2 vạn dân có một Phó Giáo sư hoặc Giáo sư
Ngày 18-11, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã trao tặng chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư cho các tân Giáo sư và PGS năm 2013.
Một trong những sự kiện đáng mừng được chia sẻ tại buổi lễ là trong 5 năm gần đây, chưa từng có cặp vợ chồng nào được giấy chứng nhận PGS ở cùng một địa điểm và cùng một thời điểm như năm nay. Đó là tân PGS Nguyễn Anh Tuấn (54 tuổi) ngành Y học và tân PGS Ngô Kim Chi (50 tuổi) ngành Hóa học. Theo Bộ GD-ĐT, đến năm 2012, tính tỉ lệ bình quân cả nước chỉ có xấp xỉ 1 GS hoặc PGS trên 2 vạn dân.
Nhìn chung, tuổi đời của các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn. Trong 57 GS năm 2013, người trẻ nhất là GS.TS Trần Đình Hòa – 43 tuổi, PGS trẻ nhất là TS Lê Anh Vinh ngành toán học – 30 tuổi.
Duy Anh
Theo ANTD
Tồn tại lớn nhất của ngành giáo dục là... lệch hướng
Những ngày gần đây, đề án đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng cuộc đổi mới lần này như một đoàn tàu khổng lồ đang chạy với hành khách là hơn 22 triệu thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên, đây là "trận đánh lớn" chấp nhận trả giá, hy sinh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhìn nhận những tồn tại của ngành giáo dục và thấy rằng việc đổi mới là cấp bách. Dư luận bày tỏ thái độ đồng tình và hy vọng vào sự quyết liệt nghiêm túc của ngành giáo dục trong lần đổi mới này sẽ đem lại những đổi thay đáng kể cho ngành giáo dục Việt Nam. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS, nhà giáo Văn Như Cương - một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà...
- Thưa PGS, nhà giáo Văn Như Cương, đề án đổi mới giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục coi là "trận đánh lớn". Chúng ta đã có nhiều lần đổi mới giáo dục, song không triệt để và không mang lại hiệu quả. Vậy để đổi mới giáo dục thành công, theo ông chúng ta phải bắt đầu từ đâu và lộ trình như thế nào?
Video đang HOT
- Tôi cho rằng nếu coi đây là một "trận đánh lớn" như ông Bộ trưởng đã nói, thì cần xác định rõ tư duy chiến lược và chiến thuật, sẽ đánh nhanh thắng nhanh hay đánh chậm thắng chắc? Tướng lĩnh là ai, bộ tham mưu là ai, cố vấn là ai? lính chiến là ai (là giáo viên, là học sinh hay là cả hai?) huấn luyện lính như thế nào, học cách sử dụng "vũ khí mới" trong bao lâu?... Đề án đặt ra mục tiêu là đến năm 2030 nền giáo dục nước ta phải đạt mức tiên tiến trong khu vực. Đó là một ước mơ chính đáng nhưng cũng thật là khó khăn để đạt được. Dẫu sao tôi vẫn hy vọng rằng trận đánh lớn sẽ thắng lợi...
- Là một nhà giáo có kinh nghiệm và cũng có nhiều lần có ý kiến đóng góp thẳng thắn cho ngành giáo dục, ông có thể cho biết về những tồn tại của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là gì: việc học, việc dạy, việc thi cử...?
- Tồn tại lớn nhất của nền giáo dục hiện nay là đang lệch hướng cho việc trả lời ba câu hỏi quan trọng nhất: Học để làm gì? Học cái gì? Học như thế nào? Đối với câu hỏi thứ nhất thì thực tế đã trả lời: Học để đi thi chứ còn để làm gì nữa? Mặc cho UNESCO khuyến cáo: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình", ở Việt Nam ta thì nhất định cứ phải là "học để thi", không có gì khác so với cha ông ta ngày xưa.
Còn "học cái gì?" thì xin thưa rằng học những thứ mà người ta bắt thi, những thứ không thi thì không học. Từ đó mới sinh ra môn chính và môn phụ.
Câu hỏi cuối cùng "học như thế nào?" thì đã có câu trả lời rất logic: học thế nào để thi cho đậu, bởi thế phải học vẹt, học nhồi, học nhét, học thuộc lòng, học tủ, học lệch, học thêm... Toàn bộ sự lệch hướng của nền giáo dục đều bắt nguồn từ việc định hướng sai lầm cho việc trả lời ba câu hỏi đó.
