24 giờ của đội cứu thương Tây Ban Nha
8 giờ sáng một ngày tháng 4, những con đường ở Madrid vắng lặng, chỉ có các đội cứu thương chạy khắp thành phố, theo những cuộc gọi tưởng chừng vô tận của bệnh nhân.
Bác sĩ Alonso Mateo, trợ lý giám đốc điều phối Trung tâm Cấp cứu Summa, đang ngồi trước màn hình máy tính.
Trên bức tường bên cạnh anh là dòng chữ: “Trước nghịch cảnh và kẻ thù, với sức mạnh và sự đoàn kết, chúng ta sẽ chiến thắng”. Cơ sở y tế nơi anh đang làm việc là bệnh viện dã chiến dựng lại từ một khách sạn.
Sau khi uống cà phê và chuẩn bị đồ bảo hộ, đội ngũ của bác sĩ Mateo nhận được cuộc gọi đầu tiên trong ngày.
Anh và các đồng nghiệp, bao gồm y tá Marta Vivas, hai kỹ thuật viên Daniel Martínez và Miguel Collado, chuẩn bị lên chiếc xe cứu thương số hiệu UV16. Collado vừa trở lại làm việc sau kỳ nghỉ phép 20 ngày bởi nhiễm nCoV.
Y tá Vivas giúp đồng nghiệp của mình mặc đồ bảo hộ trước khi vào nhà bệnh nhân. Họ chú ý tuyệt đối đến sự an toàn của bản thân, bởi tất cả người bệnh đều được coi là có nguy cơ nhiễm nCoV.
Trang phục bảo hộ của đội cấp cứu gồm có áo choàng, ủng, găng tay, khẩu trang và tấm chắn giọt bắn.
“Tôi không hề sợ bệnh dịch, nhưng vẫn vô cùng cảnh giác. Tôi muốn làm hết sức mình, góp phần đặt dấu chấm hết cho chuỗi ngày ác mộng này”, kỹ thuật viên Collado nói.
Trong ảnh, đồng nghiệp của anh là Martínez đang đọc kết quả điện tim của một cụ bà.
Bác sĩ Mateo kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân. Trong khi đó, Martínez và Collado chuẩn bị khu vực thay đồ bảo hộ.
Đội cứu thương luôn để ít nhất một kỹ thuật viên trực bên ngoài. Nhiệm vụ của anh là hỗ trợ đồng nghiệp cởi bỏ trang phục bảo hộ và tiến hành khử trùng toàn thân, chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo.
Bác sĩ Mateo đang hoàn thành bản báo cáo bên trong xe cứu thương UV16. Anh đã làm công việc này trong vòng 15 năm, “song đến khi dịch Ebola bùng phát, tôi mới học được cách mặc đồ bảo hộ, dù luôn mang chúng trong xe”, anh chia sẻ.
Covid-19 quét qua, thói quen của cả đội ngũ thay đổi hoàn toàn.
“Giờ thì chúng tôi sử dụng trang phục bảo hộ trong bất cứ ca cấp cứu nào, để an toàn cho bệnh nhân và chính mình. Rất nhiều người dân và nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, chúng tôi không thể làm việc theo cách thức cũ nếu số ca dương tính vẫn tiếp tục tăng”, anh nói.
Y tá Vivas chuẩn bị đo điện tâm đồ cho một bệnh nhân.
“Tới tận nhà và giúp đỡ họ giữa thời khắc sinh tử là trải nghiệm mà tiền bạc không mua nổi”, cô nói.
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
“Đôi khi chúng tôi chứng kiến người bệnh qua đời trước mắt mà chẳng thể làm gì. Nó thật sự khó khăn, là thứ mà chúng tôi vẫn tập quen dần. Bạn phải chuẩn bị sẵn sàng, bởi sẽ luôn có ai đó cần đến sự giúp đỡ của bạn”, anh Martínez chia sẻ.
Trên chiếc xe cứu thương số hiệu UV15, bác sĩ Mónica Coll và kỹ thuật viên Javier García gõ nhanh dòng địa chỉ vào hệ thống định vị trước khi lên đường. Họ nhận được cuộc gọi của bệnh nhân giữa buổi chiều cùng ngày.
