2 trường Đại học mở ngành thương mại điện tử
Dự kiến năm 2013, Đại học Thương mại và trường Đại học Công nghiệp TP.HCM sẽ tiên phong triển khai đào tạo đại học chính quy ngành Thương mại điện tử (TMĐT).
Từ trước tới nay, các trường đại học, cao đẳng mới chỉ đào tạo chuyên ngành TMĐT chứ chưa có ngành TMĐT. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đây là một bước ngoặt mới trong đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ sự phát triển của TMĐT Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho biết, Hội đồng Thẩm định Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành TMĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo quyết định thành lập vừa nhất trí thông qua chương trình đào tạo trình độ đại học ngành TMĐT cho hai trường gồm Đại học Thương mại và Đại học Công nghiệp TP.HCM. Dự kiến từ năm 2013, hai trường này có thể tuyển sinh sinh viên ngành TMĐT bậc đại học chính quy, thời gian đào tạo 4 năm theo hình thức tín chỉ.
Đối với Đại học Thương mại, Khoa TMĐT sẽ là đơn vị đầu mối, phối hợp với các khoa khác thuộc trường triển khai đào tạo ngành mới này. Còn Đại học Công nghiệp TP.HCM sẽ giao Khoa Thương mại và Du lịch chịu trách nhiệm chính cùng các khoa khác triển khai đào tạo ngành TMĐT (vài năm qua, trường này đã có Bộ môn TMĐT thuộc Khoa CNTT).
Theo Báo cáo tình hình đào tạo TMĐT tại các trường đại học và cao đẳng năm 2010 của Bộ Công Thương, trong số 125 trường đại học và cao đẳng được điều tra có 49 trường đại học và 28 trường cao đẳng đã giảng dạy TMĐT như một môn học, trong đó, hai trường gồm Đại học Thương mại và Đại học Ngoại thương đã triển khai đào tạo chuyên ngành Quản trị TMĐT ở bậc đại học thuộc ngành Quản trị Kinh doanh từ năm 2005 và 2007.
Nhìn chung, nguồn nhân lực TMĐT được đào tạo chính quy vẫn còn đang rất thiếu. Đội ngũ phụ trách TMĐT tại các doanh nghiệp phần lớn là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo chuyên nghiệp.
Nhằm sớm cải thiện hiện trạng này, Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 – 2015 đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ đào tạo chính quy bậc đại học và cao đẳng ngành TMĐT. Dự kiến sau Đại học Thương mại và Đại học Công nghiệp TP.HCM, sẽ có nhiều trường khác đăng ký chuyển từ đào tạo chuyên ngành TMĐT lên ngành TMĐT.
Để hỗ trợ các trường xây dựng đội ngũ giảng viên đủ năng lực giảng dạy ngành TMĐT trình độ đại học chính quy, Hội đồng Thẩm định Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành TMĐT dự kiến sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo quan tâm và có các giải pháp phù hợp, chẳng hạn bồi dưỡng, đào tạo giảng viên thông qua Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020″ được phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 911).
Video đang HOT
Theo Ictnews
Điểm danh những trang web đặt món trực tuyến ở Việt Nam
Bắt đầu xuất hiện từ năm trước, nhưng phải tới năm nay thì các trang web chọn món ăn trực tuyến ở nước ta mới thu hút nhiều sự chú ý của giới công nghệ.
Phần bởi thị trường đón nhận những đối thủ tới từ các đại gia trong ngành, phần bởi có những dấu hiệu tích cực của mô hình này. Và, cũng có thể bởi đó là mô hình "hot" mới nhất hiện nay ở Việt Nam, sau trào lưu mua chung diễn ra từ năm 2010.
Ngoài một số công ty khởi nghiệp nhỏ từ trước, từ đầu năm tới nay, thị trường đón nhận sự xuất hiện HungryPanda của Rocket Internet, Hungry của MJ Group và ChonMon của VC Corp. Hai trong số ba trang web này thuộc sở hữu của hai đại gia trong ngành mua chung là Nhommua.com (MJ Group) và Muachung.vn (VC Corp). Rocket Internet tuy mới gia nhập thị trường hơn một năm, nhưng công ty vốn nổi danh là "ông vua clone" này đang đầu tư khá mạnh mẽ vào thị trường TMĐT Việt Nam.
Một nguyên nhân nữa có lẽ cũng bởi mô hình đặt đồ ăn trực tuyến sẽ là một lựa chọn thích hợp cho các công ty vốn có thế mạnh về TMĐT như đã nêu trên. Bởi các công ty này sẽ kế thừa được một số lợi thế như hệ thống giao hàng, hệ thống thanh toán trực tuyến và kinh nghiệm quản lý, điều hành các sản phẩm thương mại điện tử địa phương.
Các dịch vụ Thương mại điện tử địa phương (Local E-commerce) như mô hình mua chung hay chọn món trực tuyến đang ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam. Thế mạnh của TMĐT địa phương là có thể giúp kết nối những đơn vị cung cấp dịch vụ ở các địa phương với khách hàng ở địa phương đó. Chính nhờ sự kết nối này, TMĐT địa phương giúp cho các đơn vị sản xuất, buôn bán dịch vụ ở địa phương gia tăng doanh số và có thêm lượng khách hàng mới.
