánh canh có tuổi đời mấy chục năm, hay chỉ vài năm nhưng mỗi nơi đều mang hương vị riêng.
Tô bánh canh cua nóng hổi, ăn trong tiết trời của mùa hè xứ Huế sẽ toát hết mồ hôi mà vẫn níu chân biết bao du khách. Ảnh: Ngân Dương.
Với người Huế, món ăn này thường được thưởng thức vào bữa sáng, đồng thời cũng là món ăn đêm hấp dẫn. Sợi bánh canh được làm từ bột gạo, chọn lọc từ những hạt gạo ngon nhất, tốt nhất để làm. Người bán nhồi bột khô cùng nước ấm tạo thành khối bột dẻo, cán bột rồi xắt thành từng sợi nhỏ dài khoảng 10 - 12 cm, dày khoảng 1 cm. Chính vì có cách làm thủ công nên sợi bánh canh rất mềm, thơm và không bị chua như bột làm công nghiệp.
Nước dùng bánh canh không hề ngán, ngọt nhưng thanh. Cua được ninh trong vòng 2 tiếng, sau đó người bán sẽ nêm nếm các gia vị. Khi nước dùng đã đạt tới độ "chuẩn", người bán cho sợi bánh canh vào để nấu, ngoài ra còn rắc thêm chút bột gạo vào nước dùng để tạo độ sệt. Khi bột đã chín, người bán bắt đầu viên chả cua rồi thả vào nồi. Những viên chả cua có mùi thơm đặc trưng và có độ dai trong từng thớ chả. Mang vị béo ngọt, bùi bùi, nó được làm từ thịt cua quết nhuyễn cùng giò sống, tôm, da heo. Theo chia sẻ của cô Bướm, người đã bán hàng 20 năm, chả cua trong bánh canh sẽ có phần cầu kì hơn chả cua trong bún bò Huế. Với bánh canh, chả cua cần trộn nhiều nguyên liệu để viên chả ngon, thơm, bởi nó là "linh hồn" của món ăn. Còn với bún bò Huế, viên chả cua chỉ góp phần điểm tô thêm, thường được làm từ giò sống và thịt cua.
Với quán đông khách, bán từ 15h đến 1h đêm có thể hết 15 nồi bánh canh. Ảnh: Ngân Dương.
Sau khi khách gọi món, người bán hàng khéo léo múc bánh canh vào tô. Với chiếc muôi to, người bán chỉ lướt nhanh một vòng quanh nồi đã múc được đầy đủ sợi bánh, nước dùng, chả cua, trứng cút. Trông đơn giản nhưng ai có tay nghề mới có thể làm được nhanh và uyển chuyển như vậy. Nếu không khéo, khi múc sợi bánh canh dài sẽ rơi trở lại vào nồi, chỉ lấy được mỗi nước dùng, mà quấy nhiều lần trong nồi sẽ khiến sợi bị nát.
Chỉ với các gia vị ăn kèm đơn giản như muối, tiêu, hành ngò nhưng lại khiến tô bánh canh trở nên đậm đà hơn. Ảnh: Ngân Dương.
Rồi đôi bàn tay thoăn thoắt đó lại nhanh chóng rải lên trên tô bánh canh miếng tóp mỡ, ớt màu, hành ngò và chút tiêu khiến món ăn trở nên đậm vị. Tô bánh canh nóng hổi, bốc khói, ngon từ mùi thơm của hành ngò quyện cùng cái đậm đà của nước dùng. Ăn thử một thìa, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh, vị dai dai của miếng chả cua, và thú vui khi sợi bánh canh mềm trôi tuột xuống cổ họng. Và nhắc đến món Huế không thể nhắc đến vị cay của ớt, nên khách vừa ăn, vừa thích thú lại vừa phải xuýt xoa. Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, nhiều người dân lao động ở Huế còn chấm nước dùng với bánh mì để ăn cho chắc bụng.
Bánh canh cua là một trong những món không nên bỏ qua khi đi du lịch tại Huế. Mỗi tô bánh canh cua ở Huế có giá từ 10.000 - 20.000 đồng. Hương vị bánh canh ấm nóng giữa vùng đất cố đô khiến nhiều du khách đến đây ấn tượng. "Cảm giác ngồi ăn trên vỉa hè và trước mặt là tô bánh canh siêu to khổng lồ khiến mình hài lòng. Sợi bánh canh mềm dai, ăn kèm có có trứng, chả, cua rất đầy đặn mà lại rẻ", chị Phan, một du khách từ Đà Nẵng chia sẻ.
Một số địa chỉ gợi ý:
- Bánh canh o Bướm dưới chân Cầu Gia Hội, TP. Huế
- Bánh canh đường Nguyễn Khuyến (đối diện Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế), TP. Huế
- Bánh canh đường Phạm Hồng Thái, TP. Huế
Bánh canh 10.000 đồng của cụ bà U90 Bán bánh canh giá 10.000 đồng một tô, quán ăn nhỏ của mệ Dư 82 tuổi, bên cạnh đình làng Nam Phổ luôn đông khách ra vào. Với người dân làng Nam Phổ, dường như không còn ai xa lạ với hình ảnh bà Dư với mái tóc búi gọn sau gáy, tay thoăn thoắt múc bánh canh ra tô bán cho khách....