- Một trong những tồn tại của việc "dạy học" hiện nay là nhồi nhét kiến thức, chương trình học quá tải không phù hợp. Điều này có cần thiết phải đặt ra trong đề án đổi mới giáo dục?
- Một khối lượng kiến thức quá lớn và không để làm gì ngoài mục đích để làm bài thi. Đó là một trong những sai lầm. Chúng ta bắt mọi học sinh học Toán cứ như là để sau này ra đời họ sẽ theo nghiệp nghiên cứu Toán học hoàn toàn lí thuyết như Ngô Bảo Châu, cũng như bắt họ học văn cứ như là để sau này họ trở thành nhà phê bình văn học... Sau bậc phổ thông mỗi người đi theo những con đường khác nhau: làm thầy giáo, làm thầy thuốc, nhà nghiên cứu xã hội, hoạt động chính trị, nghiên cứu mỹ thuật, làm công nhân, làm ruộng, kinh doanh... Bởi vậy chương trình của bậc học phổ thông chỉ nhằm cung cấp cho họ một nền tảng kiến thức chung nhất, cơ bản nhất... để sau bậc học này họ có thể có đủ điều kiện đi theo con đường mà mình lựa chọn. Không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức hàn lâm. Điều đó thật vô bổ và là một sự lãng phí rất lớn. Và đã là vô bổ, lãng phí thì cần phải đổi mới.
- Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục - Đào tạo lại đưa ra quan điểm bỏ kỳ thi đại học và giữ kỳ thi tốt nghiệp? Ý kiến của PGS về vấn đề này như thế nào?
- Ý kiến của tôi là không bỏ kì thi nào cả, vẫn giữ các kì thi đó nhưng cách làm thì khác hẳn. Thi tốt nghiệp nên giao về các Sở GD&ĐT, không cần tổ chức cấp Quốc gia, không cần thi cùng ngày, cùng chung đề, cùng biểu điểm..., nhưng phải nghiêm túc, thực chất... Thi đại học cũng giao về cho các trường ĐH và CĐ, có trường thi tuyển, có trường xét tuyển, có trường thông qua phỏng vấn... điều đó tùy theo hoàn cảnh thực tế của mỗi trường. Hình thức thi "ba chung" đã lỗi thời, và việc quy định điểm sàn là sai lầm cần bãi bỏ.
- Theo PGS có nên rút ngắn thời gian học phổ thông từ 12 năm xuống còn 11 năm?
- Tôi đồng ý vẫn giữ 12 năm như cũ. Như trên tôi có đề nghị cần giảm đi rất nhiều kiến thức vô bổ, không thiết thực, làm cho việc học kiến thức nhẹ nhàng hơn, nhưng bên cạnh đó cần tăng cường việc học làm người, điều mà trước đây chúng ta không làm được vì không có thì giờ.
- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng bắt đầu đổi mới từ người thầy. Nhưng cũng rất khó vì thực tế là có một tỷ lệ lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Nhiều giáo viên còn có năng lực yếu. PGS có ý kiến gì và theo ông nếu bắt đầu đổi mới từ giáo viên thì sẽ làm như thế nào?
- Tôi nhất trí rằng phải bắt đầu đổi mới từ người thầy. Chúng ta muốn đổi mới bậc phổ thông về nhiều mặt: từ vấn đề dạy học tích hợp và phân hóa, về tư duy tiếp cận năng lực chứ không phải tiếp cận tri thức, về dạy học theo kiểu "bàn tay nặn bột", dạy học lấy học trò làm trung tâm.... Nếu người giáo viên không được trang bị về mặt lí luận, về phương pháp thì làm sao họ có để thực hiện được sự đổi mới như vậy? Muốn đổi mới từ người thầy thì lại phải đổi mới ngay ở các trường Sư phạm. Phải cho ra lò càng sớm càng tốt các lứa giáo viên có năng lực để phục vụ cho "đổi mới", ngoài ra các trường Sư phạm phải có kế hoạch để đào tạo lại những lớp giáo viên trước đây. Các giáo viên cũ phải lần lượt thay phiên nhau về các trường Sư phạm học một cách thực sự các khóa học (ít nhất là 6 tháng một khóa), có kiểm tra, thi cử nghiêm túc. Có đạt được yêu cầu mới có thể trở về giảng dạy.
