2019, phải kiểm soát tín dụng tăng trưởng hợp lý
Sau một năm 2018 góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, nhìn về năm 2019, vẫn có nhiều cơ hội để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019.
Những con số ấn tượng
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, những mục tiêu, định hướng được NHNN xác định từ đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực như tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 11,58%. Việc kiểm soát tốt tiền tệ đã duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm ở mức 1,48%, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.
Chính sách tiền tệ phối hợp đồng bộ, hài hòa với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách quản lý giá đã giúp kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,54%, thấp hơn mục tiêu 4%.
Ông Tú phân tích, tín dụng tăng 14%, thấp hơn tốc độ tăng của những năm gần đây và được kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt mức 7,08%, cao nhất trong vòng 11 năm gần đây cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng.
Mặc dù có áp lực nhất định nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Chính sách tỷ giá điều hành linh hoạt đã củng cố lòng tin của thị trường đối với VND; tình trạng đô – la hóa, vàng hóa giảm mạnh, hỗ trợ tích cực cho chính sách tài khóa, thương mại, xuất nhập khẩu với thặng dư 7,2 tỷ USD.
Về kết quả cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, ông Tú cho biết: “Các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng với vốn điều lệ chiếm 26,7% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống; tổng tài sản chiếm 45,56%; dư nợ cho vay chiếm 52,62%.
Các ngân hàng thương mại cổ phần tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt hoạt động và tiếp tục có bước phát triển tích cực với vốn điều lệ tăng 2,22%, chiếm thị phần 45,7% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống; tổng tài sản tăng 10,13%, chiếm thị phần 40,6%; dư nợ cho vay chiếm thị phần 38,2%”.
Kết quả xử lý nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ước tính đến cuối tháng 12/2018, Phó thống đốc cho biết, đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, các tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý chiếm tỷ trọng 46,68%, thu nợ của khách hàng chiếm tỷ trọng 26,78%, bán nợ cho VAMC chiếm tỷ trọng 20,10%, còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác chiếm tỷ trọng 6,44%. Tính từ năm 2012 đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 876.360 tỷ đồng nợ xấu.
Đối với kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2018, ông Tú cho biết, toàn hệ thống đã xử lý được 183.170 tỷ đồng, đạt trên 32,22% tổng nợ xấu.
Video đang HOT
Hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn và hiệu quả hơn
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered kiêm Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng nói: “Chúng tôi xin chúc mừng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về một năm phát triển kinh tế ấn tượng với mức tăng trưởng GDP đạt 7%, lạm phát được kiểm soát thành công dưới mức mục tiêu 4% và dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất tính tới nay.
Thị trường quốc tế đã công nhận việc quản lý kinh tế hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, gần đây nhất thể hiện qua việc Fitch Ratings nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vào tháng 5/2018″.
Ông Nirukt Sapru cũng bày tỏ vui mừng trước quyết tâm của Việt Nam thể hiện qua Quyết định 1058 của Chính phủ và Nghị quyết 42 của Quốc hội về cải cách ngân hàng và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin thị trường, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như nhà đầu tư và tạo điều kiện phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn và hiệu quả hơn.
Nhìn về năm 2019, ông Nirukt Sapru nhận định, Việt Nam đang ở vị trí vững chắc để tiếp tục phát triển và có rất nhiều cơ hội để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế, bao gồm đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng đang trong quy trình thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước.
Với vị thế là một thị trường tiếp nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, Việt Nam có thể được hưởng các tác động tích cực từ các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, cũng như có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài và được hỗ trợ trong việc thực hiện theo các thông lệ quốc tế, tăng cường khả năng của các công ty nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng tới gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngân hàng phải tiên phong trong cách mạng 4.0
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát năm 2018, nhất là đồng hành và chia sẻ của các ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất – kinh doanh.
Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, bản lĩnh phối hợp tốt với chính sách tài khóa, tạo thuận lợi cho các chính sách khác phát huy tác dụng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt trên 60 tỷ USD. Đây chính là bài học kinh nghiệm cần rút ra đối với điều hành chính sách tiền tệ năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Trong thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng đặt hàng NHNN có lời giải cho bài toán ngân hàng phải làm gì để tiên phong trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo cú huých đối với nền kinh tế”
Theo Thủ tướng, NHNN phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ như xây dựng chương trình hành động triển khai các nội dung chiến lược cho từng giai đoạn; hướng dẫn kiểm tra giám sát đánh giá tình hình thực hiện chiến lược và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng; sơ kết vào năm 2020 về việc thực hiện các nội dung chiến lược đề ra; xây dựng trình Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng vốn theo chuẩn mực vốn của Basel 2.
