2 công ty Ukraine cung cấp 54% thứ này toàn cầu nay phải dừng: Trung Quốc bất ngờ gặp thời
Chỉ 2 công ty từ Ukraine đã cung cấp từ 45% đến 54% neon cho thế giới; sau khi ngưng hoạt động thì đây là cơ hội tốt với Trung Quốc.
MẮT XÍCH QUAN TRỌNG
Ngành xe thế giới hiện đang phải đối mặt với một “đại nạn” kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên quy mô thế giới, đó là vấn đề về nguồn cung chip bán dẫn – linh kiện quan trọng đối với một thiết bị hoặc tính năng điện tử. Sắp tới đây, vấn đề này sẽ còn tiếp tục trầm trọng hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng cả tới các sản phẩm điện tử khác như điện thoại thông minh, máy tính xách tay.
Cụ thể, 2 nhà cung cấp khí neon hàng đầu của Ukraine là Ingas và Cryoin đã phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng từ vấn đề nóng giữa Nga và Ukraine. Theo thông tin từ Reuters thì từ 45% đến 54% khí neon dùng để sản xuất chip bán dẫn trên thế giới đều tới từ 2 công ty nói trên của Ukraine.
Khí neon đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất chip bán dẫn.
Vắng bóng nguồn cung từ Ukraine, mây đen sẽ phủ lên nhiều ngành trên toàn thế giới. Các nhà sản xuất chip bán dẫn phụ thuộc vào neon để kiểm soát tia laser, từ đó sản xuất ra chip (sẽ giải thích kỹ hơn ở dưới). Ở thời điểm hiện tại, liệu các nhà sản xuất này có đủ thời gian để xoay sở nguồn cung neon khác trước khi các kho dự trữ của họ trống trơn hay không vẫn là một dấu hỏi.
Các nhà sản xuất này và các nhà phân tích trên thế giới cho rằng họ có khoảng từ 1 đến 6 tháng xoay sở trước khi họ không còn gì để sản xuất. Và nếu như các nhà sản xuất này không thể sản xuất được chip, vấn nạn chip bán dẫn sẽ tiếp tục kéo dài thay vì kết thúc vào năm sau theo một số dự đoán. Thiếu chip đồng nghĩa với vật giá leo thang, giao hàng chậm và thiếu đi một số công nghệ tối quan trọng.
Ford từng phải cắt bỏ hệ thống điều hướng vệ tinh trên nhiều chiếc xe, lý do được cho là vì thiếu hụt chip bán dẫn.
Giáo sư Unni Pillao là giảng viên Kỹ thuật Nano (tạm dịch từ Nanoengineering) tại Viện Bách khoa Suny giải thích về vấn đề này: “Dù là đồ điện tử, ô tô, máy tính, điện thoại, máy bay hay bất kể thứ gì bạn có thể nghĩ tới đều có chip bán dẫn. Về lâu về dài, nếu như vấn đề không được giải quyết thì bạn có thể sẽ chẳng còn cơ hội mà mua những đồ kia nữa.”
Vấn đề khó giải của thiếu hụt chip bán dẫn này đang là một lời cảnh tỉnh, rằng chuỗi cung ứng công nghệ dàn trải khắp thế giới, qua đủ loại công ty / doanh nghiệp, và một số trong số đó thì lại chỉ tập trung tại một quốc gia. Các công ty có sản xuất phần cứng như Apple, Samsung hay Intel lại rất chuộng kiểu tập trung như vậy vì khi họ mua được sản phẩm của một bên thứ 3 chuyên trách của một sản phẩm thì nghĩa là họ đang được lợi về chi phí nhân công, lắp ráp nhưng lại có mức độ hiệu quả cao.
Video đang HOT
Sau khi vấn đề giữa Nga và Ukraine xảy ra, dây chuyền sản xuất này đã bộc lộ rõ điểm yếu, rằng chỉ “một cái hắt xì hơi cảm cúm thông thường” của một chi tiết cơ bản có thể khiến cả thế giới công nghệ gặp vấn đề. Trường hợp của neon chỉ là mới nhất, nhưng chưa chắc đã là cuối cùng.
NEON ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ LÀM GÌ?
Neon giúp các nhà sản xuất chip sử dụng tia laser hiệu quả.
Các nhà sản xuất chip thường không tự mình sản xuất neon. Dĩ nhiên, họ không thể không có neon khi neon giúp họ vận hành máy cắt laser dung sai siêu nhỏ (tức là siêu chính xác) để biến silicon (thành phần chính để sản xuất chip) thành vi mạch khiến máy tính hoạt động. Tia laser đóng vai trò quan trọng trong công đoạn tạm dịch là in thạch bản, sau khi các thanh trụ silicon được cắt thành các lát mỏng.
