2 người chết do lũ miền Trung
Mưa lũ lớn từ thượng nguồn ồ ạt đổ về dâng cao trên các sông suối tỉnh Quảng Ngãi hơn hai ngày qua đã cuốn trôi một học sinh và nam thanh niên.
Thi thể Hồ Văn Tèo, học sinh lớp 4, ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh, bị nước lũ cuốn trôi gần 5 km. Ông Lê Văn Tư, Hiệu trưởng trường THCS Trà Lãnh cho biết trưa 25/11, trên đường đi học về nhà, lội qua suối Trà Ích em Tèo bị lũ về bất ngờ cuốn trôi. Đến chiều 27/11, thi thể em mới được tìm thấy.
Năm nào cũng vậy, huyện miền núi Tây Trà đều có học sinh chết đuối do mưa lũ cuốn trôi khi đi qua các sông, suối. “Địa hình đồi dốc nên khi mưa lớn, lũ về Tây Trà nhanh khiến các em chạy không kịp, rất dễ đuối nước”, thầy Tư nói.
Người dân bất chấp nguy hiểm đi qua những quãng đường ngập lũ ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín
Trên tuyến đường từ xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa đi qua cầu tràn Thạch Nham về huyện miền núi Sơn Hà, mỗi khi nước lũ dâng cao qua tràn, chính quyền địa phương đều gác barie, treo biển cấm qua lại. Thế nhưng người đi đường vẫn bất chấp nguy hiểm chạy qua quãng đường ngập nên thường xảy ra tai nạn thương tâm.
Hai ngày trước, hai thanh niên từ hướng Sơn Hà về TP Quảng Ngãi khi qua cầu tràn công trình đầu mối Thạch Nham bị nước lũ cuốn trôi cả người và xe máy xuống vực nước sâu. Rất may, cả hai bám được các khúc gỗ và được người dân địa phương ném dây thừng ứng cứu đưa vào bờ an toàn.
Nước lũ tràn qua cầu Thạch Nham nối xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa với huyện miền núi Sơn Hà. Ảnh: Trí Tín
Sáng 26/11, người dân cũng phát hiện thi thể nam thanh niên khoảng 30 tuổi trôi trên sông Trà Khúc. Danh tính người gặp nạn hiện chưa rõ, song theo người dân thị trấn Di Lăng, hai ngày trước họ phát hiện một xe máy nổi gần khu vực cầu sông Rin. Có thể thanh niên này chạy xe máy qua cầu sông Rin đã bị nước lũ chảy xiết cuốn trôi cả người lẫn xe. Nạn nhân đã bị dòng nước lũ cuốn trôi hơn 30 km.
Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết, nước lũ ngập cầu sông Rin với cường độ mạnh. Cầu lại không có lan can nên nhiều người khó phân định giới hạn mặt cầu.
Theo VNExpress
Video đang HOT
Xơ xác trong những ngày lũ
"Ngoại ơi, cho chon ún thuốc", bé My xơ xác sau ba ngày chạy lũ
Vượt qua những đoạn đường ngập sâu cả mét, băng qua những cánh đồng đã thành sông, chúng tôi đã đến được những nẻo khuất của "nóc lũ" Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh).
Vật vã với bệnh tật trên nóc lũ
Vừa đặt chân đến xóm 10, xã Hương Sơn, huyện Vũ Quang, đã nghe lao nhao tiếng trẻ con khóc ỉ ôi. Nhếch nhác, bẩn thỉu, thò lò mũi xanh, chẳng đứa nào có lấy một tấm áo lành trong cái lạnh buôn buốt sau khi lũ rút.
Bé My quặt quẹo trên tay bà ngoại. Da xanh lướt, hai mắt thô lố chiếm hết cả khuôn mặt. Bà ngoại My - bà Ánh mếu máo: "Hắn" vừa đau bụng vừa nóng đầu 3 ngày nay. Chạy lũ, cả nhà chẳng biết cách chi kiếm thuốc cho "hắn" uống. Chừ cũng chẳng biết ra răng".
Nghe từ "thuốc" từ miệng bà ngoại, My ngọng líu lo: "Ngoại ơi, cho chon ún thuốc". Vừa nói, bé ôm bụng nhăn nhó.
Hỏi người lớn và cả trẻ con thì ở mấy gian phòng do nhà thờ Hương Sơn cho dân ở nhờ chạy lũ, không có ai không ốm. Nhẹ là cảm mạo, nặng là sốt lì bì.
Căn phòng ngay cổng nhà thờ chỉ rộng chừng 10 mét vuông, mà có đến 5 gia đình trú ẩn, gần bốn chục con người. "Già thì ngủ côi bàn, trẻ thì ngủ dưới đất" - bé Lan bảo vậy. Mùi ẩm mốc, mùi người cứ xộc thẳng vào mũi, không ốm với điều kiện thiếu ăn, ở nhếch nhác, mới là lạ.
Góc phòng, cụ Lạc năm nay hơn 80 tuổi nằm co ro trên 2 cái bài học sinh, ho khù khụ. Cụ bảo 3 ngày nay, chỉ húp được tí nước mì tôm, người cứ lạnh từng cơn, hầm hậm sốt. Mọi người lo cho cụ lắm, cái tuổi sắp gần đất xa trời, nay lại bệnh tật mà thiếu thuốc, thiếu ăn. Mới sáng hôm qua (18/10), mấy người đàn bà hàng xóm chẳng biết kiếm đâu ra nắm gạo nấu cho ông bát cháo. Ông tươi lên được một tí.
Cụ Lạc thiếp thiếp trên 2 cái bàn học sinh, hôm nay cụ vẫn sốt li bì
Ông Nguyễn Văn Khánh, bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn cho hay, hiện tại chính quyền chỉ có thể lo giải quyết cứu đói. Nước rút sẽ tính tiếp. Chuyện chăm sóc sức khỏe y tế cho dân chạy lũ, chính quyền vẫn chưa thể lo, vì xã ngập nhiều quá, chỗ nào cũng ngập.
Đã ba ngày chạy lũ, nhà vẫn ngập băng, chưa thể về. Chẳng biết bệnh tình của bé My, ông Lạc có nặng thêm không?
Đêm kinh hoàng và người vác tù và hàng tổng
Đêm 16/10 là đêm kinh hoàng của cả làng Hương Giang, xã Phúc Đồng, Hương Khê. Có lẽ cũng vì thói quen "sống chung với lũ", nghe nước lên là dọn đồ đạc lên "chạn" (Gác cao lưng chừng nhà) thế là xong. Bởi lâu lắm, cả trăm năm nước mới lên đến mức ấy.
Ai có ngờ nước cứ lên vùn vụt, ngập cả "chạn", rồi dần ngập lên tận nóc nhà. Cánh đồng trước mặt nước lũ đã phủ qua ngọn...cột điện.
Chỉ một đêm nước ngập nóc nhà và trùm luôn cả cột điện, ruộng thành sông
Thế là người trẻ cõng người già, người khỏe dìu người yếu dắt díu nhau chạy lũ như ong vỡ tổ. Cứ chỗ nào cao là đến, sống được cái đã. Lên được chỗ cao, thoát được cái hung dữ muốn nuốt chửng tất cả của dòng nước lũ, mọi người trong làng kiểm lại, may quá chẳng thiếu một ai.
Chạy tháo thân, thóc, gạo để hết trên "chạn" chẳng đem theo cái gì. Thế là đói. Lực lượng cứu hộ có đến, có chuyển mì tôm, nhưng cũng chẳng đủ. Mọi người chia nhau từng qua ngày.
Chuyện đáng nói là, với mỗi làng, mỗi xóm lực lượng cứu hộ chỉ đến được một điểm, vì canô to, không tiếp cận được, cố tiếp cận thì sập nhà dân. Tức là, mì tôm chỉ được đưa đến một chỗ, rồi từ đấy người dân tự chuyển cho nhau.
Nhận mì tôm đem phát cho cả làng, khi về nhà mình chẳng có gói nào
Ở cái làng Hương Giang ấy, thuyền lại ít, mảng, bè tự chế cũng chẳng dám mon men ra dòng nước lũ. Chẳng nhẽ cứ để mì tôm đấy, còn cả làng đói? Nghĩ vậy, anh em nhà anh Thuận lặng lẽ lấy thuyền chuyên chở mì tôm, nước sạch đến tận từng nơi người dân lánh nạn. Đi lại như con thoi trên dòng nước lũ, phân phát mì tôm cho tất cả mọi người. Lúc quay về hai anh mới nhớ, nhà mình chẳng có gói nào.
Đến hôm qua 18/10, khi con nước đã bắt đầu "đứng" và giảm dần, anh em nhà Thuận vẫn làm cái công việc "vác tù và hàng tổng" ấy, dù nhà hai anh nước xô xiêu vẹo, vợ con kêu í ơi. "Nhà mình có thuyền, cũng chở người đi lánh lũ, giờ không ra nhận mì gói, nước uống cho người làng thì ngại lắm. Còn không đem về nhà mình là do...quên" - Thuận bảo vậy.
Một số hình ảnh PV ghi lại được tại huyện Vũ Quang và Hương Khê, Hà Tĩnh
Nóc nhà này bị trôi 200 mét, từ xóm 10, xã Hương Sơn ra đến bờ sông Ngàn Phố
Nước vẫn ngập nửa cột điện, 2 em nhỏ vô tư chèo thuyền nghịch nước
Sống gần trăm tuổi chưa thấy trận lũ lịch sử như thế này
Để cứu đói cho dân, ông Nguyễn Thanh Bình, BT Tỉnh ủy Hà Tinh đứng xếp hàng chuyển mì tôm
Theo Bee