3 đặc sản từng được xem là ‘cỏ dại’ ở miền Tây
Bồn bồn, cây năn và hẹ nước là 3 đặc sản Nam Bộ có hương vị thơm ngon, có loại phải chờ đến mùa nước nổi mới được thưởng thức.
Bồn bồn (cây cỏ nến) vốn là loại cây mọc hoang sống ở vùng đất ngập nước trong ao hồ hoặc mé sông. Cây phát triển quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa mưa. Món ăn làm từ bồn bồn được rất nhiều người ưa chuộng và xem là đặc sản của miền Tây.
Bồn bồn tươi sau khi được sơ chế giữ lại phần lõi non bên trong. Ảnh: Quỳnh Trần
Xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước là vùng trồng bồn bồn lớn của tỉnh Cà Mau. Do quá trình canh tác lúa, tôm không đạt hiệu quả cao nên người dân đã chuyển đổi sản xuất sang trồng cây bồn bồn. Cây thích nghi tốt với nước ngọt và có khả năng chịu phèn mặn, không tốn nhiều công chăm bón, lại là loại rau sạch cho năng suất cao.
Bồn bồn được nhổ bằng tay hoặc dùng dao nhọn cắt sát gốc. Cây khi nhổ lên được cắt hết rễ và chặt bỏ phần lá dài, giữ lại đoạn thân phần sát gốc, sau đó được sơ chế để loại bỏ hết phần bẹ già, giữ lại lõi non. Bồn bồn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như làm dưa, làm gỏi, xào với tép hoặc nấu canh, nhúng lẩu cũng rất ngon miệng.
Video đang HOT
Năn (năn bộp) là loại cây thuộc họ cói, được thu hái quanh năm nhưng sinh trưởng mạnh vào mùa mưa. Ngày trước, cây năn chỉ là loại cỏ mọc hoang, không có giá trị kinh tế, tuy nhiên ngày nay cây năn được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh Tây Nam Bộ, nơi có đất trũng phèn. Nghề trồng năn cũng được xem là nghề chính của nhiều hộ gia đình ở Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Thân năn mềm, trắng nõn sau khi sơ chế xong. Ảnh: Nguyệt Nhi
Thu hoạch năn phải lựa những cây vừa mới mọc nhô lên khỏi mặt nước khoảng một gang tay và phải nhổ sao cho cây không bị đứt gãy. Năn sau khi nhổ được rửa sạch và cắt ngắn chỉ còn khoảng 30 cm. Khi ăn năn, người ta bóc vỏ bên ngoài, giữ lại phần thân trắng nõn bên trong nhìn ngon mắt, cây dùng để ăn sống, ăn kèm lẩu mắm, nấu canh cá, canh cua đồng.
Hẹ nước là một loại rau mọc hoang ở ruộng, các kênh mương, đầm nước vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, có nhiều vào mùa nước nổi hàng năm. Hẹ nước có thân mềm, rễ chùm ngắn ăn bám vào đất bùn nên nhổ rất dễ, ở những nơi hẹ nước mọc có nước rất trong nên người thu hoạch phải đi theo lối, và tránh làm nước đục khó thấy hẹ để nhổ.
Cọng hẹ nước xanh mởn, sạch bóng xếp cùng bông điên điển, bông súng chấm mắm kho. Ảnh: @trangpinkyy/Instagram
Người dân gọi hẹ nước là của trời cho vì cây mọc hoang, không bón phân hay tốn công chăm sóc. Cứ sau vài trận mưa đầu mùa, các ruộng đất phèn đã ngập nước thì cũng là lúc những cây hẹ nước bắt đầu đâm tược rồi lớn dần qua những con nước. Hẹ nước thường được thu hoạch vào lúc hừng đông, sau khi nhổ được sơ chế tại chỗ, bỏ rễ và rửa sạch, xếp đống gọn và đem đi cân cho các mối.
Nhiều người thích hẹ nước vì đây là loại rau sạch, có vị mát và giòn, đem nhúng lẩu mắm cá linh rất ngon, cũng có thể lấy cọng hẹ nước tươi cuộn tròn đem chấm mắm kho. Vị giòn của hẹ và thơm ngọt đậm đà của mắm hòa quyện với nhau làm nên bữa cơm mùa nước nổi đáng nhớ.
Hương vị món bông điên điển miền Tây sông nước
Cứ tới mùa nước nổi, miền sông nước bình dị lại rợp màu vàng bông điên điển, một loại cây không chỉ khiến du khách thỏa sức ngắm nhìn mà còn tạo nên những nét đặc trưng nổi tiếng của hương vị miền Tây.
Điên điển là loại cây thân thảo, thân xốp, nhẹ, có khả năng vươn lên theo con nước, mọc hoang ở ven các bờ ruộng, bờ kênh nước ngọt. Và không chỉ đơn thuần là loài cây mọc giữa mảnh đất thiên nhiên trù phú, điên điển còn đem đến cho thực khách phương xa một hương vị ẩm thực đặc sắc, mới lạ nhưng vẫn đậm đà bản sắc địa phương dung dị.