Các nhà sản xuất sử dụng tia laser để tạo các đường khắc siêu nhỏ và chi tiết trên mặt kính, từ đó bắt đầu quá trình biến một miếng silicon thành chip. Vì những con chip này rất nhỏ và nhằng nhịt, các nhà sản xuất cần kiểm soát chính xác bước sóng laser. Đây chính là lúc neon được sử dụng.
Không khí là một “mỏ” neon tự nhiên. Neon chiếm khoảng 0,0018% trong không khí.
Neon thực ra không dễ sản xuất. Nhà sản xuất sẽ sử dụng công nghệ phân tách chuyên dụng để trực tiếp lấy khí này từ trong không khí, hóa lỏng không khí ở nhiệt độ siêu lạnh để dễ dàng tách neon ra khỏi các chất khác, ví dụ như nitơ hay oxy. Vì khí neon chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong không khí, chỉ khoảng 0,0018%, nên cần “lọc” rất nhiều không khí để sản xuất đủ lượng neon cho ngành công nghiệp chip bán dẫn cần. Cách thức dễ nhất để có neon là tận dụng hệ thống máy móc đã sử dụng công nghệ cho mục đích tương tự, thường là những nhà máy thép từ thời Liên Xô.
Cách thức làm trên có thể lấy được neon ở dạng thô, nhưng các nhà sản xuất chip thì cần neon tinh khiết, và đó là lúc mà 2 công ty của Ukraine (Ingas và Cryoin) tham gia. Trước khi vấn đề nóng giữa Nga và Ukraine xảy ra, Nikolay Avdzhy (nhân sự cấp cao bộ phận thương mại của Ingas) tiết lộ với Reuters rằng Ingas sản xuất khoảng 15.000 đến 20.000 mét khối neon mỗi tháng, 75% trong số đó được dùng cho ngành sản xuất chip; trong khi đó, Laisa Bondarenko (giám đốc phát triển của Cryoin) chia sẻ với Reuters rằng Cryoin sản xuất khoảng 10.000 đến 15.000 mét khối mỗi tháng, không tiết lộ rõ bao nhiêu phần trăm trong số đó đi tới ngành chip.
TRUNG QUỐC CHỜ BẬT VỌT?
Theo chia sẻ của một chuyên gia trong ngành, Ukraine, Nga, Trung Quốc là “kiềng ba chân” của nguồn cung khí neon trên thế giới
Tuy nhiên, theo thông tin từ Reuters thì cả 2 nhà máy hiện đều đã dừng hoạt động. Đây có thể là một tin vui với Trung Quốc khi quốc gia này cũng là một trong những nhà sản xuất lớn trên thế giới.
Theo chia sẻ của Chen Zhina (Tổng giám đốc Changzhou Naxin Special Gases) trên tờ SCMP thì Trung Quốc có thể nâng thị phần khí neon của mình trên toàn cầu từ 30% lên đến 50% khi các nhà sản xuất tìm tới Trung Quốc để ổn định nguồn cung của chính họ. Theo ước tính của Chen Zhina thì trước khi vấn đề nóng xảy ra, nguồn cung neon từ Ukraine chiếm khoảng 40%, Nga là khoảng 30%, Trung Quốc gần như chiếm 30% còn lại.
Tuy nhiên, Laisa Bondarenko (nhân sự cấp cao tại Cryoin) cho biết rằng do vấn đề của Covid-19 nên giá neon đã tăng 500% kể từ tháng 12. Theo phản ánh của truyền thông Trung Quốc thì giá của neon (loại tinh khiết đến 99,9% – chưa phải loại tinh khiết nhất) đã tăng gấp 4 lần, từ 400NDT/mét khối hồi tháng 10/2021 lên đến 1.600NDT/mét khối vào tháng 2/2022.
Khi nguồn cung gặp vấn đề, các công ty khác có thể bắt đầu sản xuất neon, nhưng theo ông Richard Barnett (nhân sự cấp cao bộ phận Marketing tại Supplyframe) cho biết rằng sẽ cần tới từ 9 tháng đến 2 năm sản xuất. Một chuyên gia trong ngành khác thì cho rằng các công ty có thể sẽ không muốn đầu tư cho việc sản xuất neon nếu như họ cho rằng đây chỉ là vấn đề nhất thời.
Thị trường chip có thể đảo chiều nguy hiểm
Theo các nhà nghiên cứu của IDC Research, tình trạng thiếu chip trên phạm vi toàn cầu sẽ chấm dứt vào năm 2023 sau đó chuyển sang dư thừa nguồn cung.