- Vấn nạn dạy thêm bao năm qua đã được nói đến nhưng vẫn không thay đổi. Dạy thêm vẫn núp bóng dưới nhiều danh nghĩa khác nhau: Tự nguyện, học bù...?
- Một trong những nguyên nhân của việc học thêm là chương trình quá nặng, kiến thức thì nhiều mà thời gian học trên lớp thì ít nên học sinh phải học thêm thì mới có thể nắm được, hiểu được bài và có thể ứng dụng để làm bài tập... Thêm vào đó các bài thi tốt nghiệp hoặc thi vào đại học đều rất khó đối với đa số học sinh, cho nên nếu không đi học ở các lò luyện thì khó có hy vọng làm được bài. Tôi cho rằng nếu chúng ta giảm chương trình một cách thực sự, bỏ đi những kiến thức vô bổ, và cách tiến hành thi cử phù hợp không có những bài toán mẹo mực, đánh đố... thì học sinh có thể yên tâm học chính khóa mà không cần phải học thêm. Nếu chương trình học và cách thi cử vẫn không thay đổi gì nhiều thì không có cách gì chống được việc học thêm.
- Lương của nhà giáo, đặc biệt là vùng cao và nông thôn còn rất thấp. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm huyết. Còn ở thành thị thì nhà giáo phải làm đủ mọi cách dạy thêm để tăng thu nhập. Đổi mới giáo dục có lẽ cũng cần đổi mới lương nhà giáo?
- Đúng là lương thầy cô giáo còn thấp, không đủ nuôi sống mình. Nhưng đó là tình hình chung của cán bộ ăn lương Nhà nước. Ai cũng thế thôi, muốn đủ sống thì phải tìm cách chính đáng để có thu nhập thêm, nếu không muốn trở thành kẻ tham nhũng. Đối với nhà giáo thì một số rất giàu có vì dạy thêm, thu nhập hàng tháng có thể đến hàng trăm triệu đồng, nhưng số đó rất ít thôi và tập trung ở các thành thị. Đại đa số thầy cô giáo vẫn có một đời sống vật chất khá khiêm tốn. Tôi cho rằng cần có những biện pháp cụ thể để nâng cao đời sống của giáo viên, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng cao, vùng xa...
- Đề án đổi mới của Bộ giáo dục có nhiều ý kiến đánh giá còn chung chung. Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?
- Hình như toàn văn của đề án vẫn chưa công bố, mà chúng ta chỉ mới biết tóm tắt của dự án với những định hướng chung mà thôi. Cũng có một số điểm cụ thể như: học 12 năm, lớp 10 và 11 chỉ có 3 môn học bắt buộc, ngoài ra có thêm một số môn tự chọn, phương án thi tốt nghiệp và thi ĐH... Tôi mong rằng toàn văn dự án sẽ công bố cho nhân dân biết và có thể tham gia góp ý. Giáo dục không phải là sự nghiệp của riêng ai, bởi nó quyết định cho tương lai của toàn dân tộc
- Chân thành cảm ơn ông
Quan điểm đổi mới được trình bày trong đề án:
1. GD-ĐT là nhân tố giữ vai trò quyết định để thực hiện mục tiêu "Dân giàu - nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" nên cần được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư tài chính, nhân lực.
2. Chuyển mạnh quá trình GD từ chủ yếu trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học
3. Chuyển phát triển GD chủ yếu mục tiêu, số lượng, sang phát triển theo mục tiêu nâng cao chất lượng.
4. Chuyển từ hệ thống GD cứng nhắc, thiếu liên thông sang hệ thống GD mở, hình thành cơ chế học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập.
5. Phát triển GD phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa.
6. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển GD-ĐT.
Khánh Huyền (Thực hiện)
Theo ANTD
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận "vi hành" bằng email Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận công bố địa chỉ email cá nhân: pvluan@moet.edu.vn. Đây là một kênh tiếp nhận thông tin của bộ trưởng - như ông nói với báo chí: "Bên cạnh thông tin phản ánh tiêu cực trong thi cử, tôi cũng rất mong nhận được ý kiến, giải pháp, việc làm cụ thể giúp...