Điên điển là loài cây đặc trưng của miền Tây Việt Nam, chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi lại mỏng manh, chóng tàn và khó mang đi xa. Bông điên điển mọc thành chùm, màu vàng nõn nà cùng mùi hơi hăng. Sau vài đợt gió chướng mang hơi lạnh, bông điên điển sẽ nở rộ, vàng tươi, mênh mông rập rờn theo sóng nước. Lúc ấy, ngồi trên chiếc xuồng ba lá chèo vào giữa đám điên điển, các cô gái miền Tây chỉ cần dùng cây dầm đập nhẹ vào cành, vào thân cây thì lập tức sẽ có vô số bông rớt xuống lòng xuồng. Bông điên điển là món dân dã mang hương vị miền Tây, có thể ăn sống, luộc, nấu canh chua, đổ bánh xèo, xào tép, trộn gỏi... và thật thần kỳ, món nào cũng ngon.
Bông điên điển và cá linh là sự kết hợp hoàn hảo hương vị miền Tây
Một trong những món ăn phổ biến, dễ ăn nhất của ẩm thực hương vị miền Tây là canh chua bông điên điển với cá linh. Cá linh đầu mùa tung tăng giỡn nước rất dễ đánh bắt, chỉ cần quăng chài vào chỗ dợn sóng là được trọn một đàn và người dân sẻ chọn những con vừa phải, cỡ bằng ngón tay. Đầu tiên cần chuẩn bị một nồi nước và vài trái me non nêm nếm vừa chua rồi cho cá linh vào. Ngay khi cá chín sẽ thả bông điên điển vào và cuối cùng thái vài lát ớt là đã có một nồi canh chua thơm lừng. Gắp con cá linh bụng ngập mỡ, chấm nước mắm trong, cắn thêm trái ớt cay là thấy vị ngon ngọt quyến rũ mãi không quên. Bông điên điển mỏng manh tưởng rằng nấu lên sẽ mất đi độ giòn nhưng điều lạ kỳ, phần cánh vẫn giòn ngọt vương chút đăng đắng, chua ngọt, "bắt cơm" vô cùng! Ngày nay, lẩu chua bông điên điển cầu kỳ hơn một chút, cũng là nồi nước chua nấu với cá linh, cá rô đang sôi, cho bông điển điển nhưng có thêm vài loại rau của vùng như bông súng, khèo nèo, hẹ nước, rau muống, rau rút...
Bông điên điển có nhiều cách chế biến khác nhau tùy thuộc vào sự sáng tạo của người dân nơi đây (Ảnh: Internet)
Vào những ngày mưa gió rảnh rỗi, các bà các chị miền Tây hay bày món bánh xèo điên điển để đổi vị cho cả nhà. Bánh được làm rất đơn giản nhưng hương vị lại đậm đà khó quên. Người dân sẽ dùng gạo cũ ngâm nước một đêm, cho vào cối xay mịn pha với nước cốt dừa, thêm chút bột nghệ vào cho bánh vàng và thơm. Nhân bánh là một ít tép rong trộn chút muối tiêu. Bánh được tráng trên chảo gang sao cho tròn và mỏng, khi vừa chín sẽ cho bông điên điển vào, để chừng hai phút cho thật chín và vàng, gập đôi chiếc bánh lại thành hình bán nguyệt. Bánh xèo lúc ấy sẽ có mùi thơm lừng của bột, nghệ, nước cốt dừa, tép và mùi hăng hăng đặc trưng của bông điên điển. Bông điên điển vào mùa nếu ăn không hết, người dân còn có thể làm dưa chua. Chỉ cần ngâm bông đã hái rửa sạch trong nước vo gạo pha muối, cho vào thạp nhỏ đậy kín bằng lá môn hoặc lá chuối xiêm tươi, chỉ vài ba ngày sau là đã có một món dưa vừa chua, vừa giòn. Bông điên điển làm dưa chấm với nước cá kho, tôm kho, thịt kho là hợp nhất!
Về miền Tây vào mùa nước nổi, quả là hạnh phúc cho những ai được nếm vài món ăn dân dã, mộc mạc bằng bông điên điển để cảm được câu hát "Ăn bông điển điển, nghiêng mình nhớ đất quê...".
Mắm đu đủ - món ăn dậy ký ức người miền Tây Mắm thơm lừng, từng cọng đu đủ giòn, trong veo, thấm vị ngọt của đường mía, thêm chút cay của ớt và nồng nhẹ của tỏi. Ngày nhỏ mỗi lần tới vụ lúa, tôi hay theo ngoại ra đồng bưng cơm xách nước cho mấy cô chú thợ gặt. Họ hay khen cơm nhà ngoại nấu ngon, ăn xong quên luôn mệt. Giữa...