2020, HOSE hút khách ngân hàng niêm yết
Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 yêu cầu các ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên HOSE hoặc HNX, chứ không qua sàn UPCoM như quy định trước đó, “kéo” các ngân hàng trở lại với kế hoạch chuyển sàn hay niêm yết còn dang dở.
Tính đến nay, mới có 18 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Sàn HOSE hút khách
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, Nam A Bank sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm nay.
Theo ông Tâm, đây là quy định bắt buộc của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên các ngân hàng phải tuân thủ và Nam A Bank sẽ niêm yết sau khi hoàn tất việc tăng thêm vốn. Hiện Nam A Bank vẫn còn nguyên room ngoại.
Được biết, năm 2019, Nam A Bank đã hoàn tất việc tăng vốn lên 3.890 tỷ đồng từ nguồn thặng dư chia cổ tức cho cổ đông.
Năm 2020, Nam A Bank đặt mục tiêu tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng và mới đây nhất (đầu tháng 1), ngân hàng này đã được chấp thuận tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng.
“Kế hoạch tăng vốn trong năm 2020 sẽ được Nam A Bank triển khai thông qua chào bán cổ phần cho đối tác trong và ngoài nước, tỷ lệ bán khoảng 20%”, ông Tâm nói và thông tin thêm, hiện có một số nhà đầu tư nước ngoài đang đàm phán để mua cổ phần Nam A Bank.
Chủ trương của Ban lãnh đạo Nam A Bank trong việc thu hút cổ đông chiến lược là phải tìm được nhà đầu tư có tầm nhìn và chiến lược phù hợp với Ngân hàng.
Với VietBank, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Ngân hàng chia sẻ, VietBank đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM, nhưng theo chủ trương mới, tất cả các ngân hàng sẽ phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung từ năm 2020, nên VietBank sẽ sớm chuyển sàn giao dịch.
Mới đây, HOSE thông báo đã nhận hồ sơ niêm yết gần 1,175 tỷ cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải. MSB là ngân hàng đầu tiên nộp hồ sơ niêm yết trong năm 2020.
Được biết, kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán được ban lãnh đạo MSB đưa ra từ năm 2016, thời điểm hoàn tất thương vụ sáp nhập với Ngân hàng Mekong và mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Dệt may, nhưng đến nay mới có thể thực hiện.
Trong năm nay, OCB cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE sau thời gian dài trì hoãn. Chủ tịch HĐQT OCB – ông Trịnh Văn Tuấn cho hay, OCB dự tính niêm yết trong năm 2019, nhưng vì thị trường chứng khoán không thuận lợi nên được dời sang năm 2020. Tuy nhiên, trước khi niêm yết, OCB sẽ chốt tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Hiện room dành cho nhà đầu tư nước ngoại tại OCB còn nhiều, bởi mới một quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn Vina Capital nắm 5% vốn của nhà băng này.
Nikkei Asian đưa tin, Ngân hàng Aozora của Nhật Bản sẽ mua 15% vốn cổ phần của OCB vào trước tháng 4 năm nay, đánh dấu thỏa thuận đầu tiên ở nước ngoài của OCB kể từ khi thay đổi thương hiệu vào năm 2001.
Video đang HOT
Giá trị thương vụ vào khoảng 15 tỷ yên, tương đương 139 triệu USD.
Theo lãnh đạo OCB, việc niêm yết phải chọn thời điểm thích hợp để khi lên sàn giá cổ phiếu tăng, đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho các cổ đông.
Hiện giá cổ phiếu OCB đang giao dịch trên thị trường tự do quanh mức 16.000 đồng/cổ phiếu.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã được Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán trong tháng 9/2019 với mã chứng khoán BVB, nhưng đến nay vẫn chưa đưa cổ phiếu vào giao dịch.
Được biết, Viet Capital Bank có vốn điều lệ 3.171 tỷ đồng, tương ứng 317.1 triệu cổ phiếu và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.
Tính đến nay, mới có 18 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn, trong đó 10 cổ phiếu niêm yết trên HOSE (VCB, CTG, BID, TCB, MBB, HDB, TPB, VPB, EIB, STB), 3 cổ phiếu niêm yết trên HNX (ACB, SHB, NVB) và 5 cổ phiếu trên UPCoM (LPB, VIB, VBB, BAB, KLB).
Nhiều ngân hàng có chỉ tiêu tài chính tích cực
Cùng với kế hoạch niêm yết cổ phiếu, các nhà băng trên cũng hé lộ lợi nhuận và các chỉ tiêu tài chính tích cực khác.
Theo kế hoạch đưa ra cho năm 2020, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận không thấp hơn 20-30% trong năm nay.
Đơn cử, lãnh đạo OCB cho biết, Ngân hàng đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2019, ước đạt hơn 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 50% so với năm 2018.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp OCB đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 100%/năm, tốc độ tăng trưởng kép (CARG) từ năm 2016 đến năm 2019 đạt trên 88%/năm.