Bác sĩ Coll được đồng nghiệp giúp đỡ đeo găng tay bảo hộ trước khi bước vào căn hộ.
Người gọi cấp cứu là một phụ nữ trung niên. Em gái bà có triệu chứng sốt và khó thở, đang đến giai đoạn nguy kịch, nhiều khả năng mắc Covid-19. Bác sĩ Coll và đồng nghiệp là y tá Guillermo Lago không thể làm gì hơn.
Bác sĩ Coll báo tin dữ cho chị gái của người bệnh. Cả hai nhân viên y tế có thái độ vô cùng ân cần. Nhờ có họ, bà nhìn em mình ra đi với sự bình thản hiếm thấy.
Ngay cả trong những thời khắc sinh tử, người cao tuổi vẫn e ngại phải đến bệnh viện giữa đại dịch. Họ gọi cấp cứu vào phút cuối cùng, và thường thì tất cả đã quá muộn. Có những người quyết định quay số chỉ bởi sợ nỗi cô đơn hay cảm giác bị bỏ lại một mình. Chính vì vậy, đôi khi, các nhân viên cứu thương có mặt để làm nguồn động viên tinh thần, thay vì điều trị.
Ở bên kia cánh cửa căn hộ, hai kỹ thuật viên Roberto Gonzalez và Javier García kiên nhẫn chờ đợi. Họ cần đồng nghiệp của mình hoàn thành bản báo cáo trước khi tiến hành khử trùng toàn thân.
Sau một buổi tối bận rộn, thành viên xe cứu thương UV16 tới một khách sạn, nơi bác sĩ Antonia Urbano đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân. Họ vận chuyển người đàn ông tới bệnh viện.
Cả đội chỉ có 15 phút ăn tối với salad và cà phê trước khi tiếp tục công việc. Kỹ thuật viên Collado thừa nhận họ không miễn nhiễm với cảm giác mệt nhọc.
“Tuy nhiên tình yêu và tinh thần trách nhiệm khiến adrenaline chảy trong huyết quản. Bạn phải cố gắng đến 100% sức lực, bởi đâu đó ngoài kia, nhiều người vẫn đang ở ranh giới của sự sống và cái chết”, anh nói.
Công chúa Tây Ban Nha qua đời vì virus corona
Công chúa Maria Teresa của Hoàng gia Bourbon-Parma, Tây Ban Nha qua đời ở tuổi 86 sau khi mắc Covid-19.
Thông tin này được em trai bà là Hoàng tử Sixtus Henry của Bourbon-Parma công bố hôm 28/3.
Công chúa Maria Teresa là thành viên Hoàng gia đầu tiên trên thế giới qua đời vì virus corona.
Công chúa Maria Teresa của hoàng gia Bourbon-Parma.
Ông Fernando Simon, Giám đốc Trung tâm điều phối và cảnh báo khẩn cấp thuộc Bộ Y tế Tây Ban Nha, cho biết đại dịch Covid-19 ở Tây Ban Nha đang trong giai đoạn gần đạt đến "đỉnh" dịch và nước này đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với sự hạn chế về thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế.
Hiện Tây Ban Nha đang phải vận động thêm máy thở từ các phòng khám tư nhân do số lượng thiếu hụt nghiêm trọng ở các bệnh viện tuyến đầu.
Tây Ban Nha là quốc gia có số lượng nhân viên y tế mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới với hơn 9.000 ca.
Hiện Tây Ban Nha ghi nhận 65.719 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.138 ca thiệt mạng.
Video: Các quốc gia châu Âu khi nào dỡ lệnh phong tỏa?
SONG HY
Vì sao số ca tử vong tại Tây Ban Nha tăng vọt trong thời gian ngắn? Các chuyên gia cho rằng dân số già, thói quen xã hội và hệ thống y tế có nhiều điểm yếu được xem là nguyên nhân Tây Ban Nha có số ca tử vong vì Covid-19 tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Người dân vỗ tay cổ vũ nhân viên y tế ở Madrid, Tây Ban Nha (Ảnh: Guardian) Mỗi buổi tối...