Khi các nhà máy sản xuất bán dẫn tranh nhau tăng công suất, đáp ứng nhu cầu nhảy vọt trong lúc thiếu chip kéo dài, một số chuyên gia cảnh báo sự cân bằng cung - cầu sẽ đạt được vào năm 2023, sau đó có thể xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung.
Những dự đoán bi quan
"Quan điểm của chúng tôi là đến năm 2023 sẽ đủ nguồn cung để trở lại cân bằng ở một mức độ nào đó, hoặc thậm chí có thể thừa công suất", Gokul Hariharan, Trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, Truyền thông và Viễn thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại JP Morgan, nhận định trong cuộc trao đổi với SCMP.
Một đế silicon 300 mm tại nhà máy sản xuất chip Globalfoundries ở Dresden, Đức.
Tuy nhiên, ông cho rằng còn quá sớm để nói về thời điểm thị trường chip chuyển sang trạng thái dư thừa nguồn cung. Hariharan không nghĩ sẽ xảy ra khủng hoảng trên thị trường chip vào năm 2023 vì nhu cầu vẫn tương đối tốt, nhưng doanh thu của ngành này có thể giảm 2%.
Trong khi đó, các chuyên gia của hãng nghiên cứu thị trường IDC Research nêu dự đoán mạnh dạn hơn. Họ cho rằng có khả năng xảy ra tình trạng thừa công suất sản xuất chip vào năm 2023. "Việc mở rộng quy mô sản xuất bắt đầu tác động đến thị trường vào cuối năm 2022", báo cáo của IDC cho biết.
Tập đoàn TSMC đang xây dựng một nhà máy chip bán dẫn khổng lồ ở bang Arizona (Mỹ). Cách đây chưa lâu, Samsung công bố đầu tư 17 tỷ USD vào cơ sở tại Texas và sẽ đưa ra thị trường những con chip đầu tiên từ nửa cuối năm 2024.
Theo SCMP, ngành công nghiệp bán dẫn có tính chu kỳ, trong khoảng thời gian từ 4-6 năm. Bắt đầu với việc tăng trưởng mạnh ở thời điểm nhu cầu cao, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Điều này dẫn đến giá cả và doanh thu tăng cao.
Tuy nhiên, theo sau đó là giai đoạn suy thoái, tích tụ hàng tồn kho, khiến cho giá giảm, tăng trưởng doanh thu bằng không, thậm chí thua lỗ.
Theo Gartner, doanh thu của 10 công ty sản xuất chip bán dẫn hàng đầu, trong đó có Intel và Samsung, đã giảm 12% trong năm 2019 do thị trường DRAM xảy ra tình trạng cung vượt cầu và tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Ảnh hưởng từ Trung Quốc
Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc chạy đua gia tăng công suất sản xuất chip bán dẫn. Tập đoàn SMIC đang xây dựng 3 cơ sở lớn tại Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải.
Nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, SMIC, đang mở thêm nhiều cơ sở mới.
Trong vòng từ 3-5 năm tới, khi các nhà máy vận hành đầy đủ, dự kiến tổng công suất lên đến 240.000 đế silicon 12 inch mỗi tháng, tăng gần gấp đôi so với hiện tại.
Các nhà phân tích cho biết tính trạng căng thẳng trong chuỗi cung ứng bán dẫn tại Trung Quốc bắt đầu giảm bớt khi sức mua smartphone và xe hơi điện, 2 đối tượng sử dụng chip quan trọng, đã chậm lại.
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, doanh số bán ra smartphone quý III/2021 của Trung Quốc giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 76,5 triệu chiếc, do nhu cầu tiêu dùng yếu và tình trạng thiếu linh kiện.
Xie Ruifeng, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn công nghệ bán dẫn ICWise, trụ sở tại Thượng Hải, cho biết tình trạng thiếu hụt chip đã giảm bớt. Các nhà sản xuất smartphone bắt đầu hạn chế tích trữ chip trong bối cảnh doanh số bán ra chậm.
Bai Lei, nhân viên kinh doanh của một công ty thiết kế chip có trụ sở tại Thượng Hải, cũng nhận định tình hình chuỗi cung ứng đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu giảm, không phải vì tác động của việc tăng quy mô sản xuất chip. Do đó, có khả năng xảy ra tình trạng cung vượt cầu khi các nhà máy chip mới đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Thiếu hụt khí neon từ Ukraine, ngành chip Trung Quốc vượt khó ra sao? Mặc dù xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá trung bình của khí neon công nghiệp ở Trung Quốc tăng gần chín lần so với ba tuần trước và dấy lên nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, đây cũng được cho là một cơ hội tốt đối với đất nước này. Neon là loại khí quan trọng trong ngành công nghiệp...