Đồng thời, ngành phải nâng cao năng lực cạnh tranh, minh bạch trong quản trị và tiệm cận với các tiêu chuẩn thế giới, thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có một số ngân hàng lọt vào tốp các ngân hàng có quy mô lớn nhất về tổng tài sản.
“Năm 2019, phải kiểm soát tín dụng tăng trưởng hợp lý, gắn vào các lĩnh vực quan tâm. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các; ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án không dùng tiền mặt. Trong hội nhập quốc tế, NHNN phải chủ động trong đàm phán các FTA Việt Nam tham gia, đánh giá các tác động và có đối sách phù hợp, kể cả việc chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Vốn vào bất động sản sẽ khó hơn trong năm 2019
Kiểm soát tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 01/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, tín dụng bất động sản được cho là sẽ bị kiểm soát rất chặt chẽ.
Tín dụng bất động sản được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách của cơ quan quản lý.
Đưa nợ xấu nội bảng về dưới 2%
Theo yêu cầu tại Nghị quyết 01, hoạt động tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng cần đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Về nợ xấu, Nghị quyết 01 nhấn mạnh, kết thúc năm 2019 phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng hệ thống ngân hàng về dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu về dưới 5% (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC nhưng chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu). Trước đó, mục tiêu Chính phủ đã trình Quốc hội là đến năm 2020 giảm được tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 3%.
Giới phân tích nhận định, thay vì chỉ đạo chung về xử lý nợ xấu như nghị quyết năm trước, việc đưa ra một con số cụ thể cho năm 2019 sẽ lượng hóa rõ nhiệm vụ cần làm của ngành ngân hàng trong năm 2019 để tiến gần hơn mục tiêu năm 2020.
Mặc dù sẽ đón nhận không ít thách thức trong năm nay, cũng như thời gian tới, nhưng với tiềm năng vốn có, thị trường bất động sản sẽ thu hút được nhiều dòng vốn khác, ngoài vốn tín dụng
- TS. Cấn Văn lực
Theo một báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thổng tổ chức tín dụng là 2,4%, giảm nhẹ so với năm 2017 (2,5%). Trước đó, báo cáo cuối năm 2017 của cơ quan này cho biết, tổng tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn của ngành ngân hàng vào khoảng 9,5%.
Siết tín dụng bất động sản để tránh rủi ro "bong bóng"
Trên thực tế, không phải đến năm nay, mà trước đó chủ trương kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là bất động sản, đã được thực hiện một cách rốt ráo. Mặt khác, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo thấp hơn năm trước, nên khả năng vốn vào bất động sản sẽ còn siết chặt hơn.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, năm nay, hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại chịu sự tác động lớn từ những chính sách của cơ quan quản lý, từ đó ảnh hưởng tới tín dụng bất động sản.
"Các ngân hàng phải đáp ứng quy định giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 45% xuống 40% kể từ ngày 1/1/2019 theo Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 19/2017/TT-NHNN về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, quy định của Thông tư 19/2017 cũng tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản từ 150% lên 250%, thay vì 200% như hiện tại. Điều này sẽ khiến 'van' tín dụng vào bất động sản càng trở nên hẹp hơn", ông Tín đánh giá.
Mặt khác, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, tuy tỷ lệ an toàn vốn (CAR) dự kiến giảm từ 9% xuống 8% theo Basel II (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), nhưng các điều kiện trong Basel II lại khắt khe hơn, nhất là các quy định về tổng tài sản có, rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Trong đó, tổng tài sản có liên quan trực tiếp đến hoạt động cấp tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Trên thực tế, thông điệp kiểm soát vốn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn thường xuyên được cơ quan quản lý đề cập. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định và thực hiện nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội trong hoạt động tín dụng, nhất là với lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản, kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tập trung thanh tra, cảnh báo các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao...
Theo giới phân tích, việc thắt chặt tín dụng nói chung và vào thị trường bất động sản nói riêng tất yếu sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Tuy nhiên, trên phương diện vĩ mô, đây là cơ hội để doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại nguồn vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, từ đó hạn chế rủi ro "bong bóng", giúp thị trường bất động sản hoạt động ổn định và bền vững hơn.
"Mặc dù sẽ đón nhận không ít thách thức trong năm nay, cũng như thời gian tới, nhưng với tiềm năng vốn có, thị trường bất động sản sẽ thu hút được nhiều dòng vốn khác, ngoài vốn tín dụng", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận.
Thùy Vinh
Theo bds.tinnhanhchungkhoan.vn
Năm 2018, lợi nhuận BIDV tăng 13%, bắt đầu giảm lãi suất cho vay thêm mức 0,25%/năm Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, năm 2018 BIDV đã đạt được kết quả khá toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả và phát triển thể chế. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm...