2 cựu tướng “chống lưng” cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ như thế nào?
Hai cựu tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa biết game bài đánh bạc Rikvip là tổ chức đánh bạc nhưng không tổ chức điều tra, xử lý.
Sáng 13/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tổ chức đánh bạc nghìn tỷ trên mạng internet tiếp tục với phần công bố cáo trạng của Viện kiểm sát (VKSND) tỉnh Phú Thọ.
Ghi nhận của PV, trong lúc đại diện VKS công bố cáo trạng, ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cầm một cuốn tài liệu chăm chú theo dõi. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) cũng hướng mắt lên màn hình lớn theo dõi cáo trạng.
Trong khi, bị cáo Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao – CNC), Phan Sào Nam (cựu Giám đốc Công ty VTC Online) lặng lẽ ngồi nghe.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh chăm chú đọc tài liệu tại phiên tòa sáng nay.
“Chống lưng” cho hoạt động tổ chức đánh bạc
Theo cáo trạng VKS công bố, năm 2011, ông Vĩnh chỉ đạo ông Hóa và một số cán bộ dưới quyền lập đề án xây dựng công ty bình phong thuộc C50 phục vụ hoạt động nghiệp vụ và công ích.
Đại diện VKS tiếp tục công bố cáo trạng.
Sau đó, ông Vĩnh ký tờ trình xin ý kiến cấp trên, theo đó C50 góp 20% cổ phần và cử cán bộ đại diện cổ phần phụ trách công nghệ thông tin. Trong thời gian xin chủ trương thành lập công ty bình phong, ông Vĩnh đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để lập công ty bình phong cho C50.
Dương sau đó đã gặp ông Hóa và thống nhất để Dương thành lập công ty bình phòng cho C50. Tháng 9/2011, Dương thành lập Công ty CNC rồi ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh ông Hóa.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương.
Theo biên bản ghi nhớ, C50 có trách nhiệm tạo điều kiện khi CNC đề xuất những lĩnh vực kinh doanh mang tính chất thí điểm về thông tin và công nghệ cao, ủy quyền cho Dương lập, ký các giấy tờ, tài liệu. Đổi lại, công ty của Nguyễn Văn Dương phải đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, phân phối 20% lợi nhuận cho C50…
Video đang HOT
Được sự đồng ý của Phan Văn Vĩnh, Công ty CNC đã sử dụng trụ sở của Tổng cục cảnh sát ở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội. Sau đó, Dương đề xuất phát hành các trò chơi cờ bạc trên internet nhằm tìm hiểu, đưa ra đề xuất thực tế để quản lý và tạo nguồn thu để CNC xây dựng lực lượng phục vụ nhiệm vụ được giao.
Đầu năm 2015, Phan Sào Nam (cựu Giám đốc VTC online) biết CNC là công ty bình phong thuộc C50 nên hợp tác với Dương để phát hành game đánh bạc Rikvip. Đầu tháng 5/2015, Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo Phòng Tham mưu dự thảo Quyết định thành lập công ty bình phong.
Bị cáo Phan Sào Nam.
Tháng 5/2016, lãnh đạo Bộ Công an có công văn yêu cầu ông Vĩnh chỉ đạo C50 báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng về hoạt động của công ty đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao CNC nói chung và hoạt động hợp tác giữa Công ty CNC với Công ty VTC Online liên quan đến hoạt động của 2 game bài Rikvip.com và 23dzo.com không phép, mang tính chất đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật…
Nhận được công văn của lãnh đạo Bộ Công an, ông Vĩnh biết Công ty CNC liên kết với Công ty VTC Online vận hành game bài Rikvip là tổ chức đánh bạc, nhưng không báo cáo theo yêu cầu và cũng không chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra xác minh để xử lý.
Tới tháng 7/2016, lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục gửi công văn lần 2 yêu cầu Tổng cục cảnh sát báo cáo, ông Hoá mới ký công văn yêu cầu Công ty CNC chấm dứt hoạt động 2 Website Rikvip.com và 23zdo.com với lý do “hoạt động của các Website này hiện có nhiều biểu hiện phức tạp, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội” và gửi báo cáo tới ông Vĩnh.
Sau đó, ông Hoá chỉ đạo soạn thảo công văn để ông Nguyễn Công Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát ký báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về quá trình hình thành và hoạt động kinh doanh của Công ty CNC.
Trong báo cáo có nêu “Công ty CNC liên kết với Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến vận hành cổng trò chơi điện tử Rikvip.com và 23zdo.com từ tháng 6/2015 hoạt động của hai cổng trò chơi này trong thời gian gần đây có biểu hiện phức tạp gây ảnh hưởng xấu nên Tổng cục cảnh sát đã có văn bản yêu cầu Công ty CNC chấm dứt hoạt động của 2 cổng trò chơi này và chấm dứt các hoạt động hợp tác với Công ty VTC online”.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa
Ngày 24/8/2016, ông Hóa ký văn bản gửi ông Vĩnh báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến trên mạng internet, trong đó có nêu game bài Rikvip do Công ty CNC và Công ty VTC Online phát hành là game bài đổi thưởng có dấu hiệu đánh bạc, tổ chức đánh bạc và đề xuất điều tra, thu thập tài liệu để xử lý theo quy định.
Cùng ngày, Phan Văn Vĩnh có bút phê đồng ý đề xuất báo cáo lãnh đạo Bộ xây dựng kế hoạch bóc dỡ, xử lý nghiêm theo pháp luật và giao cho Phó Tổng cục trưởng chỉ đạo. Tuy nhiên, thực tế Tổng cục cảnh sát và C50 không xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và không có một hoạt động điều tra xác minh nào để đấu tranh với các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận hành game online đổi thưởng trong đó có game bài Rikvip.
Chỉ đạo cấp dưới không được xác minh đường đây đánh bạc
Theo cáo trạng, giữa năm 2015, cán bộ phòng Phòng, chống tội phạm mạng máy tính (Phòng 2) thuộc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện game bài Rikvip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc, đánh bạc nên đã báo cáo trực tiếp trưởng phòng.
Lãnh đạo Phòng 2-C50 sau đó đề xuất Nguyễn Thanh Hoá giao cho phòng 2 tổ chức xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Hoá không đồng ý đề xuất với lý do Công ty CNC vận hành game bài Rikvip là không vi phạm pháp luật và sẽ báo cáo lãnh đạo tổng cục và lãnh đạo bộ để Công ty CNC được hoạt động thí điểm phục vụ công tác nghiệp vụ. Do vậy, phòng 2 không thể tổ chức xác minh.
Một tháng sau, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đổi tên Rikvip thành Tip.Club. Phòng 2 – C50 nhiều lần báo cáo Nguyễn Thanh Hóa về hoạt động phức tạp của game đánh bạc trá hình này nhưng ông Hóa tiếp tục chỉ đạo không được xác minh.
Theo Danviet
Ông Phan Văn Vĩnh "che chở" công ty bình phong của C50
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh đã chỉ đạo việc thành lập Cty CNC dưới danh nghĩa Cty bình phong của C50. Sau đó, Cty CNC đã phối hợp cùng Cty VTC trực tuyến phát hành game đánh bạc, thu lời gần 10.000 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Vĩnh được dẫn giải tới tòa sáng (12/11)
Ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ xét xử vụ tổ chức đánh bạc trực tuyến, thu lời gần 10.000 tỷ đồng. Vụ án có số lượng người tham gia rất lớn trong đó có cả bị cáo Phan Văn Vĩnh - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nên HĐXX tiến hành làm thủ tục khai mạc trong cả buổi sáng. Giờ làm việc buổi chiều, chủ tọa tuyên bố bắt đầu phần xét hỏi, kiểm sát viên được công bố bản cáo trạng dài 235 trang.
Theo truy tố, năm 2015, Phan Sào Nam - GĐ Cty CP VTC truyền thông tới gặp Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Cty CNC và thống nhất 2 cty sẽ liên kết xây dựng hệ thống đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài. Hệ thống này đã thu hút gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Cty CNC
Đáng chú ý, Cty CNC được xác định là cty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), được thành lập năm 2011 dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Phan Văn Vĩnh thời điểm này giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Cụ thể, ông Vĩnh chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng C50 thành lập Cty bình phong. Sau đó, C50 đã xin ý kiến Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an và nhận lại bút phê: "Đồng ý về chủ trương, thực hiện phải đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ".
Cùng lúc này, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương tới gặp Nguyễn Thanh Hóa để thống nhất xây dựng Cty CNC là Cty bình phong của C50. Trong đó, C50 có trách nhiệm đề xuất lĩnh vực kinh doanh; CNC có trách nhiệm đảm bảo thực hiện yêu cầu nghiệp vụ của C50...., lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 80% cho CNC, 20% cho C50.
Năm 2012, bị cáo Dương đề nghị tới các ông Vĩnh, Hóa về việc cho CNC phát hành các trò chơi cờ bạc trên mạng nhằm tìm hiểu, đưa ra đề xuất từ thực tế nhằm quản lý các hoạt động bất hợp pháp trên mạng, tạo nguồn thu xây dựng lực lượng hacker "mũ trắng".
Bị cáo Phan Sào Nam
Tiếp đến, Nguyễn Văn Dương thông báo CNC đã tạo cổng thanh toán trực tuyến, đề nghị C50 hỗ trợ việc đưa các game bất hợp pháp (có danh sách kèm theo) lấy cổng thanh toán của CNC làm công thanh toán duy nhất.
Ông Võ Tuấn Dũng - Trưởng phòng nghiên cứu xây dựng các Cty bình phong của C50 báo cáo đề nghị của CNC là sai nhưng ông Hóa không ngăn cản, yêu cầu cấp dưới không trả lời.
Năm 2015, sau khi thỏa thuận cùng Phan Sào Nam để phát hành game đánh bạc, Nguyễn Văn Dương được bị cáo Phan Văn Vĩnh cho thuê số 10 Hồ Giám (Hà Nội) làm trụ sở của CNC. Theo cáo trạng, việc này tạo ra rào cản với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan khác xác minh, xử lý vi phạm của CNC.
Năm 2016, ông Vĩnh chỉ đạo ông Hóa về nội dung xây dựng lộ trình phát triển CNC với mục tiêu chính: "Xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng". Để thực hiện, CNC cần xây dựng hệ thống mạng xã hội, cổng thanh toán trực tuyến để thu thập thông tin, nắm tình hình tội phạm và cũng để có nguồn thu.
Tháng 5/2016, tướng Hóa báo cáo tướng Vĩnh về việc CNC đang vận hành 2 cổng game dù không được phép. Ông Vĩnh chỉ đạo cấp dưới lập văn bản để mình ký, gửi Bộ Công an và Bộ TT&TT hợp pháp hóa 2 cổng game này nhưng không được đồng ý.
Nguyên Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa vào khu vực xét xử
Sau đó, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu các ông Vĩnh, Hóa báo cáo về hoạt động của CNC nói chung và hoạt động hợp tác giữa CNC với Cty VTC liên quan 2 cổng game bài không phép.
Tuy vậy, ông Vĩnh không báo cáo theo yêu cầu, không chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, xử lý. Ngược lại, ông Vĩnh tiếp tục đề nghị Bộ TT&TT hợp pháp hóa game đánh bạc của CNC.
Dù Bộ TT&TT không đồng ý nhưng tướng Vĩnh vẫn ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định 2 cổng game do CNC và Cty VTC xây dựng đã được cấp giấy phép hoạt động.
Tháng 7/2016, Thượng tướng Lê Quý Vương tiếp tục yêu cầu các ông Vĩnh, Hóa báo cáo về hoạt động của CNC. Lúc này, 2 bị cáo mới yêu cầu CNC dừng hợp tác với Cty VTC, chấm dứt hoạt động của 2 cổng game.
Tiếp đến, tướng Hóa đề nghị và được tướng Vĩnh đồng ý cho điều tra, xử lý các cá nhân vi phạm tại các Cty CNC và VTC. Tuy nhiên, C50 đã không xây dựng kế hoạch, không điều tra xác minh nhằm đấu tranh với các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận hành game online đổi thưởng.
Sau vài ngày dừng hoạt động, tháng 9/2016, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương thống nhất đổi tên game bài Rikvip thành Tip.clup và cho hoạt động trở lại. Nhận tin, ông Hóa không tiến hành kiểm tra, xác minh và bác các yêu cầu điều tra từ cấp dưới.
Tháng 4/2017, Nguyễn Thanh Hóa chính thức ký văn bản dừng phối hợp với Cty CNC nhưng lúc này, CNC vẫn tổ chức đánh bạc. Vụ án bị phát hiện, ông Hóa đã chỉ đạo cấp dưới soạn công văn khống, lùi thời gian về ngày 12/10/2011 để Trung tướng Phan Văn Vĩnh ký, xác nhận nhằm né tránh trách nhiệm.
Quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa cho ông Hóa 22 tỷ đồng; cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD; chi 10 tỷ đồng tiền rượu trong một số bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát; cho C50 đúng 850 triệu đồng...
Theo Xuân Ân-Như Ý (Tiền Phong)
Luật sư: Ông Vĩnh không có quyền từ chối công khai bản án trên mạng Luật sư cho rằng việc tòa công khai bản án tại cổng thông tin điện tử không phụ thuộc vào ông Phan Văn Vĩnh. Sáng nay, tại phiên xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ tại TAND tỉnh Phú Thọ, chủ tọa thông báo khi kết thúc sẽ đăng bản án trên cổng thông tin...