Các chỉ số sinh lời tiếp tục được cải thiện: Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt tương ứng 2,4% và 28%; tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) tăng hơn 25%, đạt 3.300 đồng/cổ phiếu.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2019 đạt khoảng 120.000 tỷ đồng.
Tương tự, kết thúc quý IV/2019, các chỉ tiêu kinh doanh của Nam A Bank đã “cán đích” thành công, trong đó nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, tính đến 31/12/2019, tổng tài sản đạt 94.657 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2018 và vượt 10% kế hoạch; huy động vốn thị trường 1 đạt 75.157 tỷ đồng, tăng 32,2% và vượt 4% kế hoạch; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 67.546 tỷ đồng, tăng 32,9% và vượt 13% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 925 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch…
Tại VietBank, tuy mới hết tháng 11/2019, nhưng ngân hàng này đã hoàn tất mục tiêu lợi nhuận kế hoạch cả năm là 540 tỷ đồng. Trong hệ thống ngân hàng, mức lợi nhuận này khá khiêm tốn, nhưng với quy mô hiện tại, kết quả này đã vượt kỳ vọng năm 2019 của VietBank.
Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng nhìn chung, ngành ngân hàng đã gặt hái được thành công trong năm qua khi lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 23.130 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống ngân hàng và là 1 trong 2 doanh nghiệp niêm yết có mức lợi nhuận lớn nhất.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietcombank, kế hoạch lợi nhuận ban đầu đặt ra cho năm 2019 là 20.500 tỷ đồng trước thuế, sau đó được điều chỉnh xuống 20.000 tỷ đồng, nhưng kết quả cuối cùng vẫn vượt xa con số trước điều chỉnh.
“Trong tổng lợi nhuận thu về năm 2019, mảng bán lẻ đóng góp đến 40%. Kế hoạch năm 2020, Vietcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận cao hơn 15% so với năm 2019. Đến 2025,
Vietcombank đặt mục tiêu đạt 2 tỷ USD lợi nhuận, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ đóng góp khoảng 50%”, ông Thành thông tin thêm.
Tại BIDV, ngân hàng này vừa công bố lãi hợp nhất trước thuế gần 10.800 tỷ đồng trong năm 2019 – mức kỷ lục từ trước tới nay.
Các chỉ tiêu sinh lời như ROA đạt 0,61%, ROE đạt 15,2%… cũng ở mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Một “ông lớn” ngân hàng khác là VietinBank, dù năm qua khó tăng trưởng tín dụng, song vẫn đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra với hơn 11.500 tỷ đồng.
Các ngân hàng đang tái cơ cấu như Sacombank, Eximbank… cũng đạt lợi nhuận khả quan. Điều này vừa góp phần tác động tích cực lên thị giá cổ phiếu của chính ngân hàng, vừa là động lực để ngân hàng khác niêm yết cổ phiếu.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Lãi đậm, dự báo ngân hàng chi thưởng Tết cao
Còn gần 2 tuần nữa mới kết thúc năm tài chính 2019 nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã cán đích, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Kết quả này dự báo sẽ có một mức thưởng Tết khá xông xênh cho nhân viên ngành ngân hàng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những ngày cuối tháng 12 này, vấn đề thưởng Tết cho các nhân viên ngân hàng là đề tài được nhiều người quan tâm và tìm kiếm nhất trên các phương tiện truyền thông. Những tín hiệu đầu tiên về thưởng Tết năm 2020 đã báo hiệu cho mùa thưởng Tết ấm no cho "dân ngân hàng".
Dự kiến lợi nhuận vượt mục tiêu
Thời điểm này, một số ngân hàng đã hé lộ con số lợi nhuận dự kiến của năm 2019. Chẳng hạn, VIB thông báo về lợi nhuận ước tính năm 2019 khoảng 4.000 tỷ đồng; VIB cũng dự kiến lợi nhuận đạt cao kỷ lục, tăng gần gấp rưỡi so với thực hiện năm 2018.
Sacombank vừa cho biết kết thúc năm 2019, các chỉ tiêu hoạt động chính đều vượt kế hoạch. Đặc biệt, lợi nhuận năm 2019 dự kiến đạt 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và cao hơn gần 1.000 tỷ đồng so với thực hiện trong năm 2018.
ACB và MB cũng cho biết khả năng vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm 2019 là rất cao, lần lượt là 7.300 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng (hợp nhất).
Không chỉ có các ngân hàng thương mại cổ phần, các nhà băng ở nhóm "Big 4" cũng tự tin đạt lợi nhuận đã đề ra, thậm chí vượt kế hoạch trong năm 2019.
Theo đó, chỉ sau 10 tháng đầu năm, Agribank đã đạt lợi nhuận trước thuế 10.350 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm (10.000 tỷ đồng). Theo dự kiến, Agribank sẽ đạt lợi nhuận tối thiểu 11.000 tỷ đồng trong năm nay.