Trên thị trường thế giới, mô hình giao đồ ăn trực tuyến cũng đang nóng dần lên với thương vụ đầu tư mới nhất là startup Delivery Hero nhận được món tiền 50 triệu USD, nâng tổng số tiền đầu tư mà công ty này nhận được là 100 triệu USD. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Delivery Hero là Just Eat nhận thêm khoản đầu tư trị giá 64 triệu USD hồi tháng 4, nâng tổng số vốn đầu tư vào công ty này lên gần 130 triệu USD. Delivery đang hoạt động ở 11 quốc gia và có 22.000 nhà hàng đối tác. Còn Just Eat đang hoạt động ở 13 quốc gia với 25.000 nhà hàng.
Dưới đây là các trang tiêu biểu của mô hình ở Việt Nam hiện nay.
Chonmon.vn
Chonmon, tên mã cũ Foodnet, là một dự án TMĐT mới nhất của VC Corp. Vào cuối tháng 7 VC Corp đã mua lại Eat.vn, một trang gọi đồ ăn trực tuyến dành cho người nước ngoài tại Việt Nam, với giá 2,6 tỷ đồng. Sau đó, một bộ phận của Eat.vn đã cùng hợp tác với dự án Foodnet để cho ra đời Chonmon.vn.
Với thế mạnh trong điều hành các trang TMĐT khá nổi tiếng, Chonmon là một con bài chiến lược mới của VC trong cuộc chiến TMĐT được công ty này xác định là rất khó khăn và lâu dài.
HungryPanda.vn
HungryPanda là phiên bản Việt Nam của thương hiệu FoodPanda từ RocketInternet. FoodPanda đã thực hiện mô hình này ở nhiều nước Đông Nam Á khác, và thế mạnh về vận hành ở nước ngoài của "ngoại binh" tới từ Rocket Internet này là một điều mà các đối thủ phải kiêng dè.
Thế nhưng, HungryPanda và cả bản thân RocketInternet có thể sẽ thiếu kinh nghiệm về thị trường trong nước so với 2 "ông lớn" còn lại.
Hungry.vn
Sau thương vụ thâu tóm OrderFood với mức giá chưa được tiết lộ, một đại gia TMĐT khác là MJ Group đã cho ra đời Hungry. MJ Group cho rằng thế mạnh của Hungry nằm ở sự kết hợp giữa hiểu biết về địa bàn TP HCM trong quá trình vận hành trang Diadiem, kinh nghiệm giao nhận chuyên nghiệp từ NhomMua, cũng như công nghệ chuyển giao từ Rebate Network (một mạng mua chung đã đầu tư vào MJ Group).
Goimon.vn
Startup Goimon cho rằng điểm khác biệt của họ so với các doanh nghiệp trong mô hình này là họ sử dụng thuật toán tìm kiếm địa phương hoá, với trải nghiệm người dùng được cá nhân hoá. Cùng với đó là khả năng hỗ trợ cho nhà hàng và các tính năng tương tác với người dùng qua mạng xã hội và trên website.
Vietnammm.com
Ngoài các trang web kể trên, mô hình gọi đồ ăn trực tuyến này còn có sự tham gia của Vietnammm.com. Trang web này đi vào hoạt động từ đầu năm 2011, ban đầu chỉ hỗ trợ cho khách hàng nước ngoài đang sinh sống ở ViệtNam, nhưng hiện tại đã mở rộng cho cả người Việt. Chính vì "sống lâu" nên thế mạnh của trang này chính là ở những đánh giá của người dùng với các nhà hàng, giúp cho những người đến sau có thể lựa chọn được nhà hàng ưng ý nhất.
Tạm kết
Cuộc chiến gọi đồ ăn trực tuyến dường như sẽ không nóng bỏng như cuộc chiến mua chung từng thu hút sự chú ý của giới công nghệ trong thời gian trước. Nhưng sự tham gia của 2 "cá mập" trong ngành khiến cho mô hình này trở thành tâm điểm chú ý trong số các mô hình TMĐT hiện nay.
Nhu cầu ăn uống là một nhu cầu quan trọng của con người, và với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, con người có thể tiết kiệm nhiều thời gian với các trang web thuộc mô hình này. Thêm nữa, các website sẽ là một danh bạ địa chỉ các nhà hàng trong khu vực của người dùng, vì thế là một nơi tra cứu lý tưởng cho các nhân viên công sở đang tự hỏi "trưa nay ăn gì?"
Việc đánh giá mô hình gọi đồ ăn trực tuyến có thể thành công hay không là quá sớm. Nhưng sự phát triển của mô hình sẽ giúp cho các trang web cho phép người dùng đánh giá, ghi cảm nhận, xếp hạng nhà hàng trở nên cần thiết hơn. Và các nhà hàng, quán ăn sẽ có cơ hội mới để tăng thu nhập, chỉ riêng điều này đã là một lợi ích lớn của TMĐT: Đem những vấn đề mua bán thông thường tới gần hơn với con người, nhờ sự hỗ trợ tối đa của việc ứng dụng công nghệ.
Theo Genk
Tiềm năng thị trường thương mại điện tử Việt Nam Thị trường TMĐT là một kênh kinh doanh hiệu quả Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cùng với sự tăng trưởng của internet, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nhanh chóng tận dụng sự phát triển của thị trường thương mại điện tử (TMĐT), biến nó thành kênh kinh doanh hiệu quả.Theo khảo...