Cũng được dự báo sớm cán đích lợi nhuận năm 2019 là Vietcombank. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, nhà băng này đã đạt 17.250 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 85,4% kế hoạch cả năm. Với đà tăng trưởng này, lợi nhuận của Vietcombank được cho là sẽ vượt chỉ tiêu 20.000 tỷ đồng trước thuế đề ra cho cả năm nay, ước đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.
Một số nhà băng quy mô nhỏ hơn như OCB, Nam A Bank, VietBank, Eximbank... cũng gần như hoàn tất các chỉ tiêu kinh doanh chính của năm 2019.
Đơn cử, tính đến 30/11/2019, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 1.107 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch năm. Kết thúc 3 quý đầu năm nay, VietBank thu về 429 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dự kiến sẽ đạt mức lợi nhuận trên 650 tỷ đồng trước thuế sau khi trừ chi phí dự phòng rủi ro (mục tiêu đầu năm là 500 tỷ đồng trước thuế).
Các công ty chứng khoán đưa ra nhận định định lạc quan về triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng trong năm 2019, đồng thời nhấn mạnh phân phối bảo hiểm (bancassurance) và cho vay mua nhà là 2 trong số những động lực tăng trưởng quan trọng của các ngân hàng này.
Lợi nhuận tăng mạnh, dự kiến thưởng Tết tại nhiều nhà băng sẽ cao hơn năm ngoài
Thưởng Tết lớn?
Những tín hiệu đầu tiên về kết quả lợi nhuận năm 2020 đã báo hiệu cho mùa thưởng Tết ấm no cho dân ngân hàng.
Mới đây, VietinBank thông báo bổ sung 1 tháng lương nhân dịp Tết Dương lịch 2020 cho cán bộ nhân viên (CBNV). Tuy nhiên, đây chưa phải là nhà băng được coi là có chế độ đãi ngộ tốt nhất trong nhóm "big 4".
Năm 2019, Vietcombank vẫn là cái tên hot nhất trong hệ thống về chế độ đãi ngộ. Theo các báo cáo tài chính, thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng này hiện đang cao nhất ngành với hơn 34 triệu đồng/người. Vietcombank cũng có "truyền thống" thưởng cao cho CBNV, nên với ước tính lợi nhuận đạt kỷ lục năm nay thì người lao động hoàn toàn có niềm tin sẽ được hưởng cái Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 ấm no nhất từ trước tới nay.
Dịp Tết Nguyên đán 2019, sau hội nghị tổng kết năm, mỗi CBNV Vietcombank được nhận 1 tháng lương kinh doanh. Ngoài ra, Vietcombank cũng trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi, chuyển mỗi quỹ tương đương 1 tháng lương kinh doanh. Sau đó, đúng dịp tết âm lịch, Vietcombank sẽ chuyển tiếp 4 tháng lương kinh doanh và sau Tết thêm 1 tháng lương kinh doanh cho mỗi CBNV.
Thực tế, các ngân hàng lớn thường không có sự đột biến về biên độ tăng giảm thưởng Tết giữa các năm như các ngân hàng TMCP có quy mô trung bình và nhỏ. Dường như các ngân hàng lớn vẫn giữ được "phong độ" về mức thưởng Tết cho CBNV. Mặt khác, các ngân hàng lớn có vốn nhà nước thường không tập trung tất cả chế độ vào thưởng Tết cuối năm, mà "thưởng" cho nhân viên rải rác đều đều trong năm.
Chia sẻ về việc thưởng Tết của ngân hàng, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành từng nói: Thực tế khái niệm "thưởng Tết" là việc các nhân viên được truy lĩnh lương của mình trong năm. Vietcombank cũng là một doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước nên tối đa mỗi năm chỉ được trích 2-3 tháng phúc lợi khen thưởng, nếu hoàn thành kế hoạch.
Ông Thành cho biết: Ở Vietcombank nếu lương nhân viên 32 triệu đồng hàng tháng thì mỗi tháng chỉ nhận khoảng 15-16 triệu đồng. Phần còn lại được trải đều các quý, mỗi quý sẽ chấm điểm KPI đánh giá và phần này được trả vào đúng thời điểm cuối năm nên mọi người hay gọi là thưởng Tết.
Lãnh đạo một số ngân hàng nhỏ cũng cho hay với mức lợi nhuận tăng cao như hiện nay, ngân hàng sẽ có tính toán để tăng thưởng cho các CBNV trong dịp Tết này.
Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn
Lên sàn năm 2019: Chỉ 1 ngân hàng thành công, nhiều nhà băng lỡ hẹn hết năm này qua năm khác Hiện tại mới chỉ có 18 trên hơn 30 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trong khi hạn chót là năm 2020 chỉ còn vài ngày. Mới có 18 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, năm 2019 chỉ một ngân hàng thành công Năm 2019, có hàng chục ngân hàng đề ra mục tiêu niêm...